Làng quê rúng động vì tin đồn cả xã hành nghề ‘nhạy cảm’
Những ngày qua, không khí xã Nga Thạch, Thanh Hóa rộ lên lời bàn tán, đồn thổi về chuyện những người phụ nữ nơi đây bỏ quê lên phố làm nghề mại dâm.
Từ thông tin thất thiệt này, không ít gia đình lâm vào tình trạng “khủng hoảng”, nhiều đứa trẻ sợ đến trường vì bạn bè dèm pha. Một không khí nặng nề, u ám bao trùm cả xã mà trước đây khá bình yên … Chúng tôi đã tìm về xã Nga Thạch để tìm hiểu sự thật.
Con đường nhựa phẳng lì dẫn vào xã Nga Thạch rất khang trang bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố san sát. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến đó là người dân ở đây tỏ ra e dè, sợ hãi khi gặp khách lạ. Chính vì vậy, gặp ai, hỏi ai chúng tôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời “nhát gừng”, thậm chí là hậm hực: “Nhà báo à? Đi chỗ khác mà hỏi”. Bất ngờ trước thái độ khó chịu của người dân, chúng tôi quyết định tìm đến chính quyền xã để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Một góc làng ở xã Nga Thạch
Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng công an xã ngán ngẩm: “Gần đây xã chúng tôi bị gán cho một cái tin là làng hành nghề không lành mạnh. Nghe đâu có nhà báo nào đó có tìm hiểu viết bài về vấn đề này nhưng lại viết không đúng.
Thật sự, chẳng hiểu họ lấy thông tin của ai, số liệu ở đâu, hay chỉ là ngồi một chỗ để tưởng tượng rồi viết rằng xã tôi là xã vắng bóng đàn bà. Không những thế, họ còn bảo rằng những người phụ nữ ở đây ra phố toàn làm nghề “nhạy cảm”. Chính vì vậy, cả xã mang tiếng mà không ít gia đình đã gặp phải sóng gió…”.
Chứng minh cho điều mình vừa nói, ông Xuân cung cấp hàng loạt số liệu: Từ một xã thuần nông, đất đai cằn cỗi vì nhiễm mặn, xã ven biển Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước thoát nghèo, với những mô hình phát triển kinh tế điển hình trong toàn huyện.
Từ những đầm nước mặn mênh mông, người dân phải chạy ăn từng bữa thì nay, Nga Thạch đã có nhiều nhà cao tầng kiên cố, mô hình kinh tế VAC được phát huy triệt để và có nguồn thu từ lực lượng lao động ngoại tỉnh là tương đối lớn.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng công an xã Nga Thạch
Để xây dựng quê hương phát triển như hiện nay, phần quyết định chủ yếu là những người đi làm ăn xa. Thế nhưng, chính cái lợi thế này lại là nguyên nhân dẫn đến lời đồn ác ý kia. Theo như lời đồn, xã Nga Thạch hiện nay có khoảng 400 – 500 phụ nữ đang hành nghề mại dâm trên thành phố.
Thế nhưng, chị Mã Thị Thùa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: “Hiện nay, số chị em đang đi làm ăn xa chỉ khoảng trên dưới 100 người. Mọi người thường đi cùng bố mẹ, chồng, hoặc anh chị em lên thành phố buôn bán, giúp việc, hoặc làm kỹ thuật viên tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe Hương Sen (Bệnh viện Châm cứu Trung ương). Có lẽ chính vì họ nghĩ làm ở Trung tâm Hương Sen là “nhạy cảm” nên mới nói như vậy”.
Không ít những gia đình mà vợ chồng, anh em, chị em, mẹ con đều làm việc tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe. Đang lụi cụi dọn dẹp lại đống cát bị vương vãi từ ngôi nhà 2 tầng khang trang chuẩn bị hoàn thiện, bà Phan Thị Hằng ở xóm 1, xã Nga Thạch cười tươi: “Đây là ngôi nhà của thằng Nguyên, giờ hai vợ chồng nó đều làm ở cơ sở Trung tâm xoa bóp bấm huyệt Hương Sen, có thu nhập cao và rất ổn định, chế độ đãi ngộ lao động ở đây cũng rất tốt nên rất yên tâm. Những ngày mùa vụ, vợ chồng nó lại xin nghỉ phép về quê, làm mùa xong lại lên Hà Nội làm tiếp…”.
Bà Hằng kể: “Vậy mà thời gian qua, có thông tin bóng gió cho rằng, mấy người làm massage ở Hà Nội phấn son lòe loẹt, còn mắc bệnh xã hội này nọ thì oan cho họ quá, tôi sống ở đây lâu năm tôi biết, làm gì có chuyện đó”.
Anh Mai Văn Tuấn, 35 tuổi ở xóm 3 cũng có vợ đang làm ở Hương Sen chia sẻ: “Vợ tôi đang làm ở trung tâm xoa bóp bấm huyệt, tôi luôn hiểu và trân trọng công việc của vợ tôi bởi chính tôi cũng đã từng có thời gian dài làm bảo vệ tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt. Tôi hoàn toàn tin tưởng vợ tôi bởi tôi hiểu văn hóa, và đạo đức nghề nghiệp của Trung tâm”.
Nhiều làng ở Nga Thạch giàu lên nhờ những lao động đi làm việc ở nơi khác góp tiền về xây dựng quê hương
“Thực tế, trong những năm qua, Nga Thạch không có tội phạm, chỉ có 9 trường hợp bị phạt hành chính. Trạm y tế xã cũng thống kê không ai bị bệnh xã hội. Những thông tin bịa đặt vô căn cứ, làm ảnh hưởng đến thành quả giữ gìn an ninh trật tự của địa phương trong nhiều năm qua”.
Theo ông Xuân, hiện nay, xã Nga Thạch có 725 lao động đi làm ăn xa và lực lượng này đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế hộ gia đình. Họ thường phân theo các nhóm lao động, chủ yếu là tại miền Nam và Hà Nội, công việc chủ yếu là công nhân may, thợ cơ khí, công nhân thu hoạch cà phê, điều…
Trường Dương
Theo Infone
Làng quê không yên ả: Phải quyết liệt vào cuộc
Ngông cuồng, đó là từ mà người dân thôn Phú Mỹ nói về nạn côn đồ lộng hành. Cả thôn luôn trong tình trạng báo động. Loa phóng thanh thông báo liên tục. Kẻng báo động treo sẵn sàng vang lên...
Cháu Nghĩa (bên phải) - 1 nạn nhân bị chém đứt gân tay
Những nạn nhân bất đắc dĩ
Trong cuốn sổ của mình, ông Phú đã liệt kê những vụ đình đám nhất xảy ra trong khoảng chục ngày cuối tháng 2. Theo những thông tin từ cuốn sổ này thì từ giữa tháng 2, một nhóm thanh niên thôn Bạch Trữ khoảng 30-40 đối tượng đi xe máy ầm ầm kéo vào làng lùng sục kẻ thiếu nợ. Lùng chán chê không tìm được con nợ, nhóm này dừng lại trước cổng nhà anh Lỗ Văn Thực. Ông Phú nhớ lại: "Lúc đó khoảng 9h tối. Nhà anh Thực có giỗ nên khá đông người. Bực tức vì không tìm được đối tượng, nhóm thanh niên này trút giận bằng một cơn mưa gạch vào thực khách của gia chủ. Chỉ đến khi ném mỏi tay và thấy đối phương van nài mỏi miệng, đám côn đồ mới hả giận bỏ đi". Ngay sau đó, việc này được ông Phú trình báo với Công an xã, nhưng sự việc không dừng lại.
Nạn nhân tiếp theo của nhóm côn đồ chính là cháu Lưu Tuấn Nghĩa (18 tuổi) ở xóm 5 thôn Phú Mỹ, cháu ruột của trưởng công an xã. Tối 20-2, sau khi ôn bài cháu Nghĩa đi bộ trên đường làng thì đột nhiên bị hai thanh niên bịt mặt phóng xe máy tới rút dao tông chém thẳng vào người. Quá hoảng sợ Nghĩa bỏ chạy vào một nhà dân gần đó. Thấy cháu Nghĩa chảy máu xối xả, mọi người hô hoán đưa cháu đi cấp cứu. Lúc này, những kẻ thủ ác đã rồ ga bỏ chạy. Hậu quả là Nghĩa bị mẻ xương, đứt gân tay phải khâu 9 mũi. Hôm chúng tôi vào thăm Nghĩa, nhà cháu vẫn khóa chặt cửa dù là ban ngày. Tối 23-2, hai thanh niên đi xe máy, mặc áo quần đen tấn công anh anh Lê Văn Thái, xóm 11. 8h tối anh Thái đi xe máy chở 1 tấm côp-pha về nhà thì bất ngờ bị hai thanh niên đi xe bịt mặt vọt lên từ phía sau rút gậy nhằm thẳng đầu bổ xuống. Biết là gặp phải bọn côn đồ nên anh Thái quẳng xe vừa chạy vừa kêu cứu. Khi dân làng có mặt thì những tên côn đồ mất hút. Cũng trong buổi tối hôm đó, nhóm côn đồ đã tấn công hai cô gái khác tên Lan và Thủy người cùng thôn khi hai người này đang đi ra đường mua thẻ điện thoại.
Đêm 27-2, anh Nguyễn Văn Chỉnh - một cư dân ở xóm 5 thôn Phú Mỹ lúc đó đang đánh dậm ngoài ruộng đã bị chúng vác dao đuổi trối chết. Rất may, nhờ có hồ nước lớn nên anh Chính đã lội qua và gọi điện cho người nhà ra cứu nên mới thoát thân về được đến làng. Nhận đuợc tin báo lực lượng CSCĐ tuần tra gần đó lập tức có mặt và bắt đuợc 2 đối tượng đang lang thang trên đường tỉnh lộ 308 có tàng trữ hung khí trong người
Tối 29-2, như thường lệ, trưởng thôn Trần Văn Phú đi một vòng quanh làng kiểm tra không thấy động tĩnh gì liền quay về. Thế nhưng, vừa về đến cửa thì thấy cả thôn xôn xao, tiếp đó là tiếng hô hoán ầm ĩ. Chạy vội ra xem sự tình, ông Phú bàng hoàng khi thấy khoảng 10 chiếc xe máy chở theo nhiều đối tượng đang truy đuổi một người. Người đàn ông xui xẻo này là ông Nguyễn Văn Chí (54 tuổi) cán bộ thủy nông của thôn. Đêm đó, ông Chí ra ruộng. Trên đường đi gặp bọn côn đồ, dù đã giải thích "tôi già rồi, đi đón nước vào ruộng" nhưng chúng chẳng thèm đếm xỉa.
Anh Thái với phim chụp vết thương do bị côn đồ tấn công
Cần những biện pháp mạnh
Trước sự lộng hành quá đáng của bọn côn đồ, công an xã Tự Lập đã phải vào cuộc quyết liệt. Ngoài việc liên tục thông báo trên loa phát thanh nhằm cảnh báo người dân, hàng đêm 100% lực lượng công an xã phải chốt chặn, tuần tra trên mọi ngõ ngách trong thôn Phú Mỹ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, nên công an xã cũng không thể quản lý 24/24 mọi cung đường liên xã.
Ông Trần Văn Khánh, phó chủ tịch xã thì bảo: "Với lực lượng hiện có công an xã sẽ không thể dẹp được bọn côn đồ. Chúng tôi đi tuần chỗ này, chúng lại chuyển sang chỗ khác. Có hôm chúng kéo nhau ra tỉnh lộ 308 vừa phóng xe vừa kéo lê những thanh tuýp nước hàn dao chọc tiết lợn xuống mặt đường tóe lửa. Thôn Phú Mỹ là địa bàn rất rộng với trên 1000 hộ dân, chiếm đến 2/3 số dân trong xã. Việc kiểm soát tình hình trong thôn không đơn giản". Trước tình trạng đó, xã Tự Lập đã cầu viện đến công an huyện Mê Linh. Sau khi nhận được yêu cầu từ xã Tự Lập, công an huyện Mê Linh đã tăng cường lực lượng CSCĐ về tuần tra, cắm chốt trên địa bàn thôn Phú Mỹ. Một tổ công tác của công an huyện cũng về làm việc với xã Tự Lập và xã Tiến Thắng để khoanh vùng và sàng lọc các đối tượng bất hảo sống trên địa bàn.
Để bàn biện pháp dẹp bọn lưu manh côn đồ, vừa qua UBND xã Tự Lập đã tổ chức một cuộc họp "bất thường" với lãnh đạo xã Tiến Thắng. Tham gia cuộc họp còn có lãnh đạo thôn Phú Mỹ và nhiều trưởng xóm. Nhiều biện pháp đã được đưa ra và sẽ phối kết hợp cùng tổ công tác công an huyện Mê Linh vào cuộc. Hôm chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Tự Lập, tổ công tác công an huyện vẫn đang làm việc với công an xã. Rất nhiều đối tượng cộm cán đã nằm trong tầm ngắm của công an.
Theo ANTD
TP.HCM: "Xử lý lãnh đạo nếu phát hiện nghề nhạy cảm" "Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố nếu xảy ra tệ nạn tại các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm. Nếu thấy cần thiết có thể thay cán bộ". Thay mặt Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP đã nhấn mạnh như trên tại buổi họp đánh giá kết...