Lãnh đạo Đức, Nga và Pháp điện đàm thảo luận nhiều vấn đề nóng
Lãnh đạo Đức, Nga và Pháp đã có cuộc trao đổi qua điện thoại thảo luận về tình hình khu vực và các vấn đề nổi cộm trên thế giới mà ba nước cùng quan tâm.
Tổng thống Nga Putin điện đàm với 2 nhà lãnh đạo Đức, Pháp. (Nguồn: TASS)
Ngày 21/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi qua điện thoại thảo luận về tình hình khu vực và các vấn đề nổi cộm trên thế giới mà ba nước cùng quan tâm.
Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo ba nước Đức, Nga và Pháp một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ và cam kết đối với sự hợp tác cùng có lợi với Iran trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Đây được cho là yếu tố quan trọng trong việc duy trì an ninh và sự ổn định quốc tế.
Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5/2018, Washington đã khôi phục các lệnh trừng phạt Tehran, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ.
Các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran còn lại gồm Đức, Trung Quốc, Pháp, Iran, Nga và Liên minh châu Âu đều lên tiếng chỉ trích gay gắt quyết định đơn phương này của Mỹ, đồng thời cho rằng việc khôi phục các lệnh trừng phạt Iran không chỉ đe dọa tới chính quốc gia Hồi giáo này mà còn đối với cả những nước và các công ty vẫn đang tiếp tục hợp tác kinh tế với Tehran.
Nhận thức rõ về điều này, các nước trên đã nhất trí tạo ra một cơ chế đặc biệt, với tên gọi Công cụ hỗ trợ trao đổi Thương mại (INSTEX) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp nước ngoài với Iran.
Bên cạnh đó, cả ba nhà lãnh đạo Đức, Nga và Pháp cũng thảo luận về quyền bầu cử của Nga tại Đại hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).
Theo tuyên bố từ Điện Kremlin, Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp đều nhất trí ủng hộ khôi phục quyền bỏ phiếu cho phái đoàn Nga ở PACE.
Hồi tháng 4/2014, Moskva đã bị tước quyền bầu cử tại PACE sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Video đang HOT
Ngoài ra, cũng trong cuộc trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo ba nước Nga, Đức và Pháp cũng thảo luận về tình hình một số khu vực các bên cùng quan tâm, như Ukraine và Syria.
Cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí thành lập một ủy ban hiến pháp ở Syria cũng như đồng ý tiếp tục nỗ lực giải quyết xung đột ở quốc gia Trung Đông này trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.
Theo Anh Đức (TTXVN/Vietnam )
Tổng thống Ukraine V. Zelensky nhậm chức: "Trăm mối tơ vò"
Ngày 20-5-2019, trước các đại biểu Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, ông Vladimir Zelensky đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine sau chiến thắng áp đảo trong vòng bầu cử thứ 2 ngày 21-4 vừa qua.
Ngay sau khi nhậm chức, ông đã tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử Quốc hội sớm trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, thời gian tới, ông V. Zelensky sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề nan giải đang chờ đợi phía trước.
Nền kinh tế suy thoái, quốc gia nghèo nhất châu Âu
Theo nhận định của giới chuyên gia, 5 năm qua (2014-2018) là một thất bại "cay đắng" đối với nền kinh tế của Ukraine và công dân Ukraine. Mô hình kinh tế mới hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và cắt đứt quan hệ với Liên bang Nga được đề xuất năm 2014 đã không đạt được.
Ông Zelensky tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Ukraine (Nguồn: TASS)
Bộ Tài chính Ukraine cho biết, GDP của Ukraine năm 2013 là 183,3 tỷ USD đã giảm xuống còn 112,1 tỷ USD vào năm 2017. Nền kinh tế Ukraine hiện nay thậm chí còn thua cả Hungary với số dân 10 triệu người (139 tỷ USD).
Nếu tính GDP bình quân đầu người thì sẽ thấy rõ hơn. Trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới về kinh tế, Ukraine đều nằm ở cuối bảng, ngay cả các quốc gia Bắc Phi cũng giàu hơn Ukraine.
Ukraine là nước nghèo nhất châu Âu. Về GDP bình quân đầu người, Moldova (quốc gia láng giềng nhỏ, gần 4 triệu dân, thủ đô là Kisinhev) cũng đã vượt Ukraine: Moldova xếp hạng 133 trên thế giới với GDP 2.690 USD trên đầu người, còn Ukraine ở vị trí thứ 134 với 2.660 USD.
