Lãnh đạo Bộ GTVT nói về ga ngầm C9 tại Hồ Gươm
Trao đổi về việc UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội có văn bản cảnh báo việc làm ga ngầm C9 sẽ xâm phạm di tích Hồ Gươm, có khả năng làm tổn hại Tháp Bút, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích, việc làm nhà ga phải cân nhắc nhiều yếu tố…
Phương án quy hoạch tổng mặt bằng nhà ga C9 trên đường Đinh Tiên Hoàng được trưng bày để lấy ý kiến người dân
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông là người được chỉ định trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng nêu ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 30/8.
Nói chung về dự án, ông Đông khẳng định, tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Việc xây dựng ga C9, Bộ GTVT đã được lấy ý kiến với tư cách bộ quản lý chuyên ngành.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Đông, Hà Nội đã làm rất thận trọng việc xác định vị trí làm ga C9 vì việc đặt một ga tàu liên quan đến nhiều yếu tố, từ yếu tố kinh tế, kết nối giao thông, hệ thống, phương án thi công…
“Tuy nhiên, có một phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích lịch sử Hồ Hoàn Kiếm. Giải quyết vấn đề này phải căn cứ trên đánh giá về tác động môi trường, về tác động đối với di tích, di sản. Việc này Hà Nội phải làm cẩn trọng để vừa đảm bảo công năng sử dụng của ga, vừa bảo vệ cho di sản và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật” – Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.
Mở rộng thêm vấn đề đầu tư các dự án đường sắt đô thị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung trả lời về việc xử lý tình trạng đội vốn 120.000 tỷ của 4 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định, việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư ban đầu của các dự án là do quy mô dự án có thay đổi. Nguyên tắc là khi điều chỉnh đều phải xét đến nguồn vốn, có đảm bảo khả thi không. Vậy nên không phải mọi dự án có điều chỉnh, thay đổi mức vốn đầu tư đều là địa phương đi vay tiền về để triển khai.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng trấn an, nhà nước cũng có một công cụ khống chế, xử lý chuyện dự án “đội vốn” như này là nguyên tắc đảm bảo trần nợ công quốc gia. Không phải dự án ODA nào cũng có thể đi vay thêm về để triển khai, thực hiện.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc ở Phố Huế (đoạn giao phố Nguyễn Du).
Theo phương án phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Khu depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.
Nhà ga C9 dự kiến bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm. Công trình dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m, tượng đài Cảm tử 81m, đền Bà Kiệu 83m, Tháp Bút 36m, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Nêu ý kiến về vấn đề này, gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.
Còn văn bản mới ban hành của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được gửi tới UB Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng cho rằng ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô.
UB này đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ… trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến thực hiện.
P.Thảo
Theo Dantri
Đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra nghiên cứu dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo
Ngày 28/8, tại Hội thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, báo cáo cuối kỳ sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2018 và được thẩm tra bởi tư vấn châu Âu.
"Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương lần cuối về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia tại hội thảo báo cáo giữa kỳ. Báo cáo nghiên cứu cuối kỳ sẽ được đơn vị tư vấn châu Âu thẩm tra. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra", Thứ trưởng Đông cho biết.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn tại hội thảo báo cáo giữa kỳ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở phân tích, so sánh tổng thể thực tiễn từ 16 quốc gia, tư vấn đề xuất sử dụng công nghệ động lực phân tán (công nghệ đoàn tàu) và hệ thống truyền dẫn số di động dạng sóng không gian (công nghệ tín hiệu điều khiển), phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.
Tàu tốc độ cao tại Đức
Tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu lớn nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Sức chở, giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6-24h. Các đoạn ưu tiên, dự kiến đề xuất 2 đoạn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032; các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040 - 2045.
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND 20 tỉnh, thành phố Trung ương có tuyến đi qua mong Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án để địa phương có cơ sở xác định mốc giới, quy hoạch sử dụng đất và tạo sự phát triển kinh tế - xã hội. "Đi bằng đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội đến Vinh chỉ mất 1,5h không chỉ có ý nghĩa về GTVT và chắc chắn sẽ thay đổi cục diện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực", ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Vấn đề được các địa phương quan tâm là thời gian dự kiến triển khai rất dài, trong khi nhu cầu phát triển của địa phương cần sớm có đường sắt tốc độ cao. "Đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu phân kỳ đầu tư trong 30 năm, tức là còn hai thế hệ nữa mới triển khai, trong khi nhu cầu phát triển là rất lớn. Đề nghị có cơ chế giải pháp để huy động nguồn lực sớm triển khai", đại diện UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Bình Định đề nghị nếu không nối thông sớm được toàn tuyến Bắc - Nam cũng cần ưu tiên đầu tư tuyến kết nối với các khu kinh tế trọng điểm, như từ TP.HCM đến Đà Nẵng hay Vinh - Đà Nẵng.
Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Trung ương đề nghị chủ trương dự án sớm được thông qua để làm cơ sở xác định hàng lang, quy hoạch sử dụng đất dự án. Một số ý kiến đề xuất nên phân kỳ đầu tư theo các chặng ngắn hơn nữa, như Vinh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang... để có sự kết nối sớm hơn đường sắt tốc độ cao và khu kinh tế trọng điểm.
Hồng Xiêm
Theo baogiaothong
Người Hà Tĩnh phấn khởi nghe tin được "sở hữu" 2 ga đường sắt cao tốc Trước thông tin về phương án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có 2 nhà ga, người dân Hà Tĩnh đã hết sức phấn khởi, háo hức chờ đợi dự án sớm được triển khai, đặc biệt là những người dân ở các địa bàn được tư vấn đặt vị trí ga. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao...