Làng quê vắng bóng thanh niên: Một xã có tới 2.700 người xuất ngoại
Một số làng quê tại tỉnh Hà Tĩnh đã dần vắng bóng những thanh niên, người đang trong độ tuổi lao động. Lý do họ bỏ quê do việc làm tại chỗ chưa thể đáp ứng với số lượng lớn lao động.
Những ngày cuối năm, phóng viên Báo NTNN về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – nơi vẫn được mệnh danh là “ làng xuất ngoại”. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, nhưng cuộc sống nơi đây đìu hiu, chỉ thấy bóng người già và trẻ nhỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những thanh niên trai tráng trong làng đều rời quê đi làm ăn xa, mang theo khát vọng “đổi đời”. Ở làng, chỉ còn lại phần lớn người già, phụ nữ và những đứa trẻ…
Bà Nguyễn Thị Nhỏ (SN 1965, trú tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián), chia sẻ: “Con cái đi làm ăn xa, phụ nữ như tôi cũng phải ra đồng cày bừa như đàn ông, phải làm cho kịp thời vụ. Cả làng toàn phụ nữ ra đồng, không làm thì ai làm cho. Địa phương việc thì không có, gia đình vài ba sào ruộng làm ít bữa là xong, nhà có điều kiện thì cho con đi Tây, không có điều kiện thì vào Nam làm công ty, chứ ở nhà là hư hỏng hết. Cũng mong Nhà nước có giải pháp, giúp con em địa phương có việc làm để khỏi phải tha phương làm ăn”.
Chồng, con đi làm ăn xa, bà Nguyễn Thị Nhỏ (thôn Nam Sơn, xã Cương Gián) phải một mình ra đồng làm việc. (ảnh: Lê Tập)
Video đang HOT
Bà Hoàng Thị Mai (SN 1965, trú tại thôn 9, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) cũng chia sẻ: “Gia đình có 5 đứa con, giờ học hành xong rồi, cũng phải vay phải mượn cho con đi làm ăn. Quanh quẩn ở quê việc làm không có, chi tiêu thì nhiều, con cái cũng phải xa bố mẹ để làm ăn”.
Người dân cho biết, thanh niên tại địa phương, trừ những người đang đi học thì phần lớn đã bỏ làng đi tới các thành phố lớn, các khu công nghiệp để làm việc. Một số lại chọn đi du học, xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc một số nước châu Âu. Những người học giỏi, có chuyên môn cao cũng ly hương để tìm cơ hội phát triển.
Ông Hoàng Huy Công (SN 1968, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân), ở nhà bám đồng ruộng, chăm sóc cháu để vợ chồng người con trai đi xuất khẩu lao động. Họ mong muốn những người con của mình không phải sống cảnh “tha phương cầu thực”. Lý do con cái của họ phải xa quê là vì tại địa phương thiếu việc làm nên mong muốn lớn nhất của ông là trên quê hương có nhiều công ăn, việc làm cho người dân, để họ không phải bỏ quê đi tìm kế mưu sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết: “Toàn xã có khoảng 2.700 người đi xuất khẩu lao động sang các nước như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, một số nước châu Âu”.
Theo ông Thanh, việc con em trong xã đi xuất khẩu lao động, đời sống vật chất được nâng cao. Tuy nhiên, ở làng quê chỉ còn người già và trẻ con, người dân cũng không còn mặn mà với làm nông nghiệp. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ có phương án cụ thể, kêu gọi con em về đầu tư xây dựng quê hương, kinh doanh dịch vụ, phát triển làng nghề, các mô hình sản nông nghiệp tại địa phương.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2019, tại địa phương này có 41.790 người di cư. Thực trạng này đang làm ảnh hưởng tới chất lượng dân số, gây tác động bất lợi đối với việc phát triển kinh tế của các địa phương.
Theo Danviet
Xuất khẩu lao động "chui"
Tại diễn đàn Quốc hội, trong phiên họp về công tác phòng, chống tội phạm, nhiều đại biểu tỏ ý kiến lo ngại về tình trạng người Việt Nam xuất khẩu lao động trái phép ra nước ngoài, đồng thời đề xuất các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này, đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.
ảnh minh họa
Nếu như không có vụ 39 người chết trong xe tải tại Anh gây chấn động thì hẳn là những đối tượng tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn tiếp tục công việc "thường nhật" của mình. Cần nhìn thẳng vào đây để có những biện pháp trước mắt và lâu dài hạn chế và chấm dứt tình trạng này mà động tác đầu tiên là siết chặt quản lý, kịp thời phát hiện đường dây tội phạm, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhiều hơn nữa.
Sự thật là công tác quản lý nhân khẩu của địa phương chưa chặt chẽ, để người dân của mình tự tìm cách đi ra nước ngoài kiếm sống bằng con đường bất hợp pháp. Vì thế, nhiều người đã ra đi trót lọt, ngay cả khi bị nước sở tại phát hiện, trục xuất về nước thì họ cũng không bị xử lý nghiêm. Nhiều người đi xuất khẩu bằng con đường hợp pháp, hết hạn trốn ở lại làm phương hại đến chính sách ngoại giao nhưng hầu như chính quyền bất lực trước hiện trạng này.
Ở các địa phương gần biên giới phía Bắc, rất nhiều người sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp, trốn chui, trốn lủi trong các công xưởng, nhà máy. Mọi thứ thuộc về quyền con người của họ không được bảo đảm, đúng hơn, không có một bảo đảm gì về sức khỏe, sinh mạng cũng như tài sản. Việc đi làm thuê bất hợp pháp này trở thành phong trào và hầu như chính quyền địa phương coi như không biết, làm ngơ với mong muốn dân kiếm được tiền, cải thiện kinh tế gia đình.
Không thể nói không biết hoặc bây giờ mới biết khi chỉ một xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh có đến hơn một nghìn người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, tạo nên những địa danh "làng xuất khẩu lao động". Vấn đề là ở chỗ, chính quyền địa phương có thực sự muốn ngăn chặn lại tình trạng này không khi tính mạng của công dân mình bị đe dọa, đánh cược cả mạng sống lẫn tiền của để ra nước ngoài kiếm tiền bất hợp pháp.
Thời gian gần đây, lực lượng Công an đã ra tay đánh mạnh vào các tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo, bán đất dự án "ma", cho vay nặng lãi,... Nếu kịp thời hơn thì đã tránh được việc nhiều người bị mất tiền oan, gây nên những bất an trong xã hội. Đối với các đường dây đưa người đi nước ngoài cũng nên vậy, cần phải được khám phá, xử lý nghiêm, triệt để./.
Nhị Ngọc
Theo baophapluat
Vụ 39 người tử vong ở Anh: Nghệ An triển khai phương án xấu nhất Chiều nay (30/10), Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai các phương án xấu nhất có thể xảy ra để tiếp nhận thi thể các nạn nhân là người Nghệ An (nếu có) trong vụ 39 người tử vong trong xe container ở Anh. Chiều 30/10, trao đổi...