Lãnh đạo châu Âu muốn “tiễn” Anh ra khỏi EU “càng sớm càng tốt”
Trong phiên họp bất thường tại Berlin (Đức) sau sự kiện Anh trưng cầu dân ý để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo của 6 nước sáng lập EU đã thúc giục London nhanh chóng rời khỏi khối này càng sớm càng tốt.
Trong thông cáo chung được đưa ra sau phiên họp ngày 25.6, các bộ trưởng của Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg tuyên bố, họ trông đợi chính phủ Anh “sẽ hiệu lực hóa quyết định (ra đi khỏi EU) càng sớm càng tốt dù có đau đớn thế nào” và “không có chuyện đàm phán lại”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố “Chúng tôi nhất trí cho rằng tiến trình này phải bắt đầu càng sớm càng tốt, tránh việc chúng tôi phải trải qua một thời kỳ bế tắc kéo dài mà thay vào đó chúng tôi có thể tập trung vào tương lai của châu Âu và những công việc hướng tới tương lai này”.
Video đang HOT
Các ngoại trưởng của 6 nước sáng lập EU tổ chức họp báo chung sau phiên họp bất thường về việc nước Anh rời khỏi khối ở Berlin, Đức ngày 25.6.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Uỷ ban châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) cùng Chủ tịch luân phiên của EU cũng lên tiếng êu gọi Anh sớm tiến hành quy trình để rời khỏi EU “càng sớm càng tốt”.
“Mọi sự trì hoãn quá trình Brexit sẽ gây kéo dài giai đoạn không chắc chắn một cách không cần thiết”, thông báo của “Bộ tứ” tuyên bố sau cuộc họp khẩn ở Brussels.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, “không có lý do nào để chờ đợi đến tháng 10 mới bắt đầu thảo luận về tiến trình Anh rút khỏi EU”, mặc dù ông cảm thấy “rất buồn”.
“Người Anh hôm qua đã quyết định rời bỏ Liên minh châu Âu nên không cần phải chờ đến tháng 10 để thảo luận về các điều khoản rút lui. Bản thân tôi muốn Anh rời khỏi ngay lập tức. Đây không phải cuộc ly hôn thân thiện, mà cũng chẳng phải là một mối tình bền chặt”, ông Juncker trả lời phỏng vấn đài ARD (Đức).
Các lãnh đạo châu Âu khẳng định, dù họ lấy làm tiếc với kết quả trưng cầu dân ý ở Anh, song EU tôn trọng quyết định của người dân nước này. “Đây là một tình huống chưa từng có tiền lệ, và chúng tôi đồng lòng trong phản ứng của mình”, thông báo viết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng, “không nên kéo dài dai dẳng” việc khởi động đàm phán Brexit, và việc này phụ thuộc vào nước Anh.
Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng lưu ý, cuộc thương thuyết với Anh không nên mang hình thức răn đe đối với những nước khác.
Phát biểu tại Điện Elysee ở Paris ngày 25.6, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố thêm rằng, Anh nên rời EU một cách có trật tự đồng thời cảnh báo, sau sự kiện Brexit, EU phải thay đổi. “Để tiến về phía trước, châu Âu không thể đi theo lối mòn”, ông Hollande tuyên bố.
Ngày 24.6, Anh đã công bố kết quả trưng cầu dân ý, theo đó, số cử tri ủng hộ Anh rời EU là 17,4 triệu người, cao hơn 4% so với 16,1 triệu người chọn việc ở lại với khối.
Theo Danviet