Lãnh đạo châu Âu chia rẽ vì Anh quyết định rời EU
Các lãnh đạo châu Âu bắt đầu chia rẽ về cách xử lý việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, nên để quá trình này diễn ra ngay lập tức hay cho London có thêm thời gian xem xét lại.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) họp tại Brussels sau khi Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu ngày 24/6. Ảnh:Reuters.
Người dân Anh ngày 23/6 tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này có nên rời Liên minh châu Âu (EU) hay không. Kết quả công bố hôm sau cho thấy phe chọn rời EU chiến thắng với 51,9% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Anh David Cameron, lập trường ủng hộ EU, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10.
Sự chia rẽ đang xuất hiện trong giới lãnh đạo châu Âu liên quan đến cách xử lý việc Anh chọn rời EU, tức Brexit. EU tổ chức họp thượng đỉnh tại Brussels trong hai ngày, bắt đầu từ 28/6.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz kêu gọi Anh “lập tức thực hiện” Brexit. “Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Anh sẽ thực hiện ngay”, ông nói với tờ Bild am Sonntag của Đức. “Cuộc họp thượng đỉnh là thời gian phù hợp để làm điều đó”.
Thủ tướng Anh sẽ giải thích quan điểm của nước này trong bữa tối họp thượng đỉnh nhưng không ở lại tham gia thảo luận với lãnh đạo 27 quốc gia còn lại trong EU vào ngày 29/6.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo London không nên kéo dài thời gian. Đối thoại nên bắt đầu “ngay lập tức”, ông nói.
Guardian dẫn một nguồn tin EU nói ông Juncker ngày 24/6 điện đàm với Thủ tướng Cameron, yêu cầu nhà lãnh đạo Anh nên lập tức kích hoạt điều 50, bắt đầu tiến trình đàm phán dài hai năm để London rời EU.
Thủ tướng Cameron, trong bài phát biểu tuyên bố từ chức, cho biết nhiệm vụ trên nên do người kế nhiệm ông thực hiện. Ông Juncker cho rằng “quyết định của người dân Anh đã rõ ràng và bước đi hợp lý là thực hiện ý nguyện đó sớm nhất có thể”, theo nguồn tin.
Giới chức EU cho rằng khả năng bắt đầu đàm phán “ly dị” ngay lập tức là không cao. Các luật sư EU đều nhất trí rằng một nước thành viên không nên bị ép buộc phải thực hiện bước đi “nguy hiểm và không thể thay đổi” là kích hoạt điều 50, một nguồn tin EU nói.
London dự đoán phải chịu áp lực chính trị nặng nề khi bắt đầu đàm phán vào mùa thu và EU dường như sẽ từ chối mọi đề nghị đối thoại không chính thức trước khi tiến trình rời liên minh bắt đầu. Đây là lựa chọn mà phe ủng hộ rời EU, trong đó có cựu thị trưởng London Boris Johnson, mong đợi.
“Quá trình đàm phán về việc rời đi và quan hệ trong tương lai chỉ có thể bắt đầu sau thông báo chính thức”, một nguồn tin EU khác cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người sẽ chủ trì họp thượng đỉnh, hôm nay gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ông Hollande tiếp đó tới Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
Bà Merkel kêu gọi các bên bình tĩnh, thảo luận “đâu ra đấy”, làm rõ rằng thời gian nên do Anh quyết định. Tuy nhiên, các nước châu Âu, lãnh đạo EU và chính chính phủ của bà lại thúc đẩy Anh sớm rời đi.
Peter Altmaier, chánh văn phòng Thủ tướng Đức, cho rằng giới chính trị gia Anh nên “dành thời gian xem xét lại những hậu quả từ quyết định Brexit”. “Châu Âu nên bình tĩnh chờ nó diễn ra”, ông nói.
Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cũng cho rằng EU không nên thúc giục Anh. “Đó sẽ là hàng loạt quá trình đàm phán cực kỳ phức tạp”, ông Stubb nói.
Theo ông, sau cú sốc ban đầu, EU nên thoải mái và kiên nhẫn, thực hiện từng bước một, không nên nghĩ như trẻ con rằng phải trừng phạt Anh. Quan hệ giữa Anh và EU sau này có thể giống như Na Uy, vốn không phải thành viên nhưng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với liên minh, ông dự đoán.
Video đang HOT
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập Liên minh châu Âu, gồm Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Italy và Hà Lan tại Berlin, Đức, ngày 25/6. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU, gồm Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Italy và Hà Lan, muốn Anh bắt đầu rời EU “sớm nhất có thể” đế tránh gây tổn hại về lâu dài cho liên minh, vốn đã bị suy yếu.
“Chúng ta không thể lay động như Boris Johnson mong muốn. Cần có sự rõ ràng về người dân, doanh nghiệp, thị trường tài chính”, Volkskrant hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nói. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng ông Cameron nên bị thay thế “trong vài ngày”.
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói với tờ báo kinh tế Handelsblattrằng EU không nên đưa ra đề nghị mới. “Anh đã quyết đi. Chúng tôi sẽ không đàm phán về việc EU có thể đưa ra đề nghị gì để Anh ở lại”, ông cho biết, gọi quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của Thủ tướng Cameron là “sai lầm lịch sử to lớn”, kêu gọi ông sớm từ chức.
Đại diện cấp cao từ các nước thành viên EU nhóm họp tại Brussels hôm qua để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh dài 24 giờ. Do Ủy viên Anh tại EU Jonathan Hill đã từ chức ngày 25/6 nên ông Juncker hôm nay chỉ gặp 27 đại diện.
London và Brussels, nơi đặt trụ sở EU, có nhiều xung đột về các ưu tiên. EU muốn tối thiểu gián đoạn kinh tế, để Anh rời đi êm thấm nhưng cũng lo ngại về hiệu ứng domino tại những quốc gia hoài nghi về châu Âu, khiến liên minh tan rã.
Trong khi đó, Anh sẽ tìm cách thu về những điều khoản có lợi nhất trước khi rời đi, điều khó hoàn thành chỉ trong hai năm đàm phán. Nhiều người dẫn đầu trong chiến dịch rời EU tuyên bố đàm phán không chính thức phải diễn ra trước khi kích hoạt điều 50.
Đức và Pháp được cho là đã soạn thảo tài liệu 10 trang liên quan đến ba lĩnh vực chính gồm an ninh, nhập cư và tị nạn, việc làm và tăng trưởng, để các thành viên cùng thảo luận. Các tập đoàn công nghiệp Đức và Pháp hôm qua tuyên bố Brexit khiến châu Âu rơi vào “hỗn loạn”, kêu gọi có sự hợp tác kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn do Berlin và Paris dẫn đầu.
“Châu Âu phải đoàn kết, khôi phục lại niềm tin và ở thế tấn công”, các lãnh đạo thuộc tập đoàn công nghiệp BDI, BDA của Đức và liên đoàn công nhân Medef, Pháp, cho biết trong lời kêu gọi chung gửi tới Journal du Dimanche.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến đến Brussels và London trong hôm nay để đàm phán khẩn cấp, kêu gọi hai bên “tối thiểu hóa sự gián đoạn” bằng cách thảo luận quá trình “ly dị” một cách có trách nhiệm.
Như Tâm
Theo VNE
Cuộc chia tay lịch sử Anh - EU qua hình họa con thuyền
Lựa chọn rời khỏi EU của người Anh được giải thích dễ hiểu qua hình ảnh những con thuyền tượng trưng cho các nước.
Người dân Anh đã có quyết định lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này không chỉ là kết quả 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của chủ nghĩa hoài nghi EU kéo dài nhiều thập kỷ.
Vì sao EU tồn tại
Theo Vox, châu Âu là một tập hợp các nước từng chiến đấu chống lại nhau, chẳng hạn như trong Thế chiến II. Vì vậy, sau Thế chiến II, nhiều nước cảm thấy cần hợp nhất để đoàn kết các nước châu Âu, bắt đầu với các ngành công nghiệp than, thép và sau đó mở rộng đến các vấn đề thương mại.
Thông thường, các nước đặt ra quy định riêng cho việc nhập khẩu. Ví dụ, nếu bạn muốn chế tạo xe hơi ở Pháp và bán sang Anh, bạn sẽ phải trả thuế để làm như vậy.
Hoặc giả sử bạn là người Pháp nhưng muốn sống và làm việc tại Anh, bạn sẽ phải trải qua một quá trình nhập cư kéo dài để làm việc đó hợp pháp.
Tây Âu có hàng chục quốc gia, mỗi nước có chính sách thương mại, nhập cư, và kinh tế riêng. Liên minh châu Âu (EU) về cơ bản bắt đầu từ một câu hỏi: sẽ thế nào nếu các quốc gia đều có những quy tắc tương tự? Điều gì xảy ra nếu tất cả rào cản biến mất?
Và đó là những gì EU làm.
Hầu hết các nước Tây Âu tham gia nhóm để hợp nhất quy định kinh tế của họ vào năm 1993. Họ làm điều này bằng cách cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do giữa các nước thành viên.
