Lãnh đạo huyện ở Thanh Hóa cũng bức xúc về thủy điện Hồi Xuân
Sau khi Dân Việt phản ánh thông tin “ Thanh Hóa: Người dân tái định cư sống khổ vì thủy điện Hồi Xuân”, lãnh đạo huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với phóng viên
Nguy cơ mất trắng nhà cửa, ruộng vườn
Bí thư Huyện ủy Quan Hóa (Thanh Hóa) Phạm Bá Diệm khẳng định: “Những vấn đề mà người dân bản Sa Lắng phản ánh với báo là thật”.
Theo Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, đã nhiều lần lãnh đạo huyện cùng các ban, ngành liên quan lên thực địa, kiểm tra đời sống của người dân ở bản Sa Lắng và đề nghị phía thủy điện Hồi Xuân đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư (TĐC) tập trung để giúp người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, đến thời điểm này, khu TĐC tập trung ở đây vẫn chưa chia được đất cho người dân dựng nhà.
“Chúng tôi cũng rất lo lắng cho hàng trăm người dân ở khu TĐC này, bởi lẽ theo cam kết của thủy điện Hồi Xuân thì tháng 8.2018 tới đây, thủy điện sẽ tiến hành chặn dòng và tích nước lòng hồ. Nếu khu TĐC tập trung này chưa xong thì hàng trăm người dân ở bản Sa Lắng sẽ không còn nơi ở” – Bí thư Diệm cho hay.
Cũng theo ông Diệm, thủy điện Hồi Xuân là do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông thực hiện. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần lên gặp gỡ lãnh đạo công ty để đốc thúc đơn vị này thực hiện các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi công trình này.
Theo lộ trình, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng, tích nước vào lòng hồ vào tháng 8.2018. Ảnh: HĐ
Lãnh đạo ở tít trong Nam, chưa đóng thuế theo pháp luật
“Lạ kỳ, phía công ty chỉ cử người đại diện ra họp bàn với lãnh đạo huyện, còn ông Tổng Giám đốc công ty này thì ở tận trong Nam nên mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế vãng lai đầy đủ cho địa phương theo quy định của pháp luật”- ông Diệm nói.
Ông Hà Văn Ca – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Thủy điện Hồi Xuân khởi động lại từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu TĐC tập trung còn nhiều vấn đề nên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân không chỉ ở bản Sa Lắng (xã Thanh Xuân) mà còn một số hộ dân ở bản Đỏ, xã Phú Thanh (Quan Hóa). Bên cạnh đó, còn có khoảng 10 công trình công cộng của các xã thuộc diện vùng ngập lòng hồ của thủy điện và một số tuyến đường dân sinh ngập nước lòng hồ, hiện nay phía thủy điện chưa làm cho người dân. Trong khi đó, theo kế hoạch, vào tháng 8 tới đây, thủy điện sẽ ngăn dòng và tích nước.
Video đang HOT
Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Quên phải chịu cảnh sinh sống tạm bợ ở mặt bằng TĐC. Ảnh: HĐ
Được biết, thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân – Vneco (thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam, Bộ Công Thương) cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông).
Qua phản ánh của lãnh đạo huyện Quan Hóa, phóng viên Dân Việt đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo thủy điện Hồi Xuân, nhưng chủ thuê bao không nhấc máy.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc…
Theo Danviet
Thanh Hóa: Người dân tái định cư sống khổ vì thủy điện Hồi Xuân
3 năm qua, khu tái định cư (TĐC) Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa vẫn chưa thể cấp được đất để người dân dựng nhà. Cuộc sống của 53 hộ dân thuộc khu TĐC lâm vào cảnh khốn khó, nhiều gia đình phải đưa cả mẹ già, con trẻ đi ở nhờ....
Chúng tôi vượt sông Mã bằng chiếc đò ngang mới đến được khu TĐC Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Đây là khu TĐC do thủy điện Hồi Xuân thực hiện để di dời 53 hộ dân ở bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân đến ở, nhường đất đai, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên cho vùng ngập lòng hồ của thủy điện. Khu TĐC này nằm sát bên triền sông Mã, đang được thủy điện Hồi Xuân thực hiện dang dở từ 3 năm nay.
Mòn mỏi chờ ổn định cuộc sống
Ông Cao Thanh Bình - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Sa Lắng, cho hay: Bản Sa Lắng tất cả có 53 hộ dân với 248 nhân khẩu đều phải di dời nhà cửa đến khu TĐC.
