Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói gì về cáo buộc o ép Công ty cổ phần Đại Nam?
Thời gian gần đây, có nhiều thông tin về việc ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố đóng cửa khu du lịch Đại Nam vì cho rằng bị chính quyền tỉnh Bình Dương o ép. Để rộng đường dư luận, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Nam – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương – xung quanh vụ việc trên.
Ông Trần Văn Nam
Trong vòng 51 ngày (từ 8.9-28.10.2014), Cty CP Đại Nam đã nhận được 12 văn bản từ tỉnh Bình Dương liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha khu đất ở của Cty CP Đại Nam. Đây là lý do ông Dũng cho rằng bị chính quyền o ép, nên tuyên bố sẽ đóng cửa khu du lịch Đại Nam. Quan điểm của tỉnh Bình Dương về vấn đề này như thế nào?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1071/VPCP-V.I ngày 18.6.2014; Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 4.7.2014 và Thông báo số 340-TB/TU ngày 29.7.2014 của Tỉnh ủy Bình Dương, ngày 8.9.2014, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2173/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 7.7.2008 về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất của khu ở trong KCN Sóng Thần 3 của Cty CP Đại Nam (Quyết định này cho khu ở có thời hạn sử dụng đất từ 50 năm theo thời hạn của KCN chuyển sang thời hạn sử dụng lâu dài).
Như vậy, có thể nói tỉnh Bình Dương chỉ điều chỉnh thời hạn sử dụng đất của khu ở có diện tích 61,4ha thuộc KCN Sóng Thần 3 của Cty CP Đại Nam, chứ không có việc thu hồi quyền sử dụng đất như ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố; cũng chính vì không có thu hồi quyền sử dụng đất nên không có chuyện tỉnh Bình Dương phải bồi thường quyền sử dụng đất cho ông Dũng.
Về 12 văn bản mà Cty CP Đại Nam nhận được, 7 văn bản là giấy mời làm việc của các sở, ngành; 3 văn bản của UBND tỉnh, còn lại là văn bản của các sở, ngành. Tất cả các văn bản này, chỉ với mục đích thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo các vấn đề liên quan đến KCN Sóng Thần 3; không liên quan đến các hoạt động khác hoặc các dự án khác của Cty CP Đại Nam. Cho nên, ông Dũng cho rằng vì bị chính quyền Bình Dương o ép nên ông sẽ đóng cửa khu du lịch Đại Nam là không đúng, không có cơ sở. Việc xử lý các vấn đề của KCN Sóng Thần 3 và khu du lịch Đại Nam không liên quan tới nhau.
Vì sao trong suốt thời gian dài (từ 2009 -2013), tỉnh Bình Dương không trả lời hay giải quyết các đề nghị của Cty CP Đại Nam? Chính quyền tỉnh cũng có cái sai dẫn đến xung đột này?
- Việc này đã được Tổ xác minh liên ngành do Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn (gồm cả Bộ TNMT, Bộ Xây dựng) xác minh một cách cụ thể và đã có kết luận của Thủ tướng; Kết luận này được tổ chức công khai theo đúng quy định của pháp luật. Theo kết quả xác minh, trên thực tế Cty CP Đại Nam mới chỉ gửi văn bản xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/2000 cho KCN Sóng Thần 3 và điều chỉnh QHCT 1/500 cho khu chức năng hành chính, dịch vụ, kho bãi và khu ở; chứ không phải là đã gửi hồ sơ QHCT hoàn chỉnh như pháp luật quy định để thẩm định phê duyệt; mặt khác mỗi lần trình (3 lần điều chỉnh 1/2000 và 2 lần điều chỉnh 1/500) thì Cty CP Đại Nam lại xin điều chỉnh với quy mô và cơ cấu sử dụng đất khác nhau, QHCT 1/500 không đúng QHCT 1/2000 đã được phê duyệt.
Mặt khác, thẩm quyền điều chỉnh quy mô KCN, cơ cấu sử dụng đất là thuộc về các cơ quan của T.Ư, do đó các cơ quan chuyên môn của tỉnh không đủ cơ sở để xem xét, trình duyệt. Một số cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương cũng có cái sai sót, đó là nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh QHCT của Cty CP Đại Nam, thấy không phù hợp với quy hoạch, không đúng quy định nhưng lại chậm trả lời, không trả ngay hồ sơ hoặc không có văn bản trả lời hướng dẫn, giải thích cụ thể mà chỉ trao đổi qua lại, trong khi các bên không đồng quan điểm và không thống nhất, vì thế thời gian xử lý kéo dài.
Video đang HOT
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo và chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, hiện tại về phía các cơ quan nhà nước thì những tổ chức, cá nhân có sai phạm đã tự nhận khuyết điểm, mức kỷ luật theo quy định của pháp luật; tuy nhiên phải chờ kết quả xác minh và kết luận của việc phân lô bán nền đối với khu ở nêu trên, để xem xét lại các hình thức kỷ luật mà các cá nhân, tổ chức tự nhận có phù hợp chưa; khi có kết quả chính thức, UBND tỉnh sẽ công bố rõ ràng, cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng: “TTCP đã ban hành Kết luận số 1549/KL-TTCP và tự cho mình cái quyền kết luận nội dung tố cáo thay Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh BD xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm. Chính việc làm sai Luật Tố cáo này, dẫn đến ông Cung (Chủ tịch UBND tỉnh – PV), UBND và cơ quan chức năng tỉnh BD đã liên tục dồn ép tôi và DN của tôi đến bước đường cùng trong suốt thời gian qua”. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Tôi khẳng định, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức xác minh một cách công khai, minh bạch; theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Tất cả việc làm thời gian qua của tỉnh Bình Dương đối với Cty CP Đại Nam là nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo các vấn đề liên quan KCN Sóng Thần 3; không liên quan đến các hoạt động khác của Cty CP Đại Nam nói chung và KDL Đại Nam nói riêng. Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng ông Dũng nói bị chính quyền tỉnh Bình Dương liên tục dồn ép cá nhân và DN của ông là hoàn toàn không đúng và không có cơ sở.
Dư luận cho rằng, dự án của Becamex cũng chưa có quy hoạch 1/500 như dự án của Cty CP Đại Nam, nhưng vẫn được bán nền, cho xây dựng. Còn Cty CP Đại Nam thì bị cấm. Thực tế có đúng vậy không, thưa ông?
- Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khu ở có diện tích 61,4ha trong KCN Sóng Thần 3 là một trong những khu chức năng, phục vụ cho KCN này, theo cam kết của Cty CP Đại Nam và dự án, QHCT 1/2000 đã được phê duyệt thì khu ở này chỉ được xây dựng nhà ở cao tầng dành cho các chuyên gia và CNLĐ. Mặt khác, đất này theo Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt là đất KCN (đất sản xuất kinh doanh) do vậy theo quy định thì thời hạn sử dụng đất phải là 50 năm theo thời hạn của KCN và không được phân lô bán nền.
Còn các dự án của Tổng Cty Becamex là dự án được quy hoạch để thực hiện tái định cư, trong đó có một phần đất dành cho thương mại, đất này theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt là đất ở, có thời hạn sử dụng đất theo quy định là lâu dài.
Về việc cho phép cấp Giấy CNQSDĐ và giấy phép xây dựng khi chưa có QHCT 1/500, trước đây theo quy định Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003 của Chính phủ thì thành phần hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ không quy định phải có bản sao QHCT 1/500; tuy nhiên đến năm 2009, khi Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy CNQSDĐ ra đời thì quy định trong thành phần hồ sơ phải có bản sao QHCT 1/500, trường hợp không có bản sao thì phải có bản sao văn bản thỏa thuận tổng thể mặt bằng khu đất có nhà ở, công trình xây dựng.
Do chính sách thay đổi, nên không riêng gì TCty Becamex, mà hầu hết các KDC, KĐT trên địa bàn tỉnh đều thiếu QHCT 1/500. Để tháo gỡ vướng mắc khó khăn và linh động giải quyết cho các DN, các hộ gia đình được bố trí tái định cư, các tổ chức đã nhận chuyển nhượng QSDĐ trước năm 2008, trong khi chờ đợi nhà đầu tư xây dựng và bổ sung QHCT 1/500 theo quy định, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cho Sở TNMT và UBND các huyện, thị, thành phố cho phép người dân được tiếp tục làm thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ và cho thiếu bản sao QHCT 1/500, thay thế bằng bản sao QHCT 1/2000 (nhưng các giấy tờ và hồ sơ khác phải đầy đủ theo quy định) để làm cơ sở cho việc xin cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định.
Tất nhiên việc cho phép tiếp tục thực hiện thủ tục cấp giấy và xây dựng nêu trên, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và phải tuân thủ QHCT 1/2000 và dự án đã được phê duyệt. Việc làm này được các nhà đầu tư, DN và người dân hết sức đồng tình và ủng hộ. Đến nay, các nhà đầu tư cũng đã xây dựng xong và bổ sung bản sao QHCT 1/500 cho các ngành chức năng của tỉnh theo quy định.
Tôi xin khẳng định rằng: Tỉnh Bình Dương tháo gỡ khó khăn này là giải quyết chung, không chỉ giải quyết cá biệt cho một công ty hay cá nhân nào; nếu Cty CP Đại Nam cũng có các dự án khu dân cư, khu đô thị tương tự thì vẫn được tỉnh giải quyết như thế.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Lao Động)
"Dùng dằng" đóng cửa Đại Nam: "Chiêu" cao tay của ông Huỳnh Uy Dũng?
Việc liên tục thay đổi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam được cho là chiêu cao tay của ông Huỳnh Uy Dũng nhằm PR và quảng bá thương hiệu cho khu du lịch này...
"Chiêu cao tay"
Thay vì đóng cửa liên tục từ ngày 20/11 đến hết năm 2014, Khu du lịch Đại Nam vừa ra thông báo sẽ mở cửa đón khách miễn phí các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật trong các tuần cuối năm 2014.
Như vậy với thông báo trên có thể thấy chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Công ty CP Đại Nam đã liên tục thay đổi về kế hoạch tạm ngừng đóng cửa Khu du lịch (KDL) Đại Nam.
Trước đó, thông báo được đăng tải 4/11 cho biết, KDL Đại Nam sẽ đóng cửa từ ngày 10/11 đến hết năm 2014, tuy nhiên đến ngày 10/11 thời gian đóng cửa được lùi lại đến ngày 20/11 đến 31/12/2014. Cuối cùng, thông báo mới nhất cho biết trong thời gian đóng cửa từ 20/11 - 31/12/2014, thay vì việc ngừng hoạt động liên tục, Đại Nam vẫn mở cửa miễn phí cho khách vé thăm quan, riêng trò chơi sẽ tính phí bình thường.
Một góc Khu du lịch Đại Nam
Quyết định thay đổi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam được ông Dũng đưa ra sau khi du khách nhiều nơi ùn ùn kéo đến Khu du lịch Đại Nam. Việc lùi thời gian đóng cửa KDL Đại Nam cũng như việc mở cửa miễn phí các ngày 6,7 và chủ nhất các tuần từ 20/11 đến 31/12/2014 được Công ty CP Đại Nam lý giải nhằm giảm bớt lượng khách tập chung, đảm bảo vấn đề sức khỏe người dân và du khách.
Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó dư luận vẫn thấy sự thay đổi trong việc lùi lịch đóng cửa Khu du lịch Đại Nam cho thấy tín hiệu nhượng bộ của UBND tỉnh Bình Dương cũng như Công ty CP Đại Nam trong việc giải quyết khúc mắc, mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, việc lượng khách du lịch bất ngờ kéo đến Khu du lịch Đại Nam sau tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng nói lên nhiều điều: Thứ nhất, Đại Nam vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút rất lớn khách du lịch nhiều địa phương. Thứ hai từ lượng khách du lịch tăng vọt cho thấy tầm quan trọng của Khu du lịch Đại Nam với ngành du lịch Bình Dương.
"Chiêu" làm thương hiệu?
Tuy nhiên, ngay sau thông báo đóng cửa và hình ảnh khách du lịch rầm rộ kéo đến khu du lịch Đại Nam gây ra cảnh hỗn loạn, tắc nghẽn giao thông ở khu vực này xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện về việc đóng cửa Đại Nam dường như chuyển sang chiều hướng khác khi có ý kiến cho rằng, không cần bất cứ lời PR nào, Đại Nam bỗng chốc được hàng triệu người dân cả nước biết đến.
Cùng với đó, cũng đã có không ít lời bàn tán phải chăng đây là chiêu PR, làm thương hiệu của ông Huỳnh Uy Dũng? Và truyền thông đang bị ông Dũng lò vôi dẫn dắt?
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng: "Rất khó để nói đây là chiêu làm thương hiệu bởi không ai lấy việc đóng cửa doanh nghiệp để làm thương hiệu".
Phân tích kỹ hơn, ông Tùng nêu quan điểm: Khu du lịch Đại Nam là điểm du lịch nổi bật, trong đó có hàng nghìn lao động đang làm việc nếu đưa thông tin đóng cửa để làm thương hiệu sẽ dễ dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Do đó đây có thể chỉ là cách làm nhằm đối phó với chính quyền địa phương vì những khúc mắc không được giải quyết.
"Tôi cũng chưa từng chứng kiến việc một doanh nghiệp lớn tuyên bố đóng cửa để làm thương hiệu bao giờ bởi sự tổn hại đến thương hiệu là rất lớn", ông Tùng nói.
Tương tự với truyền thông, chuyên gia Marketing Hoàng Tùng nhận định: "Truyền thông không bị Khu du lịch Đại Nam dẫn dắt. Nếu ta nhìn truyền thông là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng thì truyền thông cần phải theo đuổi những sự vụ có được sự quan tâm của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng quả thực đang quan tâm đến số phận của Khu du lịch Đại Nam".
"Cá nhân tôi chỉ mong muốn giữa doanh nghiệp và chính quyền giải quyết ổn thỏa và hướng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng tiếp tục có được địa điểm vui chơi để lựa chọn. Người lao động giữ được công ăn việc làm. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển và chính quyền từ đó thu được thuế từ hoạt động doanh nghiệp. Đó là giải pháp tốt nhất", ông Tùng kết luận.
Theo Giáo Dục
Khu du lịch Đại Nam đóng cửa: Ông Huỳnh Uy Dũng được gì, mất gì? Trước ngày đóng cửa, Khu du lịch Đại Nam đột ngột trở thành "điểm đến" của nhiều khách du lịch. Tỉnh Bình Dương bỗng dưng vui như "trẩy hội" và lượng người đổ về Đại Nam đã làm kẹt cứng nhiều tuyến đường. Quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của ông Dũng "lò vôi" đã trở thành một sự kiện...