Người Ukraine nghèo nhất châu Âu (Nguồn: AP)
Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 10,3 lần so với châu Âu (27.000 USD) và thấp hơn 4,5 lần so với các nước Đông Á (12.000 USD) và kém hơn Bắc Phi (3.000 USD). Đó là thực trạng nền kinh tế Ukraine vốn là một đất nước có tiềm năng trí tuệ và sáng tạo cao.
Theo số liệu, trong những năm 1990, Ukraine nằm trong số 10 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. Năm 1991, kinh tế của Ukraine đứng thứ 60 trên thế giới và theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, vào giữa những năm 2000, Ukraine sẽ lọt vào Top 10 quốc gia phát triển nhất thế giới. Bây giờ, không dám mơ ước đến điều này.
Nếu sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine là một quốc gia có tiềm năng công nghiệp và công nghệ cao, thì vào cuối năm 2017, GDP của Ukraine chỉ đạt 61,5% của năm 1990. Nếu năm 1991, tỷ trọng của ngành công nghiệp Ukraine trong GDP chiếm 44%, thì ngày nay chỉ còn dưới 20%. Tỷ trọng ngành chế tạo máy năm 1990 là 30,5% tổng sản lượng công nghiệp của Ukraine, còn hiện tại đã giảm xuống còn 14-15%.
Thất bại kinh tế kéo theo khủng hoảng xã hội lớn. Ukraine xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng Top 10 quốc gia bất hạnh nhất thế giới của Bloomberg, đứng top đầu trong danh sách các nước có tỷ lệ tham nhũng cao.
Theo Liên hợp quốc, hơn 60% dân số Ukraine sống dưới mức nghèo khổ; mức lương trung bình hàng tháng hiện nay ở Ukraine là 313 USD, chỉ hơn 70% so với năm 2013 (409 USD); mức lương hưu tối thiểu giảm xuống còn một nửa là 52 USD mỗi tháng, trong khi đó năm 2013 là 112.USD.
Sau chiến thắng của V.Zelensky trong cuộc bầu cử Tổng thống, một số cơ quan tổ chức Ukraine mới bắt đầu phát biểu công khai những tổn thất lớn của Ukraine do sự đổ vỡ trong quan hệ thương mại với Nga.
Các chỉ số kinh tế của Ukraine năm 2018 so với năm 2013 giảm hơn 3 lần, xuất khẩu của chúng ta sang Nga giảm hơn 4 lần, nhập khẩu từ Nga giảm gần 3 lần (những tính toán này không tính đến khí đốt Nga được Ukraine mua thông qua Slovakia, Ba Lan và Hungary với phụ phí cho khâu trung gian).
Nếu coi chúng ta lượng khí đốt đó mua của Nga, thì cán cân thương mại giữa Ukraine và Nga giảm khoảng 11,5 tỷ USD. Số tiền 11,5 tỷ USD này đối với Nga là dưới 0,8% GDP còn đối với Ukraine là 10% GDP. Có nghĩa là trong tổn thất thương mại này, Ukraine hứng chịu gấp 13 lần so với Nga.
Vadim Novinsky, nghị sỹ đảng "Khối đối lập" trong Quốc hội khóa 8 của Ukraine nói: "Trong 5 năm qua, Ukraine đã mất 75-80 tỷ USD từ việc giảm buôn bán với Nga. Các doanh nghiệp của chúng ta trước đây tập trung vào thị trường Nga và các nước SNG, bây giờ phải đắp chiếu".
Để đưa nền kinh tế Ukraine trở lại mức năm năm 2013, cần ít nhất 35 năm và một trong những điều kiện chính là khôi phục quan hệ với Nga. Đây là hàng xóm của chúng ta và không thể chạy đâu được. Trong nhiều thế kỷ nữa Nga vẫn sẽ là hàng xóm của chúng ta, cần phải sống trong quan hệ bình thường với hàng xóm - chỉ có chủ nhà tồi mới thường xuyên cãi vã với hàng xóm. Người chủ nhà tốt bao giờ cũng kết bạn với hàng xóm của mình.
Theo giới chuyên gia dự báo, Tổng thống V. Zelensky sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc hiện thực hóa mục tiêu kinh tế bởi: (1) Bản thân Zelensky không am hiểu về kinh tế và sẽ bị hàng ngũ cố vấn với các loại quyền lợi nhóm khác nhau "dắt mũi". (2) Theo tuyên bố của chính Tổng thống Zelensky ngày 20-5, chưa thấy động thái nhằm hướng tới cải thiện quan hệ với Nga. Nếu quan hệ về mặt chính quyền không "cải thiện", quan hệ kinh tế với Nga vẫn như hiện nay thì trong nhiệm kỳ này của ông không có sức mạnh nào hay sự giúp đỡ quốc tế nào có thể "vực dậy" được nền kinh tế Ukraine như người dân mong muốn. (3) Rạn nứt nội bộ càng gia tăng, Ukraine sẽ đứng trước nguy cơ "chia năm sẻ bảy" đe dọa sự toàn vẹn của đất nước.
