Làng sản xuất bánh chưng Hà Nội tất bật ngày cuối năm
Vào dịp cận Tết Nguyên đán, mỗi ngày làng Tranh Khúc (Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) sản xuất hàng nghìn chiếc bánh chưng, doanh thu hàng tỷ đồng.
Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) được biết đến là ngôi làng có truyền thống sản xuất bánh chưng với tuổi đời hàng trăm năm.
Bà Phạm Thị Tuyết (58 tuổi) – chủ một cơ sở sản xuất bánh chưng cho hay, các hộ dân ở đây bận rộn nhất từ ngày rằm tháng Chạp đến hết 3 tháng đầu năm.
Để có được mẻ bánh ngon, mềm, đạt chất lượng, ngay từ khâu nguyên liệu người làm bánh đã phải chuẩn bị công phu.
Nguyên liệu làm bánh chưng bao gồm: Lá rong, gạo nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng còn nguyên cám, đỗ lọc vỏ, thịt lợn ba chỉ hoặc thịt vai ướp với các gia vị như nước mắm, hạt tiêu sọ…
Anh Nguyễn Văn Mão – người làng Tranh Khúc chia sẻ thêm, đỗ dùng trong bánh chưng là loại tách vỏ, sau khi ngâm sẽ được đồ với chút muối và được làm nhuyễn. Sau đó, đỗ được mang đi bọc với thịt đã tẩm ướp.
Lá dong dùng để gói bánh được thu mua từ các tỉnh miền núi.
Trước khi gói, lá dong được rửa sạch.
Video đang HOT
Sau đó lau khô và tước xơ như thế này.
Mặc dù bận rộn nhưng khi có du khách muốn trải nghiệm công việc gói bánh chưng, bà Tuyết sẵn sàng chia sẻ.
Người dân làng Tranh Khúc không dùng khuôn mà vẫn gói bánh thủ công bằng tay. Làm dâu làng Tranh Khúc từ năm 1982, bà Tuyết phải mất 2 năm mới có thể gói được chiếc bánh vuông vức, không quá chặt cũng không quá lỏng lẻo.
Để công việc sản xuất bánh chưng vừa đạt chất lượng cũng như số lượng, các cơ sở sản xuất bánh chưng ở Tranh Khúc đều có sự phân công chuyên nghiệp. Trong đó, người ngâm gạo, người rửa lá, người làm đỗ, người gói bánh, người luộc bánh…
Người gói bánh thường là người khéo tay, có kinh nghiệm.
Hiện nay, dân làng Tranh Khúc không còn sử dụng bếp than, củi để luộc bánh mà đã chuyển sang dùng bếp điện hoặc nồi hơi. Nồi hơi giúp luộc được nhiều bánh hơn, ngon hơn, tuy nhiên giá thành đầu tư cũng cao hơn.
Thời gian để luộc bánh theo tiêu chuẩn là từ 9 – 11 tiếng. Sau khi luộc, lúc bóc bánh ra, bánh không bị nhão, cắt miếng bánh ta thấy mềm nhưng vỏ bánh vẫn có độ săn nhất định.
Sau khi luộc chín, ép nước, bánh làng Tranh Khúc được cho vào túi nilon, ép chân không.
Việc ép chân không giúp sản phẩm giữ được lâu hơn, không bị mốc, đảm bảo thẩm mỹ.
Từ làng quê nghèo, gần 20 năm trở lại đây, nhờ phát triển nghề truyền thống của cha ông mà cuộc sống của người dân Tranh Khúc thay đổi rõ rệt. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, số lượng xe ô tô riêng cũng tăng đáng kể.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Mạnh – Văn phòng UBND xã Duyên Hà cho biết: ‘Năm 2011, làng Tranh Khúc được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội. Những năm trước, cả làng có 200 hộ sản xuất bánh chưng. 3 năm trở lại đây, do cơ chế thị trường, một số hộ nhỏ sát nhập lại với nhau thành hộ lớn để phát triển thương hiệu, thuận tiện cho công việc đăng ký kinh doanh, thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm… nên làng chỉ còn 116 hộ làm nghề’. ‘Dịp Tết 2019, làng Tranh Khúc đưa ra thị trường 385.000 chiếc bánh chưng, mang về doanh thu trên 20 tỷ. Tết nguyên đán năm 2020, dự kiến giá bánh tăng hơn do giá thịt lợn tăng’, ông Mạnh nói.
Theo Vietnamnet
Quà tết độc lạ
Vẫn là bánh chưng, thịt kho trứng; kiểng tết (cây cảnh)... nhưng chỉ bằng sự tìm tòi, ứng dụng công nghệ, máy móc vào làm, những sản phẩm quen thuộc ấy lại trở nên độc đáo đến lạ thường.
Rất nhiều loại sản phẩm, quà tết như vậy đang được tung ra thị trường.
Bánh chưng dây chuyền của anh Phạm Khắc TưởngẢnh do nhân vật cung cấp
Bánh chưng dây chuyền
Mấy ngày gần đây, thông tin về chiếc "bánh chưng 1 phút" của anh Phạm Khắc Tưởng (Q.Thủ Đức) khiến không ít người tò mò lẫn thích thú. Đó là những chiếc bánh chưng được làm hoàn toàn bằng máy từ khâu rửa lá, ngâm đậu, cắt thịt, buộc lạt đến ninh nấu. Tính ra, thời gian trung bình gói một chiếc bánh chưng (chưa tính thời gian luộc) chỉ còn 1 phút.
Anh Tưởng kể, cơ duyên bắt đầu từ lần cùng bạn bè tổ chức gói bánh chưng. Anh Tưởng thấy có quá nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, quen tay mà không phải ai mới bắt đầu cũng có thể làm được. Thế là anh ấp ủ dự định tạo ra một dây chuyền khép kín để sản xuất loại bánh truyền thống nhanh nhất, dễ dàng nhất và luôn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Suốt 2 năm liền mày mò, thử nghiệm, cuối cùng anh Tưởng tạo ra một dây chuyền với hơn 10 công đoạn: rửa lá, vo gạo, xắt thịt heo, ép nhân đến buộc lạt, nấu bánh. Ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sơ chế, trung bình 1 phút, dây chuyền sẽ sản xuất được một chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt có trọng lượng 1,5kg. Bánh sau đó được hút chân không để bảo quản lâu hơn.
Chia sẻ về chiếc bánh chưng truyền thống được làm bằng máy, anh Tưởng bộc bạch: "Dù bánh được sản xuất công nghiệp nhưng các quy trình, kỹ thuật đều chắt lọc theo những bí quyết cổ truyền như dùng tinh chất lá riềng trộn với gạo nếp tạo màu xanh, giúp người ăn không bị nóng, dễ tiêu, ấm bụng. Thịt heo được rửa bằng máy, lá gói bánh được sục khí ozon để xử lý dư lượng hóa chất, chất bẩn còn sót lại trên lá... Cổ kim kết hợp để cho ra chiếc bánh chưng ngon và an toàn". Dự kiến, chuẩn bị tết 2020, anh Tưởng cho ra lò khoảng 1.000 chiếc bánh chưng theo đơn đặt hàng.
Cũng có ý tưởng "làm mới" chiếc bánh chưng truyền thống, Công ty CP Sài Gòn Food cung ứng 70 tấn bánh chưng được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Từ khâu đặt gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt... chọn rửa lá dong, gói rồi xử lý trên nền nhiệt độ cao đều bằng máy.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food chia sẻ: "Về cơ bản, bánh chưng làm từ công nghệ hiện đại đã mở ra hướng phát triển sản phẩm mới cho công ty. Có thể người tiêu dùng chưa quen, còn lo lắng; có thể sản phẩm mới tung ra chưa hoàn hảo, người tiêu dùng sẽ so sánh với sản phẩm truyền thống...nhưng chúng tôi vẫn rất tự tin về những điều ấp ủ và làm được". Bánh chưng của Sài Gòn Food được thiết kế độc đáo để làm quà tặng. Một hộp gồm bốn chiếc bánh với bốn vị, nhân, gồm: Nhân thịt và đậu xanh; nhân thịt và trứng muối; nhân gà quay; đậu xanh, nhân nấm đông cô và hạt sen.
Mới đây, Công ty Vissan cũng tung ra thị trường sản phẩm thịt heo kho trứng có quy cách sản phẩm được đóng trong hộp 500g, có xuất xứ rõ ràng, sản phẩm được kiểm tra chặt chẽ theo quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại. Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng có sản phẩm dưới dạng trứng tiềm ăn liền như trứng gà, trứng cút, trứng gà ác... Tất cả các công đoạn sản xuất hiện đại theo quy trình khép kín từ luộc, lột vỏ, chế biến, hút chân không, tiệt trùng ở nhiệt độ cao...
