Lãnh
Chiều đó bờ rào khiết bông đầu làng có đôi trai gái ngồi thủ thỉ chuyện lụa lãnh, chuyện tết nhứt.
Bấc về, lạnh se thắt khắp miệt bưng biền. Con nắng tháng mười hai hươm vàng trên mấy cánh đồng vừa qua mùa nước nổi. Những bãi lầy bắt đầu được hong khô. Bờ đê xanh rì đám cỏ dại mới nhú. Sớm trời còn nhá nhem, Tám Đỏ đã khăn gói qua miệt Phú Tân tìm mặc nưa. Nghe đâu bên đó rộ mùa, trái nõn xanh, da căng mướt chớ vùng Tân Châu này cạn nguồn rồi. Xứ này giờ hổng ai dành đất trồng mặc nưa nữa. Thứ cây thô mộc, mấy năm mới có trái, mà giá chỉ chừng chục ngàn đồng một ký. Bèo bọt quá chừng.
Hồi còn mạnh, tía hay kể chuyện xa xưa của “xứ tằm tang”. Hồi xưa, miệt Tân Châu nổi danh là xứ lụa. Ruộng dâu xanh bạt ngàn. Tơ xứ mình hảo hạng, làm ra thứ lụa óng ả biết bao người mê. Con gái xứ này, thảo hiền chơn chất. Chiều trên bến, đàn bà con gái giũ lụa theo từng con sóng nước. Lụa mỏng manh, mơn trớn gợn nhẹ trôi theo dòng, như từng suối tóc mượt mà kiêu kỳ. Con trai xứ này phong trần dày dạn, bàn tay đen thui mười đầu ngón thấm đẫm nỗi cơ cực của nghề. Lưng trần rắn rỏi, đôi bắp tay cuồn cuộn, thớ thịt lên xuống theo từng nhịp đập, vắt lụa.
Lãnh Mỹ A
Xứ mình là xứ lụa nổi tiếng bậc nhất thời đó. Lụa Tân Châu theo thương lái bôn ba khắp nam kỳ lục tỉnh, qua tuốt xứ Nam Vang, Chà, Miến, thậm chí qua tới Xiêm. Hồi đó, riêng lãnh Mỹ A “xứ tằm tang” này đã ăn đứt xá xị Xiêm*. “Thứ lụa Thái Lan đó không tài nào sánh bằng lãnh Mỹ A của mình đâu con à”, Tám Đỏ nhớ hoài ánh mắt đầy tự hào của tía mỗi lần tía lấy câu này để kết câu chuyện mà nó nghe riết tới thuộc lòng.
Hồi đó của tía Tám Đỏ cứ rưng rức trong lòng nó. Giờ người ta đâu còn chuộng mấy thứ vải làm thủ công cực nhọc như vầy. Xã hội giờ phát triển, thứ gì cũng nhanh, gọn, lẹ và phải rẻ. Chứ ai mà đi đặt lụa, đi chờ lãnh. Người ta chỉ cần ra tiệm, đem theo khúc vải dệt bằng sợi ni-lông nhuộm màu công nghiệp, in bông xanh, bông đỏ bắt mắt, cần là có liền bộ đồ đẹp trong năm ba ngày, chỉ mất trăm mấy hai trăm ngàn. Còn chờ lụa chờ lãnh thì thôi rồi, lâu lắm, nhất là lãnh Mỹ A, lại thêm mắc gấp đôi, gấp ba.
Lãnh Mỹ A ngày xưa trứ danh thiên hạ giờ cũng chỉ là của lạ trên thị trường. Có cũng được, mà không cũng chẳng sao. Vậy nên, theo thời cuộc, cái nghề làm lụa của gia đình Tám Đỏ cũng suy tàn. Mấy anh chị em nó bôn ba những miền xa để mưu sinh. Có người lấy chồng qua Tây, qua Đài. Có người lập nghiệp nơi thị thành phồn hoa Sài Gòn. Duy nhứt Tám Đỏ bám miệt Tân Châu, quyết sống chết với cái nghề dần mai một này. Nó thương tía má trót gắn cả đời mình với lụa lãnh, giờ lòng hiu hắt vơi đầy theo những mùa mặc nưa. Tía thương lụa lãnh hơn thương thân. Nên mỗi bận cầm khúc lãnh Mỹ A Tám Đỏ mới làm ra, tía thấy cái màu đen tuyền nhưng nhức như ánh lên một niềm tin sống cho phần đời còn lại của mình.
