Lãnh đạo 2 đoàn đại biểu Quốc hội dự phiên xử buôn lậu
Đó là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng.
Ngày 14-8, TAND TP Đà Nẵng mở lại phiên xử sơ thẩm vụ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị) kéo dài bảy năm vẫn chưa có hồi kết. Bị cáo Trương Huy Liệu và vợ là Trần Thị Dung (nguyên giám đốc và phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) bị truy tố về tội buôn lậu. Ba bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành và Đỗ Danh Thắng (nguyên cán bộ hải quan) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Yêu cầu đưa gỗ tang vật đến tòa
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 22-8. trước đó tòa đã nhiều lần thay đổi thời gian xét xử do bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn xin hoãn.
Phiên tòa nóng ngay từ phần thủ tục khi các bị cáo và luật sư đề nghị HĐXX triệu tập thêm giám sát viên, điều tra viên, người định giá lô hàng và đưa số gỗ là tang vật của vụ án đến tòa để phục vụ việc xét xử. HĐXX quyết định vào trong hội ý và sau thời gian thảo luận khá lâu, HĐXX thông báo không chấp nhận với nhiều lý do.
Thứ nhất, HĐXX cho rằng danh sách giám định viên và người định giá tài sản tòa triệu tập đã được ghi trong quyết định xét xử gửi các bị cáo và luật sư. Đây là danh sách triệu tập chính thức, những người ngoài danh sách HĐXX không triệu tập thêm. Do đây là phiên xử kéo dài nhiều ngày nên nếu có nội dung liên quan đến những người ngoài danh sách, HĐXX có thể triệu tập bổ sung.
Đối với tài liệu liên quan đến hoạt động giám định và định giá, trong quá trình điều tra, các cơ quan có liên quan đã có văn bản, tài liệu để giải thích cụ thể. Tuy nhiên, những hoạt động này đã đúng pháp luật hay chưa, tính pháp lý như thế nào thì tại phiên tòa sẽ làm rõ. Do đó, quyết định triệu tập, bổ sung những người này tham gia trực tiếp vào phiên tòa theo HĐXX là không cần thiết.
Thứ hai, đối với yêu cầu đưa lô gỗ là tang vật của vụ án ra xem xét tại tòa, HĐXX xác định đây là việc không thể thực hiện được. Thẩm phán chủ tọa lý giải: “Hiện nay lô hàng đã không còn. Loại vật chứng này đã được thể hiện trong các biên bản khám xét và được đưa vào hồ sơ vụ án. Hơn nữa, kể cả vật chứng còn thì cũng không thể đưa ra tại phiên tòa vì nó thuộc loại hàng cồng kềnh”.
Video đang HOT
Vợ chồng bị cáo Trương Huy Liệu tại tòa. Ảnh: TÂM AN
Về đề nghị triệu tập điều tra viên, cơ quan CSĐT liên quan đến xử lý vật chứng để làm rõ trách nhiệm, tính pháp lý trong hoạt động xử lý vật chứng, theo HĐXX nội dung này đã có những tài liệu thể hiện trong vụ án. Còn việc xử lý vật chứng có đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay chưa thì là trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng tại tòa. Đặc biệt, bị cáo và luật sư bào chữa sẽ có ý kiến tranh luận để giúp HĐXX làm rõ tính pháp lý trong việc này.
Với đề nghị triệu tập lãnh đạo Cục Điều tra phòng chống buôn lậu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, HĐXX cho rằng không cần thiết vì những người này đã có ủy quyền cho người khác thay mặt tham dự phiên tòa.
Đại biểu Quốc hội dự tòa để giám sát
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho biết ông có mặt tại tòa là để giám sát xem việc xét xử vụ án có tuân thủ tính minh bạch, công khai, đúng trình tự theo quy định của pháp luật hay không.
Ông Thắng nói: “Đây là lần thứ hai tôi tham dự phiên tòa này. Trước đó, các bị cáo là công dân tỉnh Quảng Trị đã viết đơn gửi lên đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng bị oan. Với trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân, tôi thực hiện việc giám sát xem tòa xét xử có đúng người, đúng tội không”.
Cũng theo ông Thắng, nếu xét thấy có những tình tiết quan ngại thì đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có kiến nghị để đảm bảo thực thi đúng pháp luật, không bỏ lọt cũng không để làm oan người dân. Ông Thắng mong vụ án sẽ sớm khép lại vì nó đã kéo dài quá lâu, nếu không muốn nói là vi phạm thời hạn tố tụng trong khi xét xử.
Trong khi đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chia sẻ: “Với tư cách là ĐBQH, tôi đến dự và theo dõi phiên tòa để xem tinh thần cải cách tư pháp có đảm bảo hay không. Tôi hy vọng phiên tòa sẽ làm sáng tỏ những vấn đề mấu chốt để sớm kết thúc vụ án này, để công lý được thực thi”.
Phần thẩm vấn, bị cáo Liệu khai trong lô hàng nhập khẩu của công ty từ Lào về chỉ có duy nhất là gỗ trắc với tổng khối lượng 535,8 m3 chứ không có gỗ hương như kết luận giám định…
Hôm nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Hải quan tiếp tay cho buôn lậu
Theo cáo trạng, tháng 12-2011, bị cáo Liệu đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam rồi xuất khẩu đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng. Bị cáo Dung đã ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ, đồng thời giúp sức cho Liệu buôn lậu.
Các bị cáo Nhi, Thành (nguyên công chức hải quan Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt) được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng. nhưng họ không thực hiện đúng các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu nên đã đề xuất cho thông quan lô hàng gỗ lậu. Bị cáo Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ tổ chức khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu.
Cáo trạng cho rằng hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Liệu là người tổ chức, Dung là người giúp sức. Các bị cáo Nhi, Thắng, Thành thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ để Liệu và Dung buôn lậu. Đối với lô gỗ là tang vật vụ án, CQĐT đã ra quyết định bán đấu giá tài sản. Số tiền còn lại sau khi trừ các chi phí là hơn 60,8 tỉ đồng.
TÂM AN
Đà Nẵng mở phiên sơ thẩm lần thứ 4 vụ buôn gỗ lậu kéo dài 7 năm
Sáng 14/8, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 vụ án "Buôn lậu", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng. Vụ án này đã kéo dài 7 năm kể từ năm 2011.
TAND TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 vụ án buôn lậu gỗ kéo dài gần 7 năm sáng nay 14/8
Theo cáo trạng 66/CT-VKSTC ngày 14/5/2018 của Viện kiểm sát tối cao, tháng 12/ 2011, Trương Huy Liệu (SN 1958, quê quán Quảng Trị) và vợ là Trần Thị Dung (SN 1961, quê quán Quảng Trị) làm phó giám đốc, giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng đã làm giả hồ sơ để nhập khẩu, xuất khẩu lậu hơn 610m3 gỗ, trị giá hơn 63 tỷ đồng.
Trong quá trình đó, Đỗ Lý Nhi (SN 1972), Lê Xuân Thành (SN 1962) nguyên công chức Hải quan Cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng (SN 1955) nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Đà Nẵng đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, để Liệu và Dung thực hiện hành vi buôn lậu.
Các bị cáo tại Toà
Cáo trạng của VKSTC kết luận hai vợ chồng bị cáo Liệu và Dung vi phạm tội "Buôn lậu" theo điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015; các bị cáo Nhi, Thành, Thắng vi phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.
Vụ án này đã kéo dài 7 năm kể từ năm 2011 và cả 3 lần xét xử sơ thẩm trước tại TAND TP. Đà Nẵng đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đáng chú ý, trong khi vụ án chưa kết thúc, số gỗ vật chứng trong vụ án đã được cơ quan điều tra quyết định xử lý, bán đấu giá tài sản. Số tiền bán đấu giá tài sản, sau khi trừ đi chi phí, còn lại hơn 60 tỷ đồng.
Dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 này sẽ kéo dài đến ngày 22/8.
Tâm An
Theo Dantri
Truy tố nguyên 3 cán bộ hải quan trong đường dây buôn lậu gỗ Cơ quan tố tụng xác định, các bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ hải quan được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu theo tờ khai hải quan của Công ty Ngọc Hưng, nhưng đã thực hiện không đúng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1,8 tỉ đồng. Cơ quan liên ngành bắt giữ lô...