Lãnh đạo Công ty An Khang và 2 cán bộ TP Vũng Tàu bị truy tố
Các cán bộ Phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Vũng Tàu bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án phân lô bán nền, lừa đảo 410 tỉ đồng…
Ngày 25-7, tại trụ sở VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố đối với các bị can Ngô Thị Minh Phượng (55 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Khang); Trần Quý Dương (36 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư An Trung); Đỗ Thùy Linh (31 tuổi, tổng giám đốc Công ty An Khang); Vương Quốc Hải (36 tuổi, phó tổng giám đốc Công ty An Khang); Vũ Quốc Tuấn (45 tuổi, trưởng Phòng TN&MT, TP Vũng Tàu) và Nguyễn Trung Quốc (40 tuổi, cán bộ Phòng TN&MT, TP Vũng Tàu).
Các bị can Phượng, Dương, Linh, Hải bị truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can Tuấn, Quốc (cán bộ Phòng TN&MT, bị truy tố về tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, năm 2008 Công ty CP Địa ốc An Khang được thành lập. Công ty gồm các cổ đông gồm: Công ty TNHH Khang Linh (bà Phượng làm giám đốc), Công ty An Trung (do ông Dương làm giám đốc) góp vốn thành lập với vốn điều lệ 250 tỉ đồng. Mục đích thành lập Công ty An Khang của bà Phượng, ông Dương là để có pháp nhân lập dự án Trung tâm Thương mại và Nhà ở cao cấp (gọi tắt là dự án Metropolitan tại QL51B, phường 11, TP Vũng Tàu) với tổng diện tích 43 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 13.000 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, Công ty An Khang chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp với 43 ha, chưa đủ vốn theo quy định, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được phép phân lô, huy động vốn bán nền theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Đất dự án Metropolitan.
Sau khi được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 14-1-2011, mặc dù chưa được phép huy động vốn nhưng qua ngày hôm sau Công ty An Khang đã tổ chức lễ động thổ, khởi công, quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nằm huy động vốn góp cho dự án.
Việc huy động dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn, thực chất là bán nền đất ở đã được bị can Phượng đề ra và thống nhất trong HĐQT công ty và sau đó tổ chức thực hiện.
Video đang HOT
Thông qua các sàn giao dịch, công ty này đã ký 316 hợp đồng huy động góp vốn với 289 khách hàng, thực thu số tiền hơn 410 tỉ đồng. Số tiền này được sử dụng hơn 14 tỉ đồng vào xây dựng hạ tầng dự án, còn các bị can chia nhau hưởng lợi.
Theo hợp đồng thì 24 tháng sau khi ký sẽ bàn giao nền cho khách hàng. Tuy nhiên, đến tháng 9-2013, Công ty An Khang vẫn không bàn giao như cam kết. Đã có 267 người có đơn tố cáo yêu cầu thu hồi số tiền đã nộp góp vốn cho công ty bị chiếm đoạt.
Đối với hai bị can Tuấn và Quốc, theo cáo trạng, quá trình thực hiện dự án Metroplitan, Công ty An Khang phải chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở. Việc chuyển đổi phải tuân thủ đúng quy định về quản lý đất đai, khung giá đất tính thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Bị can Phượng đã gặp và nhờ ông Tuấn làm thủ tục chuyển đổi.
Trong thời gian từ 17-12-2010 đến 31-12-2010, Phòng TN&MT TP Vũng Tàu tiếp nhận 40 hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang dưới danh nghĩa 10 cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đầy đủ và không hợp lệ, không có cơ sở pháp lý để xác định diện tích và vị trí đất chuyển mục đích thành đất ở trong dự án nhưng hai bị can Quốc và Tuấn không thẩm định kiểm tra theo quy định về căn cứ chuyển mục đích sử dụng đất, vẫn trình hồ sơ cho để ông Phan Hòa Bình (lúc đó là Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) và ông Trương Văn Trí (Phó Chủ tịch) ký quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 86.700 m2thành đất ở không đúng theo quy định pháp luật.
Việc làm trên là tiền đề để tạo điều kiện cho bị can Phượng và các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết vụ án đã được ủy quyền cho VKSND tỉnh và TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hành quyền công tố, xét xử. Tuy nhiên, thời gian xét xử sẽ phải chờ kết thúc điều tra, truy tố đối với các cán bộ nguyên là lãnh đạo TP Vũng Tàu là ông Bình, ông Trí, ông Sơn (nguyên trưởng Phòng Quản lý đô thị).
Sau khi kết thúc quá trình điều tra, bà Phượng và các bị can được tại ngoại. Ngày 27-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Ngô Thị Minh Phượng cho hay hoàn toàn không đồng ý với nội dung cáo trạng. Bà cho rằng cáo trạng không ghi đúng với thức tế những lời khai của bị can tại CQĐT và bà đã có đơn kiến nghị về nội dung kết luận điều tra và cáo trạng vụ án.
TRÙNG KHÁNH
Theo PLO
Vụ kiện 11,6 tỷ đồng đeo bám Vinapco
Hơn 10 năm sau vụ tiêu cực đình đám, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) vẫn chưa thể giải quyết xong vụ kiện với CTCP Dầu khí Đông Xuyên (trụ sở tại Bà Rịa -Vũng Tàu) về số tiền 11,6 tỷ đồng.
Năm 2004, vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Vinapco bị phát giác. Từ đó tới nay, Công ty Vinapco chưa thể giải quyết xong các hợp đồng.
Theo đơn khởi kiện, năm 2003-2004, Xí nghiệp Thương mại dầu khí Hàng không Việt Nam, đơn vị trực thuộc Công ty Vinapco (trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội) và Công ty Đông Xuyên ký 3 hợp đồng tiếp nhận, bảo quản, bơm rót dầu JET A1 tại tàu nhập khẩu lên kho Công ty Đông Xuyên (Bà Rịa -Vũng Tàu). Hợp đồng đã quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt bảo quản và bơm rót, phí chống tràn dầu, chi phí tiếp nhận đơn hàng lên kho, phương thức thanh toán...
Quá trình thực hiện hợp đồng, do phát sinh một số vấn đề, hai bên đã ký thêm phụ lục hợp đồng sửa đổi bổ sung. Trường hợp bên B chưa có cầu cảng tiếp nhận dầu trực tiếp vào kho và phải thực hiện chuyển thẳng, Công ty Đông Xuyên được hưởng tỷ lệ hao hụt, chi phí tiếp nhận lên kho. Công ty Đông Xuyên đã sử dụng tàu, xà lan như buồng nổi chứa hàng.
Công ty Vinapco đã thanh toán đầy đủ chi phí hơn 405 triệu lít dầu. Trong đó, có hợp đồng số 60 và 95 đã thực hiện xong nhưng hai bên chưa có biên bản thanh lý.
Tháng 10/2004, Công ty Vinapco bị thanh tra hoạt động kinh doanh, trong đó có nội dung liên quan đến Công ty Đông Xuyên. Ngày 25/10/2004, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản. Thời điểm này, hai công ty đã kiểm tra, rà soát, tính chi phí từ tháng 1/2003 tới tháng 10/2004, trong đó có 178 triệu lít dầu không được bơm lên bồn mà chuyển thẳng đi các nơi. Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không đã thanh toán 3,1 tỷ đồng tiền và 1,09 triệu lít dầu JET A1.
Sau các buổi làm việc, Công ty Đông Xuyên đã chuyển vào tài khoản của Công ty Vinapco tương đương 12 tỷ đồng, trong đó 7 tỷ đồng có ủy nhiệm chi. Quá trình điều tra tại Công ty Vinapco cho thấy, số lượng 1,09 triệu lít dầu là khoản bị khai khống để tư lợi và là vật chứng trong vụ án.
Đến tháng 8/2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ vụ án hình sự tham ô tài sản. Về vấn đề xử lý vật chứng, cơ quan điều tra trả lại số tiền 12 tỷ đồng cho Công ty Vinapco.
Năm 2012, cho rằng 12 tỷ đồng là tiền chênh lệch phát sinh trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, bơm rót, Công ty Đông Xuyên khởi kiện đòi lại số tiền trên.
Vụ kiện này được đưa ra xét xử năm 2012. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Tòa án nhân dân quận Long Biên chấp nhận đơn khởi kiện, tuyên bố biên bản làm việc giữa hai công ty là giao dịch vô hiệu. Công ty Vinapco phải hoàn trả số tiền 11,6 tỷ đồng.
Không đồng ý bản án trên, Công ty Vinapco kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Năm 2013, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công ty Vinapco tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Quyết định của Hội đồng thẩm phán -Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Năm 2015, vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ 2, Công ty Đông Xuyên thắng kiện. Do đó, ngày 15/6/2016, Công ty Vinapco tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Bị đơn cho rằng, cần thiết thu thập hóa đơn, chứng từ để xác định chi phí thực tế của Công ty Đông Xuyên. Trong khi đó, nguyên đơn khẳng định các hợp đồng trên là dạng hợp đồng khoán gọn, "lời ăn lỗ chịu", thực tế Công ty Đông Xuyên phải bỏ ra chi phí lớn hơn.
Hội đồng xét xử xem xét, nhận định yêu cầu của bị đơn là không cần thiết và kết luận, Công ty Vinapco phải thanh toán số tiền 11,6 tỷ đồng cho Công ty Đông Xuyên.
Như vậy, sau nhiều phiên tòa, các quyết định vẫn là Công ty Vinapco phải trả lại số tiền 11,6 tỷ đồng cho Công ty Đông Xuyên. Liệu Vinapco sẽ tiếp tục kháng cáo hay thực hiện quyết định này, chấm dứt hơn 10 năm đeo đẳng với vụ kiện?
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Dừng hoạt động các bè nổi Theo cơ quan chức năng, vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận hiện có 6 "nhà hàng nổi" (bè nổi); đảo Bình Ba và Bình Hưng (Cam Ranh) có 22 cái... Sau vụ chìm bè nổi trên vịnh Vĩnh Hy làm 2 người chết và 4 người bị thương, hôm qua (25.7), UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND TP.Vũng Tàu đồng loạt cho tạm đình chỉ...