Lào Cai ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore
Chiều 27/9, Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương đã ghi nhận 1 trường hợp người dân ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn “ăn thịt người”).
Ngành Y tế Lào Cai khuyến cáo người dân vùng lũ cần có biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp trước nguy cơ gia tăng bệnh Whitmore sau lũ.
Ca bệnh được xác định vào ngày 26/9. Trước đó, bệnh nhân tham gia dọn bùn đất sau lũ nhưng không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ho ít, sau đó tăng dần kèm theo đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Bệnh nhân vào viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám bệnh, sau đó được chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.
Lúc vào viện, bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, rải rác mụn mủ ở 2 chân, cánh tay và lưng, hội chứng nhiễm trùng dương tính; được làm các xét nghiệm máu, cận lâm sàng, lấy mẫu vi khuẩn nuôi cấy và định danh bằng hệ thống tự động.
Video đang HOT
Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có các đám tổn thương rải rác ở 2 phổi, tràn dịch màng phổi phải, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei ( vi khuẩn ăn thịt người, gây bệnh Whitmore). Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nên đã được chuyển về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Whitmore (tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.
Theo ngành Y tế Lào Cai, đầu tháng 9/2024, địa phương bị ngập lụt nặng nề sau bão số 3, chính vì vậy nguy cơ người dân mắc bệnh Whitmore có thể gia tăng nếu không có các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp. Whitmore là bệnh chưa có vaccine dự phòng đặc hiệu. Để phòng bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín, uống chín…
Trong tháng 8-9/2024, một số bệnh viện trong nước cũng ghi nhận ca mắc bệnh Whitmore.
Bác sĩ đưa ra cảnh giác về 'khuẩn ăn thịt người' vào mùa mưa
Trước khi nhập viện 3 ngày, ông N.V.C (59 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) sốt cao, người lừ đừ, đau vùng lưng nhiều hơn, không tự đi lại được, các hoạt động sinh hoạt cá nhân phải có người hỗ trợ.
Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy, ông C. bị mắc "vi khuẩn ăn thịt người", đây là loại vi khuẩn thường xuất hiện vào mùa mưa.
Ngày 24/8, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Mỹ Châu, Đơn vị Nhiễm, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ đã cho bệnh nhân C. cấy máu, kết quả xác định vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, hay gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng.
Sau 4 tuần điều trị, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống của bệnh nhân cho thấy, vi khuẩn này đã gây tổn thương và viêm xung quanh cột sống, kèm theo các ổ áp xe trong cơ thắt lưng chậu hai bên, trong đó có ổ áp xe lớn nhất ở bên trái với kích thước 46x15x36mm. Ngoài ra, vi khuẩn còn làm tổn thương lan vào khoang ngoài màng cứng, gây áp lực lên mặt trước bao màng cứng; thậm chí gây áp xe trong tiền liệt tuyến.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Châu cho biết, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" gây ra bệnh Whitmore, vốn xuất hiện rải rác quanh năm nhưng thường tăng cao và phát triển phức tạp hơn vào mùa mưa. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 10 trường hợp; trong đó vào 3 tháng gần đây, vốn là vào mùa mưa tại khu vực phía Nam, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp.
Vi khuẩn này thường sống trong môi trường đất ẩm tự nhiên, đặc biệt là lớp đất cách bề mặt 20 - 40 cm; có khả năng gây viêm mạnh mẽ, dẫn đến tổn thương mô và các cấu trúc xung quanh, bao gồm cả đĩa đệm và đốt sống.
Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu là do các vị trí da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, hoặc người bệnh hít phải các hạt bụi đất nhiễm khuẩn. Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân...
Theo bác sĩ Mỹ Châu, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng và dẫn đến áp xe nhiều cơ quan cũng như viêm đĩa đệm, làm giảm khả năng chịu lực và độ bền của chúng. Viêm có thể gây ra đau và hạn chế cử động. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm cột sống, làm tổn thương các đốt sống và mô xung quanh, thậm chí trường hợp nặng có thể gây hoại tử xương.
Bệnh có thể không có biểu hiện lâm sàng cụ thể và thường giống các dạng viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và viêm khớp dạng thấp khác. Các đặc điểm nổi bật trong viêm khớp nhiễm trùng là sưng, đau, đỏ và nóng xung quanh khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
"Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Những người có bệnh lý nền như tiểu đường, nghiện rượu, sử dụng corticoid dài ngày, mắc bệnh phổi và thận mạn tính... thường có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường. Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh giữa người và động vật", bác sĩ Châu thông tin thêm.
Theo bác sĩ Mỹ Châu, các cuộc điều tra môi trường gần đây cho thấy, hơn 80% mẫu đất ở miền Nam Việt Nam dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Do đó, người dân nên sử dụng thiết bị bảo hộ (như ủng, găng tay) và băng bó vết thương hở, vết cắt hoặc vết bỏng nếu phải tiếp xúc gần với đất, nước. Những người có nguy cơ cao nên tránh ra ngoài sau khi mưa lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Whitmore.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, mọi người cần thường xuyên rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Khi người bệnh có những biểu hiện sốt cao dài ngày, nhiễm trùng da, mô mềm, viêm phổi, đau bụng, đau lưng, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn kỹ thuật cao để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Người đàn ông trẻ Làng Nủ nguy kịch do hội chứng vùi lấp Nam bệnh nhân 31 tuổi ở Làng Nủ vào viện trong tình trạng nguy kịch, phế quản nhiều bùn đất, dị vật. Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết 0h30 ngày 12/9, đơn vị tiếp nhận 2 nạn nhân trong vụ sạt lở ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai....