Lãnh đạo Ukraine và Pháp thảo luận hợp tác theo định dạng Normandy
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành điện đàm, trong đó thảo luận về một cuộc gặp gần đây theo định dạng Normandy về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ, ngày 15/12/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine ngày 29/1 đã đưa ra thông báo trên và cho biết trong cuộc điện đàm, hai bên đã hoan nghênh cuộc gặp của các cố vấn của các nhà lãnh đạo thuộc nhóm “Bộ tứ Normandy” (gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga). Hai nhà lãnh đạo Ukraine và Pháp cũng đã đánh giá cao tuyên bố chung của các bên tham gia cuộc họp. Hai bên còn nhất trí thúc đẩy hợp tác theo định dạng Normandy và tăng cường các cuộc gặp tương tự.
Tổng thống Zelensky và Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường vai trò của Nhóm Tiếp xúc ba bên về giải quyết tình hình ở Ukraine để đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Nhóm Tiếp xúc ba bên gồm các đại diện của Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được thành lập nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Donbas, miền Đông Ukraine.
Trước đó, ngày 26/1 vừa qua, các cố vấn của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine và Nga đã nhóm họp tại Paris, kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện ở khu vực Donbas, nơi xảy ra xung đột kể từ tháng 4/2014. Trong cuộc hội đàm kéo dài khoảng 8 giờ này, các bên đã nhất trí ra tuyên bố chung, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019 và quyết định tổ chức một cuộc gặp tiếp theo tại Berlin trong 2 tuần sau đó.
Lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/1 đã kêu gọi Nga góp phần giảm căng thẳng tình hình Ukraine, nhấn mạnh sự hợp tác và đối thoại với Nga trong khi cũng đưa ra cảnh báo gửi tới Moskva.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 25/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin bên cạnh Tổng thống Macron, Thủ tướng Scholz một lần nữa kêu gọi Nga giúp xoa dịu tình hình hiện nay liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Thủ tướng Scholz nói: "Chúng tôi hy vọng Nga sẽ thực hiện các bước rõ ràng giúp giảm leo thang tình hình". Chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cũng hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy, trong đó có sự tham gia của Pháp, Đức, Ukraine và Nga. Dự kiến, các cố vấn chính trị của nhóm Normandy sẽ nhóm họp trong ngày 26/1 tại Paris, Pháp.
Liên quan chính sách của Đức đối với Ukraine, Thủ tướng Scholz cũng lên tiếng bảo vệ hướng tiếp cận của Đức đối với quốc gia này, đặc biệt trước lời kêu gọi hỗ trợ vũ khí phòng thủ cho Kiev. Ông cho biết Đức đã có thoả thuận tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế và nền dân chủ ở Ukraine. Ngoài ra, Đức cũng có những lý do mang tính lịch sử cho việc từ chối cung cấp vũ khí sát thương tới các vùng chiến sự. Thủ tướng Đức nói thêm rằng Berlin có trách nhiệm đảm bảo Ukraine vẫn là một nước trung chuyển khí đốt cho châu Âu và Kiev có thể tin tưởng vào Đức. Trước đó, Đức đã bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho Kiev, song sẽ hỗ trợ Ukraine một bệnh viện dã chiến hoàn thiện.
Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết Pháp và Đức nhất trí quan điểm về vấn đề Ukraine và cả hai sẽ kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, khẳng định sẽ "không bao giờ từ bỏ đối thoại đối với Nga". Ông Macron cũng cảnh báo cái giá phải trả với Moskva sẽ rất cao nếu xảy ra hành động quân sự đối với Ukraine. Tổng thống Pháp cũng thông báo ông dự kiến có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/1 tới, trong đó ông sẽ đề xuất biện pháp giảm leo thang, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào giải pháp ngoại giao và xoa dịu xung đột liên quan tới căng thẳng hiện nay ở Ukraine.
Ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng thảo luận về các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) của Pháp và Chủ tịch nhóm G7 của Đức. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp từng nhiều lần nhấn mạnh đến tình hữu nghị khăng khít giữa hai nước cũng như sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của hai bên.
Tổng thống Macron từng nói rằng Thủ tướng Scholz nhậm chức vào thời điểm khó khăn với cuộc khủng hoảng COVID-19 và nhiều thách thức địa chính trị, đòi hỏi có sự phối hợp rộng rãi và chặt chẽ giữa các đối tác.
Tổng thống Pháp cũng thừa nhận chính phủ hai nước có quan điểm khác nhau về một số vấn đề như sử dụng năng lượng hạt nhân và phân loại năng lượng bền vững ở EU hay xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho rằng nhiệm vụ của cả hai nước là tăng cường tình hữu nghị hơn nữa bất chấp một số khác biệt.
Ukraine nhận thêm vũ khí từ Mỹ giữa căng thẳng tại biên giới Nga Ukraine đã nhận được lô vũ khí thứ hai được Mỹ viện trợ nhằm tăng cường phòng thủ giữa lo ngại có thể bị Nga tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 23.1 thông báo nước này đã nhận lô vũ khí thứ hai trong khoản viện trợ trị giá tổng cộng 200 triệu USD. "'Con chim' thứ hai đã...