Xã hội Ukraine đang chia rẽ rất sâu sắc và trong những tháng đầu tân Tổng thống cầm quyền, tình hình kinh tế - xã hội và đối ngoại của Ukraine sẽ không có nhiều thay đổi, chừng nào ông thống nhất được bộ máy chính quyền, lúc đó mới có hy vọng vào sự điều chỉnh chính sách theo hướng cụ thể và hiệu quả.
Quan hệ Nga-Ukraine rạn nứt, tiếp tục rơi vào bế tắc
Gần đây, quan hệ Ukraine-Nga đang đi xuống, thậm chí leo thang căng thẳng khi tân Tổng thống liên tục dùng phương pháp "ăn miếng, trả miếng" đối với Nga như vấn đề Tổng thống V. Putin (24-4) ký sắc lệnh đơn giản thủ tục cấp hộ chiếu cho cư dân khu vực Donbass - những người dân đa số nói tiếng Nga, vấn đề biên giới, lịch sử, ngôn ngữ..., Tổng thống đắc cử Ukraine Zelensky (18-5) cũng khẳng định sẽ lấy lại Crimea từ tay Nga mặc dù thời gian để nó trở thành sự thật sẽ không ngắn ngủi. Thậm chí ông Zelensky còn không gửi lời mời lãnh đạo Nga trong ngày nhậm chức Tổng thống (20-5).
Tổng thống Nga V. Putin ký Sắc lệnh đơn giản hoá thủ tục cấp quốc tịch Nga cho người dân Donbass (Nguồn: Reuters)
Trước đó, trong nhận xét khi ông Zelensky đắc cử, Thủ tướng Nga D. Medvedev một mặt khẳng định phải chờ đợi lãnh đạo Ukraine có những hành động cụ thể trên thực tế, mặt khác cũng cho rằng "đã có cơ hội" để quan hệ Nga-Ukraine hướng tới "nắm bắt những khả năng mới".
Theo Ngoại trưởng Nga S. Lavrov, những tyên bố của ông V. Zelensky về quan hệ với Nga trong quá trình vận động tranh cử và sau khi đắc cử và sau khi đắc cử có nhiều điểm mâu thuẫn, không thống nhất; Moscow hy vọng tân Tổng thống Ukraine có thiện chí đối thoại đề cùng phía Nga xem xét, trao đổi ý kiến về những vấn đề nóng giữa hai nước.
Trong khi những vấn đề "nóng" trong quan hệ Ukraine - Nga mà ông V. Zelensky thường nhắc tới chưa có sự nhất quán lập trường, như vấn đề miền Đông Ukraine (Donbass), thì các nhà lãnh đạo Moscow khẳng định, chính quyền mới ở Kiev cần thực hiện triệt để thỏa thuận Minsk 2.0 - giải pháp cho cuộc xung đột nội bộ Ukraine tại miền Đông nằm trong thỏa thuận này.
Trước những thông tin nói rằng, nhóm "Bộ tứ Normandy" (Nga, Ukraine, Pháp, Đức) sẽ họp hội nghị thượng đỉnh để tiếp tục xem xét các giải pháp cho vấn đề Ukraine, đại diện Moscow cho rằng, hội nghị này chỉ nên tổ chức khi ông Zelensky nhậm chức và đề ra đường lối, chính sách rõ ràng.
Theo các nhà quan sát, xử lý quan hệ với Nga là bài toán vào loại "hóc búa" nhất, đau đầu nhất của tân Tổng thống Ukraine V. Zelensky. Ông thừa hường một "di sản" rất phức tạp của "người tiền nhiệm" P. Poroshenko trong khi áp lực thay đổi từ phía cử tri rất lớn nhưng đòn bẩy quyền lực trong tay ông không nhiều.
Cuộc bầu cử đã qua, ông đã chính thức nhậm chức Tổng thống, nhưng phía trước vẫn tiếp tục những cuộc đấu quyền lực quyết liệt, căng thẳng ở Ukraine cả trước và sau bầu cử Quốc hội nước này. Đó là những thách thức lớn đối với diễn viên hài Zelensky lần đầu "bước lên vũ đài chính trị".
Theo Danviet
Iran tuyên bố không thay đổi công suất của các máy ly tâm làm giàu urani Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEO) cho biết nước này không có kế hoạch khởi động những máy ly tâm có thể làm giàu urani với công suất cao hơn cũng như không có ý định thay đổi quan hệ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Quang cảnh nhà máy hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran...