Lang thang Suối Mỡ – Bắc Giang
Một ngày cuối tuần, tôi lang thang sang Bắc Giang, chọn lối đi xuyên từ quốc lộ 18 mạn Đông Triều sang với Suối Mỡ – Bắc Giang.
Mạn bên phía đông dãy núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều tôi đi lại rất nhiều lần, nhưng lại ít có dịp khám phá vùng miền Tây – Yên Tử.
Nên một ngày cuối tuần, tôi lang thang sang Bắc Giang, chọn lối đi xuyên từ quốc lộ 18 mạn Đông Triều sang với Suối Mỡ – Bắc Giang. Cung đường này rất vắng vẻ. Xe bon bon chạy giữa chập chùng đồi núi với các đồi cây trái xanh mướt mắt, thi thoảng gặp những đập tràn những con suối chảy róc rách hiền hoà trong các thung khe.
Núi miền Đông Bắc hiền hoà, ít núi cao vực thẳm, nhưng trập trùng và hùng vĩ, có lúc núi như dựng tường thành ngút mắt, lúc lại thoai thoải trải ra như đàn khủng long đang chạy đua nhau về phía biển.
Không khí trong lành mát dịu xua đi những nóng bức, khói bụi của ngày hè. Có lúc chạy giữa những thung lũng xanh um chẳng có bóng xe, bóng người, như thấy mình về với nguyên sơ, với rừng, với núi.
Đường xá cơ bản bây giờ đều rộng và đẹp hơn ngày trước rất nhiều, nên cứ vừa đi vừa ngắm cảnh, chẳng mấy mà đã tới với vùng đất xanh tươi màu huyền tích.
Thác Suối Mỡ
Người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu chuyện kể rằng đời vua Hùng ngày trước có cô công chúa Quế Mỵ Nương tính tình hiền hậu, thương người. Cô không chịu lấy chồng mà chỉ thích đi rong ruổi bốn phương. Khi đến mảnh đất Nghĩa Phương thấy người dân nơi đây khổ cực vì đất đai cằn cỗi, công chúa làm phép với năm ngón tay vạch vào núi đá tạo lên nguồn nước ngầm mát lành, giúp dân trồng lúa, trồng màu.
Nhớ ơn công chúa, dòng thác ấy được nhân dân gọi là Suối Mẫu, sau đổi thành Suối Mỡ. Còn Quế Mỵ Nương được tôn thành Thánh Mẫu thượng ngàn, được người dân dựng đền thờ dọc bờ suối gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng quanh năm hương khói thờ phụng.
Đường lên Suối Mỡ và thác Thùm Thùm đi không quá khó. Cảnh vật rất hiền hoà những mái đền cong cong nằm thấp thoáng trong hẻm núi, lấp ló sau tán cây tạo cảm giác thư thái yên bình. Không gian yên bình và thanh sạch, tiếng suối chảy róc rách vui tai.
Thác Thùm Thùm. Ảnh: Nhật Quang
Video đang HOT
Chỉ mấy cây số là lên tới khu vực thác nước Thùm Thùm, đang đi bên ngoài oi nóng mà vào gần thác thôi đã thấy hơi nước mát lạnh cùng tiếng nước chảy róc rách. Suối Mỡ không quá đông đúc, đủ không gian cho du khách có những khoảng riêng tư để ngắm cảnh, chụp ảnh và tắm thác.
Dòng nước từ trên cao chảy xuống mát lạnh, trong sạch như rửa trôi đi những mệt nhọc muộn phiền. Có hõm đá nước chảy lâu năm bào mòn đá thành cái bồn tắm trơn nhẵn nằm để nước chảy qua người thật là thú vị. Dòng nước vừa sạch vừa mát giúp cho người khoẻ và nhẹ nhõm lên nhiều. Nằm ngửa mặt nhìn lên vòm trời xanh sau những tán lá cây, tảng đá giúp khách phương xa thấy mình như hoà mình vào với thiên nhiên.
Rừng ở đây còn được bảo tồn khá tốt với nhiều cây lớn, có cả những chú gà rừng nhảy ra vách đá kiếm ăn rồi bay ù lên khi thấy bóng người.
Nhảy trên các mỏm đá di chuyển lên phía đầu nguồn là một trải nghiệm khá thú vị, nước cứ chảy luồn lách dưới các khe đá như tiếng thì thầm của núi rừng Đông Bắc, kể câu chuyện nàng công chúa thuở xưa, rồi những hõm, vụng nước trong vắt cứ ẩn hiện ra trên đường ngược thác.
Các món ăn hút khách tại Suối Mỡ – Bắc Giang. Ảnh: Nhật Quang
Leo, lội, tắm chán chê khi cái bụng thấy đói, cái chân thấy mỏi, thì ngay trên đường về chỗ cửa rừng có mấy nhà hàng cho khách dùng bữa với mâm cơm đậm chất núi rừng. Những sản vật của rừng như nhộng ong non chiên giòn bày trên những chiếc lá lốt to bản xanh um, thơm đậm, thứ nhộng ong đầu mùa thơm ngầy ngây. Thịt lợn bản quay béo mà không ngấy, bì giòn tan vàng rộm, phần mỡ mềm tơi trong miệng. Đĩa măng xào sần sật thơm thơm, thịt gà nướng rất vừa miệng cùng canh chua xương nấu sấu.
Đơn giản mà ngon miệng, ấm cúng. Thích nhất là được ngồi ăn thư thả bên dòng suối chảy hiền hoà, nhìn xung quanh là núi cao xanh ngắt, đâu đó tiếng hát câu hò của những nhóm bạn rủ nhau tụ họp.
Ở đây có những gian nhà rộng phù hợp nằm dưới bóng mát tán cây chứa được cả đoàn khách đông người cho đại gia đình đi chơi cuối tuần hay các nhóm bạn bè tổ chức họp lớp, họp mặt. Không gian khoáng đạt rộng rãi của núi rừng, sông suối làm cho lòng người gần lại với nhau hơn, câu chuyện cởi mở và tình thân mến thân gắn kết hơn.
Không có chỗ cho các trò chơi, nơi đây chỉ phù hợp cho chuyến dã ngoại cuối tuần yên tĩnh, nhưng lại kết hợp được cả việc thám hiểm khi chạy qua những cung đường tuyệt đẹp của núi rừng Đông Bắc.
Dọc theo tuyến này còn dễ dàng mua được mật ong với giá rất rẻ. Cũng phải thôi vùng này gần vùng Lục Ngạn nơi bạt ngàn đồi vải, đồi nhãn rất tiện cho việc nuôi ong.
Chẳng cần đi đâu xa, đến với Suối Mỡ – Bắc Giang là có thể có ngày nghỉ mát mẻ, yên bình vào ngày cuối tuần sau những ngày bộn bề cùng công việc.
Yên Tử mùa thu - quen mà lạ
Tôi là người yêu núi rừng, thích khám phá các đỉnh cao, nên núi Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh với tôi rất thân thuộc.
Năm nào qua Tết tôi cũng hành hương Yên Tử, tôi quen với khung cảnh mờ sương huyền ảo của rừng tùng cổ kính, quen bước chân sột soạt đi băng qua thảm lá ẩm ướt của rừng trúc xanh tươi. Nhưng Yên Tử mùa thu thì đẹp đến lạ, khác với sự huyền bí lãng đãng khói sương. Yên Tử mùa thu sạch trong, mát mẻ mà vẫn mang nét u linh trầm mặc của vùng đất Phật.
Mùa thu không phải mùa cao điểm của khách hành hương về với danh sơn Yên Tử - nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành và giảng đạo, nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là dòng Phật giáo mang đậm bản sắc của Việt Nam.
Theo chân các bậc trí giả, khách hành hương đến với non thiêng Yên Tử theo tâm lý đi chùa lễ Phật cầu an, nhưng cũng chính là chuyến du lịch tâm linh kèm rèn luyện sức khoẻ. Mùa thu trời quanh mây tạnh, dòng người thưa vắng, nếu sức khoẻ thể lực cho phép, khách hành hương có thể thử sức mình bằng cách leo theo đường bộ từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng.
Cung đường cả lên và xuống theo đường bộ chỉ khoảng hơn 6 km, tốn khoảng 5 giờ đồng hồ cho hai chiều thong dong vừa đi, vừa nghỉ. Lối leo bộ của Yên Tử là cung đường ngàn năm, lại được tu bổ gia cố thành bậc thang chắc chắn, từ chân núi lên chùa Hoa Yên - nơi có cây đại cổ thụ ngàn năm thì đường thoai thoải dễ đi như tản bộ trong rừng.
Đi trong rừng Yên Tử mùa thu cảm giác thật lãng mạn, trên đầu lên trời xanh mây trắng, dưới chân là thảm lá đỏ vàng, tiếng ong vo ve bay, đàn kiếm hối hả tha mồi dưới thảm lá, xa xa văng vẳng lại tiếng chuông ngân nga lẫn vào tiếng chim lảnh lót. Nắng chiếu xuyên qua tán lá xanh thành hoa nắng nhảy nhót trong rừng, hay tạo thành các ống ánh sáng rọi thẳng từ trên cao xuống sáng vàng rực rỡ.
Chùa Giải Oan - nơi các cung nữ trinh liệt trầm mình xuống dòng suối Hồ Khê để ngăn vua bỏ ngai vàng quy Phật nay vẫn còn đây dòng suối nước trong xanh chảy róc rách đêm ngày. Đây cũng là nơi duy nhất trong khu vực chùa mà có nhà thờ Mẫu trong hệ thống chùa chiền Yên Tử hôm tôi đi đúng vào ngày có giá hầu lễ tạ.
Suốt cả nhiều hàng bậc đá dài trang hoàng rực rỡ xếp đầy hương hoa, vật phẩm mũ, ngựa dùng cho giá hầu. Tiếng nhạc tiếng hát văn giữa đại ngàn u tịch như tạo thêm nét bí ẩn, linh thiêng chốn danh sơn.
Nhiều hình nộm đủ mũ áo cân đai, mặt đỏ râu dài, tay cầm thanh đa,o nét mặt uy nghi tạo nên sự trang nghiêm uy vũ lại có tiếng trống trầm hùng, tiếng nhạc réo rắt như đưa du khách ngược dòng lịch sử trở về với một thủa oai hùng của ông cha.
Qua khu vực nhà thờ Mẫu là bắt đầu chạm vào đường dốc dẫn lên núi, tiếng lá khô vỡ lạo xạo dưới bước chân, cây cối xanh tốt um tùm, cứ một quãng lại có quán để dừng nghỉ chân với vòi nước mát lạnh. Chỉ vài vốc nước lên mặt là xua tan hết bụi bặm trên mặt và cả trong tâm hồn và cảm giác thư thái giữa đại ngàn Yên Tử.
Nếu đi cáp treo, du khách thả sức ngắm nhìn toàn cảnh Yên Tử từ trên cao, nhưng không thể chạm tay vào di tích như những thân cây xích tùng gần ngàn năm tuổi, rễ nổi ngoằn nghoèo như đàn trăn khổng lồ bò trên mặt đất. Khối nu của rễ cây mốc mác sần sùi, nhưng mang vẻ đẹp của lịch sử sau bao nhiêu sương gió dãi dầu.
Trong rực rỡ của nắng thu, các am tháp chùa chiền hiện rõ mồn một giữa màu xanh cây lá, dấu rêu, màu đá không ẩm ướt mà khô cong, sạch sẽ. Du khách có thể nhìn rõ từng đám rêu hay phong lan bám trên các nhánh cây già.
Càng lên cao, con đường càng thêm độ dốc, nhưng bù lại gió luôn thổi mát lạnh và cây cối càng thêm rậm rạp. Lối lên Yên Tử bao năm bao người qua lại nên an toàn, chắc chắn và thuận tiện dễ đi, không lo bị trơn trượt hay vướng víu vì đông người như dịp lễ hội đầu xuân.
Cứ thong dong, thong thả sẽ gặp những điểm nghỉ chân ngắm cảnh, để đôi chân bớt mỏi, còn đôi mắt thì thả sức nhìn ngắm núi rừng, bộ ngực thì như được thanh lọc bởi bầu không khí trong lành.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sừng sững giữa mây trời với vẻ mặt từ bi độ lượng, quần thể xung quanh chân tượng cũng là nơi để khách dừng nghỉ chân và tìm kiếm khung hình đẹp. Từ tượng Phật tới đỉnh chùa Đồng không còn cáp treo, chỉ còn đường leo bộ.
Trên độ cao này, cây cối có hình dáng khác hẳn, không quá to lớn, nhưng rất chắc khoẻ và bám nhiều rêu phong. Rừng trúc cứ reo lên u u khi có gió thổi qua, bông lau phất phơ trong gió ngàn với vẻ bình yên tự tại.
Chịu khó đi chậm quan sát, khách có thể ngắm được các mảng rêu tuyệt đẹp bám trên các thân cây cũng như ngắm nhìn sự biến đổi của cảnh vật khi thoắt cái mây mù ào tới giăng giăng như choàng áo khói sương che lên vạn vật, thoắt cái mây mù tan đi mọi cảnh vật là hiển hiện ra trước mắt như trong một cuốn phim.
Tôi gặp cụ già 77 tuổi vẫn kiên nhẫn bước từng bước leo lên đỉnh chùa Đồng cao 1.068 mét với nét mặt mãn nguyện và hạnh phúc, cụ từ chối mọi sự giúp đỡ chỉ nhận lời động viên và tự chống gậy đi xuống theo lối mòn. Có du khách chọn ngồi thiền định dưới những tán cây tùng cổ thụ như để hấp thu linh khí của núi rừng non thiêng Yên Tử.
Có rất nhiều cảm giác thú vị khi du khách về với Yên Tử mùa thu ngay cả với những vị khách quen.
Tìm về Non thiêng Yên tử - Dấu ấn Phật Hoàng Trần Nhân Tông Hàng năm cứ đến ngày 1/11 âm lịch (là ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn), người dân thập phương tìm về cõi thiêng Yên Tử dâng hương tưởng niệm Đức phật và cầu bình an. Bảo tượng Phật Hoàng có trọng lượng 138 tấn, được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề truyền...