Lãnh đạo thế giới chia buồn với người dân Singapore
Các vị lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông Lý Quang Diệu cũng như người dân Singapore.
Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nhận được nhiều quan tâm, tiếc thương của lãnh đạo thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong thư gửi lời chia buồn, có viết: “Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin về sự ra đi của Ngài Cố vấn Singapore, ông Lý Quang Diệu. Thay mặt toàn thể người dân Mỹ, vợ tôi Michelle và tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình Ngài. Ông là một tượng đài, người sẽ thế hệ sau nhớ tới với tư cách là người cha của một Singapore hiện đại và là nhà chiến lược tài giỏi nhất về các vấn đề châu Á”.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp năm 2009.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ: “Ngài Lý Quang Diệu là một người thông thái. Lời khuyên bảo mà tôi từng lượm lặt được trong các cuộc trò chuyện với ông – về cuộc sống, chính trị và các vấn đề toàn cầu – là một trong những thứ quý giá nhất và sâu sắc nhất tôi từng nhận được. Ông, tất nhiên, là nhà phân tích sắc sảo và điều đó được chứng minh thông qua việc Singapore đã trở thành một trong những đối tác chiến lược lớn nhất trong khu vực”.
Thủ tướng Anh David Cameron ca ngợi: “Ông đã biến đất nước mình thành điển hình của sự thành công trong thế giới hiện đại”.
Trong một tuyên bố vào sáng ngày 23/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi đã miêu tả ông Lý Quang Diệu là “một nhà lãnh đạo châu Á với sự ảnh hưởng độc nhất, và cũng là một nhà chiến lược gia có tầm nhìn quốc tế. Trung Quốc xin bày tỏ nỗi thương tiếc vô cùng khi ông Lý Quang Diệu qua đời và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới chính phủ Singapore, người dân cùng với gia đình ông”.
Chủ tịch Tập Cận Bình thay mặt Đảng Cộng Sản Nhân dân Trung Hoa gửi thư chia buồn tới gia đình ông Lý Quang Diệu và nói rằng ông là “một nhà chiến lược gia và chính trị gia được kính trọng trong cộng đồng quốc tế”.
Thủ tướng Lý Quang Diệu (hồi đó) có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy Ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình
Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất về sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu tới Thủ tướng Lý Hiển Long và gia đình. Ông viết: “Trong suốt cuộc đời mình, với cương vị một Thủ tướng chính phủ, ông Lý Quang Diệu đã tận tụy phục vụ đất nước, và biến Singapore thành đất nước mẫu mự, có một chính phủ hiện đại, hiệu quả và trung thực”.
Theo Kiến Thức
Video đang HOT
9 nhà lãnh đạo thế giới làm gì những năm tuổi 20?
Ngày nay, chúng ta thường thấy những người xung quanh bàn tán về việc các lãnh đạo thế giới làm gì ở tuổi 20, điều đó khó khăn như thế nào, họ đang mải loay hoay với cái gì, phải chăng là những công việc vô nghĩa. Chủ đề thảo luận có khi chỉ là cách làm sao để ăn kiêng. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc một số nhà lãnh đạo thế giới đã làm gì ở tuổi 20? Dĩ nhiên không phải là bỏ hàng giờ liền xem truyền hình hay trò chuyện với những người bạn trên mạng.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama
Sau khi tốt nghiệp đại học Columbia năm 1983 với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị, Obama đã chuyển đến Chicago để tham gia vào hoạt động tái thiết cộng đồng những người có thu nhập thấp ở miền Nam, số người mà thời điểm đó đang phải oằn mình lãnh hậu quả của việc đóng cửa nhà máy thép địa phương. Trước khi ghi danh vào trường Luật Harvard năm 1988, Obama đã tham gia Liên hiệp Giáo hội Thiên Chúa Ba Ngôi thờ Chúa Kito và đến Kenya thăm bà con.
Thông tin ít biết: Obama đã học 2 năm tại Đại học Occidental ở Los Angeles trước khi chuyển đến Đại học Columbia tại thành phố New York để hoàn thành chương trình học của mình. Từng có báo cáo cho biết Obama đã uống rượu, hút cần sa và cocain khi còn là thiếu niên chỉ vì muốn xóa đi câu hỏi "tôi là ai" ra khỏi tâm trí của ông thời điểm đó. Dĩ nhiên đến năm 20 tuổi thì những thứ đó đã không còn cần thiết.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin
Mãi cho đến trước khi tốt nghiệp đại học, Putin vẫn luôn ao ước trở thành một tình báo. Sau khi nhận bằng cử nhân khoa luật Đại học Quốc gia Leningrad, ông được nhận vào làm việc cho cơ quan an ninh quốc gia. Ban đầu ông làm ở vị trí tương đương thư ký của ban giám đốc, kế đến, Putin được phân công làm công tác phản gián, rồi sau đó tham gia các khóa huấn luyện cán bộ. Từ khi bắt đầu làm công tác phản gián, các nhân viên tình báo nước ngoài đã chú ý đến Putin. Hơn một thập niên, Putin đã hoạt động như một nhân viên tình báo kể từ ngày tốt nghiệp đại học.
Thông tin ít biết: Tiểu sử thời trẻ của Putin có một chút bí ẩn. Tuy nhiên, cũng có báo cáo ghi nhận rằng thời gian học đại học, Putin đã dành thời gian rảnh rỗi để tập Judo.
Nữ Thủ tướng Đức đầu tiên, Angela Markel
Merkel gặp được Ulrich, một sinh viên cùng khoa vật lý, cũng là vị hôn phu đầu tiên, tại Đại học Leipzig năm 1974, năm Merkel mới 20 tuổi. Họ cưới nhau năm 1977, một phần bởi vì, nếu họ muốn sống chung với nhau thì phải tuân theo các quy định của chế độ đương thời. Khi tốt nghiệp đại học, Merkel làm hầu bàn, sống với chồng trong một căn phòng rộng 30m2 với một phòng tắm và nhà vệ sinh dùng chung.
Thông tin ít biết: Merkel ly dị Ulrich năm 1982, năm 1998 bà tái hôn với Joachim Sauer, một giáo sư hóa học đến từ Berlin. Thức uống Merkel thường dùng tại các bữa tiệc ở trường đại học là nước dâu và vodka.
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad
Tuổi 20 của Assad trôi qua tại khoa y Đại học Damascus, cũng là nơi ông nhận tấm bằng tốt nghiệp năm 1988. Khi đang thực tập để trở thành một bác sĩ và ổn định sự nghiệp tại khoa mắt của bệnh viện quân đội Tishreen nằm bên ngoài thủ đô Damascus, Assad chưa từng nghĩ sẽ đặt chân vào chính trường. Anh trai của Assad, Bassel, là người tiếp theo trong dòng tộc sẽ thừa kế vị trí của cha, cựu tổng thống Syria Hafez al-Assad. Tuy nhiên, Bassel đã bất ngờ tử nạn trong một tai nạn xe hơi, Bashar trở thành người duy nhất còn lại thừa kế sự nghiệp của cha.
Thông tin ít biết: Assad phục vụ như một bác sĩ quân y ở Damascus, sau đó chuyển đến London. Ông không có ý định quay lại Syria ngay, và cũng không hề có khát vọng chính trị gì ở thời điểm đó.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu
Netanyahu gia nhập quân đội Israel, phục vụ trong đơn vị tinh nhuệ thuộc Lực lượng phòng vệ Israel khi chưa tròn 20 tuổi. Ông tham gia nhiều hoạt động đáng chú ý, trong đó có hoạt động giải cứu một máy bay dân sự bị không tặc tấn công năm 1972. Netanyahu trải qua những ngày tháng còn lại của tuổi 20 tại Mỹ, học kiến trúc và quản trị kinh doanh tại trường MIT.
Thông tin ít biết: Trước khi bước sang tuổi 30, Netanyahu đã tham gia (và cũng đã ra khỏi) một lực lượng đặc biệt của Israel, đồng thời tham gia nhiều cuộc hành quân, bao gồm cả một cuộc tấn công sâu vào Syria.
Thủ tướng Anh, David Cameron
Sau khi tốt nghiệp Đại học Brasenose, Oxford với tấm bằng cử nhân danh dự loại tốt, Cameron có 5 năm làm trong phòng nghiên cứu của Đảng Bảo thủ. Mặc dù được xem là một nhà nghiên cứu chăm chỉ và tài năng tại văn phòng trung tâm Đảng Bảo thủ, Cameron cũng là thành viên của hộp đêm Bullingdon trong suốt thời gian học đại học. Nhiều tin đồn rằng đấy là một câu lạc bộ nổi tiếng trong trường đại học vì những cuộc tán dóc và những trò nghịch ngợm.
Thông tin ít biết: Câu lạc bộ Bullingdon nổi tiếng vì những thành viên nghiện rượu và những hành vi xấu, ông Cameron luôn từ chối nói về câu lạc bộ này. Các thành viên của Bullingdon được nhiều người biết đến trong nhiều năm qua vì "thành tích" phá hoại các nhà hàng và đập phá phòng học.
Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, Kim Jong-un
Phần lớn thời niên thiếu của Jong-un, kể cả ngày tháng năm sinh, đều là những bí ẩn. Trên giấy tờ, Kim Jong-un sinh năm 1982, nhưng nhiều người cho rằng đây chỉ là con số được đưa ra một cách tượng trưng. Jong-un học tại Đại học quân sự Kim Il-sung, và được cho là đã bắt đầu theo cha là Kim Jong-il thanh tra lĩnh vực quân sự trước khi bước sang tuổi 30. Khi sức khỏe của cha yếu đi, Jong-un được đề bạc thăng cấp làm Phó chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương của Đảng Công nhân, và là một thành viên của Ủy ban trung ương.
Thông tin ít biết: Kim Jong-un là một người hâm mộ cuồng nhiệt đội bóng rổ Chicago Bulls. Jong-un yêu thích cầu thủ Dennis Rodman, và cũng đã có cơ hội gặp David vào năm 2012, khi các ngôi sao bóng rổ này thực hiện một chuyến hành trình kỳ lạ sang Triều Tiên.
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani
Sau khi nhận bằng cử nhân ngành luật tư pháp tại Đại học Tehran với học phí do chính mình chi trả, Rouhani đã đi khắp Iran để tuyên truyền những bài phát biểu chống Nhà vua, ủng hộ của Ayatollah Khomeini. Không mấy ngạc nhiên khi hành vi này đã khiến ông phải trốn khỏi Iran và tham gia vào lực lượng Khomeini lưu vong ở Paris. Trước khi bước sang tuổi 30, Rouhani nhiều lần bị bắt vì trung thành với Khomeini.
Thông tin ít biết: Rouhani học tập tại Scotland, nói thành thạo tiếng Ba Tư, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, và biết một ít tiếng Pháp, Đức, Nga.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, một trong những người đặt nền tảng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình đã trải qua thời niên thiếu và những năm đầu của tuổi 20 tại làng Lương Gia Hà xa xôi, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Thời điểm đó, hầu hết những thanh niên trí thức đều hành động như vậy. Trong suốt thời gian đó, ông đã sống trong một căn nhà kiểu hang động và bỏ thời gian học nếp sống nhà nông, một phần cũng vì cha của ông đã không còn được Mao Trạch Đông tin dùng. Sau đó, Tập Cận Bình nhập học khoa kỹ thuật hóa tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, đồng thời có chứng nhận đã học qua Chủ nghĩa Mác và giáo dục tư tưởng.
Thông tin ít biết: Ông Tập Cận Bình đã làm nông dân ở tỉnh Thiểm Tây đến năm 22 tuổi.
Theo Một Thế Giới