Lãnh đạo Công an, Giao thông giải trình chuyện cán bộ tiêu cực, lái xe hút ma túy
Tại sao, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải, nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt? Sao chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma tuý, hoạt động kiểm soát với lái xe đường dài mới được chú trọng? Thực tế tình trạng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe ra sao?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn
Ngày 6/3, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
“Bảo kê” cho vi phạm?
Một trong những vấn đề được đặt ra tại phiên giải trình là việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Thậm chí, một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
“Cử tri phản ánh, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt”, Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ cho hay.
Bộ Công an cũng được đề nghị giải trình về việc một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm.
“Bên cạnh những đóng góp lớn, hi sinh vất vả của cảnh sát giao thông, một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng. Đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để vấn đề này”, bà Thủy nhấn mạnh.
Giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu, “chúng tôi hết sức cầu thị những ý kiến góp ý, kể cả phát hiện lực lượng công an nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng tiêu cực trong khi thi hành công vụ”.
Theo ông Sơn, thời gian qua, một mặt, ngành chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý sai phạm; đồng thời lắng nghe ý kiến của các đại biểu và báo chí.
“Nếu cung cấp thông tin, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc với quan điểm: Nếu các cơ quan thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ tác động trực tiếp đến toàn xã hội nghiêm minh”, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn, lực lượng cảnh sát giao thông “rất muốn ngồi ở phòng có thể điều khiển giao thông chứ không phải ra đường nguy hiểm, bệnh tật”. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chưa như mong muốn và ý thức người tham gia giao thông còn nhiều vấn đề nên cảnh sát giao thông phả có mặt trên đường.
“Có nước nào người dân dừng giữa đường cao tốc ăn uống, tỉ lệ người dùng rượu bia vi phạm giao thông nhiều như Việt Nam”, ông Sơn nêu.
Video đang HOT
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin để phạt nguội là xu thế, nhưng quy định về sử dụng hình ảnh hiện chưa hoàn chỉnh nên “camera bố trí tương đối song gặp khó trong xử lý”.
“Nếu có đầy đủ khung pháp lý để phối hợp chặt chẽ với công an, chúng tôi sẽ chuyển các dữ liệu giám sát hành trình, giám sát quốc lộ, các khu vực trọng điểm để kết hợp với dữ liệu vi phạm ở các ngã ba, ngã tư, đậu đỗ trái quy định, vượt đèn đỏ trong đô thị, qua đó chắc chắn sẽ giảm thiểu số người phóng nhanh vượt ẩu”, ông Thể nói.
Có hiện tượng “bao thi, bao đỗ”
Uỷ ban Tư pháp còn đề nghị Bộ GTVT giải trình, trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tồn tại tâm lý của một bộ phận học viên không muốn học bài bản nhưng muốn có GPLX.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Cử tri phản ánh, nắm bắt tâm lý đó, một số cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành lái xe không đủ so với quy định; thay vì dạy “bài bản” thì dạy “mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp GPLX, thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, giám sát kiểm tra và đưa ra các tình huống tập lái xe trong sa hình.
Theo ông Thể, đang đề xuất đưa vào chương trình học và thi một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ví dụ vi phạm ở những đoạn đường đèo hay giao với đường sắt, nếu người học và thi mà vi phạm những tình huống này thì sẽ cho rớt ngay và không cấp phép, bởi đây là những vi phạm nghiêm trọng mà nếu mắc phải sẽ rất khó khắc phục.
“Theo số liệu chúng tôi nắm được của các cơ sở đào tạo, 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3″, Bộ trưởng Thể thông tin.
Ông cho biết, tất cả các cơ sở đào tạo lái xe hiện nay là xã hội hoá, và các nghị định, thông tư được điều chỉnh lại cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, với những cơ sở vi phạm có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe.
“Nếu các đồng chí phát hiện được những vụ việc liên quan đến các trung tâm thì đề nghị cơ quan pháp luật xử lý thật nghiêm. Vì các cơ sở này đào tạo ra lái xe, mà lái xe gây tai nạn chết người. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo để các cơ sở khác phải có điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng GTVT nói.
Lái xe đường dài dùng ma túy: Xử thế nào?
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhận định, có nguyên nhân từ chủ xe, có tình trạng chủ xe ép tài xế lái xe quay vòng nên nhiều tài xế đã phải sử dụng ma tuý.
“Nếu tìm được bằng chứng là chủ xe ép tài xế thì cần truy tố nghiêm khắc những người đó. TP Hồ Chí Minh cũng đã có đề xuất truy đến người chủ và người quản lý”, ông Nghĩa nói.
Giải trình vấn đề này, Bộ Công an cho biết, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định nghiêm việc xử lý đối với các trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông.
Công an các địa phương cũng tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra và đã phát hiện một số trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, đồng thời việc quản lý lái xe chủ yếu giao cho các doanh nghiệp vận tải tự quản lý.
“Việc kiểm soát lái xe sử dụng chất ma túy trên đường cũng gặp không ít khó khăn, do thời gian trung bình kiểm soát mất từ 15-20 phút/1 xe, quy trình kiểm soát qua nhiều bước, sử dụng nhiều thiết bị, có nhiều trường hợp lái xe không phối hợp, đặc biệt là xe khách, vì họ cho rằng lực lượng chức năng gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải”, báo cáo của Bộ Công an phản ánh.
Từ cuối năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo tổng kiểm soát các xe kinh doanh vận tải từ 8 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó đặc biệt chú ý kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các lái xe sử dụng chất ma túy.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, khi để lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của cả doanh nghiệp thuê lái xe. “Anh có phương tiện mà khoán trắng cho lái xe cũng là không làm hết trách nhiệm”, ông Thể nêu quan điểm.
Hương Giang
Theo Baothanhntra
Xóa bỏ "điểm đen": Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Đường bộ năm 2019
Nâng cao hiệu quả công tác duy tu, quản lý chặt đào tạo, sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đối với ngành Đường bộ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao tặng Cờ thi đua cho những đơn vị thuộc Tổng cục ĐBVN có thành tích xuất sắc trong năm 2018
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, 2018 là năm đầu tiên Tổng cục triển khai đấu thầu qua mạng đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn nhà nước với mục tiêu tỷ lệ đấu qua mạng trên 50% số gói và trên 40% tổng vốn giao đã đấu qua mạng, cao hơn chỉ tiêu Bộ GTVT yêu cầu. Tổng số tiền tiết kiệm trên 204 tỷ đồng, đạt 3%. Công tác xây dựng văn bản QPPL có nhiều chuyển biến tốt nhằm quản lý hiệu quả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã xây dựng Đề án tinh gọn bộ máy hành chính và đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó đã tinh gọn 38 đầu mối tổ chức các cấp trong toàn Tổng cục; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg ngày 14/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục ĐBVN.
Về xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, Tổng cục thường xuyên rà soát, phát hiện xử lý kịp thời các vị trí "điểm đen", điểm mất ATGT trên các tuyến quốc lộ; xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn, sáng tạo dùng tường hộ lan bằng lốp ô tô cũ tại đèo dốc nguy hiểm trên QL6, QL12A, đèo Lò So - đường Hồ Chí Minh để bảo đảm ATGT, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Về công tác quản lý dự án BOT, công tác kiểm tra, giám sát doanh thu tại các trạm thu phí được thực hiện tích cực, liên tục, công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao, đặc biệt việc xử lý các vướng mắc, bất cập, giảm phí tại các dự án BOT quyết liệt, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Liên quan đến công tác triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng, theo ông Cường, trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), số trạm/số làn đã vận hành là 26 trạm/19 làn, 7 trạm/18 làn xe đang vận hành thử. Đến nay, 364 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối đã được thiết lập. Số lượng thẻ dán tính đến cuối năm 2018 là 680.000 thẻ.
Tổng cục đã áp dụng dịch vụ công mức độ 3 trong việc đổi Giấy phép lái xe quốc gia và mức độ 4 trong việc cấp GPLX quốc tế; đến nay đã cấp 78.098 GPLX quốc gia qua dịch vụ công mức độ 3 và 12.294 GPLX quốc tế qua dịch vụ công mức độ 4 được người dân đánh giá cao, đặc biệt là người dân sinh sống, học tập tại nước ngoài. Ngoài ra, Tổng cục đã đưa vào sử dụng phần mềm (cấp độ 4) để cấp, đổi giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận quốc tế cho 63 tỉnh, thành phố, đồng thời đưa 65 thủ tục tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean.
Cũng theo ông Cường, Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch thực hiện năm thứ hai trong 5 năm thực hiện Dự án LRAMP dù dự án có qui mô tương đối lớn, gồm nhiều công trình nhỏ lẻ, rải rác trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của cả nước. Đến nay, kế hoạch giải ngân năm 2018 đã đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch với giá trị hơn 1.700 tỷ đồng (thuộc Hợp phần cầu và Hợp phần tư vấn chung do Tổng cục ĐBVN là chủ đầu tư), hoàn thành xây dựng khoảng 900 cầu và khởi công xây dựng 1.420 cầu, so với kế hoạch của Hiệp định đạt khoảng 200% (vượt tiến độ), được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Khu vực nút giao cầu Văn Lang nối liền TP. Hà Nội với tỉnh Phú Thọ
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục ĐBVN đã đạt được trong năm 2018. Tổng cục ĐBVN đang quản lý khối tài sản "khổng lồ" từ quốc lộ, cao tốc đến hệ thống cầu, do đó công tác duy tu, sửa chữa cần phải tập trung hơn nữa. Bộ trưởng cho biết, hiện nay còn hơn 16.000km đường bộ quá hạn trung, đại tu. Do vậy, cơ quan chức năng phải tích cực hơn nữa trong đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa, để mỗi đoạn đường không trở thành "cung đường ám ảnh" với bất cứ ai. Tổng cục cần chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát, tập trung xóa bỏ các "điểm đen" TNGT. Việc xóa bỏ "điểm đen" phải được xem là ưu tiên số 1. Đây là nhiệm vụ mang tính nhân văn cao cả, biết mà không khắc phục ngay là có lỗi với dân. Các sở GTVT phải chủ động kiểm tra, phát hiện để phối hợp với Tổng cục loại bỏ những "điểm đen" nguy hiểm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những "điểm đen" hiện hữu trong năm 2019. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục ĐBVN phải vận hành tốt nhất hệ thống các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu đề xuất, báo cáo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan giải quyết căn cơ các trạm BOT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ đang chỉ đạo Tổng cục ĐBVN thời gian tới siết chặt việc học, đào tạo và cấp GPLX, kể cả xe con và xe tải; từ các khâu học, giảng viên dạy cho tới thực hành, nhất là trên sa hình sẽ có nhiều thay đổi. Tất cả tình huống trong sa hình học viên phải nắm được một số lỗi, ký hiệu như khu vực "điểm đen", vượt đường sắt, đi qua đèo..., trong đó có quản lý tài xế container.
"Xe container là loại xe đặc thù, vì vậy cần kiểm tra sức khỏe lái xe thường xuyên hơn, không chỉ cấp bằng là hoạt động cả đời mà cần đánh giá lại, nhất là đánh giá doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ nước ta phức tạp, Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu đề xuất theo hướng khi một người cấp bằng lái xe sẽ phải lái xe được tốt. Những đối tượng không nắm vững lý thuyết và thực hành thì phải loại ngay. Đối tượng thi bằng lái những loại xe container, xe quá khổ quá tải thì trình độ năng lực phải thật tốt, đảm bảo vận hành an toàn cho người tham gia giao thông", người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh.
"Cơ quan nhà nước sẽ từng bước quản lý chặt chẽ hơn, quan trọng là doanh nghiệp cần sát sao với lái xe của đơn vị mình. Cần thiết, Nhà nước sẽ chấn chỉnh lại các doanh nghiệp để hoạt động vận tải, quản lý lái xe đi vào quy củ, nền nếp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
HOÀNG LONG
Theo Tạp chí GTVT
Mỗi ngày Tết, trung bình Tân Sơn Nhất có gần 90 chuyến bay bị trễ giờ Trong cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, lượng chuyến bay thông qua sân bay Tân Sơn Nhất năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Trung bình mỗi ngày sân bay có gần 90 chuyến bay bị trễ giờ. Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30 Tết Chiều 4.2 (30 Tết), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể...