Lãnh đạo Ủy ban ATGT lên tiếng về kiến nghị “tịch thu xe”
“Nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Nhưng thực tế ở Việt Nam việc cho mượn xe rất nhiều, khi xe đi mượn bị tịch thu thì người vi phạm đó phải có trách nhiệm dân sự đối với người đã cho mượn xe”.
Đó là quan điểm của Tiến sỹ Tô Văn Hòa – Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội – trong chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông” diễn ra tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều qua (5/3). Chương trình cũng có sự tham gia đối thoại của ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (đại diện cơ quan kiến nghị Chính phủ).
Sau khi kiến nghị tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được trình Chính phủ, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc, bởi ô tô là phương tiện có giá trị kinh tế lớn, nhất là xe phạt không chính chủ hoặc phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe thì việc tịch thu là bất khả thi. Thậm chí, các nhà làm luật còn khẳng định việc tịch thu xe là vi phạm luật, vi phạm quyền sở hữu phương tiện của công dân.
Trả lời về vấn đề này,ông Tô Văn Hòa cho biết,thực tế ở Việt Nam, khi xây dựng quy định cần tính đến thực trạng xe không chính chủ vì ở Việt Nam, việc cho mượn xe rất nhiều. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và không thể ra điều kiện là người mượn xe không được uống rượu bia. Nhưng phải thấy người uống rượu bia lái xe có khả năng gây ra tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội.
“Có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được. Người vi phạm phải có trách nhiệm đối với người bị nạn và với cả người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự; vì người cho mượn xe không có lỗi, họ không kiểm soát được người mượn có uống rượu bia hay không” – ông Hòa cho hay.
“Nếu xe đi mượn bị tịch thu, người mượn phải có trách nhiệm dân sự với người cho mượn xe” (Ảnh minh họa: Đình Thảo)
Xét ở góc độ pháp lý, ông Hòa nêu quan điểm phải phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.
“Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào. Trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên ở đây về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản quy định thì những đề xuất này không vi phạm hiến pháp” – ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất đã nghiên cứu cơ sở pháp lý.
“Hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Vậy là ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào” – ông Hùng thông tin.
Liên hệ với hình thức xử phạt với hành vi vi phạm tương tự ở nước ngoài, ông Hùng dẫn chứng việc phạt tù ở Nhật Bản. Nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/ml có thể bị phạt tù 5 năm và tiền là 8.800 USD với người lái. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng. Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm, nồng độ cồn từ 50-99mg/ml phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu Won. Họ nói rằng khi đưa ra chế tài đủ mạnh thì số lượng hành vi vi phạm sẽ giảm đi. Tưởng rằng là ác vì tước quyền tự do thân thể của họ mấy năm trời nhưng chính là bảo vệ sự tồn tại của người đó, bảo vệ tài sản tính mạng cho xã hội.
Video đang HOT
“Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Nếu thấy việc tịch thu phương tiện là nặng thì đừng vi phạm. Chúng ta đưa ra chế tài có tính răn đe nhưng mục tiêu không phải để xử phạt công dân của mình mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông. Vì nếu người ta thấy hậu quả rất lớn họ sẽ không thực hiện nữa. Đây là tinh thần chúng tôi đặt ra, trước khi làm chúng tôi đã lường trước sẽ rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng rất may ý kiến ủng hộ nhiều” – ông Hùng cho hay.
Trả lời câu hỏi mức độ vi phạm như thế nào thì bị tịch thu xe và tịch thu xe kể cả vi phạm lần đầu có quá nặng hay không? Theo ông Khuất Việt Hùng, nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa.
“Tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai. Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. Rõ ràng 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say rồi thì ta không kiểm soát hành vi của mình nữa. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa” – ông Hùng cho biết.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Tô Văn Hòa cũng cho rằng việc tịch thu xe có tính nhân văn ở nhiều yếu tố và đồng ý là mục tiêu không phải đưa ra để phạt mà là để ngăn chặn để người tham gia giao thông không vi phạm. Ngoài việc quy định chế tài phù hợp thì còn công tác tuyên truyền là rất quan trọng, để người tham gia giao thông biết nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào.
“Về việc vi phạm lần đầu, ở đây không phải vi phạm lần đầu gây tai nạn mới là vi phạm mà là khi uống rượu bia mà lái xe đã vi phạm rồi. Vì thế tôi cho rằng mức phạt vi phạm lần đầu nặng như vậy, nhất là việc thu giữ phương tiện, tôi cho rằng cũng là nặng. Ở đây cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe có thể là lần thứ 3 lần thứ 4. Tất nhiên cũng phải tính đến khó khăn là về việc lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phải theo dõi hồ sơ” – ông Hòa nêu ý kiến.
Châu Như Quỳnh (ghi)
Theo Dantri
Tịch thu ô tô, xe máy vi phạm: Giải pháp quyết liệt nhưng có phạm luật?
Kiến nghị tịch thu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy nếu vi phạm nồng độ cồn và điều khiển xe đi vào đường cao tốc của Ủy ban ATGT Quốc gia đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý, tính răn đe, hiệu ứng xã hội...
Có tính giáo dục hay "nặng" cưỡng chế?
Trao đổi với PVDân trí Luật sư Lưu Văn Quang - Công ty Luật Nelson và Cộng sự - cho rằng, biện pháp xử lý là tịch thu phương tiện có thể là biện pháp khả thi và có thể có hiệu quả cao, nhưng để đưa biện pháp này vào thực tế thì chính những người ban hành phải xem xét dưới nhiều góc độ, nhằm đảm bảo được quyền lợi của người dân đi đôi với mục đích của nhà quản lý.
Nói về góc độ pháp lý, Luật sư Quang nhấn mạnh đến việc ban hành các quy định về tịch thu xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp. Hợp pháp đây được hiểu là các văn bản pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, các nội dung của văn bản đó không trái với các quy định đã ban hành, việc áp dụng các quy định xử phạt phải phù hợp với hiến pháp và pháp luật...
Biện pháp tịch thu phương tiện được xem là quyết liệt nhưng cần cân nhắc kỹ (ảnh: Đình Thảo)
"Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải - trực tiếp ở đây là các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật giao thông đường bộ năm 2008; và trực tiếp nhất là Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, các phương tiện là mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều" đều không phải chịu chế tài là tịch thu phương tiện". Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định, quy định xử phạt... cũng không áp dụng việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông vi phạm" - Luật sư Quang dẫn chứng.
Do vậy, vấn đề đặt ra là muốn đưa các quy định về tịch thu xe phải được luật hóa. Điều này đồng nghĩa với việc sửa đổi toàn bộ các văn bản có liên quan trước khi quy định đó được thi hành. Đây là một vấn đề phức tạp với nhiều thủ tục trình tự và do nhiều cơ quan ban hành chứ không chỉ đơn thuần là một văn bản do một cơ quan quản lý trực tiếp ban hành và thực thi.
Đề cập tới góc độ đời sống xã hội, theo Luật sư Quang, ở nước ta, mô tô, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm đa số, nó không đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển, đi lại mà nó còn là phương tiện mưu sinh kiếm sống của rất nhiều người dân. Việc tịch thu xe rồi thực hiện đấu giá để sung công quỹ nhà nước đối với các trường hợp đương nhiên phải thu là một lẽ khác, còn đối với những trường hợp không cố ý hoặc vi phạm lần đầu thì có quá nghiêm khắc không?
"Tịch thu xe liệu đã có tính chất giáo dục không hay đơn thuần chỉ mang tính cưỡng chế? Tất nhiên an toàn phải là trên hết, nhưng pháp luật cũng phải nhìn nhận ở góc độ đạo đức, nếu chỉ vì để hạn chế tai nạn giao thông mà tước đoạt cả một gia tài hay phượng tiện nuôi sống gia đình họ thì có nên hay không? Hoặc nếu xe ô tô bị tịch thu là xe mượn. Người mượn lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định thì không thể bắt người cho mượn xe chịu trách nhiệm liên đới, tức là chỉ có thể phạt người vi phạm chứ không thể phạt người không vi phạm (chủ xe).
Mặt khác, trong mỗi quy định về xử phạt hiện hành đều có quy định về mức độ xử phạt khác nhau nhằm cá thể hóa từng vụ việc, từng hành vi nhất định nhằm đưa ra mức hình phạt có tính chất đúng người, đúng sai phạm, mang tính răn đe giáo dục. Nếu như cứ quy định vi phạm là tịch thu thì cũng lại làm khó người dân và khó cho chính nhà quản lý" - Luật sư Quang phân tích.
Theo vị Luật sư này, đây là vi phạm hành chính và xử phạt hành chính nên nếu tăng nặng mức tiền phạt theo hướng tăng chế tài xử phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe hoặc cấm lái xe trong một thời gian nhất định thì hiệu quả xử lý vi phạm sẽ tốt hơn là áp dụng biện pháp tịch thu xe. Nếu quyết tâm áp dụng biện pháp tịch thu xe thì cơ quan kiến nghị phải nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo tính chất răn đe, đồng thời giải pháp như đề xuất phải được luật hóa nhằm tránh việc quy định chưa đi vào thực thi đã bị "tuýt còi".
Ở nhiều nước, lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phạt tù
Nêu quan điểm về biện pháp tịch thu phương tiện, Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chuyên gia đánh giá tác động giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho biết, ý thức nói chung và ý thức hành vi tham gia giao thông nói riêng đến từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là giáo dục và sự nghiêm minh của pháp luật. Hai yếu tố này phải cùng tồn tại. Chỉ giáo dục tuyên truyền thôi sẽ không bao giờ đủ, vì nếu làm sai mà không bị xử lý thì sẽ có rất nhiều trường hợp vi phạm.
Xe máy đi vào cao tốc cũng bị đề xuất tịch thu (ảnh: Quang Phong)
"Cần nhấn mạnh rằng, trong một hệ thống tốt, giáo dục tuyên truyền phải đi trước một cách hiệu quả và sâu rộng, khi thông điệp thông tin đã đến được với từng người dân mà vẫn xảy ra vi phạm thì đó là thời điểm thích hợp để cơ quan quản lý triển khai nghiêm khắc xử lý vi phạm. Bởi vậy lộ trình triển khai cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng" - ông Minh cho hay.
Ông Minh cho rằng, giải pháp trên có thể phát huy tối đa hiệu quả khi phối hợp với một loạt các giải pháp khác như: Phát triển hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông, phát triển thị trường bảo hiểm: liên kết với hệ dữ liệu vi phạm an toàn giao thông, tăng mức bảo hiểm đáng kể với những người vi phạm, phối hợp đối chiếu với kiểm định kỹ thuật với toàn bộ xe cơ giới và quá trình đóng phí bảo trì.
Kinh nghiệm trên thế giới trong vấn đề này là cần tách bạch rõ ràng hai phạm trù người sở hữu và người sử dụng, thể chế hóa trách nhiệm của từng đối tượng (nếu cần) sẽ giúp làm rõ tính pháp lý của giải pháp.
UB An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu phương tiện (ô tô, xe gắn máy...) và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe có nồng độ cồn quá cao (> 80mg/100ml máu hoặc> 0,4mg/1ml khí thở). Theo bạn:
Không nên tịch thu vì đó là những tài sản quá lớn và nhiều khi không phải của người lái
Nên tịch thu vì tính mạng con người là trên hết
Chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 năm
Hiệu ứng xã hội phụ thuộc vào việc giải pháp sẽ được tiến hành như thế nào, nếu công tác truyền thông tốt, sâu rộng đến được với từng người dân, có lộ trình hợp lý (tuyên truyền - xử phạt điển hình - truyền thông - xử phạt nghiêm), và cung cấp được những trường hợp sai phạm đầu tiên đến với đông đảo công chúng, chắc chắn giải pháp sẽ có tác động sâu rộng tích cực trong xã hội.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... xử phạt rất nặng trường hợp vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép, thậm chí là bị phạt tù.
Cụ thể như tại Anh Quốc, nếu bị phát hiện điều khiển phương tiện với nồng độ cồn quá mức cho phép thì mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam, đóng 5.000 bảng và bị cấm lái xe trong vòng 1 năm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng uống rượu bia lái xe dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn (các công ty bảo hiểm phải trả), cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn, và phải trải qua một cuộc sát hạch rất nghiêm khắc và chặt chẽ hơn bài kiểm tra lái tiêu chuẩn để có thể lấy lại bằng lái xe.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết: "Trong Nghị định 171 không quy định tịch thu phương tiện nên chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định để có cơ sở thực hiện biện pháp này. Chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều nhưng nhiều người ý thức tham gia giao thông không cao nên vẫn vi phạm và hậu quả đáng tiếc là xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, vì thế cần một biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm và ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông". Ông Hùng cũng nhấn mạnh, biện pháp tịch thu phương tiện thể hiện thông điệp giáo dục và đảm bảo an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện. Bởi, sự thiệt hại về tính mạng con người là điều có thể nhìn thấy nếu cố tình tham gia giao thông trên đường cấm (xe máy đi vào đường cao tốc) và điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Biện pháp tịch thu phương tiện cũng là sự cảnh báo nguy hiểm và nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông của người tham gia giao thông...
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Đề xuất thu xe nếu tài xế có nồng độ cồn cao Theo đề xuất, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn vượt 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện. Theo đề xuất, người điều khiển ôtô, xe máy có nồng độ cồn cao sẽ bị tịch thu phương tiện. Ủy ban...