Lào đánh giá cao sự hỗ trợ của Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 23/5, tại trụ sở Bộ Y tế Lào ở thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra lễ tổng kết, tri ân và trao giấy khen cho Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam sau thời gian sang hỗ trợ nước bạn Lào trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.
Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune (giữa) cùng các quan chức chụp ảnh lưu niệm với Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào
Tham dự có Phó Thủ tướng, Trưởng Ban quốc gia phòng chống COVID-19 Lào, ông Kikeo Khaykhamphithoune; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Bộ trưởng Y tế Lào Bounpheng Phoummalaysith, cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành của Lào.
Tại buổi lễ, Trưởng Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ, Vương Ánh Dương đã báo cáo với lãnh đạo Lào về kết quả làm việc thực tế tại tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet và thủ đô Viêng Chăn kể từ ngày 11/5 đến nay. Theo đó, trong những ngày qua, Đoàn đã có các chuyến khảo sát thực địa về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng, xã có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao; cơ sở cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện điều trị ca bệnh nhẹ; bệnh viện điều trị ca bệnh nặng; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân. Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sĩ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bên cạnh việc đánh giá cao công tác phòng dịch quyết liệt với sự tham gia đồng bộ của các hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền từ trung ương đến địa phương của Lào, Đoàn cũng thẳng thắn chỉ ra 5 nguy cơ lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch gồm nguy cơ các ca COVID-19 xâm nhập với các biến chủng mới có khả năng lây lan cao và thời gian ủ bệnh kéo dài như biến chủng B.1.1.7 hay B.1.615; Nguy cơ có thể từ các ca bệnh tại cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà; Nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế; Nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện; Nguy cơ đến từ năng lực hạn chế của bạn Lào trong việc thu dung, quản lý điều trị ca bệnh.
Trưởng Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ, Vương Ánh Dương báo cáo lãnh đạo Lào tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào
Để giúp công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của nước bạn Lào được hiệu quả hơn, Đoàn đề xuất 5 kiến nghị với Lãnh đạo Lào với từng đầu mục chi tiết về thời gian đáp ứng chống dịch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao năng suất xét nghiệm, bảo đảm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện và từ bệnh viện ra bên ngoài và nâng cao năng lực thu dung, quản lý điều trị COVID-19.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune đã bày tỏ đánh giá cao sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Đảng Nhà nước và nhân dân Việt Nam không chỉ hỗ trợ tiền và các thiết bị y tế cho Lào, mà còn cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ Lào trong thời điểm nước này đang phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng. Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune nhấn mạnh đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang ngày càng tăng cường và không ngừng phát triển.
Phó Thủ tướng Kikeo cũng nhiệt liệt khen ngợi những thành tích và kết quả mà Đoàn chuyên gia đã làm được trong việc hỗ trợ Lào trong hơn 10 ngày qua; khẳng định sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế Việt Nam đã giúp Lào có thể ứng phó và kiểm soát tốt hơn sự lây lan của đại dịch và giúp từng bước giảm số bệnh nhân COVID-19 ở Lào.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, Phó Thủ tướng Kikeo chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn kề vai sát cánh, quan tâm và dành sự hỗ trợ hiệu quả chí nghĩa, chí tình cho Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào; bày tỏ tin tưởng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào sẽ tiếp tục được củng cố và ngày càng đơm hoa kết trái.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng tin tưởng rằng những kết quả đạt được của Đoàn là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng để đưa ra các kiến nghị đối với Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19″ giữa hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Đại sứ cũng chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Lào đã hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam làm việc hiệu quả trong thời gian qua.
Để ghi nhận đóng góp của Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Y tế Lào Bounpheng Phoummalaysith đã trao giấy khen cho các thành viên Đoàn đã có công hỗ trợ Lào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 những ngày qua.
Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Lào. cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó chỉ có 4 ca nhiễm cộng đồng, còn lại đều là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Mặc dù số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục giảm, song số bản và phường bị đưa vào danh sách “vùng đỏ” tại thủ đô Viêng Chăn tăng do phát hiện các ca nhiễm mới .
Đến ngày 23/5, toàn thành phố Viêng Chăn đã có 34 bản/phường thuộc 6 quận/huyện bị đưa vào danh sách “vùng đỏ”, theo đó phong tỏa nghiêm ngặt và người dân không được ra khỏi nhà.
Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.074 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 20/5
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 20/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 165.817.777 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.435.719 ca tử vong. Hiện 144.909.397 bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 17,47 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với 33.802.900 ca mắc, trong đó có 601.960 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.772.440 ca mắc, trong đó có 287.122 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm 276.110 ca mắc và 3.874 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận dưới 300.000 ca mắc/ngày và là ngày đầu tiên trong vài ngày qua số ca tử vong giảm xuống dưới mức 4.000 ca/ngày. Trong bối cảnh số ca mắc tại Ấn Độ vẫn ở mức cao, Chính phủ nước này dự kiến sẽ ra khuyến nghị mọi người đeo hai khẩu trang cùng lúc.
Tại châu Á, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 14 ca mắc mới ở nước này trong 24 giờ qua, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày được ghi nhận thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua, cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Lào tiếp tục có chiều hướng tốt hơn. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.751 ca nhiễm, trong đó gần 1.700 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Chính phủ Lào thông báo gia hạn áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 4/6 tới. Đây là lần thứ 2 Lào gia hạn phong toả nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại nước này.
Campuchia xác nhận 415 ca nhiễm mới tại nước này, trong đó có 4 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 23.697 ca. Hiện 15.700 người đã bình phục. Campuchia cũng ghi nhận tổng cộng có 164 ca tử vong. Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã quyết định gia hạn giới nghiêm trong thành phố thêm 1 tuần, từ ngày 20-27/5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kajang, Malaysia, ngày 8/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 6.806 ca mắc, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca mắc trong một ngày ở mức cao chưa từng thấy. Trước đó, ngày 19/5, Malaysia thông báo 6.075 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Trong 24 giờ qua, Sri Lanka đã ghi nhận 3.591 ca mắc mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Bộ Y tế Sri Lanka cho biết hầu hết những ca mắc mới xuất phát từ một ổ dịch mới ghi nhận sau lễ hội đón Năm mới Tamil vào tháng 4 vừa qua. Tổng số ca mắc tại Sri Lanka là 150.771 ca, trong đó có 1.051 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 646 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 134.117 ca. Con số này thấp hơn so với mức 654 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn trên ngưỡng 600 ca/ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.916 ca.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 1.339 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ hai theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở đảo quốc này hồi tháng 3 năm ngoái. Con số trên nâng tổng số ca mắc tại Cuba lên 128.094 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 834 ca.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Colombia thông báo chính phủ nước này đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới trên bộ, đường sông và đường biển với các nước láng giềng Brazil, Ecuador, Peru và Panama. Các cửa khẩu này đã tạm ngừng hoạt động từ năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Tại châu Âu, chính phủ một số nước đã cho phép nối lại hoạt động kinh tế sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ Áo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo đó mở cửa trở lại các nhà hàng và quán bar sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng này chỉ áp dụng đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hay đã phục hồi sau khi mắc căn bệnh này.
Khoảng 50.000 chuyên gia du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã hội tụ tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha trong trong hội chợ kéo dài 5 ngày. Đây là hội chợ du lịch đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp giữa đại dịch COVID-19 ở châu Âu.
Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 19/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Còn người dân Pháp đã vỡ òa niềm vui sướng khi họ lại có thể ăn uống ngoài trời tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, cũng như thực hiện các chuyến thăm bảo tàng, đến các rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị "trói chân". Theo kế hoạch, sau giai đoạn 2 nới lỏng phòng dịch này, Pháp sẽ mở cửa nền kinh tế hoàn toàn vào ngày 30/6 tới.
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo những thành tựu bước đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại khu vực hiện vẫn mong manh, đồng thời lưu ý người dân nên tránh đi du lịch nước ngoài. Quan chức WHO lưu ý nhiều ổ dịch nhỏ hiện nay ở châu Âu hoàn toàn có thể lây lan nhanh chóng.
Bên cạnh đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn, hiện xuất hiện tại ít nhất 26/53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu theo cách phân chia khu vực của WHO. Mặc dù vậy, ông khẳng định các loại vaccine hiện hành có hiệu quả chống lại biến thể mới này.
Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất trong 10 tháng Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 13/5 thông báo nước này ghi nhận 32 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 24 ca mắc trong cộng đồng. Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN Đây là số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể...