Lãnh đạo thế giới trước những thách thức lớn năm 2013
Barack Obama tái đắc cử, Vladimir Putin trở lại Kremli, Trung Quốc có lãnh đạo mới Tập Cận Bình, một số nước thay đổi đảng cầm quyền… Dù là người ở lại hay mới lên, các nhà lãnh đạo thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn trong năm 2013.
Nếu như 2012 được đặc trưng bởi 3 nét lớn (năm của bầu cử, tranh chấp biển đảo và xung đột Trung Đông – Bắc Phi), thì 2013 cũng được dự báo sẽ nổi lên 3 vấn đề chính. Trong số này, tranh chấp chủ quyền biển đảo và làn sóng “Mùa Xuân Arập” sẽ là những vấn đề tiếp nối của năm trước, còn yếu tố thứ ba thuộc về những khó khăn do khủng hoảng kinh tế tạo ra, thay vì là bầu cử như năm 2012.
Tranh chấp chủ quyền chưa hạ nhiệt
Những chuyển dịch về cơ cấu địa chính trị, nhu cầu bức bách về năng lượng cho phát triển và tinh thần tự tôn dân tộc sẽ tiếp tục là “những mồi lửa” thổi bùng căng thẳng bấy lâu về tranh chấp chủ quyền biển đảo tại nhiều vùng biển trên thế giới, từ châu Á – Thái Bình Dương tới Nam Đại Tây Dương.
Căng thẳng biển đảo sẽ tiếp tục chi phối mạnh mẽ các xu hướng chuyển động địa chính trị trong năm 2013.
Căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trên cả thực địa lẫn các diễn đàn khu vực cũng như thế giới.
Mặc dù báo cáo của Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ cố gắng xây dựng “kiểu quan hệ mới” có tính ổn định lâu dài, tăng trưởng lành mạnh và tránh để xảy ra xung đột, nhưng thực tế mục tiêu này không dễ thực hiện. Nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho 1,4 tỷ người cùng tham vọng “chen chân” vào câu lạc bộ các cường quốc thế giới sẽ khiến Trung Quốc không nề hà tiếp tục gây áp lực lên các nước trong, ngoài khu vực.
Tiếp sau việc thành lập và cho xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa”, lưu hành hộ chiếu in “đường lưỡi bò” và thường xuyên cử tàu thuyền đến các vùng biển tranh chấp, trong năm 2013 Trung Quốc sẽ nâng dần cấp độ yêu sách trong cả tuyên bố và hành vi của mình mà khởi đầu là việc ngay từ hôm nay (1/1/2013), nước này đưa vào thực thi tuyên bố ngang ngược trước đó nói rằng “có quyền chặn giữ, lục soát và trục xuất” các tàu thuyền nước ngoài hoạt động tại Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng theo hướng ưu tiên năng cường năng lực cho hải quân và không quân, đẩy mạnh mua sắm, đóng mới tàu sân bay, chế tạo các thế hệ máy bay hiện đại (thế hệ 5) và các mẫu tên lửa, đạn pháo tiên tiến.
Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục mở rộng vòng cung ảnh hưởng nhằm đối trọng lại với chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Sau khi đã “yên tâm về sự ủng hộ của Campuchia”, Trung Quốc sẽ hướng sang những quốc gia Đông Nam Á khác không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nước này như Thái Lan, Myanmar. Điều này một lần nữa sẽ đặt 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước thách thức không nhỏ trong năm 2013, dù vai trò Chủ tịch nay đã thuộc về Brunei.
Trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản ở Hoa Đông, Trung Quốc có thể không áp dụng được chiêu bài tương tự như với ASEAN, song không vì thế kém phần quyết liệt. Bắc Kinh vẫn sẽ thường xuyên cử tàu bè, thậm chí cả máy bay, đến vùng biển tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời sử dụng chiêu bài kinh tế để gây sức ép lên ban lãnh đạo mới ở Nhật Bản do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo.
Trong khi đó, tại biển Nhật Bản, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo cũng sẽ chưa lắng dịu ngay, do các nhà lãnh đạo mới ở cả hai nước đều giữ quan điểm cứng rắn và mang nặng tinh thần dân tộc.
Trước những nguy cơ căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Hoa Đông và Nhật Bản, một số chuyên gia lo ngại về nguy cơ mở rộng chạy đua vũ trang, thậm chí xung đột ở châu Á – Thái Bình Dương. Một khi điều này xảy ra, nó không chỉ nhấn chìm toàn bộ khu vực mà còn kéo cả thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng mới.
Video đang HOT
Vì vậy hơn lúc nào hết, Mỹ sẽ ngày càng phải thể hiện rõ hơn vai trò của mình tại khu vực này. Mặc dù tới nay Washington vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp, song không vì thế mà cường quốc số một thế giới có thể khoanh tay đứng nhìn khi căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao.
“Nhiều nước trông đợi Mỹ sẽ trở thành lực lượng đối trọng về quân sự và chính trị với Trung Quốc vì nếu không có yếu tố này, sẽ có quốc gia nào đó rảnh tay hơn trong việc thống trị toàn bộ khu vực”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) nói.
“Chảo lửa” Trung Đông tiếp tục nóng
Ngoài các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, một điểm nóng khác cũng sẽ chi phối mạnh mẽ bức tranh địa chính trị trong năm 2013 là cuộc khủng hoảng tại “chảo lửa” Trung Đông – Bắc Phi.
Trung Đông – Bắc Phi chưa thể thoát khỏi sức nóng từ làn sóng “Mùa Xuân Arab” sau hơn 2 năm bùng phát, lật đổ một loạt chính thể trong khu vực.
Cái tên “Mùa Xuân Arập” vẫn sẽ tiếp tục được nhắc đến với tần suất không kém hai năm trước khi cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu tìm thấy điểm dừng, trong khi bất ổn chính trị và xã hội tiếp tục hoành hành ở những quốc gia nằm trong quỹ đạo di chuyển của làn gió nóng “Mùa Xuân Arab”.
Mặc dù hiện tại, các điều kiện ở Syria tưởng như đã chín muồi khi phe đối lập nước này hợp nhất thành tổ chức chính trị duy nhất “Liên minh quốc gia các lực lượng cách mạng và đối lập Syria”, tổ chức này cũng đã được Mỹ và phương Tây chính thức công nhận, trong khi ở bên ngoài NATO triển khai 6 hệ thống tên lửa Patriot tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ/Syria, còn Nga và Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm dần sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad…, song việc tìm ra giải pháp cuối cùng thỏa mãn lợi ích của tất cả các bên hoàn toàn không đơn giản.
Rõ ràng, cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, phương Tây và các nước trong khu vực đều muốn được chia phần trong “miếng bánh lợi ích” ở Syria hậu Assad. Nhưng chia cho ai và chia như thế nào các bên còn bàn cãi. Thực tế này, cộng với bài học nhãn tiền trước đó ở Lybia và Ai Cập cho thấy, chừng nào lợi ích chưa được phân định, chừng nào các thế lực bên ngoài còn muốn áp đặt những giá trị dân chủ khiên cưỡng vào dân tộc khác, chừng đó hòa bình và phát triển vẫn chưa thể đến với người dân Syria.
Bên cạnh vấn đề Syria, hồ sơ hạt nhân của Iran cũng sẽ là nhân tố làm đau đầu các nhà lãnh đạo thế giới trong năm 2013. Thậm chí một số nhà phân tích còn bày tỏ quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột trong khu vực khi mà logic của việc “nghi ngờ – trừng phạt” không còn giá trị đối với cả hai bên.
Lo ngại trước việc Mỹ và phương Tây không ngừng tìm cách siết chặt vòng cung Shi’ite, mà điển hình là kế hoạch lần lượt lật đổ các chính thể thân Hồi giáo trong khu vực, Tehran sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn các ảnh hưởng và lợi ích của mình bị thu hẹp. Nhà nước Hồi giáo một mặt tăng cường can dự vào các vấn đề khu vực (như nước này đang sốt sắng tham gia giải quyết khủng hoảng tại Syria), mặt khác đẩy mạnh nâng cấp tiềm lực quốc phòng và kiên quyết bảo vệ chương trình phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự.
Tất nhiên, trong hồ sơ hạt nhân của Iran, các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây không phải không có tác dụng. Trong năm qua, đặc biệt là những tháng cuối năm, các ngành ngân hàng và dầu mỏ Iran đã gặp khó khăn rất lớn do tác động từ hàng loạt quyết định trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Theo đánh giá của giới chuyên gia, những khó khăn này sẽ ngày càng nhân lên theo thời gian, vì vậy nó sẽ trở thành con bài mặc cả của cả hai bên.
Với Iran, dỡ bỏ trừng phạt sẽ là một trong những điều kiện để Tehran không xét tới kế hoạch phong tỏa eo biển chiến lược Hormuz và ngồi vào bàn đàm phán. Còn với Mỹ và phương Tây, lệnh trừng phạt chỉ được thu hồi nếu Nhà nước Hồi giáo cam kết sẽ ngừng có kiểm chứng tất cả các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Nhưng nguy hiểm là ở chỗ, khác với năm 2012 khi nhiều chính phủ phải lo toan bầu cử trong nước khiến mọi ý đồ tấn công phủ đầu Iran đều bị xếp xuống hàng thứ yếu, năm 2013 sẽ chứng kiến sự thay đổi khá lớn trong nỗ lực hợp tác của phương Tây chống lại quốc gia này.
“Logic của thập niên trước về việc áp đặt trừng phạt kết hợp đàm phán đã chấm dứt”, Jessica Mathews, Giám đốc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhấn mạnh.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown dù cho rằng các biện pháp cấm vận đã phát huy tác dụng lớn, nhưng cũng không loại trừ khả năng phương Tây sẽ có những động thái phản ứng mạnh mẽ hơn để đổi lại việc Tehran từ bỏ hay ít nhất phải ngừng chương trình làm giàu uranium.
“Tôi không loại trừ khả năng sẽ xảy ra không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran vì họ cần biết rằng, ít nhất đó vẫn là một khả năng”, ông Brown khẳng định.
Vách đá tài chính làm trầm trọng thêm khủng hoảng nợ công
Bên cạnh nỗi lo chưa nguôi về cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nền kinh tế thế giới trong năm 2013 còn phải đón nhận những tin tức không vui liên quan đến “vách đá tài chính” Mỹ.
“Không vấn đề nào thuộc chính sách đối ngoại năm 2013 sẽ tác động nhiều tới tình hình kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu bằng việc Mỹ và châu Âu phải cùng lúc đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế của họ”, bà Jessica cho biết.
Vách đá tài chính và khủng hoảng nợ công sẽ trở thành hai gánh nặng khổng lồ đè lên vai người dân Mỹ và châu Âu.
Việc chính trường Mỹ bế tắc khiến “chú Sam” không tránh được “vách đá tài chính” đã giáng một đòn đau vào chính quyền của Tổng thống Barack Obama, khi kịch bản tăng thuế và giảm mạnh ngân sách liên bang đồng loạt tự động có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đây không chỉ là thất bại của chính quyền Obama ngay khi bước chân vào nhiệm kỳ II, mà còn là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc suy thoái khác ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Nếu các chính đảng Mỹ có thể nhất trí cách thức phá tan vách đá tài chính, các giải pháp kinh tế sẽ giúp mở đường cho đầu tư tư nhân, phục hồi kinh tế, đem lại khả năng và động lực mới cho vai trò lãnh đạo của đất nước”, bà Jessica nói.
Theo tính toán, cú va trực diện vào “vách đá tài chính” sẽ làm kinh tế Mỹ có nguy cơ mất đi 4% GDP, khiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm xuống chỉ còn 1,7% năm 2013, so với mức 2,1% năm 2012.
Trong khi đó, với châu Âu vốn nhiều năm chao đảo trong bão nợ công, thách thức vẫn tập trung ở việc làm thế nào duy trì kỷ luật kinh tế và ý chí chính trị.
“Các quốc gia như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cần duy trì cách xử lý cứng rắn, tránh thoái trào và tiếp tục hướng tới phục hồi tăng trưởng”, bà Jessica cảnh báo.
Nhiều nước thành viên Eurozone sẽ tiếp tục chao đảo trong cuộc khủng hoảng nợ công sắp kéo dài sang năm thứ 5 liên tiếp.
Điều đáng lo ngại là bão nợ công giờ đây không chỉ các động đến các mắt xích yêu, mà còn đe dọa kéo cả Đức và Pháp, hai đầu tàu kinh tế châu Âu, vào vòng nguy hiểm.
“Trong năm 2013, kinh tế Đức sẽ trải qua thời kỳ khó khăn hơn so với năm 2012 và cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone còn lâu mới có hồi kết”, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định trong thông điệp Năm Mới ngày 31/12.
Sau 4 quý suy giảm tăng trưởng kinh tế liên tiếp trong năm 2012 (từ 0,5% trong quý I xuống còn 0,1% trong quý IV), Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái trong đầu năm nay và chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,4% cả năm.
Theo dự báo, GDP của Eurozone sẽ giảm 0,3% trong năm 2013. Giới chuyên gia dự báo, tuy mức độ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã lùi lại phía sau, song Giám đốc nghiên cứu Mỹ và châu Âu của viện Brookings, ông Justin Vaisse, vẫn cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục tác động mạnh không chỉ các nền kinh tế thành viên, mà cả những nước phụ thuộc vào thị trường EU, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
“Viễn cảnh ảm đạm khi Eurozone cắt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ dẫn tới những hậu quả chính trị, xã hội và địa chính trị ở Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế của Pháp nói sau khi cho biết kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng hơn 7% năm 2013, mức thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay.
Cũng theo chuyên gia Vaisse, không chỉ riêng Trung Quốc, nhiều nền kinh tế khác ở châu Á – khu vực vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu – cũng sẽ bị ảnh hưởng khiến tốc độ tăng trưởng có thể chững lại với nguy cơ đáng quan ngại hơn so với năm 2012.
Văn phòng Nội các Nhật Bản xác nhận nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã bắt đầu trượt dần vào suy thoái từ quý III năm 2012. Nếu tình trạng này không được cải thiện, xứ sở Mặt Trời mọc sẽ rơi vào suy thoái lần thứ 5 trong vòng 15 năm qua.
Lời kết
Như vậy có thể thấy một năm mới 2013 với không ít khó khăn và thách thức đang chờ đón các nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, nói như lời của Thủ tướng Đức Merkel, khó khăn sẽ không làm các nhà lãnh đạo nản lòng mà chỉ càng khiến họ tăng thêm quyết tâm và nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn trong năm 2013, với hy vọng những mảng tối trong năm cũ sẽ sáng dần lên trong năm mới.
Hy vọng này không phải không có cơ sở khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay, Nam Á 5% và khu vực Thái Bình Dương là hơn 7%. Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á vừa được công bố cũng dẫn dự báo của Goldman Sachs cho rằng kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng trung bình 6,9% năm 2013 và 7,3% /năm trong giai đoạn 2014 – 2016.
Theo Dantri
Năm 2013 sẽ nóng kỷ lục trong 160 năm qua
Đài Tiếng nói nước Nga cho biết năm 2013 tới sẽ là năm nóng nhất trong vòng 160 năm gần đây.
Năm 2013, nhiệt độ thế giới sẽ cao kỷ lục.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Nga, nhiệt độ 2013 sẽ vượt quá mức trung bình hàng năm hơn nửa độ C. Nếu điều này tiếp tục diễn ra, trong thế kỷ này, khí hậu thế giới sẽ bắt đầu thay đổi một cách cực đoan.
Song một số nhà nghiên cứu lại đưa ra một dự báo khác hẳn. Theo ý kiến của họ, kể từ năm 2014, nhiệt độ trung bình sẽ hạ xuống và sau đó sẽ bắt đầu một kỷ băng hà mới.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo rằng trong thế kỷ tới, nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm 4 độ C.
Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả không thể đảo ngược là dự trữ lương thực thế giới sẽ giảm xuống, các hệ sinh thái bị phá hủy và nước biển dâng.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, không phải mọi thứ đều đã muộn. Điều đầu tiên cần làm là phải đưa ra một chương trình mới và hiệu quả nhằm đối phó với vấn đề khí hậu toàn cầu nóng lên.
Theo xahoi
Cuộc đua gay cấn của các ứng viên tổng thống Hàn Quốc Người dân Hàn Quốc cuốn mình trong áo choàng và khăn quàng cổ, đi bỏ phiếu để chọn ra tổng thống mới giữa một ứng viên có tư tưởng hòa giải với Triều Tiên và nữ ứng viên đầu tiên cho chức vụ tổng thống. Ông Moon Jae-in (trái) và bà Park Geun-hye, có cuộc chạy đua sít sao vào Nhà Xanh của...