Lạnh người nghe sát thủ mafia Mexico kể chuyện thủ tiêu 30 người
Sau khi thủ tiêu 30 người Mexico, tên sát thủ máu lạnh của băng đảng mafia kể lại “công việc” của mình mà không tỏ ra bất cứ sự ăn năn hối hận nào.
Tên sát thủ kể cho phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ) biết về việc hồi y 20 tuổi, y đã lần đầu làm cho một người đàn ông “biến mất”. Chỉ 9 năm sau đó, y đã trừ khử tổng cộng 30 người – có lẽ chỉ có 3 người là bị y giết nhầm.
Gương mặt trùm len của sát thủ mafia Mexico được AP phỏng vấn. Ảnh: AP.
Đôi lúc y cảm thấy có lỗi về những gì mình làm nhưng y cho biết mình không hề hối tiếc, bởi theo lời y thì y chỉ đang cung cấp một dạng “dịch vụ công” – bảo vệ cộng đồng mình trước những kẻ ngoại lai. Mọi thứ sẽ tệ hơn nhiều nếu các đối thủ nắm quyền kiểm soát.
Gã sát thủ nói: “Có nhiều lần mà nơi bạn ở, thành phố quê hương của bạn bị xâm chiếm bởi những kẻ mà bạn nghĩ sẽ gây tổn thương cho gia đình bạn và cộng đồng của bạn. Khi đó bạn phải tự hành động vì chính quyền sẽ không đứng ra giúp bạn”.
“Mất tích” mãi mãi
Gã mafia này hoạt động dọc theo khu vực Costa Grande thuộc bang Guerrero nằm ở tây nam Mexico – khu vực có đất đai màu mỡ mà người ta thường sử dụng để trồng cây heroin và cần sa. Nhiều vùng đất rộng lớn thuộc bang này nằm dưới quyền kiểm soát hoặc bị tranh giành giữa các nhóm mafia chuyên buôn thuốc phiện sang thị trường Mỹ.
Báo cáo cho hay, hơn 1.000 người đã bị mất tích ở Guerrero từ năm 2007 – con số này người ta tin là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Công chúng biết đến cảnh ngộ của những người mất tích và gia đình họ sau khi 43 sinh viên đại học bị cảnh sát bắt giữ rồi sau đó biến mất khỏi thành phố Iguala của bang Guerrero. Vụ việc đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc. Sau vụ 43 sinh viên này, đột nhiên có hàng trăm gia đình trong vùng này ra trình báo về các nạn nhân bị bắt cóc. Họ kể về việc con cái hoặc vợ/chồng của họ bị gí súng và bắt cóc ra khỏi nhà hoặc những trường hợp bỏ nhà ra đi rồi không thấy trở về nữa.
Trở lại với gã sát thủ nhận trả lời phỏng vấn của AP – câu chuyện của y là tấm gương nhỏ phản chiếu những gì được kể lại bởi các nạn nhân sống sót và gia đình của họ. Những gì hắn kể dường như xác nhận điều mà họ sợ nhất: Rất nhiều trường hợp nạn nhân biến mất và không bao giờ trở về nhà nữa.
Phóng viên AP hỏi: “Anh đã làm cho ai biến mất chưa?”
“Rồi”, y trả lời.
Ở Mexico và những nơi hay xảy ra nạn bắt cóc, ngôn từ địa phương tương ứng với từ disappeared (tiếng Anh) thường là một ngoại động từ cũng như một tính từ miêu tả ý mất tích. “Làm biến mất ai đó” có nghĩa là bắt cóc, tra tấn, sát hại, rồi vứt xác của nạn nhân ở một nơi nào đó để không ai có thể tìm ra được.
Gã sát thủ cho biết, cho đến nay, chưa có ai trong số các nạn nhân của hắn được người khác tìm thấy.
Thu xếp phỏng vấn
Trong nhiều tháng ròng, hãng AP cố gắng tiếp cận các nguồn tin có liên hệ với các tên trùm mafia để tìm kiếm một cuộc phỏng vấn với một kẻ nào đó thực hiện hành vi giết người theo lệnh của chúng.
Sát thủ mafia Mexico trong câu chuyện của AP. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Cuối cùng các “bố già” giới thiệu gã thanh niên 29 tuổi này, với điều kiện hãng AP phải che giấu danh tính của hắn, tổ chức của hắn và thị trấn nơi hắn và phóng viên gặp gỡ nhau. Hắn sẽ trùm kín mặt khi xuất hiện trước camera, còn giọng nói của hắn sẽ phải bị tác động về mặt kỹ thuật để không xác định được danh tính nữa. Ngoài ra, một thủ lĩnh mafia sẽ có mặt trong suốt quá trình này.
Mặc quần jeans và áo phông rằn ri, sát thủ trông trẻ hơn cái tuổi 29 của y. Gã đội một chiếc mũ bóng chày mang hình tên Guzman – trùm nhóm mafia Sinaloa, và dòng chữ “tù nhân 3578″ – con số của Guzman ở trong tù trước khi y trốn thoát khỏi một nhà tù rồi được tung hô như một anh hùng.
Gã sát thủ này không làm việc cho trùm mafia Guzman. Y không tự xem mình là kẻ xấu. Y nói mình không giống những kẻ khác, vì có những tiêu chuẩn riêng: Y không giết phụ nữ và trẻ em. Y không bắt nạn nhân tự đào mộ cho chính họ. Y nuôi gia súc để kiếm sống và không coi bản thân mình là một kẻ buôn ma túy hay một sát thủ chuyên nghiệp, dù cho y nhận tiền để làm “biến mất” người khác. Dẫu thừa nhận những gì mình làm là bất hợp pháp, y cho biết y đang bảo vệ người dân của mình trước bạo lực của các băng đảng mafia khác.
Sát thủ mang theo một chiếc túi có dây quàng trước ngực. Trong chiếc túi đựng một số máy bộ đàm và điện thoại di động. Trong số thiết bị đó, có một chiếc y dùng để nhận các cuộc gọi hoặc ra lệnh. “Muevanse” y nói (tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là tiếp tục chuyển động), hay “Esperense ahí” – đợi đó.
Trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, y đặt chiếc túi sang một bên rồi đội mũ len trùm kín đầu (chỉ hở mắt). Y ngồi trong chiếc ghế bằng nhựa.
Động cơ sát nhân
Sát thủ giãi bày, có nhiều lý do khiến cho ai đó bị thủ tiêu. Có thể người đó thuộc về một băng đảng đối thủ hoặc mắc tội tiết lộ thông tin cho ai đó. Nếu một người nào đó bị coi là một mối nguy an ninh vì một lý do nào đó, anh ta cũng có thể bị cho về chầu diêm vương. Một số bị bắt cóc đòi tiền chuộc nhưng gã sát thủ cho hay, mình không làm vì mục đích này.
Mỗi vụ bắt cóc bắt đầu bằng việc định vị mục tiêu. Nơi tốt nhất là ở nhà, vào lúc sáng sớm, “khi mọi người còn ngái ngủ”. Nhưng đôi lúc nạn nhân bị bắt cóc ở ngay nơi công cộng. Nếu mục tiêu không có vũ khí, chỉ cần 2 gã đàn ông là đủ tóm được con mồi. Nhưng nếu đối tượng có vũ khí thì sẽ phải cần thêm người.
Nạn nhân sau đó sẽ được đưa tới một nơi an toàn hoặc đưa sâu vào trong rừng để không ai nghe thấy tiếng kêu của anh ta khi mafia tiến hành tra tấn để moi thông tin.
Gã sát thủ tựa trán lên thành ghế và đưa hai bàn tay lên trên đầu gối khi y mô tả lại cảnh tra tấn. Y nêu ra 3 phương pháp: Đánh đập, Trấn nước (tạo tình trạng như bị đuối nước bằng cách đắp vải lên mặt và mũi của nạn nhân rồi rót nước lên trên), và Chích điện vào tinh hoàn, lưỡi và gót chân.
Gã sát thủ cho biết, y không hề qua lớp đào tạo về tra tấn mà tự học trong thực tế. “Theo thời gian, bạn sẽ biết cách làm cho người ta đau đớn và moi được thông tin mình cần”.
Công việc này thường mất một đêm. “Trong số những người có thông tin bạn cần, 99% sẽ phun ra thông tin đó cho bạn”.
Sát thủ đội mũ bóng chày có ghi tên trùm ma túy Guzman. Ảnh: AP.
Điều khủng khiếp là sau khi có được thông tin, gã sát thủ sẽ ra tay giết luôn nạn nhân. “Thường thường là bằng súng”.
Có một vấn đề mà y gặp phải, đó là những người bị tra tấn đôi khi khai các thông tin bịa. Y nói: “Họ làm vậy với hy vọng sẽ không bị tra tấn nữa. Họ nghĩ rằng đây là cách để thoát khỏi trạng thái đó”.
Gã sát thủ kể, có thể mình đã bị lừa 3 cú, khiến hắn giết nhầm người.
Những người bị mafia giết được chôn cất tại các khu mộ bí mật, bị vứt xuống biển hoặc đem thiêu. Nếu tổ chức của y muốn gửi thông điệp dằn mặt băng đảng khác thì thi thể bị tra tấn của nạn nhân sẽ bị vứt ra giữa nơi công cộng. Nhưng gã bảo, trong 30 người bị gã làm cho biến mất, ai cũng được mai táng chu tất.
Không dám trình báo
Theo con số chính thức, có 26.000 người Mexico được thông báo là mất tích trên toàn lãnh thổ Mexico kể từ năm 2007. Trong số này, chỉ có hơn 1.000 người là ở bang Guerrero. Nhưng các quan chức nhân quyền cũng như kinh nghiệm từ các gia đình nạn nhân ở khu vực Iguala chỉ ra rằng hầu hết người dân đều sợ trình báo các vụ bắt cóc, đặc biệt là ở những nơi mà cảnh sát và quan chức địa phương bị tố là cấu kết với các băng đảng mafia. Chẳng hạn, con số chính thức người bị mất tích ở vùng Costa Grande là 24, trong khi sát thủ mà AP phỏng vấn lại cho biết, y giết hại tới 30 người.
Gã sát thủ tâm sự: “Vấn đề thủ tiêu này nó có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì mà nhiều người vẫn nghĩ”.
Gã mới chỉ học hết tiểu học. Gã muốn học tiếp lên nhưng hồi còn bé, ở thị trấn của hắn không có trường trung học nào. Gã nói: “Hồi đó tôi thích học ngoại ngữ, đi du lịch ở nhiều nơi và nhiều nước khác.”
Một số thanh niên ở vào hoàn cảnh của hắn sẽ nghiện ma túy, nhưng hắn bảo hắn không vậy. Y giải thích: “Khi nghiện ma túy, con người ta sẽ không là chính mình nữa. Sẽ mất tự chủ, không còn khả năng phán xét”.
Gã sát thủ cho biết, không ai ép gã gia nhập tổ chức mafia. Cha mẹ, anh chị em của hắn không biết hắn làm gì nhưng hắn nghĩ chắc họ đoán được qua việc hắn lúc nào cũng kè kè một khẩu súng ngắn cỡ nòng “.38″ và một khẩu AK.
Hắn chưa vợ con. Mặc dù muốn lập gia đình nhưng hắn biết tương lai mình rất mịt mờ. Hắn nói: “Tôi không đoán trước được tương lai của mình. Tôi không nghĩ mình có thể lập kế hoạch cho mình trong tương lai, vì không biết trước được điều gì sẽ xảy ra với mình nay mai. Đời tôi nhiều bất trắc lắm”.
“Mua” cảnh sát và quan chức
Cuộc sống ở nơi tranh giành khốc liệt giữa các băng đảng ma túy hiếm khi dễ chịu. Trong nhiều năm liền, nhóm mafia Sinaloa của gã trùm Guzman đã kiểm soát việc sản xuất ma túy, việc tiếp cận bờ biển và các tuyến buôn lậu ở Guerrero. Anh em nhà Beltran Leyva đã làm mưa làm gió cho đến khi chính phủ Mexico tiêu diệt được tên Arturo Beltran Leyva trong một cuộc đấu súng vào tháng 12/2009. Sau “triều đại” Beltran Leyva, hoạt động kinh doanh thuốc phiện và cần sa ở bang này được chia lẻ ra cho khoảng 5-6 băng đảng có quy mô nhỏ hơn, trong đó có các băng Guerreros Unidos, los Rojos, Los Granados và La Familia.
Ngoài buôn lậu ma túy, một số nhóm mafia Mexico còn tiến hành bảo kê ăn tiền và buôn người vào Mỹ. Nếu cần, chúng có thể “mua” các chính trị gia và cảnh sát để bảo đảm việc làm ăn được xuôi chèo mát mái. Chúng cũng không ngại ra tay trừ khử những ai không chịu hợp tác.
Bạo lực gia tăng khi các băng đảng này đánh nhau để tranh giành lãnh địa hoặc khi quân đội Mexico mở các chiến dịch truy quét chúng.
Các chiến dịch quân sự này nhiều khi cũng không hiệu quả cho lắm.
Trong các năm gần đây, cư dân ở một số thành phố thị trấn của Mexico đã tự cầm súng để bảo vệ mình trước các băng đảng mafia. Thế nhưng, có một số vụ, giới chức lại tố các đội “dân phòng” này đã liên minh với các băng đảng đối thủ và bề ngoài thì giả làm nhóm tự vệ để thêm phần chính danh.
Các giới chức địa phương nói với AP rằng một vài băng đảng ở bang Guerrero, bao gồm cả ở vùng Costa Grande, ra vẻ là các nhóm tự vệ nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ dân địa phương.
Còn gã sát thủ trong câu chuyện đang kể thì tự nhận rằng mình không phải là “dân phòng” kiểu đó. “Tôi chỉ là một thành viên của nhóm tự trị bảo vệ làng xóm, người dân của mình”.
Y thừa nhận nếu bị bắt thì sẽ bị trừng phạt. Y phân trần: “Đối với họ, việc giết người này là không biện minh được theo các luật lệ ở đây, nhưng lương tâm của tôi – nói thế nào nhỉ – đây là điều mà tôi có lý do chính đáng, vì tôi bảo vệ gia đình tôi. Nếu không hành động thì một băng đảng đối thủ sẽ ra tay kinh khủng hơn”.
Gã sát thủ nói mình sợ chết, nhưng điều hắn sợ nhất là bị một băng đảng đối nghịch bắt được. “Nếu chết trong lúc đấu súng thì còn sướng hơn là bị bắt”./.
Trung Hiếu Dịch từ AP
Theo_VOV
Vì sao "xã hội đen" hợp pháp ở Nhật?
Mafia Nhật Bản hoạt động theo cách châu Âu hay Mỹ cảm thấy không thể tin được. Các tạp chí, truyện tranh, phim ảnh vẫn tung hô những anh hùng xã hội đen. Những ông trùm khét tiếng không khác gì ngôi sao hạng A.
Băng đảng Yamaguchi, một trong những băng nhóm hung tợn và lớn nhất toàn cầu có thu nhập hằng năm ước tính đạt 6 tỉ đôla từ thuốc phiện, bảo kê, cho vay nặng lãi và kể cả thị trường chứng khoán Nhật.
Hình ảnh thường thấy của yakuza Nhật: Xăm kín người!
Năm nay có hơn 2.000 thành viên trong tổng số 23.400 người rời khỏi băng nhóm khiến cảnh sát Nhật bị đặt vào tình trạng báo động. Họ sợ rằng một cuộc thanh trừng giữa các phe cánh đối lập như thập niên 1980 sẽ lại xảy ra một lần nữa.
Các thành viên của tổ chức yakuza - mafia Nhật Bản - ở một chừng mực nào đó vẫn vô tội trước pháp luật. Tìm kiếm một băng đảng khét tiếng cũng không khó khăn gì ở đất nước Mặt trời mọc.
Yakuza đặt trụ sở chính ngay tại con phố mua sắm Ginza nổi tiếng. Miếng kim loại khắc dòng chữ Sumiyoshi-kai ở cửa cho biết đây là nơi một băng nhóm yakuza khét tiếng không đang cư ngụ. Tất cả các thành viên đều có card visit và đăng kí với cảnh sát đàng hoàng. Một số thậm chí còn có cả lương hưu hay trợ cấp.
