Lạng Sơn may mắn không xả nước hồ chứa khi có bão số 7
Mặc dù được cảnh báo là sẽ có mưa lớn (từ 150-250 mm/cả đợt) khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền Việt Nam, tuy nhiên Chi cục Thủy lợi tỉnh Lạng Sơn vẫn quyết định không xả nước các hồ chứa. Thực tế đây là quyết định may mắn giúp các hồ giữ được nước để phục cho sản xuất nông nghiệp.
Phần lớn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có mực nước dưới công suất thiết kế.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Tam – Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lạng Sơn (Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn) – cho biết: Ngay khi có thông tin cơn bão số 7 có khả năng ảnh hưởng tới nước ta, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có các công điện và các văn bản chỉ đạo khác nhau cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lạng Sơn chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với cơn bão số 7.
Sơ NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Lạng Sơn, UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập; điều tiết, vận hành hợp lý để vừa đảm bảo dung tích phòng lũ, vừa tranh thủ tích trữ nước đối với các hồ đã cạn kiệt. Chủ động rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, chỉ đạo các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành, điều tiết cho phù hợp; đặc biệt là các hồ đã đầy nước cần hạ thấp mực nước hồ để đảm bảo an toàn cho công trình. Rà soát các công trình đang thi công, sửa chữa, có các biện pháp đảm bảo cho người, phương tiện, vật tư máy móc và đảm bảo cho các công trình.
“Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 200 hồ lớn nhỏ, trong đó có 15 hồ quan trọng có dung tích trên 1 triệu m3 nước, làm nhiệm vụ điều tiết lũ và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Trước khi cơn bão số 7 dự báo đổ bộ vào nước ta và Lạng Sơn sẽ bị ảnh hưởng, chúng tôi đã đi kiểm tra tất cả các hồ đập này về mực nước, cũng như an toàn đập. Khi kiểm tra thì mực nước tại các hồ chỉ khoảng 60% so với công suất thiết kế, nên chúng tôi quyết định không xả nước trước, có thể nói đến thời điểm này không xả là may mắn vì vẫn giữ được nước an toàn cho sản xuất nông nghiệp” – ông Tam cho biết.
Khi phóng viên đặt vấn đề, liệu không xả nước trước khi bão vào có phải là quyết định chủ quan, đơn vị đã tính đến các tình huống bất ngờ chưa? Ông Tam giải thích thêm, do trước đó đã kiểm tra về mức độ an toàn các đập và mực nước nên có phần yên tâm. Ngoài ra, ngành thủy lợi tỉnh này đã có những phương án với các tình huống bất ngờ khi mưa lũ vào Lạng Sơn quá lớn, như bố trí xây dựng các đập tràn tại các hồ; xây dựng các đập phụ, nếu tình xấu có thể phá đập này để xả lũ; có lực lượng ứng trực 24/24h nếu nguy cơ mất an toàn cho đập sẽ cho trải bạt để nước tràn qua, tránh bị sói mòn ảnh hưởng đến đập.
Cũng theo ông Tam, sau mùa mưa lũ, khoảng tháng 11, 12 hàng năm, Chi cục Thủy lợi Lạng Sơn sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn, lưu lượng nước tại các hồ trên địa bàn để báo cáo cấp trên cũng như có phương án tích trữ nước phục vụ sản xuất cho năm sau.
Video đang HOT
Trước đó, Lạng Sơn được dự báo sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 7 khi đổ bộ vào Việt Nam, lượng mưa có thể đạt từ 150-250 mm/cả đợt, đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, từ chiều ngày 19/10, cho đến sáng nay 20/10 tại TP Lạng Sơn trời nắng đẹp, không có mưa.
Ông Chu Văn Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lạng Sơn – cho biết thêm, hiện các hồ trên địa bàn tỉnh này mực nước vẫn ở dưới công suất thiết kế. Ngành thủy lợi tỉnh này cũng đã có phương án tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vụ tiếp theo. Hiện tại, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang chuẩn bị bước vào thu hoạch, nên nhu cầu sử dụng nước tưới không đáng kể.
Nguyễn Dương – Trọng Trinh
Theo Dantri
Sự 'ngang ngược' của thủy điện
Tuyệt đại đa số các dự án thủy điện đều có câu: điều tiết nước cho vùng hạ lưu.
Sự &'ngang ngược' của thủy điện
Thế nhưng, nhìn lại mấy năm qua, khi những dự án thủy điện đầu các nguồn sông "trăm hoa đua nở" thì vấn đề xả lũ của nó trở thành mối hiểm họa cho người dân, nhất là người dân miền Trung, vùng "đòn gánh", thế đất hẹp và dốc.
Nếu những năm trước, người dân Quảng Nam đã điêu đứng vì việc xả lũ của những thủy điện A Vương, Sông Tranh... thì mấy năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình điêu đứng vì thủy điện có cái tên nghe như một giọng cười: Hố Hô.
Trong đợt mưa lũ đang diễn ra, 17 giờ ngày 14.10, thủy điện Hố Hô bất ngờ xả với lưu lượng 500 - 1.800 m3/giây. 1.800 m3/giây thì sức mạnh của nó còn hơn cả dội bom, bom nước.
Nói là bất ngờ vì 16 giờ, nhà máy thủy điện mới thông báo cho một... phó chủ tịch UBND H.Hương Khê. Trong lúc cả khu vực mất điện, đến Chủ tịch UBND H.Hương Khê Lê Ngọc Huân cũng không biết thì làm sao người dân biết mà trở tay cho kịp?
Phút chốc, 11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến... 4 m.
Thế mà, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP thủy điện Hồ 4 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô) lại bảo "xả lũ đúng quy trình".
Đó là một câu trả lời hết sức "ngang ngược" như cách mà các nhà máy thủy điện lâu nay vẫn làm.
Trở lại vấn đề thủy điện, các đơn vị này đều khai thác nguồn lợi tài nguyên, là sở hữu của toàn dân, để thu lợi. Và vì thế, người dân có quyền hỏi, họ được lợi gì?
Khi dự án được phê duyệt, trong đó đều thuyết trình rõ ràng, nhưng khi vận hành thì các nhà máy thủy điện chỉ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản của mình, cái lợi của mình.
Bao nhiêu năm qua, người dân hạ lưu chịu đựng và chấp nhận như một sự bắt buộc, điều này càng ngày càng thấy rõ sự vô lý.
Anh xây dựng nhà máy để kinh doanh nhưng thiệt thòi thì tôi gánh chịu. Thật lạ đời.
Anh Vũ Xuân Hải (Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: Rất nhiều luật sư đang tư vấn cho các bị hại thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi kiện các đơn vị quản lý hồ đập, thủy điện khi xả lũ gây thiệt hại cho người dân. Anh nói: "Theo tôi, đây không phải là khởi kiện dân sự mà việc xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Điều 227 bộ luật Hình sự ban hành năm 2009 chỉ rõ, tội vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động những nơi đông người. Vì thế, đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo tội danh trên là góp phần tích cực trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu không, lần sau dân lại phải nhận hậu quả, lại có những cái chết thương tâm vì cái quy trình xả lũ giết người này".
Khi phân tích về quy trình xả lũ, anh Nguyễn Vũ Tuấn, một người trong ngành, nói thêm: Các hồ đập thủy điện đều được Bộ Công thương phê duyệt quy trình vận hành hoặc ủy quyền cho địa phương phê duyệt. Hằng năm, các thủy điện đều có phương án phòng chống bão lụt được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành sở tại. Anh cho rằng, không có quy trình nào được duyệt khi chờ mưa mới xả lũ.
Theo anh Tuấn, thường thì dung sai về xả lũ khoảng 1.000 năm/2 lần, nhưng các thủy điện miền Trung, đơn cử Hố Hô, 10 năm bị sự cố thủy văn 2 lần là sai lầm nghiêm trọng.
Hầu như năm nào cũng thế, cả nước hướng về miền Trung mỗi khi mưa lũ. Hàng triệu tấm lòng gửi về đồng bào vùng đất này cả vật chất lẫn tinh thần chia sẻ. Trong đau thương người ta thường bỏ qua nhiều thứ, chỉ nghĩ đến chuyện giúp người. Không ai nghĩ đến việc truy tìm nguyên nhân của nó, nhất là cái "quy trình xả lũ" trở tay không kịp nói trên. Vì thế mà "ông thủy điện" vẫn nhởn nhơ đến hẹn lại... xả lũ.
Người chết, hoa màu mất, gia súc gia cầm, tài sản hàng nghìn gia đình bổng chốc trôi theo dòng nước... sao ta không bắt người gây ra chuyện này chịu trách nhiệm? Sao lại để thủy điện "ngang ngược" thế kia?
Theo Thanh Niên
"Việc hệ trọng sao chỉ nhắn tin báo xả lũ" Chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình) về quy trình xả lũ của nhà máy này. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Quân...