Lạng Sơn: Chuyện buồn bản “4 không”, muốn alô phải treo điện thoại
Bản làng “đặc” đồng bào Dao sinh sống mà tôi muốn nhắc đến ấy là thôn Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây chỉ cách trung tâm huyện Đình Lập gần 20km, nhưng người dân sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, bởi vẫn còn nỗi buồn “4 không”: Không điện, không đường bê tông, không cầu và không sóng điện thoại.
Nơi “thâm sơn, cùng cốc”
Dọc theo quốc lộ 4B chúng tôi vượt quãng đường hơn 50km đến với xã Châu Sơn – một xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Đình Lập (Lạng Sơn) vào một ngày cuối tháng 8. Men theo con đường nhỏ vượt qua suối, đi tiếp 12km nữa dần hiện ra trước mắt chúng tôi là thấp thoáng những ngôi nhà trình tường, ruộng bậc thang, rừng và lúa nương. Một nơi yên bình, heo hút nơi đến… lặng người.
Không có cầu, không có đường đi lại nên người dân nơi đây phải đi xe máy vượt suối.
Để đến được thôn Khe Pặn Ngọn, chúng tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ nữa vật lộn với những đoạn đường đất trơn trượt, nhầy nhụa. Vượt qua những đoạn đá lởm chởm, gồ ghề, dốc ngược lên đỉnh núi, rồi đổ những con dốc thẳng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà anh trưởng thôn Triệu Sinh Thanh.
Bản “đặc” người Dao này yên bình đến lặng người.
Nhấp ngụm chè đặc, trưởng thôn Khe Pặn Ngọn trầm giọng: Khe Pặn Ngọn là thôn nằm cách xa trung tâm xã nhất, thôn có 33 hộ đều là hộ nghèo và cận nghèo, 140 nhân khẩu với 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. “Đường vào thôn không phải ai cũng đi được, chỉ có cánh đàn ông, tay lái cứng may ra mới dám đi, đến cán bộ xã vào đây cũng phải ngã vài lần mới đến nơi. Chỉ một trận mưa to là đường vào thôn trơn trượt, nước suối chảy xiết, người dân bị cô lập hoàn toàn. Vất vả lắm”, anh Thanh tâm sự.
Bản “4 không”
Chúng tôi đi thăm một vài hộ dân trong thôn, tất cả đều là nhà trình tường, nền đất lởm chởm, người dân sống “lặng lẽ” trong không gian thiếu ánh sáng. Anh Thanh cho biết, người dân ở đây sống chủ yếu phụ thuộc vào đồi rừng, cây ngô, cây lúa mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu. Khu này là chỗ tập trung nhiều hộ nhất, còn các hộ khác sống rải rác ở những quả đồi bên kia, muốn đến nhà phải đi bộ thêm nửa tiếng đồng hồ và tất cả đều chưa có điện lưới quốc gia.
Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện,… tất cả đều là những thứ còn quá xa vời đối với người dân nơi đây.
“Xưa nay người dân ở đây đều dùng đèn dầu, sang hơn một chút thì dùng điện nước, có điều kiện hơn nữa thì mua được bảng tích điện từ năng lượng mặt trời, ắc quy. Tuy nhiên, cũng chỉ thắp được 1 bóng sáng yếu ớt, mờ mờ. Ti vi, tủ lạnh, máy xay xát… mãi chỉ là niềm mong ước của bà con bản nghèo này”, anh Thanh buồn bã.
Không chỉ khó khăn về điện, nhiều năm qua, thôn Khe Pặn Ngọn vẫn chưa có đường đi lại dễ dàng. Cách trung tâm xã hơn 12km nhưng con đường vào bản chỉ là đường đất, cây cỏ um tùm như muốn “húp trọn” cả con đường. Phụ nữ, người già nơi đây có lẽ hiếm khi được xuống phố bởi con đường ấy không phải ai cũng dám đi và đi được.
Bà Chìu Tài Múi (60 tuổi) bập bẹ mãi vài câu tiếng phổ thông mà không sõi, chúng tôi phải nhờ anh Trưởng thôn phiên dịch: “Từ bao đời nay, ở đây chưa có điện, thiệt thòi lắm. Tôi chưa một lần được xem ti vi, xát thóc cũng phải đem ra trung tâm xã… Lâu lắm tôi cũng không biết chợ là như thế nào rồi, vì đường thì khó đi, già rồi không đi bộ xa được nữa. Có muốn mua gì thì nhờ thằng cháu nó mua cho thôi.”
Video đang HOT
Ban ngày nhưng trong nhà lúc nào cũng tối om, lạnh lẽo bởi sự xa cách, heo hút của nơi này.
Điểm trường Khe Pặn Ngọn nằm sâu trong bản, gần cuối con đường. Ngoài hiên lớp, các em học sinh mặt mũi lem nhem đang chơi đùa vui vẻ. Không có điện, việc học tập của trẻ em trong thôn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đi lại xa xôi, không có điều kiện nên hầu hết trẻ em trong thôn chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Hiện trong thôn có 13 em đang học cấp 2 bán trú ngoài trung tâm xã và chỉ duy nhất 1 em đang theo học cấp 3. “Từ trước đến nay trong thôn chưa có em nào ‘cầm nổi’ bằng tốt nghiệp THPT…,” anh Thanh nói.
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, tối om và chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc quạt cũ rích, anh Dương Kim Phu còn đang ướt đẫm mồ hôi vì mới từ rừng về nhưng vẫn nhiệt tình mời chúng tôi. Bập bẹ tiếng phổ thông pha lẫn tiếng Dao, anh tâm sự: “Tôi đã sống nửa đời người, với tôi việc không có điện, không có đường đã trở thành thói quen, nhưng còn thế hệ sau này, chẳng nhẽ cũng như chúng tôi. Trong thôn có trường hợp ốm đau, bệnh tật chỉ có cách đưa lên cáng khiêng đi, hàng hóa chúng tôi làm ra muốn bán giá cả cũng thấp hơn nhiều so với ở ngoài”.
Tích góp mãi, gia đình anh Phu mới mua được bảng tích điện năng lượng mặt trời với giá 1,3 triệu đồng để thắp sáng.
Anh Phu bảo, người Dao ở vùng này rất chăm chỉ trồng trọt, nhiều người nuôi ý tưởng làm kinh tế, nhưng rồi họ lại thất vọng bởi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Không có điện để sinh hoạt, sản xuất, kết nối điện thoại, không có đường đi để buôn bán… nên cái nghèo cứ mãi quẩn quanh.
Chúng tôi thêm lần nữa ngạc nhiên khi thấy chị Tằng Thi Múi (vợ anh Phu) đang đứng “hóng” sóng điện thoại. Chiếc điện thoại “cùi” được treo ngay trước cửa nhà là phương tiện duy nhất để gia đình chị liên hệ với cô giáo của con trai Dương Phúc Tài (học lớp 11). “Treo đây để bắt sóng, có lúc bắt được, có lúc thì không,” chị Múi bập bẹ nói.
Chiếc điện thoại được treo ngay nơi thoáng nhất trước của nhà để có thể bắt được sóng.
Thiếu điện, thiếu đường, thiếu cây cầu, thiếu sóng điện thoại, nơi này như “thâm sơn cùng cốc”, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Không có ti vi để xem, đời sống tinh thần người dân bị hạn chế, không nắm bắt được các thông tin thời sự, không cập nhật được các kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất… Điều đó đang khiến người dân nơi đây cứ luẩn quẩn trong đói nghèo. Người dân thôn Khe Pặn Ngọn luôn ngày đêm mong ngóng có con đường đi lại dễ dàng, có điện lưới quốc gia… để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Mong mỏi ở bản người Dao
Anh Triệu Sinh Thanh cho biết thêm: “Hiện trong thôn bà con tích cực trồng thông và keo để phát triển kinh tế, nếu có điện, đường, tôi tin chắc cuộc sống của bà con sẽ đi lên. Để làm được đoạn đường vào thôn cần số tiền rất lớn nên quá sức với người dân. Nếu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân trong thôn sẵn sàng đóng góp ngày công, thậm chí hiến đất để chung sức làm đường”.
Chiếc máy phát điện chạy bằng sức nước của gia đình anh Thanh cũng giúp nhà anh thêm sáng vào mỗi tối.
Gia đình anh Thanh được cho là có điều kiện hơn những nhà khác ở Khe Pặn Ngọn khi có máy phát điện đặt ở khe suối và có bảng tích điện, nhưng cũng nhiều hôm đang ăn cơm thì điện tắt tối om. Anh Thanh bảo, gia đình anh dùng điện nước loại nhỏ, có lúc lá cây rơi vào máy, hoặc lũ về thì cũng mất điện. “Thôn đã đề xuất việc làm đường, cấp điện vào địa phương lâu lắm rồi nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Nhiều lần lãnh đạo huyện cùng đoàn vào công tác, người dân và lãnh đạo thôn đề xuất, họ cũng hứa rồi cuối cùng cũng lại quên,” anh Thanh nói.
Bộ tích điện có ở hầu hết các gia đình nơi đây để phụ vụ thắp sáng vào buổi tối.
Trao đổi với Dân Việt, bà Lã Thị Ký, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn băn khoăn: Châu Sơn là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, hiện còn 2 thôn Khe Pặn Ngọn và Khe Pặn Giữa là chưa có điện. Khe Pặn Ngọn là thôn đặc biệt khó khăn vì xa nhất, người dân ở đây ai cũng mơ ước có đường, có điện. Điều này, xã rất trăn trở, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã và người dân trong thôn cũng kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri để cấp trên xem xét, giải quyết.
Thực tế, nhiều năm nay, các ban, ngành chức năng cũng đã đến khảo sát nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Để khắc phục khó khăn, hằng năm, xã và thôn đều tuyên truyền, vận động người dân ra phát quang, đổ đất tại những đoạn khó đi để bà con đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, xã Châu Sơn còn nhiều khó khăn và còn nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã. Do vậy rất cần sự quan tâm, ủng hộ để xã có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, đặc biệt là tại thôn Khe Pặn Ngọn.
Theo Danviet
Sắp thông xe, hoàn thành "kỳ tích" cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Theo báo cáo của Ban điều hành Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trong tháng 8/2019, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết dứt điểm, tiến độ thi công đạt 89% khối lượng toàn công trình.
Kỳ tích 2 năm
Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng cho hay, theo kế hoạch, ngày 15/9/2019 hoàn thành các hạng mục tuyến chính, 10/2019 hoàn thành công tác nghiệm thu, 12/2019 hoàn thiện thủ tục thu phí đối với dự án này.
Hiện, một số đoạn đường gom đang được phía Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn gấp rút hoàn thành.
Như vậy, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đầy chông gai, có lúc lâm vào bế tắc "toàn tập" đã chuẩn bị cán đích, thậm chí sẽ về đích trước hẹn một cách ngoạn mục, điều này nằm ngoài dự đoán của những người lạc quan nhất ở thời điểm cách đây 2 năm về trước. Với cú nước rút thần tốc khó tin nhưng bản thân nó phải trải qua bước khởi động vô cùng gian nan.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm hợp phần cao tốc dài 64km và hợp phần tăng cường mặt đường dài 105km, mức đầu tư tới 12.000 tỉ đồng, và khởi công từ tháng 7/2015 nhưng do nhà đầu tư cũ (Công ty UDIC) không thu xếp được tín dụng nên dự án bị dừng gần 02 năm. Thời điểm đó, hợp phần quốc lộ 1 đạt 13% sản lượng, hợp phần cao tốc thậm chí chưa triển khai.
Tháng 3/2017, Bộ GTVT quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là UDIC). Sự đình trệ này đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh sống dở chết dở vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án; để lại dư luận rất xấu cho người dân và chính quyền địa phương nơi con đường đi qua.
Một đoạn đường trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được hoàn thiện. Ảnh:KN
Tình hình này khiến lãnh đạo Bộ GTVT đã phải kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực giải cứu dự án. Tháng 06/2017, sau khi Bộ GTVT mời các nhà đầu tư mới (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) tham gia, trong thời gian ngắn đã nỗ lực giải quyết các vướng mắc về tài chính, ký kết hợp đồng tín dụng, xử lý các nhà thầu năng lực yếu kém... đưa toàn bộ dự án đồng loạt triển khai.
Đồng thời, Thủ tướng chính phủ đã cho phép chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn khiến nhiều tồn tại liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh dự án được tháo gỡ như: công tác giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... và đặc biệt là việc giải quyết được tồn tại về lãi vay. Đến thời điểm hiện nay, dự án không những đã bù đắp được 02 năm bị dừng trước đó mà vượt tiến độ so với hợp đồng BOT ban đầu 18%.
Ông Hồ Minh Hoàng,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã từng đắn đo rất nhiều khi đứng trước những ngổn ngang mà nhà đầu tư cũ để lại đối với cả 2 dự án (Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận). Nhà đầu tư cũ gặp vấn đề lớn khi dính đến các vụ án hình sự, yếu tài chính, yếu năng lực quản lý... đó là thử thách thật sự. Nhưng rồi, ông nhìn thấy những giọt nước mắt nhà thầu, sự sa sút niềm tin từ phía người dân.
Một trong những vấn đề mà Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đồng thuận rất cao với UBND tỉnh Lạng Sơn khi tham gia dự án là kiến nghị xóa bớt một trạm thu phí trên tuyến đường 105km này.
"Nếu có hai trạm thu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều về phương án tài chính. Thế nhưng, nếu nhà đầu tư không hài hòa lợi ích với người dân, thì cả hai sẽ không thể chung sống với nhau hòa thuận lâu dài. Giải pháp ấy sẽ khiến chúng tôi khó khăn hơn về phương án tài chính, nhưng chắc chắn người dân sẽ hài lòng", lãnh đạo Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ.
Hai bên đường đã được gia cố phủ xanh bằng các loại cỏ. Ảnh:KN
Về đích
Ngày 23/8/2019 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng chủ trì thăm và kiểm tra công tác thi công dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tham gia đoàn công tác còn có ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đại diện sở ban ngành, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát và các nhà thầu.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng đánh giá, đây là một dự án quan trọng không riêng Lạng Sơn mà của cả nước. Từ khi được giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Lạng Sơn theo dõi sát sao công tác thi công dự án, trung bình "một tháng kiểm tra 1 lần".
Nhiều đoạn đường đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh:KN
Một đoạn đường gom đang được thi công. Ảnh:KN
"Chúng ta khởi công lại từ 6/2017, với độ dài tuyến lên tới 64km, vừa phải làm cầu cống, vừa phải san ủi núi, hiện nay đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, phải nói rằng đây là thành tích của nhà đầu tư BOT. Khi đưa vào vận hành thì đây là công trình mẫu mực", ông Trưởng nói. Phó Chủ tịch Lạng Sơn cũng đề xuất sẽ phối hợp với nhà đầu tư lên kế hoạch trồng thêm cây xanh để làm đẹp cảnh quan.
Thứ trưởng Bộ Xây dưng Lê Quang Hùng nhận định: "Tập đoàn Đèo Cả đang là nhà đầu tư lớn nhất về đầu tư hạ tầng, đã làm được những công trình lớn đảm bảo chất lượng cho nên chúng tôi khá yên tâm. Qua kiểm tra tuyến cho thấy chất lượng đến giờ phút này đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan phải thực hiện việc kiểm tra độc lập, để tránh các sai sót".
Ông Hùng cho biết song song với việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, nhà đầu tư và tỉnh phải lưu ý đến việc hoàn trả mặt bằng, ổn định dân sinh, có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn dự án đi qua.
Tuấn Nguyễn
Theo VNMedia
Lạng Sơn: Ông Kời rời nhà lên rừng "ở ẩn" trồng toàn cây thơm nức Là người tiên phong "bỏ nhà" lên rừng khai phá đất trồng rừng, đến nay ông Lăng Văn Kời (thôn Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) sở hữu hơn 20ha đồi rừng trồng nhiều loại cây như hồi, sở, keo, bạch đàn, mỡ, thông... cho ông thu nhập hơn nửa tỷ mỗi năm. Với sự cố gắng, nỗ...