Lãnh đạo các nước tìm kiếm tiến bộ trong vấn đề Triều Tiên
Triều Tiên và Iran được dự đoán sẽ là các vấn đề chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo thế giới tại khóa họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) diễn ra tại Mỹ trong tuần này.
Phiên họp toàn thể đầu tiên của khóa họp
Theo AFP, Tuần lễ cấp cao của khóa 73 của ĐHĐ LHQ sẽ bắt đầu vào ngày 24/9, tập trung vào các biện pháp nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề, từ biến đổi khí hậu tới chống đói nghèo. Khoảng 130 người đứng đầu nhà nước và Chính phủ các nước sẽ tham gia các phiên họp và có các bài phát biểu trong vòng 6 ngày của Tuần lễ. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, sự hiện diện của đông đảo những người đứng đầu các nhà nước và chính phủ tại cuộc họp ĐHĐ lần này là một minh chứng cho thấy LHQ sẽ tiếp tục là một diễn đàn không thể thiếu đối với hợp tác quốc tế.
Theo các nhà quan sát, Triều Tiên sẽ là vấn đề trọng tâm bàn thảo tại khóa họp lần này của ĐHĐ LHQ khi nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã có tiến triển mạnh mẽ. Cùng với đó, Mỹ và Triều Tiên cũng đã có những động thái mang tính chất đột phá nhằm giải quyết mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Tại phiên họp lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được dự báo sẽ trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là sau khi quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở nên nồng ấm hơn và việc ông hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Dự kiến, trong ngày 26/9, ông Trump sẽ lần đầu tiên chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Đây sẽ là phiên họp của Hội đồng Bảo an được theo dõi sát sao nhất từ trước đến nay”, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói về lần đầu chủ trì một phiên họp cấp cao tại diễn đàn đa phương của ông Trump. Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ từng đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên. Tuy nhiên, theo bà Suzanne DiMaggio – một chuyên gia về Triều Tiên và Iran tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế Carnegie, phát biểu của ông Trump tại LHQ năm nay nhiều khả năng sẽ trái ngược với những tuyên bố mà ông đưa ra hồi năm ngoái.
Song, bà DiMaggio cũng cho rằng ông Trump sẽ phải cân nhắc trước khi đưa tuyên bố rằng Triều Tiên không còn là một mối đe dọa hạt nhân. Bởi, dù ông Trump và ông Kim đã đạt được nhất trí về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua nhưng tiến trình phi hạt nhân hóa đến nay vẫn gần như chưa có tiến triển đáng kể. Dự kiến, trong các phiên họp chủ chốt tại phiên họp lần này, Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đều có các phát biểu nhấn mạnh vào vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã mời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong ho tham gia đàm phán bên lề phiên họp.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng sẽ có phát biểu về quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc hồi tháng 5 vừa qua. Hiện, các nước châu Âu và Nga, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Các nước dự kiến sẽ tận dụng cuộc họp của Hội đồng Bảo an do ông Trump chủ trì để bảo vệ thỏa thuận vốn được các nước xem là cột mốc trong tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân. “Các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ nhiều khả năng sẽ phản ứng trước các phát biểu của ông Trump về vấn đề Iran. Các nước này, cùng với một số đồng minh thân cận của Mỹ đang đối mặt với việc bị Mỹ trừng phạt vì nỗ lực cứu thỏa thuận”, bà DiMaggio nhận định.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 73 ĐHĐ LHQ.
Video đang HOT
Minh Ngọc
Theo baophapluat
Vì sao Mỹ trì hoãn tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên?
Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên được cho là đã có những nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây là điều Hàn Quốc cũng mong muốn, nhưng Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận như vậy.
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ tạm kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến trong đó có sự tham gia của Mỹ. Do vậy, bán đảo Triều Tiên trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật.
Những nỗ lực ngoại giao chưa từng thấy của Triều Tiên kể từ đầu năm nay được cho là một phần nỗ lực nhằm hối thúc các bên chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh. Vấn đề này nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào tháng 9 tới tại Bình Nhưỡng.
Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn chính thức kết thúc chiến tranh vào cuối năm nay với sự tham gia của Mỹ và có thể cả Trung Quốc. Triều Tiên thậm chí tuyên bố phải đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh trước khi tiến tới giải trừ hạt nhân như cam kết. Tuy nhiên, giới chức Mỹ có hàng loạt lý do để trì hoãn đưa ra một tuyên bố như vậy.
Cần bằng chứng giải trừ hạt nhân rõ ràng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng giống các chính quyền tiền nhiệm, đều đặt vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lên hàng đầu. Điều này là bởi Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể sản xuất được tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6, Triều Tiên cam kết "hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên hai bên không định nghĩa rõ ràng giải trừ hạt nhân.
Giới chức ngoại giao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho rằng, giải trừ hạt nhân có nghĩa là Triều Tiên phải ngừng và dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đến nay, Triều Tiên vẫn chưa nhất trí với cách định nghĩa đó và cho rằng ưu tiên hàng đầu là tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Giới tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên tiếp tục chế tạo tên lửa tầm xa.
Joseph Y. Yun, cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, Triều Tiên muốn "đổi" chương trình vũ khí hạt nhân để có được sự ủng hộ của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này tin rằng Triều Tiên muốn thực hiện lần lượt từng điều khoản theo thứ tự nêu trong tuyên bố chung. Trong đó, cam kết giải trừ hạt nhân ở vị trí thứ ba, điều khoản thứ nhất và thứ hai là cam kết xây dựng cơ chế hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Dấu chấm hết cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: AFP)
Mặc dù tuyên bố hòa bình không có ý nghĩa tương đương một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc, song nó có thể là khởi đầu cho việc Mỹ buộc phải rút quân khỏi khu vực. Khi đó, Mỹ sẽ phải tính đến việc duy trì bao nhiêu binh sĩ ở Hàn Quốc.
Đối với một số quan chức Mỹ, việc hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ mang ý nghĩa răn đe với Triều Tiên mà còn giúp Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở châu Á trong bối cảnh những thách thức từ Trung Quốc ngày càng tăng.
Giới chức Mỹ lo ngại chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tìm cách buộc Mỹ giảm dần lực lượng tại nước này hay nói cách khác là liên minh Mỹ-Hàn có thể suy yếu sau tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Quá vội vàng
Triều Tiên và Hàn Quốc đặt mục tiêu tuyên bố chấm dứt chiến tranh muộn nhất vào cuối năm nay, sớm hơn có thể là trước dịp khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 18/9.
Có nhiều đồn đoán rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được mời phát biểu tại sự kiện này và có thể mang theo tuyên bố hòa bình đến hội nghị.
Tuy nhiên, trong lúc còn nghi ngại về việc Triều Tiên giữ cam kết giải trừ hạt nhân, giới chức Mỹ cho rằng lịch trình như vậy là quá vội vàng.
Minh Phương
Theo Dantri/New York Times
Tổng thống Trump: "Nếu không nhờ tôi, chiến tranh với Triều Tiên đã xảy ra" Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đối thoại với Triều Tiên đang tiến triển tích cực và việc Mỹ tránh được cuộc xung đột với Triều Tiên là nhờ vai trò của ông. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore (Ảnh: Reuters) "Nhiều cuộc đối thoại tốt đẹp với Triều Tiên - chuyện...