Lãnh đạo nhiều nước chúc mừng tân Thủ tướng Anh Keir Starmer
Ngày 5/7, lãnh đạo và đại diện nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chúc mừng ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, người vừa chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau chiến thắng vang dội của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra một ngày trước đó.
Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer trong bài phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại London, ngày 5/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã chúc mừng ông Starmer giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đồng thời bày tỏ cảm ơn Thủ tướng tiền nhiệm Rishi Sunak vì “sự hợp tác chặt chẽ trong những năm qua”. Bà Meloni nhấn mạnh mối quan hệ giữa Italy và Vương quốc Anh “rất tuyệt vời”, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ hợp tác bền chặt và đáng tin cậy.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/7 cũng đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến ông Keir Starmer, đồng thời khẳng định mong muốn hợp tác tích cực với tân thủ tướng “xứ sở sương mù”. Ông kỳ vọng sự hợp tác tích cực và mang tính xây dựng giữa hai nước sẽ củng cố hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ – Anh trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng chung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng cảm ơn ông Rishi Sunak đã có những đóng góp trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Ấn Độ – Anh.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh dưới thời chính quyền mới sau chiến thắng vang dội của Công đảng Anh đối lập trong cuộc tổng tuyển cử. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Hayashi khẳng định: “Nhật Bản và Anh là những đối tác quan trọng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương với chính quyền mới”. Ông Hayashi cũng cho biết Tokyo sẵn sàng hợp tác với London để giải quyết các thách thức toàn cầu như cuộc xung đột Nga – Ukraine và hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 5/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gửi lời chúc mừng ông Starmer, đồng thời nhấn mạnh “ông ấy là người ủng hộ NATO cũng như liên minh xuyên Đại Tây Dương một cách mạnh mẽ”.
Tờ Guardian nhận định khôi phục uy tín sẽ là thách thức lớn của đảng Bảo thủ trong 5 năm tới. Ảnh: Minh Hợp/Phóng viên TTXVN tại Anh
Theo phóng viên TTXVN tại London, chiến thắng áp đảo của Công đảng trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử bầu Hạ viện Anh là tâm điểm của báo giới trong nước. Theo bài viết trên tờ Telegraph, Công đảng lên nắm quyền trong bối cảnh nước Anh phải đối mặt nhiều thách thức kinh tế, xã hội và chính trị sâu sắc và dai dẳng, đòi hỏi chính phủ Công đảng phải hành động nhanh chóng và triệt để. Bài viết nhấn mạnh 3 bước cần thiết để chính phủ mới của ông Keir Starmer cần phải thực hiện ngay khi nhậm chức là: khắc phục sự chia rẽ chính trị trong nước và trấn an người dân bằng cách khôi phục tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ những quy định rườm rà để khơi thông việc xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và nhà ở cho người dân; và xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mới trên trường quốc tế với trọng tâm là củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) về an ninh, kinh tế vì thịnh vượng chung.
Trong khi đó, báo Economist nhận định chiến thắng của Công đảng là một kết quả tốt cho nước Anh, chấm dứt giai đoạn bất ổn chính trị và sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy cực đoan với đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi châu Âu năm 2016. Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra những thách thức với chính phủ mới, bao gồm sự mất niềm tin của người dân với chính phủ và các chính trị gia nổi bật. Bài viết hối thúc chính phủ mới tập trung giải quyết tình trạng năng suất trì trệ của nước Anh, cải cách hành chính để dỡ bỏ rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Bài bình luận trên tờ the Guardian cho rằng dù đảng Bảo thủ thất bại nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực khi đảng này tránh được thảm họa số ghế dưới mức 100 như nhiều cuộc thăm dò trước đó.
Ngoài ra, dù Công đảng giành chiến thắng vang dội, những dấu hiệu ban đầu cho thấy tỷ lệ phiếu bầu của đảng này không tăng đáng kể so với năm 2019, đồng nghĩa tỷ lệ đa số cao tại Hạ viện không phản ánh sự ủng hộ của cử tri đối với Công đảng đã tăng mạnh. Sự chênh lệch số phiếu giữa hai đảng là kết quả của chiến dịch tranh cử hiệu quả của Công đảng và sự ủng hộ đối với đảng Bảo thủ giảm mạnh.
Nguyên nhân Anh nghiêng về cánh tả, đi ngược xu hướng ở châu Âu
Một biến động chính trị có phần kỳ lạ đã xảy ra ở châu Âu trong vài năm qua. Tại Anh, quốc gia từng gây chấn động với sự kiện Brexit, con lắc quyền lực vừa quay trở lại với Công đảng trung tả, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ.
Trong khi tại Tây Âu, bức tranh có phần khác biệt.
Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố tại London. Reuters/TTXVN
Nhiều quốc gia Tây Âu đang diễn ra xu hướng các đảng theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò cử tri và bước vào hành lang quyền lực.
Trong khi Anh và châu Âu đang đi theo những hướng chính trị khác nhau, các nhà phân tích đánh giá rằng động lực dẫn đến thay đổi về cơ bản là giống nhau: cử tri đang khao khát thay đổi. Cử tri bất mãn với hiện trạng chính trị cũng như các chính khách và đảng phái lâu đời.
Giáo sư chính trị Dan Stevens tại Đại học Exeter (Anh) phân tích với kênh CNBC (Mỹ): "Tâm trạng bất bình với chính quyền đương nhiệm lại xuất hiện ở châu Âu". Theo ông Stevens, cử tri không hài lòng và muốn thay đổi, bất kể lãnh đạo đương nhiệm là ai.
Công đảng đã sử dụng "thay đổi" làm lời kêu gọi tập hợp cử tri trước cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7. Kết quả kiểm phiếu tính chiều 5/7 (theo giờ Việt Nam) cho thấy Công đảng đã giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Như vậy, Công đảng đã giành được nhiều hơn số ghế tối thiểu (326 ghế) để chiếm đa số tại Hạ viện và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã trở thành Thủ tướng mới của Anh sau khi diện kiến Vua Charles III. Trong khi đó, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử khi chỉ giành được 119 ghế. Số ghế thấp nhất trước đó mà đảng Bảo thủ giành được tại một cuộc tổng tuyển cử là 156 ghế vào năm 1906.
Ông Rishi Sunak cùng vợ sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử Hạ viện ở London ngày 4/7. Ảnh: Reuters/TTXVN
Các nhà phân tích đánh giá sự chuyển hướng của cử tri Anh sau 14 năm lãnh đạo của đảng Bảo thủ diễn ra sau một thời kỳ hỗn loạn, từ lo ngại về nhập cư, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu lên đỉnh điểm với Brexit năm 2016, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt... Theo các nhà phân tích, ở thời điểm bầu cử, người dân Anh đã cảm thấy chán ngấy.
Cử tri Anh không đơn độc trong việc tìm kiếm thay đổi cục diện chính trị. Diễn biến tương tự được ghi nhận ở phần lớn Tây và Đông Âu trong những năm gần đây, khi các đảng dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực hữu đang trỗi dậy. Các đảng cực hữu như đảng Anh em Italy, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) hay Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp đã nổi lên trong các cuộc thăm dò dư luận hoặc giành chiến thắng bầu cử.
Những đảng như vậy thường đóng vai phe phản kháng, có quan điểm chống nhập cư hoặc hoài nghi châu Âu, Nhưng họ đã tìm cách thu hút một bộ phận cử tri rộng lớn hơn, những người quan tâm đến các vấn đề như việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế...
Vấn đề kinh tế đặc biệt tác động đến thay đổi trong bầu cử. Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao, thu nhập hộ gia đình giảm là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và mang tính quyết định nhất đối với cử tri.
Ông Christopher Granville tại công ty tư vấn TS Lombard nói: "Nếu hiệu quả kinh tế kém, thì con lắc chính trị sẽ dao động, và khi nó dao động, nó sẽ chuyển sang hướng khác so với hiện tại. Nó dao động bởi mọi người đang khó khăn và bất bình. Chỉ đơn giản như vậy thôi".
Thủ tướng Sunak và lãnh đạo Công đảng tranh luận trực tiếp lần cuối Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tối 26/6 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Rishi Sunak và lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đã có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trước khi người dân nước này đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới. Thủ...