Lãnh đạo Quốc hội hân hoan mừng “nhà mới”
7h30 sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đến Nhà Quốc hội, sớm nửa tiếng so với giờ khai mạc phiên họp 32 của UB Thường vụ. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ít phút trước đó cũng đến kiểm tra công trình lần cuối để đón cuộc họp đầu tiên…
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Cao Lại Quang thì có mặt ở Nhà Quốc hội từ 5h30 sáng dù chỉ vừa rời công trường lúc 21h đêm qua. Giám đốc BQLDA Nguyễn Tiến Thành, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thậm chí chia ca trực thâu đêm cho những công đoạn trang trí sau cùng, chuẩn bị cho ngày làm việc của UB Thường vụ hôm nay, 6/10.
Bộ trưởng Xây dựng yêu cầu thử đi thử lại hệ thống âm thanh tại phòng họp Thường vụ, phòng họp báo. Tối qua, đội ngũ kỹ thuật cũng được yêu cầu điều chỉnh rất tỉ mỉ để đảm bảo không còn lẫn chút nào tiếng rè khi có người sử dụng micro phát biểu. Đến sáng nay, kiểm tra lại lần nữa, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng mới “gật đầu” hài lòng.
“Đêm qua vẫn còn những phần việc ngổn ngang. Thềm, hè khu vực sảnh chính vẫn chưa được dọn vệ sinh đạt yêu cầu. Nhưng sáng nay đến thì tôi thấy diện mạo tòa nhà đã đẹp hơn hẳn, anh em đã rất nỗ lực…” – Bộ trưởng Dũng chỉ hàng cây xanh trang trí đặt trong sảnh, chạy dọc hành lang và bố trí đẹp mắt trong phòng họp. Thảm trải sàn cũng được làm sạch tinh tươm.
Bộ trưởng Xây dựng yêu cầu rất cao đối với hệ thống âm thanh, kỹ thuật trong phòng họp.
7h15, nhân viên phục vụ lần lượt đặt biển tên, chức danh cách thành viên UB Thường vụ Quốc hội vào vị trí bàn làm việc. Đối diện bàn Chủ tọa là bảng tên của đại diện Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch nước…
7h30, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bước vào sảnh chính tầng 1, tiếp sau là Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý. Trên tầng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kịp đi kiểm tra một vòng công tác chuẩn bị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thẳng ra cửa lớn phía hướng ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao đổi thêm với Giám đốc BQLDA Nguyễn Tiến Thành về phương án đặt bảng tên “Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu in cỡ chữ vừa phải, trang trọng nhưng cũng giản dị, trong sáng, tạo cảm giác gần gũi với người qua lại.
7h50, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Tòng Thị Phóng bước vào phòng họp. Gần bàn chủ tọa, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu trao đổi thêm với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về hệ thống đèn chiếu sáng trên trần. Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tìm được chiếc ghế của mình, đặt cặp lên bàn, nét mặt hồ hởi.
8h21, sau khi dự lễ khai trương Trang thông tin điện tử Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (website IPU 132) tại phòng họp báo bên cạnh, UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 32.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của việc “họp thử” tại Nhà Quốc hội mới. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nỗ lực của các đơn vị (Chính phủ, Bộ Xây dựng, BQLDA, các nhà thầu và toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động làm việc trên công trường) trong việc thi công, xây dựng tòa nhà, thay cho Hội trường Ba Đình đã làm từ những năm 1968-1969.
Điều hành nội dung làm việc đầu tiên của phiên họp (nghe Kiểm toán nhà nước báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng vui vẻ nhận “vinh dự được dự cuộc họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội mới”, “Kiểm toán nhà nước cũng vinh dự là đơn vị đầu tiên được báo cáo công tác tại công trình lịch sử của đất nước”.
“Cảm ơn các anh em lãnh đạo chỉ huy và người lao động làm việc vất vả ngày đêm trên công trường để hôm nay chúng ta có một ngày họp thật để vận hành thử công trình. Lãnh đạo Quốc hội thật sự xúc động vì anh em chú ý từng chi tiết nhỏ của tòa nhà” – nữ Phó Chủ tịch Quốc hội kể, có cán bộ BQLDA chỉ cụ thể, giải thích việc trên trần phòng họp, số đèn chiếu sáng vẫn chưa đủ, còn một số vị trí để chờ lắp đặt thêm cho hoàn thiện. Bà Ngân cho rằng, nếu không nói, rất khó có thể biết chi tiết đó cũng sẽ còn thêm thiết bị chiếu sáng phục vụ phòng họp.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hào hứng giới thiệu, sau khi công trình hoàn thành, với hệ thống cây xanh bên ngoài các phòng họp, có thể mở cửa kính, rèm để nhìn ra không gian rất thoáng đẹp bên ngoài.
Những hình ảnh PV Dân trí ghi lại về không khí náo nức tại Nhà Quốc hội đón cuộc họp đầu tiên:
Bộ trưởng Xây dựng kiểm tra tiến độ lắp đặt thiết bị, hoàn thiện phòng họp chính.
Phòng họp báo được vệ sinh một lần nữa trước giờ khai mạc phiên họp thứ 32 của UB Thường vụ.
Công tác chuẩn bị hoàn tất với việc đặt biển tên, chức danh các đơn vị trong phòng họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến sớm, cùng kiểm tra tòa nhà lần cuối trước giờ khai mạc.
Thường vụ Quốc hội bắt đầu một phiên họp với nhiều hào hứng về việc về “nhà mới”.
P.Thảo
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội: Đơn thư không biết đi đâu thì dân buồn lắm!
"Làm việc với các Ủy ban lâu nay tôi rất bức xúc vì đơn thư của dân nhiều khi còn quên đưa, rồi thư có trả lại hay không cũng chẳng ai biết. Như thế thì dân buồn lắm!", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, HĐND... tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Nghị quyết nhằm xác định trách nhiệm của các đơn vị khi tiếp nhận đơn thư của nhân dân.
Thư đi từ tầng 1 lên tầng 2 cũng bị "ngâm" vài tháng
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng công dân gửi đơn, thư đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền... Trong khi các đơn vị của Quốc hội tiếp nhận, xử lý đơn, thư nhằm mục đích phục vụ công tác chủ yếu là thẩm tra và giám sát, kiến nghị theo lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu xây dựng Nghị quyết phải sát với thực tế (Ảnh Việt Hưng)
Vì vậy, khi nhận được đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực nên tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng là không tránh khỏi. Theo ông Lý đây là vấn đề rất phức tạp xảy ra đối với Quốc hội từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều trường hợp chỉ chuyển đơn thư của người dân từ tầng 1 lên tầng 2 mà cũng mất... vài tháng. Chính vì vậy rất cần có Nghị quyết trên để tránh việc chuyển đơn thư lòng vòng trong các cơ quan của Quốc hội.
Một số đại biểu khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, tình trạng tiếp nhận đơn thư của nhân dân rồi chuyển lòng vòng rất phức tạp. Đại biểu Quốc hội tiếp dân cũng chỉ chuyển đơn thư chứ không thể tự giải quyết và qua tiếp công dân thấy có vấn đền mới thực hiện giám sát.
Nhằm hạn chế tình trạng trên, theo ông Phan Trung Lý, trường hợp nhận đơn, thư trực tiếp từ người gửi và xét thấy cần thiết thì có thể chuyển đơn thư đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo đến cơ quan phụ trách lĩnh vực và Ban Dân nguyện.
Ông Lý cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cải tiến việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giữa các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh thủ tục hành chính rườm rà. Vì vậy, dự thảo Nghị quyếtđã được bổ sung quy định "Cơ quan của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đơn, thư đến cơ quan khác của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý bằng văn bản theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định".
Thư chuyển lòng vòng rồi... lặn biệt tăm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ví tình trạng chuyển đơn, thư lòng vòng trên như "chim đưa thư" - nhiều khi còn quên đưa, rồi thư có trả lại hay không cũng chẳng ai biết. Tình trạng như vậy diễn ra khiến những người dân gặp phải rất buồn và ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng cảm thấy bức xúc khi làm việc với các Ủy ban.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý những nội dung được đưa vào Nghị quyết trên cần phải rất khả thi, rất thực tế. Đặc biệt, Quốc hội phải nâng cao vai trò giám sát các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri. Từ đó thấy được cơ quan hành pháp làm đúng hay sai và trách nhiệm với nhân dân như thế nào. Ngoài ra, nó cũng sẽ thấy tình hình dân khiếu kiện đúng hay sai.
"Chúng ta không phải là cơ quan giải quyết nhưng có trách nhiệm và có quyền giám sát các cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Đánh giá dự thảo Nghị quyết trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, khi đọc một số điều ông thấy nó vẫn còn "mênh mênh, mang mang". Vì vậy, Chủ tịch yêu cầu xây dựng Nghị quyết phải sát với thực tế, trên tinh thần những gì luật có đầy đủ rồi thì thôi. Đặc biệt, khi Nghị quyết được áp dụng trong thực tế phải được chấp nhận ngay.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trụ sở tiếp công dân cũng phải thống nhất ở một địa điểm nhất định. Địa điểm đó do Ban Dân nguyện làm đầu mối và khi nhân dân đến phải phục vụ chu đáo. "Nếu dân đến đó phản ánh về việc xử án thì làm hồ sơ, thủ tục chuyển về Ủy ban Pháp luật; Nếu phản ánh về tình trạng đất đai thì chuyển về Ủy ban Kinh tế...", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Quang Phong
Theo Dantri
Không đưa việc lấy phiếu tín nhiệm vào luật Tổ chức Quốc hội Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ QH ngày 15/4 không có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm vì còn chờ sửa Nghị quyết về vấn đề này. Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm cơ bản giữ như quy định hiện hành. Cụ thể, theo dự thảo luật, Quốc hội...