Lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản điện đàm với tân Thủ tướng Anh
Ngày 2/8, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong đó, hai nhà lãnh đạo thảo luận về thương mại, mạng điện thoại di động thế hệ mới 5G và vấn đề an ninh toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải), Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái). Ảnh: bbc.com
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết Tổng thống Trump đã bày tỏ với Thủ tướng Johnson rằng ông mong chờ gặp nhà lãnh đạo Anh tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra tại Pháp vào cuối tháng này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép đối với các nước đồng minh, trong đó có Anh, tránh sử dụng các thiết bị của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong lắp đặt mạng lưới điện thoại di động 5G. Washington cho rằng Huawei là một rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Tập đoàn Huawei bị chính quyền Washington liệt vào “Danh sách thù địch”, đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phải xin cấp phép cung cấp các công nghệ Mỹ cho Huawei. Dù là tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ kết nối Internet không dây 5G thế hệ mới, nhưng Huawei bị cấm tham gia phát triển mạng lưới 5G tại Mỹ.
Video đang HOT
Hồi tháng 4 vừa qua, Hội đồng An ninh quốc gia Anh đã nhất trí cho Huawei “tiếp cận có giới hạn” nhằm hỗ trợ xây dựng một số hạng mục ít nhạy cảm của mạng lưới 5G như các trạm antenna và cơ sở hạ tầng “không thiết yếu” khác. Tuy nhiên, Hội đồng này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và ông Johnson được cho là người có quan điểm tương tự Tổng thống Trump về vấn đề này hơn so với người tiền nhiệm Theresa May.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với London sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, theo kế hoạch vào ngày 31/10 tới.
Cùng ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe cũng đã điện đàm với tân Thủ tướng Anh Johnson. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi ông Johnson lên nắm quyền hồi tuần trước.
Thủ tướng Abe đã bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh có thể hứng chịu nếu London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit – mà không đạt được thỏa thuận nào. Thủ tướng Nhật Bản đã đề nghị ông Johnson đảm bảo việc Anh rời khỏi EU diễn ra một cách có trật tự.
Theo bộ trên, ông Johnson đã đáp lại đề nghị của người đồng cấp Nhật Bản bằng cách cam kết sẽ lưu ý tới những công ty như thế. Hai bên cũng nhất trí phối hợp về vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Theo Minh Châu (TTXVN)
Thủ tướng Anh điều cố vấn tới Brussels nhắc lại yêu sách với EU
Cố vấn của Thủ tướng Anh đã truyền đi thông điệp rằng "nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới bất kể tình thế khi đó ra sao".
Trong động thái tiếp xúc đáng chú ý đầu tiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 31/7 đã cử cố vấn của mình đến Brussels nhắc lại yêu sách rằng nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 bất kể hoàn cảnh ra sao và EU cần phải gỡ bỏ điều khoản backstop.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Washington Post.
Cố vấn cấp cao được tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tin tưởng giao nhiệm vụ là ông David Frost, cựu Đại sứ Anh tại Đan Mạch và cũng từng là cố vấn cho ông Boris Johnson khi ông Johnson giữ chức Ngoại trưởng Anh trước đây.
Theo thông báo của người phát ngôn chính phủ Anh, ông David Frost đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao châu Âu tại Brussels trong ngày 31/7 và truyền đi thông điệp rằng "nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới bất kể tình thế khi đó ra sao".
Tuy nhiên, báo chí Anh cho biết, trên thực tế, nhiệm vụ chính của ông Frost là tiến hành các cuộc đối thoại khởi động với các quan chức EU trong vòng 2 ngày tới. Cho đến thời điểm này, đây là các tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa tân chính phủ Anh với EU để bàn về Brexit kể từ khi ông Boris Johnson lên nhậm chức Thủ tướng Anh cách đây 1 tuần.
Trước đó, ông Boris Johnson chỉ có các cuộc điện đàm ngắn với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức, Angela Merkel nhưng lại từ chối lời mời sớm đến thăm hai cường quốc trụ cột châu Âu này mà thay vào đó là thực hiện chuyến công du đến các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh là Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland nhằm ngăn chặn nguy cơ Vương quốc Anh tan rã, đồng thời trấn an công dân các xứ này trong trường hợp Brexit không thoả thuận diễn ra.
Hiện tại, phía Anh vẫn giữ quan điểm cứng rắn rằng nếu EU không loại bỏ hoàn toàn điều khoản backstop liên quan đến biên giới Bắc Ireland thì sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào về Brexit cho đến khi Anh rời khỏi EU.
Đáp lại yêu sách từ phía Anh, EU chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Trong ngày 31/7, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là Michel Barnier đã điện đàm với Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh là Steve Barclay để khẳng định rằng EU sẽ không thay đổi quan điểm và cũng không đề xuất cho phía Anh bất cứ phương án "Brexit không thoả thuận có kiểm soát" nào thông qua các thoả thuận bên lề, như điều ông Boris Johnson vẫn tuyên bố trên báo giới Anh./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Anh sẵn sàng đàm phán khi EU thay đổi lập trường Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng ông sẽ đàm phán về vấn đề Anh rời khỏi khối liên minh này. Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại thủ đô London ngày 24/7/2019. Ảnh: THX/ TTXVN Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố sẽ đàm phán...