Các thành viên yakuza với hình xăm phủ toàn bộ cơ thể
Yakuza xuất thân từ những kẻ trộm cắp và cờ bạc từ thời Edo (năm 1603-1868) rồi trở thành một hệ thống tội phạm toàn quốc. Trong thời kì hiện đại hóa nước Nhật, chúng thâm nhập thậm chí còn sâu hơn vào nền kinh tế. Sau Thế chiến thứ hai, yakuza phất lên nhanh chóng ở thị trường chợ đen.
Thời đỉnh cao năm 1960, tổ chức tội phạm này có trên 184.000 thành viên. Yakuza thời điểm đó có liên hệ mật thiết với các chính trị gia bảo thủ và từng được đảng Dân chủ tự do LDP sử dụng như một con bài khắc chế các phe cánh tả. Mối quan hệ đó đến này vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn.
Chính lịch sử lâu đời này phần nào giải thích vì sao yakuza vẫn không bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, dưới sức ép khi Mỹ muốn Nhật kiểm soát mạnh tay hơn nữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức, yakuza đã bị trấn áp vô cùng khốc liệt.
Sắc lệnh ngăn ngừa yakuza được đưa ra 3 năm trước tuyên bố cấm mọi công ty có làm ăn dính dáng tới mafia. Các doanh nghiệp từ ngân hàng tới cửa hàng nhỏ đều phải đảm bảo rằng không có bất kì khách hàng nào có liên hệ với xã hội đen. Các thành viên yakuza không thể mở được tài khoản ngân hàng.
Bố già băng đảng Yamaguchi dự một đám tang năm 1980
Dù vậy vẫn không có quy định cụ thể nào để xử lý các ổ nhóm tội phạm. Cảnh sát tin rằng những sắc lệnh đưa ra phần nào khiến yakuza phải chùn tay. Theo lời của Hiroki Allen, một tư vấn tài chính và an ninh có nghiên cứu về yakuza, ít nhất bây giờ chúng đã được kiểm soát và tuân thủ luật. Ông nói: "Mấy kẻ du côn vào đồn cảnh sát giờ không còn dám phản kháng như trước nữa. Nếu một kẻ nào đó gây tội, bạn chỉ cần gọi cảnh sát và toàn bộ đường dây của chúng sẽ bị xử lý triệt để".
Kết quả là yakuza vẫn hoạt động theo cách châu Âu hay Mỹ cảm thấy không thể tin được. Các tạp chí, truyện tranh, phim ảnh vẫn tung hô những anh hùng xã hội đen. Những ông trùm khét tiếng không khác gì ngôi sao hạng A. Dù số thành viên đã sụt giảm kỉ lục ở mức 53.500 người nhưng theo Cơ quan Cảnh sát toàn quốc, các công việc tay chân vẫn chỉ dành cho những lao động tự do không có tiền án. Số mafia ẩn dật chủ yếu tham gia vào các đường dây kiếm tiền "bẩn" từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điều này khiến việc phát hiện ra chúng là vô cùng khó khăn.
Yakuza cũng tham gia vào vụ dọn dẹp sau khi nhà máy hạt nhân Fukushima phát nổ và chắc chắn sẽ kiếm được món hời lớn nếu nhúng tay vào các công trình phục vụ Olympic 2020. Nhật Bản dù sao vẫn thích các tổ chức tội phạm "được tổ chức" hơn là những kẻ vô kỉ luật!
Theo Danviet
Kinh tế Nhật Bản sẽ lao đao nếu băng mafia số một tan rã? Yamaguchi-gumi, băng mafia lớn nhất Nhật Bản, tổ chức tội phạm giàu nhất thế giới, đang trên bờ vực chia rẽ. Theo giới chuyên gia, chuyện băng đảng được so sánh là 'tập đoàn tư nhân lớn nhất Nhật Bản' chia rẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. "Bố già" Shinobu Tsukasa, hay còn gọi...