Lãnh đạo thế giới chúc mừng Thủ tướng Anh Cameron
Các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi lời chúc mừng đến Thủ tướng Anh David Cameron sau chiến thắng của đảng Bảo thủ cầm quyền, ngay khi kết quả cuộc bầu cử Hạ viện được công bố.
Thủ tướng Cameron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2015. (Ảnh: EPA)
Cuộc bầu cử Hạ viện Anh đã được theo dõi sát sao trên khắp châu Âu, vì ông Cameron đã cam kết sẽ đàm phán một “thỏa thuận tốt hơn” cho Anh và mở một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề nước Anh có tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói ông “mong đợi sớm được gặp ông Cameron”. Thông báo từ văn phòng của ông Juncker cho biết ông sẽ xem xét các đề xuất của Anh về “một biện pháp lịch sự, hữu nghị và khách quan”, nhưng cảnh báo rằng các nguyên tắc chủ chốt bao gồm tự do đi lại vẫn là “không thể đàm phán”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi chiến thắng của ông Cameron là “chiến thắng huy hoàng”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đăng trên Twitter: “Tôi hy vọng được làm việc cùng ngài (Thủ tướng Cameron) dựa trên các mục tiêu chung về hòa bình và thịnh vượng”.
Nga cho biết nước này đang theo dõi sát sao kết quả của cuộc bầu cử tại Anh, nhưng thể hiện mối quan ngại về “mối quan hệ đang đóng băng trong thời điểm hiện tại”.
Video đang HOT
Đại sứ Mỹ tại Anh Matthew Barzun đã viết trên Twitter: “Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới như trước nay vẫn thế”.
Rất nhiều lời chúc mừng đã được gửi tới Thủ tướng Cameron từ khắp châu Âu. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi đây là “một chiến thắng ấn tượng”.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gọi chiến thắng của Thủ tướng Cameron là “một sự công nhận xứng đáng cho những cải cách quyết đoán của ông”.
“Một kết quả xuất sắc. Tạm biệt cuộc bầu cử, xin chào 5 năm cầm quyền”, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb đã đưa ra nhận xét.
Tuy nhiên, cũng không ít người bày tỏ lo ngại về quyết định của chính phủ mới về vấn đề thành viên EU của Anh.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt cho rằng: “Khi giữ chức Thủ tướng, David Cameron hướng tới “một quốc gia, một Anh quốc”. Điều đó quan trọng, nhưng tôi mong ông ấy sẽ thêm vào “Một châu Âu” nữa”.
Manfred Weber, Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu, đã đăng trên Twitter rằng “trái bóng đang nằm trong sân nhà Cameron. Ông ta cần phải đưa ra yêu cầu của mình, nhưng những quyền tự do của EU là điều bất khả xâm phạm”.
Nghi Phương
Theo Dantri/BBC
Cử tri Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử định đoạt tương lai
Ngày 7/5, cử tri khắp nước Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được dự báo khó lường nhất trong nhiều thập niên qua, và được xem như sẽ định đoạt tương lai của đảo quốc sương mù tại Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc tổng tuyển cử tại Anh năm nay được đánh giá khó lường (Ảnh: Guardian)
Theo hãng tin AFP, nhiều nhà quan sát dự báo rất có thể đây sẽ là lần đầu tiên từ năm 1974, một chính phủ thiểu số tại Anh được thành lập và khả năng nước này rời EU cũng như Scotland tuyên bố độc lập sẽ càng cao hơn.
Đảng Bảo thủ theo đường lối trung hữu của thủ tướng David Cameron, vốn giữ vai trò lãnh đạo trong chính phủ liên minh từ năm 2010, sẽ phải đấu tranh quyết liệt để tiếp tục giữ vị thế tại quốc hội, trước sự cạnh tranh ngày một lớn từ Công đảng theo đường lối trung tả của ông Ed Miliband. Kết quả các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy tương quan đang là 50-50.
Trong khi lãnh đạo cả hai đảng khẳng định họ có thể thắng với đa số rõ ràng tại Hạ viện, vốn gồm 650 ghế, hầu như chắc chắn họ sẽ phải liên minh với các đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ.
Câu hỏi lớn nhất lúc này đó là ai sẽ liên minh với ai. "Vào thời điểm hiện tại, tôi không hề có ý tưởng nào về việc ai sẽ là thủ tướng sau một tháng nữa", Peter Kellner, chủ tịch công ty khảo sát YouGov chia sẻ. "Không có cuộc khảo sát hay nhà tiên tri chính trị nào có thể đảm bảo điều gì chắc chắn sẽ diễn ra vào thứ Năm".
Các điểm bầu cử mở cửa từ 6 giờ sáng (giờ GMT) và đóng cửa lúc 21 giờ cùng ngày. Kết quả khảo sát cử tri cuối ngày sẽ được công bố ngay sau đó. Nhiều khả năng cục diện sẽ rõ ràng ngay trong đêm, mặc dù số lượng ghế cụ thể mỗi đảng giành được sẽ không thể biết chắc cho tới ngày thứ Sáu.
Với việc cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đều được nhận định không đủ sức giành đa số ghế, họ sẽ cần nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để thương thảo với các đảng nhỏ hơn, nhằm tập hợp cho đủ 326 ghế tại Hạ viện.
Đảng dân tộc Scotland (SNP), vốn muốn Scotland tách khỏi vương quốc Anh, nhiều khả năng giành được nhiều ghế nhất tại khu vực phía Bắc biên giới và có vị thế tốt trong các cuộc thương thảo.
Khả năng cao SNP sẽ ủng hộ Công đảng và quay lưng với đảng Bảo thủ, bởi đảng của cố thủ tướng Margaret Thatcher không được cư dân Scotland ủng hộ, sau những cải cách kinh tế từ thời "bà đầm thép" còn nắm quyền, vốn bị cho là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp nặng tại vùng này đi xuống.
Đảng Dân chủ tự do theo đường lối ôn hòa, một đối tác trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Cameron, cũng giữ vị trí then chốt trong các cuộc đàm phán liên minh sau bầu cử. Hiện đảng này đang tỏ ra sẵn sàng hợp tác với cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng.
Chính phủ mới tại Anh, dù do Công đảng hay đảng Bảo thủ lãnh đạo, sẽ phải đối mặt với thử thách lớn đầu tiên khi các nghị sỹ bỏ phiếu về chương trình lập pháp sau bài phát biểu của Nữ hoàng vào ngày 27/5 tới.
Cuộc bầu cử tại Anh được dư luận quốc tế quan tâm, bởi nó có thể ảnh hưởng tới vị thế của Anh, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thành viên sở hữu vũ khí hạt nhân của NATO.
Ngoài ra, cuộc bầu cử còn đáng chú ý bởi Thủ tướng Cameron từng hứa sẽ trưng cầu dân ý về khả năng Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, rời khỏi EU năm 2017 nếu đảng Bảo thủ chiến thắng.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AFP
Thăm dò sau bầu cử Anh: Đảng Bảo thủ dẫn đầu Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đang dẫn đầu cuộc bầu cử Hạ viện vừa diễn ra tại Anh ngày hôm qua, theo kết quả thăm dò ngay sau thời điểm đóng hòm phiếu tại các điểm bầu cử. Kết quả bầu cử được cập nhật liên tục bên ngoài trụ sở chính của kênh truyền hình BBC ở thủ đô...