Làng săn cá mập trên biển ở Khánh Hòa
Nghề săn cá mập trở thành “cần câu cơm” của các ngư dân ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa bao đời, giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Những ngày cận Tết, tàu thuyền của ngư dân làng biển Thủy Đầm (phường Ninh Thuỷ) – nơi nổi tiếng nghề câu cá mập – cấp tập trở về bờ đón xuân.
Là một trong những thợ săn lành nghề, khá nổi tiếng ở địa phương, ông Trương Quốc Bảo (47 tuổi) kể, năm 14 tuổi đã theo cha đi biển. Hồi ấy, trên những tàu gỗ ông chỉ khiêng cá, phụ việc nấu ăn, rồi dần dà trở thành người thợ săn cá mập.
Nghề câu cá mập không theo mùa, thợ săn đi trên các con tàu. Quanh năm họ bám biển bất chấp mùa mưa bão. “Hơn 30 năm qua, tôi ở biển còn nhiều hơn đất liền, chỉ ở nhà đôi ba bữa Tết rồi lại ra khởi”, ông nói.
Cá mập do ngư dân Thủy Đầm câu được trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng, nên chủ tàu phải dự trữ nước ngọt, lương thực, thực phẩm cùng hơn chục tấn dầu. Ngư cụ để bắt cá là bộ giàn câu với nhiều bọc câu; trong các bọc đấy có nhiều sợi cước to như đầu đũa, được buộc chặt với hàng nghìn lưỡi câu.
Cá mập xuất hiện nhiều trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và có đặc tính di cư theo dòng nước. Chúng thích các mồi tươi sống, như mực, cá mú, cá giò… “Mồi bén thì càng dễ chinh phục được cá mập, nên khâu chuẩn bị mồi rất quan trọng”, ông Bảo chia sẻ và cho biết, nếu mồi chết lâu ngày, bốc mùi cá không cắn câu.
Theo ông Bảo, khoảng cách từ Thủy Đầm đến đấy bằng đường biển khoảng ba ngày đêm. Trước lượt câu, thợ săn sẽ ngụp lặn độ sâu chừng 10 m để bắt mồi, cho vào khoang tàu dự trữ.
Lúc đã đủ mồi cho khoảng ba lượt câu, tàu vượt sóng đến vùng nước sâu, nơi nhận định cá mập xuất hiện. Khoảng 14h, khi giàn câu đã được gắn mồi, các thợ săn sẽ rải xuống biển, dài hơn 20 lý và phải mất gần 5 giờ để hoàn thiện thao tác.
Những ngày cận Tết, ông Bảo nghỉ biển ở nhà đón xuân cùng gia đình. Ảnh: Xuân Ngọc.
Video đang HOT
Rạng sáng hôm sau, ngư dân bắt đầu thu câu. Cá mập khi đưa lên bờ đa phần đã chết. Tuy nhiên, một số con lớn vẫn còn sống, vùng vẫy rất hung tợn.
Các thuyền viên phải dùng cẩu tời mới kéo cá lên được, rồi dùng cây sắt đâm vào lưng cho chết. Tại boong tàu, cá phải cắt ngay vây (vi) để bảo quản riêng, thân cá cho xuống hầm muối đá. Như thế, cá mới được tươi, bảo quản lâu và không bị hỏng.
Đến chiều, xong mẻ cá vừa giăng, mọi người dọn dẹp, ăn uống rồi nghỉ ngơi. Hôm sau, họ tiếp tục hành trình, cứ thế nghề câu cá mập theo đuổi các ngư dân năm này qua tháng nọ, bất kể nắng mưa. “Người đi biển ngoài kinh nghiệm cần có sức khỏe và chịu khó, nếu không bỏ cuộc giữa chừng”, người đàn ông làn da đen nhẹm nói.
Mỗi chuyến tàu ông Bảo bắt được 6-7 tấn cá. Có lần tàu ông bắt cá mập đến 400 kg, mọi người vật lộn gần một tiếng mới đưa được lên boong tàu, xử lý xong thu được khoảng 15 kg vi.
Rong ruổi hơn 30 năm trong nghề, hiện ông Bảo dựng được ngôi nhà khang trang và sắm được ba tàu composite trị giá gần 20 tỷ đồng. “Mình phải đầu tư làm nghề, vì đi xa mới có kinh tế vững và theo nghiệp ông cha”, ngư dân tâm sự.
Trong khi đó, ngư dân dân Phan Quang (54 tuổi) nói rằng, không nhớ rõ nghề săn cá mập có từ khi nào. Với dân làng chài, người đi trước truyền nghề cho người sau. Gia đình ông có hơn ba đời câu cá mập. Với ông, nghề này lắm hiểm nguy, phải đánh cược sinh mạng khi quanh năm ở trên biển.
Ông nhớ lại, có lần cùng các thuyền viên câu cá mập tại ngư trường Hoàng Sa, bất ngờ một tàu lớn xuất hiện. Nhiều người trên tàu áp sát, giương súng uy hiếp, khiến ông và các thuyền viên hoảng sợ, không dám phản kháng. Đợt đó, họ lấy đi toàn bộ tài sản cùng cá trên tàu trị giá khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài ra, các thợ săn phải đối mặt với sóng biển, những đợt chạy trú tránh bão, hoặc có người rơi xuống biển mất mạng vì bị dây câu cuốn.
Ông Quang kể lại những giây phút đối mặt hiểm nguy trên biển khi đi câu cá mập. Ảnh: Xuân Ngọc.
Trong đợt đi biển cùng em trai, ông Phan Văn Kim câu được cá mập nặng hơn 500 kg. Con cá miệng rộng ngoác, hàm răng sắc nhọn. Khi ông Kim hì hục dùng cẩu kéo lên tàu, không may bị cá mập cắn vào tay, vết thương sâu khiến mất nhiều máu. May mắn, trên tàu đủ dụng cụ y tế để sơ cứu, nên ông bảo toàn được tính mạng.
“Nguy hiểm, nhưng nghề câu cá mập với đã nuôi sống gia đình chúng tôi, con cái học hành đến nơi đến chốn, xây được nhà cửa khang trang. Cuộc sống mà, phải có vất vả, kể cả đổ máu mới được thụ hưởng”, ông bày tỏ.
Trong đợt đi biển cận Tết của hai năm trước, tàu ông câu được 20 tấn cá mập. Về bờ, bán được hơn tỷ đồng, khiến các thuyền viên phấn khởi, chia ra mỗi người vài chục triệu. “Năm đó, chúng tôi ăn Tết lớn, sắm sửa mọi thứ trong nhà nên ai nấy đều vui”, ông tâm sự.
Bà Phan Thị Thu, người chuyên thu mua cá mập ở phường Ninh Thủy cho hay, hiện vi cá mập cỡ lớn được thương lái giá 1,7 triệu đồng một kg; cá mập chuối, mập đầu búa, mập mèo có giá 500.000 – 800.000 đồng một kg.
Thị trường cá mập thường được các công ty ở TP.HCM, Nha Trang thu mua sau đó bán cho Trung Quốc, Nhật Bản. Cá mập lớn thì cước (sợi gân cá) nhiều, giá được cao. Khi có thuyền về, sẽ có xe đông lạnh cập vào tận nơi để thu mua.
Theo Nghiệp đoàn nghề cá Ninh Thủy, hiện địa phương có hàng chục tàu câu cá mập. Mỗi lần đi, tổ đội có từ 4 đến 5 chiếc thành một đội để dễ dàng hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn trên biển.
Theo Xuân Ngọc (VnExpress)
Ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 8.413 tàu với khoảng 33.000 lao động tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản... Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các lực lượng chức năng trong tỉnh, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt đã giảm đáng kể...
Công an huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh thu giữ các phương tiện đánh bắt thủy sản trái phép. Ảnh: Internet
Xử phạt 9,5 tỷ đồng
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc đánh bắt thủy sản.
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh và các đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường lực lượng, tổ chức phương tiện tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với tàu có hành vi vi phạm trong việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành thủy sản đã tổ chức bám biển 24giờ/ngày, tăng cường hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ; lực lượng chức năng và các địa phương cũng tăng số chuyến, số lượt tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cũng đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ các địa phương, ngư dân. Đến nay, đã nhận được gần 200 tin báo. Qua đó, đã xử lý và ngăn chặn nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt 9,5 tỷ đồng; tịch thu 415 kích điện; 55 súng điện; 6.195m dây điện; 55 bình ắc quy; 213 máy nén khí; 18.405m ống dẫn khí; 6.211 lồng bát quái...
UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, so với năm 2016, kết quả xử lý vi phạm trong toàn tỉnh đã tăng 2,9 lần; số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước tăng 4,6 lần. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.
Đảm bảo đời sống cho ngư dân
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với việc tăng cường lực lượng kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi bị cấm, tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân; xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ phù hợp với thực tiễn. Nếu ngư dân không chuyển đổi nghề sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển đổi ngư cụ đánh bắt để đảm bảo đời sống.
Đến nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu thực tế, đào tạo nghề cho những ngư dân muốn chuyển hẳn sang nghề khác. Đối với những ngư dân vẫn muốn bám biển, ngoài vận động quay về nghề lưới truyền thống sẽ động viên ngư dân tham gia tổ hợp tác để cùng góp vốn đóng tàu tiếp tục vươn khơi xa đánh bắt.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, bổ sung thêm đối tượng và lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và hộ gia đình tham gia chuyển đổi nghề phù hợp...
Đây sẽ là cơ sở, là tín hiệu vui để ngư dân có thể yên tâm chuyển đổi nghề, đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên của vùng biển Quảng Ninh.
Trọng Tài
Theo bienphong
Đà Nẵng: Quá tải khu neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão Có thể nói Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) có rất nhiều ưu điểm về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến, dịch vụ thương mại nghề cá, thủy hải sản. Là cảng lớn ở khu vực miền Trung, tàu thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình...