Lãnh đạo Mỹ – Trung sắp gặp nhau để chấm dứt chiến tranh thương mại
Nhà Trắng hôm 4/4 nêu khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sắp thông báo lịch gặp thượng đỉnh Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình để chốt một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 9 tháng.
Tổng thống Trump tiếp Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 4/4. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump bày tỏ sự lạc quan khi nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên “đang tiến triển rất tốt đẹp”.
“Mọi thứ đều được nói tới, không có gì không được đưa vào”, ông Trump nói đến các đòi hỏi của Mỹ đối với thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc thể hiện sự lạc quan thận trọng trong những tháng qua, nhưng đàm phán có vẻ ít tiến triển trong thời gian gần đây khi hai bên không thống nhất được khi nào và liệu Washington sẽ bỏ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump cho triển khai từ năm ngoái.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp ông Trump vào cuối ngày 4/4 để kết luận các nội dung của vòng đàm phán cuối cùng, còn đội quan chức đàm phán Mỹ nói rằng đàm phán đã gần đến lúc kết thúc theo cách này hay cách khác.
Năm ngoái, ông Trump triển khai một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với nước này, chấm dứt những kiểu làm thương mại không công bằng như đánh cắp công nghệ Mỹ hay sự can thiệp sâu của nhà nước Trung Quốc vào thị trường.
Video đang HOT
Kể từ năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã áp thuế lên hơn 360 tỷ USD thương mại hai chiều, gây tổn hại cho các ngành sản xuất và khiến nền kinh tế thế giới thể hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Trung Quốc đề xuất mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ và thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài.
Điểm nghẽn cuối cùng có vẻ nằm ở chỗ khi nào và bằng cách nào Washington sẽ đồng ý dỡ bỏ biện pháp tăng thuế đối với hơn 250 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc.
Tháng trước, ông Trump nói rằng biện pháp thuế đó sẽ vẫn được duy trì “trong giai đoạn đáng kể”.
Các quan chức Mỹ đòi hỏi rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều phải khiến bên kia phải thực thi, và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng các biện pháp thuế tạo ra đòn bẩy quan trọng để ngăn Bắc Kinh quay lưng với những gì đã cam kết.
Ông Gary Clyde Hufbauer, một cựu quan chức thương mại Mỹ và hiện công tác tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng việc ông Trump dỡ bỏ thuế quá sớm có thể vấp phải chỉ trích từ phe Dân chủ rằng ông đã quá mềm yếu trong đàm phán.
“Nhà Trắng phải giữ thuế và chỉ hạ thuế dần dần khi Trung Quốc thực hiện các cam kết của họ”, ông Hufbauer nói. “Chiến lược của Trung Quốc là thoát khỏi các biện pháp thuế đó. Tôi đoán rằng hai bên sẽ thỏa hiệp điều gì đó ở giữa”, ông nói.
Tháng 2 vừa qua, ông Trump nói sẽ hoàn tất thỏa thuận tại một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập vào tháng 3, nhưng thời hạn này liên tục bị lùi vì hai bên chưa thể kết thúc đàm phán.
Tâm trạng lạc quan về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận đã kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, khi các nhà đầu tư dường như ít bận tâm về nội dung của thỏa thuận mà chỉ muốn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chấm dứt đối đầu thương mại.
BÌNH GIANG
Theo TPO
'Ngoại giao đồ ăn nhanh' thể hiện thiện chí Mỹ-Trung ra sao trên bàn đàm phán?
Các cuộc đàm phán thương mại tại Washington tháng trước diễn ra căng thẳng đến độ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bỏ qua bữa trưa trang trọng chính thức và phải cùng nhau thưởng thức bữa tối bằng đồ ăn nhanh.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ăn tối bằng đồ ăn nhanh trong khi đàm phán thương mại tại Washington tháng trước. Ảnh: Reuters
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen - một thành viên trong phái đoàn Trung Quốc - hồi tưởng lại không khí đàm phàn căng thẳng và gấp rút giữa hai bên kéo dài suốt 4 ngày tại Mỹ, trong bối cảnh Chính phủ nước Mỹ đóng cửa một phần.
Như một cử chỉ thể hiện thiện chí và mong muốn có tiếng nói chung, người đứng đầu hai phái đoàn nhất trí gọi đồ ăn nhanh đại diện cho nền văn hóa hai nước.
"Phó Thủ tướng Lưu Hạc thưởng thức một chiếc hamburger, còn Đại diện Lighthizer được phục vụ món gà rán cùng cà tím. Cả hai người đều không uống trà hay cà phê, mà chỉ uống nước lọc. Hai bên phải tìm được tiếng nói chung", ông Wang ngày 9/3 chia sẻ bên lề một cuộc họp thường niên của ban lãnh đạo cấp cao tổ chức tại Bắc Kinh. "Đến một ngày tại Washington, tuyết rơi dày đặc và Chính phủ Mỹ đóng cửa. Nhưng hai phái đoàn thương mại vẫn đàm phán. Các cuộc đàm phán kéo dài từ 2 ngày sang 4 ngày".
Thứ trưởng Wang cho biết cả hai bên đều tích cực thảo luận về một thỏa thuận xóa bỏ thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa của hai bên từ khi cuộc chiến thương mại bùng nổ năm ngoái.
Mỹ đã áp đặt 3 vòng thuế trừng phạt lên tổng cộng hơn 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh trả đũa với động thái đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dọa áp thêm thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác. Tuy nhiên, trong ngày 24/2 - ngày cuối cùng trong chuyến thăm Washington của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Tổng thống Trump đã kéo dài hạn chót áp đặt thuế quan.
Trong bối cảnh dư luận hy vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình sớm tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida để gặp người đồng cấp Mỹ, ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, quan chức Mỹ cho biết cuộc gặp thượng đỉnh vẫn chưa được chốt chính thức.
Ngày 8/3, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad tiết lộ cuộc gặp thượng đỉnh tạm thời bị hoãn vì hai bên vẫn tiếp tục thảo luận về thỏa thuận. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố cuộc gặp có thể diễn ra trong tháng 4.
Tổng thống Trump ngày 8/3 tuyên bố ông tin tưởng Mỹ có thể tạo ra một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng nước Mỹ sẽ làm rất tốt dù có hoặc không có thỏa thuận.
Khi được hỏi về thông tin Trung Quốc không tỏ ra lạc quan về một thỏa thuận thương mại và cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không xảy ra, Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang làm tốt... Chúng tôi sẽ làm rất tốt, dù có hay không có thỏa thuận".
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng giới chức chính quyền của Tổng thống Trump chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch mới nào để cử một đoàn tới Trung Quốc để đàm phán trực tiếp.
Về phần mình, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Wang không trả lời về câu hỏi hoãn cuộc gặp thượng đỉnh. Thay vào đó, ông bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán. "Về bước tiếp theo, tôi cảm thấy có hy vọng. Hai phái đoàn vẫn đang làm việc ngày đêm để cho ra kết quả một thỏa thuận thương mại", Thứ trưởng Wang bày tỏ.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Trạng chết thì chúa cũng băng hà Theo giới chuyên gia Bắc Kinh cảnh báo, quyết tâm duy trì chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ khiến Mỹ chịu thiệt hại nặng nề. Thỏa thuận thương mại mới cần cho cả Trung-Mỹ Trong cuộc đàm phán thương mại, ca Bắc Kinh và Washington đêu không co đương rút lui bởi vì cả hai bên đều cần đên thoa thuân...