Mỗi độ bấc về là sắp tàn một mùa mặc nưa. Những ngày đó, tía lẩn thẩn nhìn khung dệt, rồi thở dài nói, nhỏ thôi nhưng đủ để thằng con tía thương nhất nghe mà thấm:
- Chừng nào mình còn thì lãnh Mỹ A còn nghen con!
Câu nói trĩu quặn đời Tám Đỏ, như chất keo đặc biệt kết chặt đời nó với xứ này, với mặc nưa, với lãnh Mỹ A và mười đầu ngón tay đen lấm.
***
Má biểu Tám Đỏ đem xấp lãnh qua cảm ơn cô giáo Quyên chuyện nhờ cô thảo đơn trả lời mấy ông trên tỉnh mời tía tham gia làng nghề nhằm khôi phục xứ lụa Tân Châu. Cô giáo Quyên nhà ở đầu làng, giỏi chữ, đẹp người lại hiền lành. Từ hồi đi học ở Sài Gòn về, cô chọn dạy trường làng tới bây giờ, ngót nghét chục năm, bám đất này mà đem con chữ cho đám trẻ nghèo nơi đây. Nghe đâu có mấy vị trên tỉnh về thăm địa phương muốn cất nhắc cô lên đó nhưng cô từ chối. Cô giáo Quyên mà đi thì con chữ nơi này sẽ ra sao? Đành rằng đâu phải chỉ có mình cô ở cái trường cấp I heo hút này. Nhưng làm sao mà đành đoạn đi khi lòng cô đã dành trọn cho xóm làng. Xứ này còn thiếu thốn trăm bề, thiếu con chữ nữa thì đời nghiệt ngã lắm.
Thiệt ra má cũng tính dợm lời hỏi cô giáo Quyên cho Tám Đỏ mà Tám Đỏ chỉ lặng thinh. Tánh Tám Đỏ cục mịch, chỉ mới học hết cấp II rồi theo tía làm nghề. Chữ nghĩa chắc cũng đủ ê a cái tên hay đong đếm từng cây lụa. Tám Đỏ cù lần lắm, ngoài ba mươi rồi mà nhắc tới gái là nhát hít, mặt đỏ lừng.
Nhưng hổng phải vậy mà Tám Đỏ không thương cô giáo Quyên. Tám Đỏ thương lắm chứ mà chỉ là thương thầm. Nó bỏ trong bụng, chỉ mình ên biết. Đôi ba lần Tám Đỏ chếnh choáng men say, qua nhà cô giáo, lừng khừng một lát rồi lại về. Thiệt ra là Tám Đỏ mượn “hơi men đưa đẩy” mà qua chớ nó ưa chi ba thứ rượu đế uống vô chỉ tổ mệt mình. Dù có bận dặn lòng, thôi thì mình nói đại, giờ tui thương cô giáo, cô giáo ưng hông. Người ta gật thì mình về kêu tía má qua cưới. Mà lỡ người ta lắc, thì coi như mình say, mình nói càn vậy thôi. Đâu ai trách người say. Hay lỡ làng trên xóm dưới đều biết thì mình chữa quê bằng lời giải thích ai tin thì tin, rằng “đó là ma men nói chớ hổng phải tui à nghen!”.
Video đang HOT
Nghĩ là nghĩ vậy thôi, chứ mình thương người ta thiệt, thì say hay tỉnh cũng là lời thiệt tự lòng dạ mà ra. Mà càng thương người ta, mình càng phải hiểu. Đâu phải cứ thương nhau là đến được với nhau. Người ta là cô giáo, chữ nghĩa đầy bồ, mình chẳng có gì ngoài đôi tay đen thui với cái nghề bấp bênh theo thời cuộc. Biết đâu người ta tới với mình mà mình hổng lo đặng, thì hóa ra làm khổ thêm đời người ta. Thương một người, đôi khi chỉ cần nhìn người ta bình yên hạnh phúc là được rồi. Còn mình buồn hay vui thì đâu sá gì.
Bấc vẫn réo rắt ngoài ngõ nhà cô giáo Quyên, bận Tám Đỏ vụng về gởi khúc lãnh Mỹ A. Tám Đỏ hổng biết nói gì, cứ vân vê cái vạt áo sơ-mi trắng tinh, giấu mười ngón tay đen thẫm vì nhựa mặc nưa dính theo năm tháng. Đám khiết bông thuận mùa gió, đâm nụ phơn phớt giữa đám lá xanh um. Tám Đỏ đứng lặng thinh một hồi rồi gật đầu chào cô giáo Quyên đi về, nghe tim mình vỗ thình thịch, nghe sóng nước bưng biền lăn tăn nơi cõi lòng.
Tám Đỏ nào hay phía cổng rào khiết bông, một mái tóc buông dài vẫn còn dõi theo nó, tay mân mê xấp lãnh Mỹ A bóng mượt. Tiếng thở dài tan loãng trong không gian đặc quánh nỗi niềm.
***
Út Oanh từ Sài Gòn về một sớm đầu tháng chạp. Vừa ào vào nhà, con nhỏ đã tuôn một tràng: “Chèn ơi, lãnh Mỹ A lên đời rồi nghen tía! Trên đó người ta làm hẳn một cái show thời trang toàn áo quần bằng lãnh. Giờ thiên hạ nháo nhào rầm rộ lùng sục lãnh. Bữa con bắt mối với vài tiệm bán vải, được giá lắm. Mình gom hết đưa con chuyển lên đó hen. Mình làm thủ công vậy, sao kịp mà giao hàng cho người ta. Giờ con nhập thêm máy móc công nghiệp về nè. Mình mướn thêm thợ thầy về phụ làm. Coi như con đầu tư, rồi nhà mình chia tiền lời mà sống khỏe. Hổng bao lâu nữa mình giàu nhứt cái làng này…”. Út Oanh huyên thuyên, rồi quơ quào từng xấp lãnh, gật gù khen: “Lãnh nhà mình đẹp quá tía ơi!”.
Út Oanh hổng biết, tía chỉ hừ mũi khi nghe nó nói. Lụa lãnh trầm luân như cả phần đời của tía. Có hồi cả xứ bỏ nghề, chỉ mình tía cam tâm bám trụ. Nghèo cực cứ vậy dai dẳng đeo bám gia đình này. Cho nên đám con cái lớn lên cứ xa dần, xa dần khỏi vòng tay của tía.
Những thăng trầm, bôn ba, yêu thương, xa xót của đời người đâu thể đánh đổi bằng mấy thứ vật chất phù du chợt lóe sáng rồi lại vụt tắt. Với lãnh Mỹ A, là phải trân quý tinh túy từ thiên nhiên đất trời nơi này ban tặng.
Làm lãnh cực thấu trời, của một đồng nhưng công một nén. Để làm ra lãnh Mỹ A, phải chọn loại tơ hảo hạng. Lúc dệt, phải đứng canh khuôn dệt để giữ cho tơ không bị gợn. Lụa dệt xong phải luộc để ra hết chất keo rồi mới mang đi nhuộm.
Mà công đoạn nhuộm cũng nhiêu khê không kém, bởi phải nhuộm ít nhất sáu da. Mỗi lần đập vải cho vỡ thớ sợi, dễ bám màu, tính là một da. Da đầu tiên nhuộm rồi phơi, xả khoảng ba chục lần trong gần mười ngày. Da thứ hai, thứ ba cũng làm tương tự. Ba da đầu là để chất lượng vải tốt hơn, ba nước da cuối làm cho vải đẹp hơn. Riêng da thứ sáu, miếng vải được đập kỹ, giặt bằng nước sông, phơi khô rồi ủi lại.
Trước khi đập, phải dùng chổi xể nhúng nước, vẩy lên vải cho ẩm. Thợ nhuộm giỏi nghề phải biết coi chừng nhịp nước. Nước ít thì sau khi đập, vải không ăn mặc nưa. Nước dư thì lại hao mặc nưa.
Một cây hàng lãnh Mỹ A phải nhuộm khoảng trăm lần, tốn gần trăm ký trái mặc nưa. Mà mặc nưa thì đâu dễ kiếm. Chỉ có từ tháng sáu âm lịch đến tết là hết mùa. Trái mặc nưa khi nghiền ra có mùi thơm đặc trưng và tứa ra thứ mủ màu vàng sánh, để hồi lâu sẽ ngả đen. Đó cũng chính là màu đen tuyền mà không loại màu công nghiệp nào có thể sánh bằng.
Ngặt nỗi khi phơi lãnh Mỹ A phải nhờ nắng gió tự nhiên và phơi trực tiếp trên cỏ. Mùa nắng thì dễ chứ mùa mưa thì chạy đồng trối chết.
Nhuộm lãnh Mỹ A
Vậy nên, lãnh đâu phải muốn làm nhiều là được. Giá trị của lãnh nằm ở tâm sức của mình, chứ đâu thể như đám máy móc thời hiện đại này. Bây con tía mà bây hổng biết gì về lãnh.
Tiếng thở dài của tía bị gió cuốn đi rải mênh mông khắp miệt đồng bưng. Đám lá quanh vườn nhà xạc xào từng cơn. Mấy cây mai trước hiên nhà bắt đầu trút lá, vươn cành khẳng khiu. Trên mấy nhánh mỏng manh cằn khô lấm tấm vài búp non. Bấc đã gọi mùa nghiêng về tết. Ngôi nhà ba gian cũ kỹ với khuôn dệt, với từng khúc lãnh vẫn bạc thếch màu thời gian.
Út Oanh đi rồi, Tám Đỏ ra bến ngồi tư lự mình ên. Nó nghĩ suy nhiều thứ. Khói đốt đồng ngái nồng phả vào buổi chiều quê một mùi nao nao. Hoàng hôn dát từng vệt nắng cuối ngày xuống lòng sông đục ngầu phù sa. Con nước vơi rồi con nước lại đầy. Từ mấy nhánh sông này, con nước xuôi dòng sẽ ra nguồn cái. Lụa lãnh rồi sẽ đi về đâu? Đời Tám Đỏ hổng lẽ cứ chênh chao vầy sao? Chiều tím lục bình, tím cả sóng nước bưng biền xao xác.
***
Tám Đỏ ghé hàng rào có đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ, xin cô giáo Quyên một ký bông, đem về nhuộm lãnh coi có ăn màu không. Giờ mình cải tiến chút đỉnh, biết đâu lãnh đẹp hơn, người ta biết thương lãnh hơn. Hay mình thử thêm hoa văn vào lãnh cho bắt mắt hơn, hổng chừng người ta thích hơn. Mà thêm hoa văn nào đây, hay thêm thử hoa văn khiết bông coi sao…
Tám Đỏ lần đầu tiên mới dám nói nhiều vậy với cô giáo Quyên. Những lời nó nói bữa đó chắc bằng tất cả lời nó nói với cô giáo Quyên từ xưa tới giờ gộp lại. Cũng hên chỉ là chuyện xin hoa để nhuộm, chứ nỗi niềm thầm kín của nó dễ gì thốt thành lời. Chợt cô giáo Quyên buông lời tỉnh rụi:
- Anh Tám thương lãnh vậy, chắc hổng còn lòng dạ nào để thương ai đâu hen. Mà nếu nhuộm được lãnh đỏ, thì cây đầu tiên phải tặng em đó nghen!
Tám Đỏ về với một thúng đầy bông khi cái rào bị hái ráo trọi, để lại nguyên dàn lá xanh um. Mà cô giáo Quyên nói gì hồi nãy, lúc phụ Tám Đỏ hái hoa kìa. Từng lời, từng lời của cô giáo Quyên cứ tua đi tua lại trong lòng gã đàn ông ngoài ba mươi. Tự dưng Tám Đỏ nghe lòng khấp khởi.
Chừng nửa tháng sau, những ngày cuối chạp, xuân len lỏi từng ngóc ngách miệt bưng biền. Đám mai vàng trước hiên nhà bắt đầu hé nụ chúm chím như đợi đúng khắc giây giao mùa thiêng liêng sẽ bung cánh vàng rực rỡ. Tám Đỏ nghe tim mình rộn ràng, muốn nhảy cẫng lên reo mừng khi nhuộm thành công một cây lãnh đỏ. Ngó qua, Tám Đỏ thấy niềm vui long lanh trong đôi mắt mờ đục của tía.
Thay bộ đồ vía thiệt đẹp, Tám Đỏ ôm khúc vải chạy đi.
- Trời thần, ông bà mình dạy đem vải đỏ qua nhà người ta là đi dạm ngõ hỏi cưới đó ông con.
Tám Đỏ khựng lại ngơ ngác:
- Ủa má nói vậy là sao?
- Thiệt tình, hơn ba chục tuổi đầu rồi mà khờ quá con ơi! Người ta nói vậy mà hổng hiểu. Hổng lẽ nói thẳng là người ta đợi mày qua hỏi sao con!
Tám Đỏ nghe lời má nói, lòng không dưng nở bừng cánh mai. Mà tết nhứt đâu ai đem vải vô nhà. Để đó đi, ra giêng cũng có việc mà xài à con!
Chiều đó bờ rào khiết bông đầu làng có đôi trai gái ngồi thủ thỉ chuyện lụa lãnh, chuyện tết nhứt. Lần đầu tiên, Tám Đỏ mạnh dạn đưa bàn tay lấm đen màu mặc nưa, đan vào bàn tay thon nhỏ mềm mại của cô giáo Quyên nghe tết rộn ràng trong tim. Gió xuân ấm áp.
Mùng một tết, Tám Đỏ theo chân tía má qua nhà cô giáo Quyên. Mai vàng nhuộm rực rỡ một miền quê. Người lớn nói chuyện mần sui, định ngày gả cưới. Dĩa mứt dừa đượm mùi cây trái quê nhà. Vẳng xa nhà ai vang câu vọng cổ, điệu bắc réo rắt thanh âm tưng bừng: “Mặc nưa làm ra lụa lãnh, tay đen phận nghèo đâu rảnh mà yêu. Anh thương, em có chịu liều. Dạm một xấp lãnh mình thêu mái nhà”.
Với Tám Đỏ và cô giáo Quyên, xuân chừng như mới bắt đầu.
Trúc Thiên
Theo phunuonline.com.vn
Tôi trở thành tên trộm vì... thèm bánh thuẫn
Quê nghèo, xóm nghèo nhưng giàu mùi Tết.Thơm ngọt rim gừng, rim dừa, rim bí. Thơm lừng những chiếc bánh tráng trắng ngà nóng hổi mới vớt khỏi lò. Thơm nhức mũi những mẻ nếp phồng to làm cốm. Ôi, ra rồi, thơm phức mùi chiếc khuôn bánh thuẫn vừa được mở nắp.
Mùi thơm đặc trưng không thể lẫn. "Bây ơi, tới rồi, Tết tới rồi!". Tôi sẽ bằng tốc độ ánh sáng đi "lan tỏa" cái mùi ngất ngây ấy cho chúng bạn ngay sau khi hương thơm của mẻ bánh đầu tiên chảy tràn xuống lồng ngực.
Bánh thuẫn, đấy là thứ bánh ngon nhất mà tôi từng được ăn (hồi đó tôi nghĩ vậy). Còn bây giờ, ý nghĩ ấy vẫn chưa thay đổi mà tôi còn kết luận, bánh thuẫn - thứ bánh nhà quê ám ảnh người dân quê.
Trẻ nhỏ quây quần xem bà làm bánh thuẫn. Ảnh: IT.
Ám ảnh lắm. Quê tôi hồi đó, dấu hiệu rõ ràng nhất của Tết là mùi bánh thuẫn. Tôi gọi bánh thuẫn là bánh nhà quê. Bột khoai hạ nhà làm, trứng vịt ngoài chuồng, chỉ cần mua đường cát, hũ va ni (hoặc củ gừng giã lấy nước) thì sẽ có những mẻ bánh thơm... mênh mang bất tận. Trời ơi, tôi đang thấy như mình đang ngồi chứng kiến những chiếc bánh được quyện từ hỗn hợp trứng, bột, đường vun tròn, xòe bốn tai hoa trong lửa. "Đợi một chút nữa" - mẹ "hét" lên khi tôi hồi hộp đòi mở nắp. Sau mấy giây nín thở rồi cũng tới giờ khắc chiếc nắp đồng được mở, những chiếc bánh nở tai hoa dậy mùi được vớt ra sắp ngay ngắn. Vàng ruộm, thơm nức, ngọt vừa đủ - tôi luôn được mẹ cho "khai vị" chiếc bánh đầu tiên. Sướng mê tơi! Vừa ăn vừa thán phục - đó quả là thứ bánh đơn sơ mà "nhức nhối".
Tôi đã nghĩ mình là đứa trẻ duy nhất của thế gian này thèm bánh thuẫn. Vì thèm nên ám ảnh. Với tôi, ngày nhà làm bánh thuẫn sẽ là một ngày trọng đại. Nếu là ngày tới trường thì tôi xem là ngày xui xẻo. Xin lỗi cô thầy vì ngày hôm đó học trò khó lòng dung nạp kiến thức khi trong đầu cứ chất chứa mùi bánh thuẫn. Và như thế, tan học, tôi sẽ ba chân bốn cẳng phóng về nhà. May quá, tôi luôn về nhà trước mẻ bánh cuối cùng. Không kịp thay đồ, tôi sà lại chực mẻ bánh vét xoong - còn một ít nguyên liệu mẹ sẽ rót thêm nước ấm đánh đều và rót vào các khuôn, mỗi khuôn một ít. Tôi sẽ hí hửng xin mẹ được tự tay vớt những chiếc bánh mềm èo, xốp xịch đó. Bánh vét xoong là mẻ bánh ngon nhất trần đời. Những chiếc bánh mềm mềm, nong nóng dậy mùi, vừa thổi vừa ăn, ngon ơi ngon... Ăn bánh thuẫn đừng vội - mẹ dặn. Tôi sẽ cẩn thận cầm, hít no nê đã đời rồi từ từ nhẩn nha chiếc bánh đặc biệt ấy.
Tết đến, mẹ sẽ chọn những chiếc bánh thuẫn đẹp nhất cúng tổ tiên và mời khách. Một đĩa bánh thuẫn nở đều nở đẹp, sự giòn thơm phô tràn ra bên ngoài. Khách đến nhà chúc Tết, đầu tiên sẽ là lời khen "bánh thuẫn năm nay đẹp quá..." - mẹ sẽ cười mãn nguyện, lời khen ấy có giá trị hơn bất cứ một câu chúc Tết mĩ miều nào.
Còn tôi, niềm vui những mùa xuân tuổi nhỏ đơn giản lắm. Chỉ cần cầm cái bánh thuẫn giòn rụm, cắn vào một miếng, vị ngọt của bánh tan ra trên đầu lưỡi, ngây ngất nghe mùi thơm lan tỏa xung quanh là tôi đã thấy như thu cả mùa xuân.
Nói tới bánh thuẫn lại nhớ đến lần đầu phạm tội. Năm đó mùa màng thất bát, các con đổ bệnh, túng bấn nên mẹ phán "Tết này khỏi bánh khỏi trái". Tôi thiếu điều muốn được nằm luôn trên giường bệnh mà không thiết chuyện Tết nhứt vì không được ngồi bên âu lửa ngắm những chiếc bánh xòe tai hoa. Nhà có sẵn bột, mua thêm ký đường là được mà. Mày đẻ được trứng thì mẹ làm...
Không đẻ được thì lấy trộm. Tôi đã khóc òa khi bọc trứng vừa được mang ra khỏi cửa chuồng thì gặp bác Sáu, chủ trại vịt bên sông. Cháu xin lỗi. Tại... tại... cháu thèm bánh thuẫn mà mẹ không... Chiều hôm đó, tôi mếu máo, nín thở nép bên cửa khi thấy bác Sáu từ ngoài cửa bước vào kêu to: "chị Hai ơi, chị Hai ơi". Chết rồi, bác đi mắng vốn. Nhưng khi mẹ chạy ra thì tôi thấy bác dúi túi trứng vào tay bảo làm bánh thuẫn cho sắp nhỏ: "Tết không được ăn bánh thuẫn buồn lắm, hồi nhỏ tui cũng vậy"...
Bây giờ tuổi đã ngấp nghé tứ tuần, xa quê chừng ấy năm, nghĩ về Tết, trong đầu tôi, trong tim tôi, không có thứ gì khác ngoài mùi bánh thuẫn.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Theo thegioitiepthi.vn
Tối cười: Khi bợm nhậu đi xe buýt Mời quý vị và các bạn thư giãn buổi tối với mẩu truyện cười: Khi bợm nhậu đi xe buýt. Một người say mèm đến cửa trước của xe buýt, líu lưỡi hỏi: - Xe... này... đi đâu... vậy? - Xe này đi đến sở thú bác ạ - một số hành khách lên tiếng. Người say lại ngật ngưỡng bước về cửa...