EU đã giúp tạo ra thời kỳ thịnh vượng kinh tế lâu dài và giữ gìn hòa bình cho khu vực.
Cuộc chia tay
Tuy nhiên, có những thách thức cho việc hợp tác này. Khi điều gì xấu xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không ứng phó hiệu quả. hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng, các ngân hàng cần hỗ trợ, và nợ tại một số nước EU tăng vọt.
Nhìn thấy EU trong cơn khủng hoảng như vậy, một số nước đặt ra nghi ngờ về liên minh. Nhiều nước giàu có (như Anh) lo ngại rằng họ có thể phải mang gánh nặng giải cứu các quốc gia kém giàu có gặp khó khăn.
Đồng thời, một số người Anh không thích việc người nước ngoài chuyển sang Anh sinh sống ngày một nhiều. EU khiến cho việc công dân nước này di cư đến nước khác dễ dàng hơn. Và số người Anh có gốc gác nước ngoài cũng tăng vọt sau khi Anh gia nhập EU.
Các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này. Thứ nhất, EU đã mở rộng quy mô và kết nạp thêm các nước nghèo hơn. Nhiều người dân ở các nước này di cư sang các nước giàu, như Anh. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến một số nước châu Âu đặc biệt khó khăn. Khi người dân chưa thể tìm được việc tại nước nhà, họ phải tìm việc ở nơi khác, như Anh.
Căng thẳng về nhập cư đã tăng đáng kể ở Anh trong những năm gần đây. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 45% người Anh cho rằng nhập cư là một trong những vấn đề hàng đầu nước này phải đối mặt. 77% người Anh tin rằng số lượng người nhập cư vào nước này nên được giảm.
Ngày 23/6, Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU. Người Anh đã chọn rời khỏi EU. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức.
Anh và EU sẽ có hai năm để thống nhất về thỏa thuận cho cuộc chia ly. Anh nhiều khả năng mất đi các lợi thế và ưu đãi của EU.
Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard nói rằng vào thời điểm hiện giờ, các hãng xe Anh có thể yên tâm rằng họ có thể bán xe ở bất kỳ quốc gia EU nào, bởi vì các nước đều có cùng một tiêu chuẩn. Nhưng một khi Anh rời EU, nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận, việc doanh nghiệp bán Anh xe cho các nước EU có thể phức tạp hơn nhiều.
Không chỉ có xe hơi, các sản phẩm dược, công nghệ, thực phẩm, hay bất cứ sản phẩm nào của Anh cũng sẽ khó được nhập dễ dàng vào các nước EU.
Đồng thời, người Anh cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển qua biên giới. Khoảng 1,2 triệu người Anh đang sống ở các nước EU khác. Họ đang làm việc ở các nước này mà không gặp nhiều rắc rối. Nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Có kịch bản rằng Anh sẽ cố giữ thỏa thuận kinh tế với EU, cho phép họ giữ các đặc quyền kinh tế, giống như Na Uy. (Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng đã đồng ý tuân theo một số quy định của EU để đổi lấy quyền truy cập thuận lợi thị trường chung châu Âu). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU nhiều khả năng sẽ "chơi rắn" với Anh, và nếu thỏa thuận như vậy, Anh có thể vẫn bị ràng buộc bởi của quy định của EU.
Những tác động lớn hơn
EU giúp cho Mỹ tiến hành thương mại với châu Âu dễ dàng hơn, và cũng giúp Mỹ dễ dàng hơn khi đề nghị châu Âu giúp đỡ về địa chính trị. Thay vì nói chuyện với hàng chục quốc gia khác nhau, các quan chức Mỹ có thể đến cơ quan EU đàm phán.
Nếu Anh rời EU, Anh có thể sẽ không còn được tham gia vào các cuộc đàm phán đó nữa.
Sự ra đi của Anh cũng có thể có tác động xuyên suốt châu Âu. Hiệu quả kinh tế kém và việc xử lý không phù hợp cuộc khủng hoảng di cư khiến nhiều người dân ở một số nước, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, nói rằng họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống Anh. Vì vậy, quyết định của Anh có thể là mở màn cho một tương lai không mấy tươi sáng với châu Âu.
Phương Vũ
Đồ họa: Vox
Theo VNE
Brexit có thể phá vỡ cán cân quyền lực châu Âu Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể phá vỡ cán cân quyền lực tại châu lục, làm giảm vai trò và ảnh hưởng của khối đối với thế giới. Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters Quyết định ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ gây ra...