Kỳ hoa dị thảo được ưa chuộng
Những ngày này, đường Mai Chí Thọ (Q.2), Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức), Thành Thái (Q.10)... trở nên rực rỡ bởi gần cả trăm cây bưởi Diễn chín vàng, căng mọng. Bưởi Diễn đa số được đưa từ miền Bắc vào TPHCM. Do năm nay chi phí vận chuyển tăng nên giá bán cũng nhích theo. Cây nhỏ trồng trong chậu giá 30-40 triệu đồng/chậu; những chậu đẹp, cây sai trái có giá 50-100 triệu đồng tùy theo số lượng quả nhiều hay ít.
"Tuy giá khá cao nhưng người dân vẫn chọn mua vì độ độc đáo, đẹp mắt của loại cây này đem lại. Nhìn cây vàng rực, trĩu quả từ gốc đến ngọn tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt trong năm mới chính là những mong ước mà người mua về chơi hoặc làm quà biếu tặng", chị Thủy, nhân viên bán cây kiểng trên đường Mai Chí Thọ (Q.2) cho hay.
Linh vật năm 2020 là chuột. Nhiều nhà vườn không bỏ lỡ việc đưa con vật này vào sản phẩm của mình. Đủ các loại kiểng được gắn với chuột như chuột cõng tắc bonsai, bon sai dừa hình chuột độc đáo, ngộ nghĩnh... Anh Trần Văn Hiền (34 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) chuyên trồng bonsai dừa hình thú cho biết, từ 6 tháng trước bắt đầu ươm mầm dừa khô chuẩn bị cho công đoạn tạo hình.
Bonsai dừa sau khi được dưỡng rễ sẽ kết dính với một gáo dừa để tạo hình một chú chuột nằm, ngồi tùy ý. Cuối cùng ráp từng chi tiết mắt, mũi, miệng, tay... Phần rễ dừa được dùng làm chân, phần thân dừa được dùng làm đuôi chuột. Các công đoạn thực hiện đều làm 100% bằng tay nên vô cùng tỉ mỉ và cầu kỳ.
Dịp này, anh Hiền cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 chậu bonsai dừa hình chuột, giá 500.000-800.000 đồng/chậu. Nhiều người quan niệm dừa bonsai mang đến sự thịnh vượng và tiền tài, may mắn cho gia chủ, nhất là khi kết hợp với linh vật của năm. Vì vậy anh Hiền kỳ vọng sản phẩm này sẽ có nhiều khách hàng tìm mua.
Bonsai dừa hình chuột bán chạy dịp Tết
Bonsai nấm linh chi cũng được khách ưa chuộng vài năm trở lại đây, nhất là mỗi độ tết đến xuân về. Chị Đào Thu Hồng, chủ cơ sở kinh doanh hoa - kiểng Hồng Đào (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) chia sẻ, nấm linh chi có rất nhiều loại như sừng hươu, dáng tùng... Trước đây, nấm linh chi bonsai có xuất xứ từ Hàn Quốc và không dễ trồng ở Việt Nam, do vậy giá rất cao. Khoảng hai năm nay, giống nấm này đã được trồng thành công tại Việt Nam. Nhờ vậy giá cũng mềm hơn khi đến tay người yêu thích kiểng.
"Nhiều người quan niệm, linh chi sống lâu, màu sắc rực rỡ... gợi sự trường thọ, phát đạt nên mua về chưng dịp Tết. Những chậu nấm linh chi bonsai có giá phổ biến 300 nghìn đến 1 triệu đồng/chậu. Một số chậu nấm linh chi được tạo dáng độc lạ, nuôi trồng công phu còn có giá tới vài triệu đồng. Ưu điểm của loại nấm linh chi bonsai là được phối tạo tiểu cảnh mang lại sự độc đáo riêng biệt. Tuổi thọ của cây từ 3 đến 5 tháng. Sau khi cây chết, chúng sẽ khô dần nhưng vẫn giữ được dáng bon sai như cũ", chị Đào cho biết.
Theo Tienphong
Thịt lợn tăng giá cao, bánh chưng nhân cá hồi đắt khách Bánh chưng nhân cá hồi thay thế nhân thịt lợn đang được rất nhiều khách săn lùng cho dịp Tết 2020. Dù giá bán mỗi cặp bánh chưng này gần nửa triệu đồng. Chiếc bánh chưng nhân cá hồi vẫn đảm bảo vẻ ngoài và hương vị truyền thống Bánh chưng nhân cá Bánh chưng nhân cá hồi thay thế nhân thịt lợn...