Lãnh đạo biểu tình Thái Lan thề sẽ “tiếp tục chiến đấu”
Lãnh đạo biểu tình Thái Lan tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chiến dịch lật đổ chính phủ, bất chấp quân đội thiết quân luật nhằm dập tắt khủng hoảng bạo lực chính trị.
“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn chiến thắng”, Nhà lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ hôm thứ Ba (20/5).
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban.
“Việc công bố thiết quân luật không có ý nghĩa và không thể cản trở cuộc chiến của chúng tôi”, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập tuyến bố, một hành động được cho là đổ thêm dầu vào lửa. Hiện ông đang bị cảnh sát Thái Lan truy nã vì đã tổ chức bạo loạn chống chính phủ.
Gần 7 tháng xảy ra cuộc biểu tình, phe đối lập đảng Dân chủ đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ, mặc dù nội các Thái Lan cũng đã suy yếu do Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất. Phán quyết của tòa án hiến pháp Thái Lan đã gây tranh cãi lớn trong dư luận quốc tế cũng như trong nước.
Những người biểu tình muốn thoát khỏi ảnh hưởng của anh trai bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng từng bị lật đổ bới một cuộc đảo chính năm 2006.
Lực lượng này đang kêu gọi Thượng viện và Hạ viện Thái Lan chấp nhận yêu cầu loại bỏ quyền Thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan và bổ nhiệm một lãnh đạo mới không thông qua bầu cử.
“Chúng tôi chỉ đạt được chiến thắng khi chúng tôi có thể hoàn toàn phá hủy chế độ Thaksin”, ông Suthep nói.
Hôm thứ Ba (20/5), quân đội Thái Lan bất ngờ tuyên bố thiết quân luật nhằm chấm dứt bạo lực chính trị kéo dài trong nhiều tháng qua, khiến 28 người bị chết và hàng trăm người bị thương.
Pháp luật cho phép quân đội cấm các cuộc tụ họp công cộng, hạn chế hoạt động của dân chúng, tiến hành tuần tra, áp đặt lệnh giới nghiêm và bắt giữ các nghi phạm lên đến bảy ngày.
Video đang HOT
Quân đội đã không ra lệnh chấm dứt các cuộc biểu tình phản đối, chỉ yêu cầu các cuộc biểu tình phải diễn ra trong hòa bình và giới hạn trong các khu vực cho phép.
Theo Infonet
Thái Lan ra sao khi chịu thiết quân luật?
Lúc ấy là 3h sáng ở Thái Lan và hiếm khi ai còn xem tivi, nhưng chỉ huy quân đội nước này đã chọn giờ đó để lên truyền hình ban bố lệnh thiết quân luật trên khắp cả nước.
"Đây không phải là một cuộc đảo chính", tướng Prayuth Chan-Ocha khẳng định vài giờ trước khi người dân Thái Lan bắt đầu đón chào ngày mới trong một trật tự công cộng mới, với những người lính chốt giữ khắp các ngả đường và xe tăng đầy rẫy trên phố.
Quân đội Thái Lan đang chốt giữ các ngả đường ở Bangkok. (Ảnh: AP)
CNN đưa tin, quân đội Thái Lan cho biết họ nắm quyền kiểm soát là để phục hồi luật pháp và trật tự ở một đất nước đang bị phân rẽ chính trị nặng nề, hai tuần sau khi Tòa Hiến pháp phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cùng một số thành viên nội các của bà vì lạm quyền.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan đã được chỉ định lên thay bà Yingluck.
Lịch sử đảo chính
Người dân Thái Lan quá quen thuộc với các cuộc đảo chính. Đã có ít nhất 18 lần như vậy kể từ khi nước này trở thành một nền quân chủ lập hiến năm 1932.
Lần mới đây nhất là vào năm 2006, khi quân đội điều xe tăng xuống phố trước khi lật đổ Thủ tướng khi đó là Thaksin Shinawatra, anh ruột bà Yingluck, người đang sống lưu vong để tránh án tù vì tội tham nhũng.
Những người ủng hộ Thaksin phe Áo Đỏ - cũng đã tuần hành ủng hộ bà Yingluck, gọi việc tòa phế truất bà là "một cuộc đảo chính tư pháp". Hàng nghìn người đối lập cũng đổ ra đường sau phán quyết, đòi hạ bệ luôn chính phủ lâm thời.
Các đối thủ chính trị đòi Yingluck từ chức vì cáo buộc bà là con rối cho anh trai giật dây. Phong trào chống chính phủ bao gồm cả những người "Áo Vàng", đa số là dân chúng thành thị và tầng lớp trung lưu trong khi phe "Áo Đỏ" đa phần là người nông thôn nghèo khó.
Thiết quân luật là như thế nào ở Thái Lan?
Trong vòng vài giờ sau khi lệnh thiết quân luật được thực thi, tướng Prayuth thông báo ông sẽ dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm an ninh mới, Trung tâm Chỉ huy Gìn giữ Hòa bình (PKCC). Ban cố vấn của Trung tâm này bao gồm các chỉ huy hải quân, không quân và cảnh sát quốc gia.
Binh lính được điều động trấn giữ các đài truyền hình. Các hãng phát thanh truyền hình, bao gồm cả 10 đài vệ tinh, được lệnh ngưng hoạt động để "đảm bảo thông tin sẽ được truyền tải đúng đắn và ngăn chặt bất kỳ một sự xuyên tạc nào có thể dẫn tới hiểu lầm và có thể khiến xung đột lan rộng".
Hình ảnh trên các trang truyền thông xã hội cho thấy binh sĩ tuần tra phố sá ở Bangkok và chốt giữ tại các giao lộ. Đến thời điểm này, chưa có bất ổn xảy ra.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Theo CNN, trong vài ngày tới sẽ rõ ràng hơn về những gì quân đội muốn nhắm tới: liệu họ sẽ yêu cầu một cuộc bầu cử hay chỉ định một chính phủ mới?
"Nếu họ bổ nhiệm một chính phủ mới thì đây là một cuộc đảo chính với danh nghĩa khác, và bạn có thể chứng kiến sự khởi đầu của bạo lực từ phe Áo Đỏ", một phóng viên tên là Andrew Marshall nhận định.
"Thiết quân luật có nghĩa là cảnh sát phải đứng bên lề và họ không phải đảm trách an ninh nữa. Và cảnh sát ở Thái Lan vốn bị xem là ủng hộ Thaksin cùng các đồng minh của ông này, tức là phe Áo Đỏ. Vì vậy, khi bạn thấy cảnh sát bất ngờ bị gạt sang một bên thì đó là một nhân tố dễ gây kích động trong bối cảnh này".
Quân đội không còn lựa chọn nào?
Việc tướng Prayuth ban hành thiết quân luật không phải là điều quá ngạc nhiên. Hồi tuần trước, vị chỉ huy này đã cảnh báo quân đội có thể buộc phải hành động để chấm dứt biểu tình bạo loạn.
"Đất nước đang lao tới một cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai phe, khiến tư lệnh quân đội không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng ngăn chặn nguy cơ đó. Với vai trò là một vị tướng, ông chỉ có hai lựa chọn: đảo chính quân sự hoặc thiết quân luật", Saritdet Marukatat, biên tập viên báo Bangkok Post nhận định.
"Ông ấy đã theo lựa chọn mềm dẻo hơn và đã làm những gì ông cam kết trong thông điệp tuần trước, rằng quân đội không muốn một cuộc đảo chính bởi điều đó có nghĩa là xé bỏ hiến pháp năm 2007".
Tuy nhiên, Sunai Phasuk thuộc tổ chức Giám sát Nhân quyền Thái Lan lại cho rằng tình hình ở nước này vẫn chưa đến độ quân đội phải can thiệp.
"Không có bằng chứng cho thấy tình hình ở Thái Lan vượt khỏi tầm kiểm soát, tới mức mà việc thực thi thiết quân luật là cần thiết. Nhưng với lệnh thiết quân luật thì quân đội đang tiến một bước gần hơn tới việc tiếp quản quyền lực từ chính quyền dân sự".
Quân đội có thể dàn xếp hòa bình ở Thái Lan?
Thitinan Pongsudhirak, một giáo sư khoa học chính trị, cho rằng lệnh thiết quân luật ở Thái Lan đã phá vỡ bế tắc giữa các bên xung đột, và quân đội hiện đang ở vị trí dàn xếp một giải pháp có thể.
"Chúng ta đã thấy sự tê liệt ở Thái Lan vì một mặt chúng ta có người biểu tình đòi thay thế chính phủ còn mặt kia chúng ta có một chính phủ lâm thời nhất quyết không từ chức".
"Nếu quân đội có thể đóng vai trò hòa giải để tìm kiếm sự thỏa hiệp thỏa mãn tất cả các bên thì chúng ta có thể tìm ra một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng nếu không, và nếu quân đội giữ một vai trò thiên lệch thì chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều khủng hoảng ở Thái Lan", ông cảnh báo.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Tổng tư lệnh quân đội Thái đang nắm quyền Tổng tư lệnh quân đội Thái đang nỗ lực đưa các nhóm đang xung khắc ngồi vào bàn họp nhằm tìm ra một giải pháp cho thế bế tắc chính trị đồng thời khẳng định thiết quân luật không phải là đảo chính, Nation đưa tin. Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, Thái Lan không thể kéo dài khủng hoảng lâu hơn nữa. Nhà...