"Từ tháng 4.2015, bà con trong bản nhận được thông báo của cấp trên cần phải nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cho vùng ngập lòng hồ của thủy điện. Thế nhưng, từ đó đến nay dù mặt bằng khu TĐC đã được thủy điện Hồi Xuân san lấp, nhưng người dân vẫn chưa được chia đất để xây dựng nhà. Cuộc sống của người dân trong bản bị xáo trộn và ảnh hưởng rất nhiều vì công trình TĐC kéo dài"- ông Bình nói.
Một góc công trình thủy điện Hồi Xuân. Ảnh: HĐ
Là người nhường đất đai, nhà cửa, vườn tược để làm mặt bằng TĐC Sa Lắng, ông Phạm Hồng Quên (60 tuổi, ở bản Sa Lắng), cho biết: "Từ khi Dự án thủy điện Hồi Xuân triển khai san lấp mặt bằng xây dựng khu TĐC, gia đình tôi và một số hộ dân khác sinh sống ở đây phải tháo dỡ nhà cửa, chặt bỏ cây cối để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, mặt bằng khu TĐC này chưa hoàn thiện nên tôi phải gửi mẹ già gần 90 tuổi vào ở nhờ nhà người thân. Còn vợ chồng, cha con chúng tôi thì dựng lán ở lại đây và nhận trông coi máy móc cho công trình. Không riêng gia đình tôi, mà còn nhiều hộ dân khác hiện nay cũng phải đi ở nhờ nhà người thân trong bản khiến cuộc sống bị xáo trộn".
53 hộ dân với 248 nhân khẩu ở bản Sa Lắng đều phải qua sông Mã bằng một chiếc đò ngang. Ảnh: HĐ
Cũng theo ông Quên, sau khi gia đình ông nhường đất cho mặt bằng dự án TĐC, phía thủy điện Hồi Xuân mới trả tiền đền bù về nhà cửa, cây cối, hoa màu và hỗ trợ gạo hàng tháng cho bà con.
"Do chưa có đất ở khu TĐC nên gia đình chúng tôi phải dựng lán tạm để sinh sống. Trước kia, chúng tôi sống dựa vào cây luồng là chính nhưng hiện nay khu TĐC lấy hết đất rồi nên đời sống bị ảnh hưởng nhiều lắm. Giá cả các loại lương thực, thực phẩm bây giờ cũng tăng cao hơn trước kia, trong khi muốn lên trung tâm thì bà con phải đi bằng một chiếc đò ngang rất vất vả. Chúng tôi mong mỏi dự án TĐC mới này có một cây cầu treo và hoàn thành sớm để bà còn có nơi ở cố định"- ông Quên đề nghị.
Sống vật vã
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN/Dân Việt, dự án thủy điện Hồi Xuân đã được triển khai thi công từ năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã chậm tiến độ do khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng Trung Quốc. Đến tháng 10.2014, dự án được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco, thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (Bộ Công Thương) cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông. Đơn vị này tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án.
Phối cảnh công trình thủy điện Hồi Xuân. Ảnh: HĐ
Dự án Thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm 3 tổ máy, sản lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm. Sau thời gian bị chậm tiến độ, hiện tại dự án này đang thi công và lại cam kết hoàn thành vào năm 2018...
Gia đình ông Phạm Hồng Quên tháo dỡ nhà đã 3 năm nay vẫn phải chất đống gỗ để chờ có đất dựng nhà. Ảnh: HĐ
Ông Hà Văn Hạnh ở bản Sa Lắng cho hay: "Gia đình tôi có 1.200 m2 đất ở lẫn đất vườn. Khi xây dựng thủy điện Hồi Xuân, gia đình tôi phải nhường toàn bộ diện tích đất đã sinh sống hàng chục năm qua cũng như nhà cửa cho mặt bằng TĐC. Những tưởng, tiến độ của dự án khu TĐC tập trung này cũng chỉ vài tháng hay một năm thôi, chúng tôi sẽ được chia đất để xây dựng nhà ở cho yên ổn. Có ai ngờ đã 3 năm trời qua, gia đình tôi cùng nhiều gia đình nữa phải đi ở nhờ rất là khổ sở"...
Từ năm 2015 đến nay gia đình ông Quên phải chịu cảnh sinh sống tạm bợ ở mặt bằng TĐC. Ảnh: HĐ
Ông Phạm Hồng Quên đang chằng néo lán ở của mình tại mặt bằng khu TĐC Sa Lắng. Ảnh: HĐ
Dân Việt đã liên hệ với địa phương và chủ đầu tư và sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...
Theo Danviet
Cảnh cáo hiệu trưởng cho học sinh nghỉ học để thầy cô đi giao lưu Ngày 16.3, ông Trịnh Xuân Cảnh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hội đồng kỷ luật của Sở vừa họp và thống nhất hình thức kỷ luật cá nhân liên quan đến việc Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) cho học sinh nghỉ học giờ trong hành chính để thầy cô đi...