Lãnh đạo G7 duy trì trừng phạt cứng rắn đối với Nga
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Bavarian Alps đã trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chĩa mũi dùi vào Nga và củng cố quan điểm duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào nước này.
Cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ căng thẳng với Nga là chủ đề thảo luận chính trong ngày họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 (Ảnh:Straightimes)
Tại cuộc họp diễn ra ngày hôm qua ở lâu đài Elmau, thành phố Munich ở miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ duy trì sức ép mạnh đối với Điện Kremlin cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin và lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Trong vài trò nước chủ nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh việc nới lỏng trừng phạt Nga phụ thuộc phần lớn vào Nga và thái độ của nước này trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu láng giềng Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí đưa ra thông điệp cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin.
“Nếu bất kỳ ai đó muốn khởi động một cuộc đàm phán về thay đổi cơ chế trừng phạt (Nga) thì chỉ có thể đi theo hướng tăng cường trừng phạt”, ông Donald Tusk quả quyết.
Phương Tây cáo buộc lực lượng ly khai thân Nga là thủ phạm gây ra những căng thẳng gia tăng gần đây ở miền Đông Ukraine.
Video đang HOT
Theo thỏa thuận ký ngày 12/2 tại thủ đô Minsk của Belarus, các bên tham chiến ở Đông Ukraine phải lập tức ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng cách xa giới tuyến chiếm giữ của mỗi bên và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng như hoạt động giám sát của Phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Tuy nhiên, những tuần gần đây, quân đội chính phủ Ukraine liên tục hứng chịu thất bại nặng nề trước các cuộc tấn công thường xuyên và táo tợn của phe ly khai. Nhiều khẩu đội tên lửa và vũ khí hạng nặng cũng đã được hai bên đưa trở lại chiến tuyến.
Hiện Nga chưa đưa ra phản ứng chính thức về tuyên bố của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, nơi Mátxcơva đã bị loại ra khỏi cuộc chơi kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014.
Trước khi Hội nghị G7 diễn ra một ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh châu Âu phải đoàn kết trong việc duy trì trừng phạt Nga, bất chấp những tổn thất đối với khối gồm 28 quốc gia thành viên này. Ông cũng hối thúc các nước G7 gửi tới Mátxcơva thông điệp cứng rắn về vấn đề Ukraine.
G7 gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy và Đức, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận về các vấn đề quốc tế nóng như thúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chống khủng bố và tháo gỡ cho các điểm nóng xung đột trên thế giới.
Tuy nhiên, trong hai kỳ hội nghị gần đây, cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ căng thẳng với Nga hầu như đã chi phối toàn bộ chương trình nghị sự, bên cạnh vấn đề nợ công của Hy Lạp và an ninh hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
G7 gạt Nga ra khỏi cuộc chơi, nhiều ý kiến phản đối
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tiếp tục loại Nga khỏi cuộc họp thượng đỉnh tuần tới, trong khi nhiều chính trị gia và doanh nghiệp cho rằng hội nghị này sẽ "không hiệu quả" nếu thiếu Mátxcơva.
Nga năm nay tiếp tục không nhận được lời mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: IBtimes)
G7 đã không mời Mátxcơva đến dự hội nghị thượng đỉnh từ năm ngoái. Đây là một trong những biện pháp trừng phạt Nga bởi cho rằng nước này hậu thuẫn tài chính và nhân lực cho lực lượng ly khai và làm cuộc khủng hoảng miền đông Ukraine thêm trầm trọng.
Thủ tướng nước chủ nhà Đức, bà Angela Merkel, sẽ chủ trì cuộc họp G7 năm nay, cùng sự có mặt của đại diện Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý và Nhật Bản. Thủ tướng Merkel tuyên bố việc Nga quay trở lại nhóm là "không tưởng" cho đến khi nước này thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine.
Cuộc họp năm nay còn diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/5 chỉ trích biện pháp trả đũa EU của Nga - ban bố danh sách cấm 89 chính trị gia khu vực này nhập cảnh.
Tuy nhiên, các nhóm vận động doanh nghiệp tại Đức đã lên tiếng kêu gọi phải mời Nga đến hội nghị năm nay. Ông Eckhard Cordes, Chủ tịch Ủy ban về các quan hệ kinh tế Đông Đức, đại diện cho khoảng 200 công ty đầu tư tại Nga, cho hay việc ngăn Mátxcơva tham dự cuộc họp là "bỏ lỡ cơ hội".
"Hội nghị G7 với sự tham gia của Nga sẽ góp phần giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy Nga có các hành động mang tính xây dựng trong cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Cordes phát biểu trước báo giới.
Itar-Tass ngày 1/6 cũng dẫn lời cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt nhận định rằng Hôi nghị G7 sẽ không đưa ra được các kết quả khả quan nếu không có sự tham gia của Nga. Ông cũng cho hay nếu các lãnh đạo phương Tây gửi thư mời cho ông Putin "một cách đúng mực", nhà lãnh đạo Nga sẽ chấp nhận lời mời.
Trong khi đó, Matthias Platzeck, lãnh đạo Diễn đàn Nga - Đức và là thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ xã hội Đức, cũng khẳng định các vấn đề Iran, Afghanistan, Syria không thể giải quyết mà không có Nga và cuộc chiến chống khủng bố cũng cần sự hỗ trợ của tình báo Matxcơva.
Giới phân tích đánh giá phương Tây cũng khó có thể gạt Nga ra khỏi sân chơi kinh tế, chính trị toàn cầu. Tháng trước, Thủ tướng Đức Merkel và ngoại trưởng Mỹ đích thân công du tới Mátxcơva để gặp Tổng thống Vladimir Putin. AP mới đây đưa tin Thủ tướng Anh David Cameron gần đây vẫn gọi điện cho ông chủ điện Kremlin để thảo luận về chiến sự ở Syria.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel hôm 11/5 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ với các nước phương Tây, mặc dù vẫn giữ lập trường cứng rắn về tình hình Ukraine.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ Tass
Bên lề G7, Tổng thống Obama được chào đón bằng... bia và xúc xích Đức Trước thềm Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được chào đón nồng nhiệt bằng những đặc sản nổi tiếng của nước chủ nhà Đức. Theo Guardian, trong cuộc tiếp đón Tổng thống Obama tại làng Krun gần Lâu đài Elmau, nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 7/6, bà Merkel đã bố trí một dàn nhạc công...