Lãnh đạo TP.HCM: ‘Cô giáo không nói suốt ba tháng là bạo hành học sinh’
Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá sự việc là nghiêm trọng, đề nghị xử lý hiệu trưởng, cô giáo Châu, giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc.
Ngày 6.4, tại cuộc họp khẩn về việc cô Trần Thị Minh Châu ( Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) không nói gì suốt ba tháng đứng lớp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng các học sinh đã bị bạo hành tinh thần trong thời gian dài.
“Tôi nói vậy không phải là đẩy vấn đề lên, mà đang nói chính xác bản chất sự việc. Mọi người thử hình dung, người thân không nói chuyện với mình nhiều ngày là đã khủng khiếp như thế nào. Ở đây là ba tháng liền, học trò không hiểu mình lỗi gì mà cô lại không nói, không giảng bài”, bà Thu nói.
Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Mạnh Tùng.
Phó chủ tịch TP HCM ủng hộ việc em Phạm Song Toàn đã phản ánh sự việc tại diễn đàn ngành giáo dục. “Nhưng mọi người nhìn thấy không, nhiều người còn phản đối em ấy. Một việc đúng mà chúng ta không bảo vệ, việc làm sai thì không dám đấu tranh. Em Toàn đang bơ vơ một mình”, bà Thu tiếp lời.
Sở Giáo dục TP.HCM và Trường THPT Long Thới đã phản ứng chậm sau phản ánh của Toàn, dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội. “Lẽ ra, sau khi xác minh có sự việc, ngành giáo dục phải đình chỉ ngay việc dạy học của cô Châu, sau đó mới tính đến hướng xử lý”, bà Thu nói.
Video đang HOT
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu ngành giáo dục xử lý các cá nhân liên quan, gồm hiệu trưởng trường Long Thới, cô Châu và giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 nghiêm khắc, đúng luật. Bởi cô Châu từng bị kỷ luật cảnh cáo nhiều năm trước đây do vi phạm với học sinh.
“Việc bạo hành này mà chúng ta xem là bình thường thì ngành giáo dục không ổn. Chúng ta không được du di, không thỏa hiệp, không tạo điều kiện cho sai phạm mới”, Phó chủ tịch TP.HCM yêu cầu.
Trong khi đó, với vẻ mệt mỏi, ông Bùi Minh Bình (Hiệu trưởng THPT Long Thới) tái khẳng định: “Em Toàn phản ánh là đúng và tôi nhận trách nhiệm về mình”.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM nhìn nhận, cô Châu đã vi phạm Luật viên chức, hiện việc xử lý được triển khai rốt ráo đối với những người liên quan.
Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng THPT Long Thới. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục và học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn bật khóc khi kể về việc cô Châu không nói gì suốt nhiều tháng đứng lớp mà chỉ viết bài lên bảng. Cả lớp phải tự học, tự làm bài. Dù giáo viên chủ nhiệm cố gắng giải quyết, nhưng không thành công.
Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu cho rằng, không giảng bài cho lớp 11A1 là “có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng, có gì thì tung ra đánh cô giáo”. Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải. Hiện, cô giáo đã giảng dạy bình thường.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã biết nguyện vọng chuyển trường của gia đình em Phạm Song Toàn. Nguyên nhân là nữ sinh đang chịu áp lực rất lớn tại trường trong hai tuần qua. Nếu tiếp tục để Toàn học tại trường, sẽ có nhiều khả năng xấu xảy ra, ảnh hưởng không tốt đến em.Từ đó, lãnh đạo thành phố đề nghị dù khó ngành giáo dục vẫn phải tạo điều kiện cho Toàn chuyển trường sớm nhất.
Theo Mạnh Tùng (VnExpress)
TP.HCM chuyển trường cho nữ sinh phản ánh 'cô giáo không nói'
Cho rằng để Phạm Song Toàn ở lại trường là bất lợi cho nữ sinh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo chuyển trường cho em.
Sáng 6.4, tại cuộc họp khẩn về vụ cô giáo không nói gì suốt ba tháng lên lớp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã biết nguyện vọng chuyển trường của gia đình em Phạm Song Toàn. Nguyên nhân là nữ sinh đang chịu áp lực rất lớn tại trường trong hai tuần qua.
Toàn đã phản ánh cô Trần Thị Minh Châu (giáo viên Toán trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) suốt ba tháng lên lớp không nói gì, chỉ ghi bài giảng lên bảng.
Theo bà Thu, nếu tiếp tục để Toàn học tại trường, sẽ có nhiều khả năng xấu xảy ra. "Có thể nhiều bạn trong lớp sẽ cô lập em, bởi cho là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn. Chưa kể trường Long Thới năm nay không thể có thành tích thi đua tốt, khi đó nhiều thầy cô lại không thiện cảm với Toàn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của em", bà Thu nói.
Em Phạm Song Toàn bật khóc tại diễn đàn ngành giáo dục khi kể về cô Châu. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trước ý kiến của Sở Giáo dục là học sinh đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm, nếu chuyển trường sẽ ảnh hưởng đến việc học, bà Thu đề nghị dù khó ngành giáo dục vẫn phải tạo điều kiện cho Toàn chuyển trường sớm nhất.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM khẳng định: "Tuần sau, em Toàn sẽ được chuyển trường", đồng thời nhấn mạnh hiệu trưởng trường Long Thới và cô Trần Thị Minh Châu sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trước đó sáng 23.3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè) bật khóc kể trong lớp có cô giáo bộ môn khi lên bục giảng "không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài". Đã hơn một học kỳ, lớp Toàn phải tự học, tự làm bài và không biết nói với ai cả. Dù giáo viên chủ nhiệm cố gắng giải quyết, nhưng không thành công.
Sở Giáo dục sau đó cử cán bộ xuống trường tìm hiểu sự việc. Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu cho rằng, sở dĩ không giảng bài cho lớp 11A1 là "có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải. Hiện, cô giáo đã giảng dạy bình thường.
Theo Mạnh Tùng (VnExpress)
Nữ sinh tố cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng muốn chuyển trường Phạm Song Toàn (lớp 11, THPT Long Thới, TP.HCM) và gia đình có nguyện vọng chuyển trường sau khi nữ sinh phản ánh cô giáo dạy Toán không giảng bài trong thời gian dài. Tối 4/4, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Minh Bình - hiệu trưởng trường THPT Long Thới - cho hay ông đã nắm được thông tin gia đình Phạm...