Lãnh đạo Viện kiểm sát tối cao vẫn chưa biết Lê Bá Mai kêu oan
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho biết, ngay sau khi bị tuyên án, Lê Bá Mai đã có đơn kêu oan. Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao nói rằng không nhận được đơn.
Tại nghị trường sáng nay, đề cập tới kỳ án “ Vườn mít” – Lê Bá Mai bị tuyên án tù chung thân, Đại biểu Bùi mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đặt vấn đề trao đổi lại thông tin về việc Viện trưởng VKSND Tối cao (ông Nguyễn Hòa Bình – PV) cho rằng, không có điều kiện theo quy định của luật để giám đốc thẩm, là do từ khi bản án tuyên đến nay, bản thân Lê Bá Mai không thấy có đơn thư kêu oan gì.
“Tôi được biết ngay sau khi bị tuyên án chung thân vào ngày 30/8/2013 thì vào ngày 5/9/2013 Lê bá Mai đã gửi đơn kêu oan. Bố mẹ của Lê Bá Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan tới Chủ tịch nước và các cơ quan trung ương có liên quan. Các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai cũng đã gửi tới đồng chí đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Tôi thiết nghĩ nếu đồng chí chưa nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai thông qua hệ thống trại giam thì khi nhận được đơn của bố mẹ Lê Bá Mai, các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra lại thông tin trên và có trách nhiệm trả lời cho bố mẹ Lê Bá Mai biết”, Đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho biết, bản thân Lê Bá Mai và bố mẹ đã gửi nhiều đơn kêu oan tới nhiều cơ quan trung ương.
Xin được nhắc lại, đương sự trong vụ án là Lê Bá Mai đã lần lượt nhận các mức án tử hình, sau đó là một bản án tuyên vô tội và tha bổng tại toà; và đến nay lại phải nhận bản án là chung thân về hành vi hiếp dâm trẻ em. Dư luận rất bất bình vì vụ án kéo dài quá lâu và các mức án lại quá chênh lệch, và đặt tên là “ kỳ án vườn mít”.
Theo Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, trong vụ án này còn một chi tiết rất đáng chú ý, đấy là một nhân chứng đứng ra cung cấp thông tin, minh oan cho Lê Bá Mai là bà Hảo.
Ông Hùng cho hay: “Bà Hảo biết khá rõ các chi tiết và đã khai báo cho cán bộ điều tra ngay từ đầu khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Nhưng suốt thời gian qua không biết vì lý do gì bà không được cơ quan pháp luật mời làm nhân chứng khi xét xử vụ án.
Hiện nay, bà đã có đơn sẵn sàng đứng ra làm chứng. Và kể từ khi làm đơn xin ra làm chứng thì bị nhiều cú điện thoại nặc danh đe dọa, tới giờ đã về quê lánh nạn. Tôi tin rằng với bằng đó thông tin cũng đã đủ điều kiện để tái thẩm hay giám đốc thẩm bản án, nhằm tránh oan sai gián tiếp”.
Video đang HOT
Câu chuyện mà Đại biểu Hùng nêu lên tại nghị trường ngày hôm nay khiến cho nhiều người nhớ lại vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) bị ngồi tù oan 10 năm trời.
Ngay từ khi bị bắt cho tới khi phải chấp hành án, ông Chấn liên tục kêu oan, nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng, nhưng 10 năm sau mới vụ việc mới được xem xét. Hậu quả là ông Chấn phải ngồi tù oan 10 năm trời, thế nhưng khi đề cập tới trác nhiệm thì cơ quan chức năng cũng cãi bay cãi biến rằng không nhận được đơn kêu oan.
Một điều đáng tiếc nữa là trong suốt mấy tháng vừa qua khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao truy lùng đối tượng Lý Nguyễn Chung thì ông Chấn vẫn phải ở trong tù. Lẽ ra, khi biết có một đối tượng như thế đang lẩn trốn và xác định được đó là kế giết người thì phải lập tức ra quyết định đình chỉ thi hành án với ông Chấn.
Hoặc chậm nhất là khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú (ngày 25/10) thì phải thả ông Chấn ngay, nhưng người ta đã để tới tận 4/11 mới ra quyết định đình chỉ thi hành án và thả tự do cho ông Chấn. Người xưa đã nói “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”, thế nhưng cơ quan công quyền lại quá chậm chễ trong việc trả tự do cho ông Chấn.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi ấy đã bình luận: “Những cán bộ quản giáo ở trại giam đã tạo điều kiện để ông Chấn gửi đơn kêu oan nên họ biết chính xác điều đó. Vậy hàng trăm lá đơn trước đây của ông Chấn, của bà Chiến chẳng lẽ không cơ quan chức năng nào nhận được?
Ở đây có biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm và vô cảm trước nỗi oan ức của một con người, một gia đình”.
Theo Giáo Dục
"Kỳ án vườn mít": Gặp cha của bị án ra Hà Nội kêu oan!
Ra cái đất Hà Nội này giữa những ngày trời lạnh, mưa phùn ẩm ướt, đường đi lối lại không rành, ông Lê Bá Triệu - bố của bị án Lê Bá Mai trong "kỳ án vườn mít", ôm cả chồng đơn thư đi gõ cửa kêu oan cho con.
Trở lại kỳ án "vườn mít"
Theo bản án sơ thẩm, Lê Bá Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước). Sáng ngày 12/11/2004, trong lúc đi rải phân, Mai thấy Nguyễn Thị Út (SN 1993) và Thị Hằng (SN 1995) đi mót sắn nên lấy xe máy chở Út đến vườn mít để hiếp dâm, dùng quần của nạn nhân siết cổ Út, sau đó vùi xác gần cây mít gần đó.
Ông Lê Bá Triệu đội đơn vượt nghìn cây số để kêu oan cho con - bị án Lê Bá Mai trong kỳ án "vườn mít".
Năm 2005 TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Mai án tử hình. Sau đó TAND Tối cao tại Tp.HCM xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án này. Bị án Lê Bá Mai kêu oan.
Đến tháng 12/2006, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án để điều tra lại.
Tháng 5/2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần hai và tuyên bị cáo không phạm tội trả tự do ngay tại tòa. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị, yêu cầu xét xử lại.
Ngày 18/5/2012, Mai bị bắt giam lại. Tháng 6/2012, TAND Tối cao tại Tp.HCM hủy án để điều tra và xét xử lại từ đầu. Tháng 1/2013, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm lần 3 tuyên phạt tù chung thân. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, xử bị cáo án tử hình. Mai tiếp tục kêu oan.
Sáng ngày 30/8/2013, HĐXX Phúc Thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án "hiếp dâm trẻ em" và "giết người". Chiều cùng ngày HĐXX đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Lê Bá Mai.
Và cũng chỉ sau 5 ngày phiên tòa kết thúc (ngày 4/9/2013), người cha của bị án Lê Bá Mai là ông Lê Bá Triệu một lần nữa lại làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng không có phản hồi. Duy chỉ có đơn thư kêu cứu của ông gửi đến Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang là đã có phiếu báo nhận được thư.
Nhưng đến nay cũng chỉ ngần ấy thông tin rằng, thư đã được chuyển đến Bộ trưởng Trần Đại Quang và chỉ có vậy cũng phần nào làm cho ông thấy thêm tin tưởng và mong mỏi có ngày vụ án con mình sẽ được làm sáng tỏ. "Oan khuất" như nào chưa hay nhưng nếu các cơ quan tố tụng đủ bằng chứng khách quan để kết tội con ông phạm tội tày đình "hiếp dâm trẻ em và giết người" thì cũng khiến ông và dư luận quan tâm theo dõi vụ án tới cả 10 năm trời phải "tâm phục khẩu phục!"
Vụ án có nhiều điểm bất thường chưa được làm rõ
Ông Triệu cho biết ra Hà Nội lần này với quyết tâm để được tận tai nghe thấy những câu trả lời chính xác của những người đại diện cao nhất trong các cơ quan tố tụng. Theo ông Triệu, sau phiên phúc thẩm, tòa tuyên con ông án chung thân ông đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kêu oan và mong mỏi sự hồi đáp thì đến ngày 11/2/2014, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao khi chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Viện phúc thẩm 3 tại TPHCM đã nói rằng "Viện 3 đã có nhiều cố gắng và đã chấm dứt vụ án Lê Bá Mai", phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình sau đó được các báo đưa tin làm gia đình tôi rất chua xót.
Bị án Lê Bá Mai ở chốn công đường.
"Tại sao ông ấy lại nói vụ án đã kết thúc khi chính gia đình tôi và con trai tôi là bị án Lê Bá Mai vẫn đang kêu oan"- ông Triệu nói và chìa ra tờ báo in có tường thuật rất rõ ràng về những chỉ đạo của ông Nguyễn Hòa Bình.
Theo luật sư Nguyễn Việt Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trước đây chỉ biết về vụ án của Lê Bá Mai qua báo chí. Tuy nhiên qua nhiều đêm nghiên cứu, đọc hồ sơ về vụ việc của Lê Bá Mai đến mất ngủ thì bà có thêm niềm tin rằng Lê Bá Mai vô tội.
"Những chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ sức nặng, căn cứ để kết tội Lê Bá Mai"- luật sư Hà nói và cho biết trong thời gian ông Triệu và ông Tuân ở Hà Nội, bà sẽ giúp đỡ miễn phí trong việc tư vấn làm đơn thư kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng.
Theo luật sư Hà, bà đã tiếp cận hồ sơ vụ án và thấy quá nhiều tình tiết trong đó mâu thuẫn, kết luận với một người như Lê Bá Mai có quá nhiều dấu hiệu cho thấy vô tội nên đã giúp đỡ tư vấn pháp lý để kêu oan trong thời gian ông Triệu ở Hà Nội.
Trong văn bản trả lời ông Lê Bá Triệu mới đây, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết từ những năm 2005 bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI đã có thư gửi Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị xem xét về tính hợp pháp, xác thực và liên quan giữa những chứng cứ được nêu trong vụ án, sự mâu thuẫn giữa các lời khai và giữa các vật chứng thu thập được để buộc tội bị cáo Lê Bá Mai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội tháng 11/2013 vừa qua, chính ông Hùng đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao về vụ án Lê Bá Mai có nhiều dấu hiệu oan sai. "Chánh án đã nói sẽ rất thận trọng, khách quan trong việc xem xét lại vụ án này, với một tinh thần, trách nhiệm cao nhất"- ông Hùng nói.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
"Kỳ án vườn mít": Bố Lê Bá Mai kêu oan tới Viện KSND Tối cao Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vừa có công văn chuyển Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử án hình sự để xem xét giải quyết theo thẩm quyền vụ án "Vườn Mít". Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khẳng định: "Kỳ án Vườn Mít", nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm xâm phạm tư pháp...