Lào ban hành quy định xuất, nhập cảnh tạm thời
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, tại cuộc họp báo chiều 9/5, Bộ Y tế Lào cho biết tính tới chiều 8/5, nước này vẫn chỉ có 19 ca nhiễm COVID – 19, nâng tổng số ngày không có bệnh nhân mới lên 27 ngày liên tiếp, trong đó có 14 ca đã được chữa khỏi.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Liên quan tới đại dịch này, Bộ Ngoại giao Lào vừa ban hành hướng dẫn số 1342 về xuất-nhập cảnh Lào trong giai đoạn COVID-19. Văn bản nêu rõ do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục đóng các cửa khẩu đường bộ và hàng không, do vậy mọi cá nhân muốn xuất nhập cảnh Lào phải tuân thủ một số quy định và yêu cầu cụ thể.
Đối với những trường hợp muốn nhập cảnh Lào, các cá nhân phải làm đơn, ghi rõ thông tin thời gian, phương tiện, quốc gia cần quá cảnh, lý do cấp thiết cần nhập cảnh Lào và nộp lên Ủy ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ Ngoại giao Lào. Trong trường hợp được chấp thuận nhập cảnh, các cá nhân liên quan phải làm thủ tục xin thị thực tại cơ quan ngoại giao của Lào ở quốc gia sở tại. Nếu thị thực đang còn thời hạn thì có thể tiến hành nhập cảnh vào Lào như bình thường. Bên cạnh đó, người muốn nhập cảnh vào Lào phải có giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 do các cơ quan y tế có thể xác minh chính thống cấp trong vòng không quá 72 giờ. Sau khi nhập cảnh, các cá nhân phải trải qua quy trình sàng lọc y tế và xét nghiệm, nếu có triệu chứng bất kỳ sẽ được đưa đi cách ly tại bệnh viện để theo dõi, nếu không sẽ phải thực hiện chế độ cách ly 14 ngày tại các điểm cách ly do nhà nước Lào quy định.
Video đang HOT
Đối với các trường hợp cá nhân muốn xuất cảnh mà có cơ quan ngoại giao tại Lào (Đại sứ quán, Lãnh sự quán), cần đăng ký nguyện vọng xuất cảnh và phải chấp hành các biện pháp, quy định của nước muốn nhập cảnh. Tiếp đó, cơ quan ngoại giao của quốc gia đó phải làm công văn đề nghị đến Bộ Ngoại giao Lào, bao gồm danh sách tên, số hộ chiếu, thời gian, cửa khẩu sẽ xuất cảnh, phương tiện sử dụng và các thông tin cần thiết để được xem xét và tạo điều kiện hỗ trợ.
Văn bản hướng dẫn có hiệu lực đến ngày 17/5 này cũng cho biết Chính phủ Lào cho phép công dân nước này xuất cảnh với điều kiện phải được quốc gia đích đến cho phép và cam kết chấp hành các quy định, luật pháp của quốc gia đó.
Do Lào và Việt Nam đều đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống sự lây lan của dịch COVID – 19, nhiều cán bộ, công nhân và chuyên gia Việt Nam đang công tác tại Lào hiện vẫn kẹt tại Việt Nam chưa thể sang Lào. Ở chiều ngược lại, rất đông lưu học sinh Lào về nước nghỉ từ dịp Tết cổ truyền của Việt Nam cũng đang rất sốt ruột nhưng chưa thể quay lại dù các trường học tại Việt đã mở cửa trở lại.
Tin tặc tấn công trường đại học để đánh cắp nghiên cứu virus corona
Các trường đại học nghiên cứu vắc-xin chống virus corona tại Anh đang trở thành mục tiêu mới của tin tặc.
Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) đã cảnh báo rằng các trường đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học của nước này đang phải hứng chịu một làn sóng tấn công nhằm đánh cắp các nghiên cứu về virus corona.
Theo tờ Người Bảo vệ (The Guardian) đưa tin, NCSC cho biết các tác nhân đe dọa do nhà nước tài trợ đang tập trung nhằm vào các thông tin liên quan đến virus corona bao gồm nghiên cứu vắc-xin. Đây là lĩnh vực mà các nhà khoa học trên toàn thế giới đang tăng tốc nghiên cứu để thử nghiệm và phát triển thuốc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19.
Các nhóm tấn công được cho là có sự hậu thuẫn nhà nước đã tập trung vào dữ liệu nghiên cứu quý giá, trong đó các trường đại học, phòng nghiên cứu của Anh được nhắm tới nhiều nhất.
NCSC đã gọi hoạt động bất hợp pháp này là "đáng trách". Tuy nhiên, tỷ lệ các cuộc tấn công mạng tập trung vào các mục tiêu của Anh vẫn không tăng đột biến trong thời gian bùng phát Covid-19.
Tội phạm mạng tập trung vào hoạt động gián điệp và đánh cắp thông tin có giá trị, bao gồm dữ liệu khách hàng, các hồ sơ ngân hàng và các bộ dữ liệu có giá trị về mặt chính trị hoặc tài chính.
Đại dịch virus corona đã thúc đẩy việc nghiên cứu vắc-xin và bất cứ quốc gia nào tạo ra bước đột phá đều có thể có lợi về mặt tài chính. Do đó, việc nghiên cứu về virus corona dường như đã trở thành cuộc đua đầy tính cạnh tranh - và không chỉ dành cho các nhà khoa học.
Vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ Anh đã "tập trung mọi nguồn lực" vào việc phát triển vắc-xin chống Covid-19, cam kết dành hơn 40 triệu bảng (49 triệu USD) cho các trường đại học bao gồm Đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London. Cả hai trường đều đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển một loại vắc-xin khả thi.
Đại học Oxford đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ở người, trong khi Đại học Hoàng gia London và Đại học Bristol đều hy vọng sẽ sớm đạt được cột mốc này. Nếu thành công, việc phân phối quy mô rộng sẽ là thách thức tiếp theo. Để đạt được điều này, Đại học Oxford đã hợp tác với công ty dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca có trụ sở tại Anh để sản xuất vắc-xin và phân phối quy mô lớn.
Đại học Oxford nhận thức được các nỗ lực tấn công - hiện cho tới nay vẫn chưa có báo cáo nào về các xâm phạm. Một phát ngôn viên của Đại học Oxford đã cho tờ Người bảo vệ biết rằng: "Đại học Oxford đang hợp tác chặt chẽ với NCSC để đảm bảo nghiên cứu về Covid-19 được bảo mật và bảo vệ tốt nhất có thể".
Lào tiếp tục đóng các cửa khẩu quốc tế Chính phủ Lào tiếp tục đóng các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu địa phương đến ngày 17/5/2020 Ngày 2/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào ra công văn thông báo về việc Chính phủ Lào tiếp tục đóng các cửa khẩu quốc tế để phòng chống dịch. Kiểm tra sức khỏe cho công dân Việt Nam từ...