Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lên tiếng vụ sông Thương bị “đầu độc”
“Gây ô nhiễm nguồn nước sông Thương là gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính người dân Bắc Giang, trong đó có tôi và gia đình tôi” – lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trao đổi.
PV Dân trí đã liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu rõ hơn về sai phạm của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trong vụ “bức tử” sông Thương.
Trước đó cơ quan này có báo cáo về việc Nhà máy Phân đạm Hà Bắc xả thải đầu độc sông Thương. Theo đó, do doanh nghiệp này xả chất thải độc hại ra môi trường, đêm 1/1/2015, cá trên sông Thương nổi chết hàng loạt. Điều này gây bức xúc cho người dân sống quanh khu vực nhà máy và dọc sông Thương đoạn chảy qua TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang.
Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có dấu hiệu vi phạm trong vụ sông Thương bị “đầu độc”.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ việc hiện vẫn đang được điều tra cụ thể. Bao giờ có kết quả cuối cùng mới có quyết định xử lý.
Giám đốc Sở TNMT xác nhận, đây không phải là lần đầu Công ty Phân đạm Hóa chất Hà Bắc có dấu hiệu vi phạm về môi trường. Trước đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã từng xử phạt doanh nghiệp này cũng về những hành vi xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chánh Văn phòng Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Liên hệ với Công ty Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, ông Nguyễn Văn Nam (Chánh Văn phòng) lại hướng dẫn sang Sở TNMT. Ông Nam cũng lấy lý do lãnh đạo công ty bận, chưa thể bố trí. Mặc dù chúng tôi xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu cơ quan nhưng ông Chánh Văn phòng yêu cầu quay về làm công văn.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ông chưa nắm rõ vụ việc này. Tuy nhiên, nếu có kết quả điều tra cụ thể, thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch tỉnh tùy theo mức độ sai phạm.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang trong buổi làm việc với PV Dân trí.
Trả lời phóng viên về việc một số ý kiến cho rằng, có sự bao che của cơ quan, chính quyền tỉnh cho Công ty Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, ông Nguyễn Văn Linh khẳng định là không.
Theo ông Linh, Công ty Phân đạm Hà Bắc là doanh nghiệp nhà nước. Mọi khoản thu chi đều hạch toán sổ sách. Vì vậy, doanh nghiệp không thể có chuyện “đi đêm” như doanh nghiệp ngoài.
“Quan điểm chung của tỉnh là sản xuất thì tỉnh tạo điều kiện. Vi phạm môi trường làm sao ưu ái được” – Ông Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh. Ông Linh khẳng định, tỉnh sẽ có ý kiến với Công ty Phân đạm Hà Bắc để chấm dứt việc này.
“Gây ô nhiễm nguồn nước sông Thương là gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính người dân Bắc Giang, trong đó có tôi và gia đình tôi” – ông Linh chia sẻ.
Khu vực sông Thương bị “bức tử”.
Như Dân trí đã thông tin, vừa qua, người dân TP Bắc Giang vô cùng bức xúc chứng kiến hiện tượng cá chết “nổi trắng” trên sông Thương đoạn khu vực xả thải của Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Bắt đầu từ sáng ngày 1/1, do nước thủy triều dâng nên hiện tượng cá nổi xảy ra chủ yếu ở khu vực sông từ Cống 420 của nhà máy đến khu vực thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, đến khi nước rút thì cá phía hạ lưu thuộc phường Thọ Xương, TP Bắc Giang cũng bị chết hàng loạt.
Cho rằng cá chỉ bị ngạt khí amoniac nên hàng trăm người dân dọc hai bên bờ sông đã đổ xô vớt lấy những con cá còn sống, có người đã vớt được hàng trăm kg cá các loại. Trong quá trình vớt cá, mọi người đều ngửi thấy mùi khi amoniac nồng nặc trên sông.
Q. Đô
Theo Dantri
Xác định "thủ phạm" trong vụ "đầu độc" hàng tấn cá trên sông Thương
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân cá chết "trắng" trên sông Thương là do Nhà máy số 2 - Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, bắt đầu từ sáng 1/1, trên sông Thương, đoạn qua địa phận phường Thọ Xương, Tp Bắc Giang xuất hiện hiện tượng cá nổi và chết hàng loạt. Cho rằng cá chỉ bị ngạt khí amoniac nên hàng trăm người dân dọc hai bên bờ sông đã đổ xô vớt lấy những con cá còn sống. Có những người đã vớt được hàng trăm kg cá các loại, tuy nhiên, số cá chết đang nằm dưới lòng sông chưa kịp nổi còn rất nhiều.
Trước hiện tượng cá chết bất thường trên, các cơ quan chức năng về môi trường tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc điều tra, lấy mẫu để xác định nguyên nhân vụ việc.
Sự cố tràn bể tại nhà máy số 2 của Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã khiến cho dòng sông Thương bị đầu độc nghiêm trọng.
Những nhân chứng được tham gia vớt cá trên sông đều khẳng định, sáng 1/1, trong lúc vớt cá, họ ngửi thấy mùi khí amoniac nồng nặc bốc lên từ mặt nước. Ở đây, chỉ có duy nhất nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có sử dụng khí amoniac và xả thải ra sông Thương. Việc nhà máy này xả thải gây ô nhiễm môi trường đã từng có tiền lệ từ nhiều năm trước.
"Tôi đã sống trên mảnh đất này hơn 50 năm, cũng đã chứng kiến nhiều vụ cá chết hàng loạt, dòng sông bị đầu độc một cách nghiêm trọng từ việc nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc xả thải. Tuy nhiên, việc cá chết số lượng lớn như những ngày vừa qua là chuyện hiếm gặp, cách đây khoảng ba năm về trước đã từng có vụ việc tương tự. Còn những vụ cá chết số lượng nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra." Một người dân sống tại Bến Hướng, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang cho biết.
Cũng theo người này, có những thời điểm vào ban đêm, mọi người ở trong nhà vẫn có cảm giác cay mắt, nước mắt, nước mũi chảy liên tục không rõ nguyên nhân. Thậm chí chỉ cần đi ngang qua khu vực gần nhà máy đã ngửi thấy mùi hóa chất bốc ra nồng nặc.
Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có lắp đặt một hệ thống thoát nước thải duy nhất đổ ra sông Thương qua Kênh 420. Theo quan sát của PV Dân trí, nhà máy nằm rất sát bờ sông, hệ thống Kênh nước thải 420 liên tục xả nước cả ngày lẫn đêm với dòng chảy khá lớn.
Kênh nước thải 420 đổ ra sông Thương của Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Nhiều người dân cho rằng, chính nguồn nước từ Kênh 420 là nguyên nhân khiến cá bị chết hàng loạt trong những ngày vừa qua. Bởi toàn bộ quá trình sục rửa máy móc, xả thải... của nhà máy đều qua chiếc cống thải duy nhất này.
Người dân địa phương cho biết, những lần nhà máy xả thải "trộm" vào lúc nước thủy triều dâng còn khiến cá ở phía thượng nguồn cách đó vài cây số (đoạn thuộc xã Xuân Hương, Lạng Giang) bị chết hàng loạt, và khi nước sông rút thì cá ở phía hạ lưu cũng chết theo.
Một lãnh đạo UBND phường Thọ Xương khẳng định với PV Dân trí, dọc theo hai bờ sông Thương, đoạn chảy qua địa bàn có một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất có xả thải, đặc biệt là thải ra sông Thương thì chỉ có Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ Môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường đã vào cuộc xác minh, lấy mẫu để điều tra, xác định nguyên nhân.
"Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân khiến cho cá chết hàng loạt là do sự cố "tràn bể" tại Nhà máy số 2, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Trong quá trình vận hành, bể nước sạch của nhà máy đã bị tràn sang bể nước chưa qua xử lý, từ bể nước bẩn này đổ thẳng ra sông Thương.
Kết quả lấy mẫu cho thấy, có nhiều chỉ số đã vượt quá quy định cho phép về bảo vệ môi trường, trong đó, có những chỉ số vượt trên 30 lần. Nhà máy này do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, đang trong giai đoạn chạy thử, nhưng chưa bàn giao cho Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc quản lý. Phía nhà thầu cũng đã thừa nhận sơ suất để xảy ra sự cố trên." Lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ Môi trường cho biết.
Nhà máy số 2 - Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vào ban đêm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lớn hơn chính là nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân TP Bắc Giang đang bị đe dọa nghiêm trọng. Bởi nước sông Thương được xử lý để cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ các hộ dân tại TP Bắc Giang. Hệ thống bơm nước trên lại nằm trong khu vực cá chết hàng loạt trong mấy ngày vừa qua. Do đó, nếu nguồn nước từ kênh 420 của nhà máy bị ô nhiễm thì trạm cấp nước hoàn toàn nằm trong khu vực ảnh hưởng do thủy triều dâng.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với đơn vị vi phạm. Được biết, mức xử phạt theo quy định đối với đơn vị để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường lên tới hàng tỷ đồng.
Dân trí tiếp tục thông tin.
Q. Đô - X. Thái
Theo Dantri
Cá chết nổi trắng sông, dân tấp nập đi vớt Trên sông Thương đoạn chảy qua TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, những người dân chỉ cần dùng tay cũng vớt được hàng chục cân cá. Có người dùng thuyền vớt được hàng tạ cá tươi. Hai ngày qua, người dân TP Bắc Giang xôn xao về hiện tượng cá chết "nổi trắng" trên sông Thương, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa...