Lãng phí hàng trăm nghìn bộ SGK lớp 1?
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tuyên bố, việc hợp nhất 2 bộ sách giáo khoa (SGK) không ảnh hưởng việc dạy và học.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên, nhà trường cho rằng, bộ sách chỉ ra đời một năm rồi “bốc hơi” nên ít nhiều gây xáo trộn, thậm chí lãng phí công sức, tiền bạc.
Bộ sách Vì sự bình đẳng trong giáo dục vừa ra đời 1 năm đã “chết yểu”
Mất công
Giới thiệu về SGK lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022, khác với năm ngoái có tới 4 bộ sách, năm nay NXB Giáo dục Việt Nam chỉ đưa ra 2 bộ, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo . Đơn vị này lý giải, đã hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ để tập trung nguồn lực.
Theo đó, có 2 bộ sách vừa chào đời được 1 năm từ lớp 1 đã bị hợp nhất, gồm Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực.Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng chương trình, SGK mới, khi đó Bộ GD&ĐT phê duyệt 5 bộ sách, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ đưa về các địa phương giới thiệu. Họ đọc từng bộ sách, thành lập hội đồng, bỏ phiếu quyết định lựa chọn bộ sách nào phù hợp với địa phương mình.
Bà Nguyễn Thị Phương N., Trưởng Phòng GD&ĐT một địa phương (đề nghị không nêu tên), cho rằng, khi giao cho các trường nghiên cứu 5 bộ sách để lựa chọn bộ phù hợp nhất dạy học sinh, nhiều trường đã chọn bộ Cùng học để phát triển năng lực.
Video đang HOT
Trước khi triển khai dạy học ở các trường, ngoài SGK, tài liệu giáo viên, video bài mẫu, tập huấn chung từ Bộ GD&ĐT, NXB, địa phương phải tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn riêng để giải đáp băn khoăn của giáo viên. “Đến thời điểm này, khi giáo viên đã dần quen với bộ sách, học sinh cũng đáp ứng tốt thì hay tin bộ sách sẽ không xuất bản trong năm tới. Năm học mới cận kề, mình cảm thấy hoang mang, rối bời vì đã đổ nhiều thời gian, công sức vào đó”, bà N. nói.
Ông Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, năm ngoái, trường chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực. “Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, nhà trường chọn bộ sách đó hy vọng bộ sách sẽ đi theo học sinh, thầy cô từ lớp 1 đến lớp 5 để đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt. Còn lớp 1 dạy một bộ, lớp 2 dạy bộ khác thì dù học sinh vẫn hoàn thành phần “cần đạt”, nhưng giáo viên sẽ phải tập huấn, nghiên cứu lại bộ sách khác vất vả hơn”, ông Hợi nói.
Mất của
Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho rằng, năm học 2021-2022, hai bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực không còn từ lớp 2, các địa phương không chọn tiếp tục dạy từ lớp 1 nên sẽ lãng phí nhiều bộ SGK đã chọn. Học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn tận dụng SGK lớp trước cho học sinh lớp sau học lại. Nhiều trường vẫn xây dựng tủ sách dùng chung, sau mỗi năm học lại huy động sách cũ để học sinh khóa sau sử dụng.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, nói rằng, dù năm nay có đổi sang bộ sách khác, các trường cũng không gặp nhiều khó khăn vì năm ngoái, Sở yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ cả 5 bộ sách. “Thư viện các nhà trường cũng được trang bị đủ tất cả các đầu sách để giáo viên có tài liệu tham khảo, nghiên cứu. Giáo viên được tập huấn chung về đổi mới chương trình, SGK”, bà nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu thống nhất được một bộ sách từ đầu đến cuối cấp học thì sẽ tốt hơn vì đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt.Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nói rằng, thầy cô luôn mong muốn bộ sách mới cùng một NXB sản xuất sẽ theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Giáo viên nói lãng phí, chuyên gia đề xuất bỏ
Nhiều chuyên gia và giáo viên đều cho rằng, nếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có hiệu quả chuyên môn thì nên bỏ để tránh lãng phí tiền bạc.
Giáo viên phổ thông đang đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, làm căn cứ tham gia các kỳ thi nâng hạng, giữ hạng giáo viên. Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ nên bỏ loại chứng chỉ này để giảm tải, tránh lãng phí, tốn kém cho giáo viên.
Thầy Lê Xuân Trung, hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên nên áp dụng với bộ phận quản lý thay vì giáo viên chuyên môn. Hiện điều giáo viên quan tâm nhất là việc học chứng chỉ này có giúp ích cho công việc chuyên môn hay không, còn học chỉ để làm đẹp hồ sơ thì nên bỏ.
Đối với đội ngũ giáo viên, để được đứng lớp họ phải trải qua các kỳ thực tập, thực tế, được trau dồi kiến thức ngay từ thời sinh viên. Khi về cơ sở giảng dạy, thầy cô cũng thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn thực tế. Do đó việc bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải thực sự mang đến hiệu quả, nếu không chỉ giúp trung tâm đào tạo trục lợi, gây lãng phí không đáng có cho giáo viên.
Giáo viên tại các địa phương đang đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên tại Lào Cai vừa bỏ khoản tiền kha khá tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Vì việc học không đem lại hiệu quả chuyên môn nên cô Minh và các đồng nghiệp mong mỏi Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu, đánh giá về sự cần thiết của loại chứng chỉ này.
Theo quy định, để nâng từ hạng III lên hạng II, cô Minh phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng II. Như vậy cô phải mất 2 lần học với số tiền học phí tương đương khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó nếu thăng hạng, lương cũng chỉ tăng thêm được 30.000 đồng/ tháng, không hấp dẫn đối với giáo viên.
Cô Minh tâm tư: "Khi tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tôi thấy không giúp ích được gì cho công việc chuyên môn. Bởi 11 chuyên đề thì chúng tôi đều được học và tập huấn trước đó. Do vậy loại chứng chỉ này là quy định rườm rà, gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho giáo viên. Vì thế giáo viên vùng cao đều mong mỏi Bộ nghiên cứu, đánh giá để giảm tải áp lực cho chúng tôi".
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những bất cập của lộ trình trả lương theo vị trí việc làm, bởi cơ quan quản lý đã áp dụng chung công thức cho tất cả ngành nghề.
Khi triển khai luật viên chức phải phù hợp với thực tiễn, không thể bắt một giáo viên công tác 10, 20 năm, chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ để chuẩn hồ sơ, hợp quy định.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Một số nội dung được thiết kế để bồi dưỡng nhà quản lý chứ không phải dành cho giáo viên. Trong khi đó, các chuyên đề chồng chéo, được lắp ghép sáo rỗng, khuôn mẫu. Về học phí đào tạo, giáo viên cũng phải bỏ tiền túi để đi học trong khi lương của thầy cô không cao.
"Giáo viên khi tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đều cảm thấy không cần thiết vì kiến thức không mới, học vài ngày là được cấp chứng chỉ, học xong cũng không đọng lại được điều gì. Như vậy quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thực sự cần thiết?" , ông Hoàng Ngọc Vinh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định về loại chứng chỉ này để tránh gây lãng phí, tốn kém cho thầy cô.
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, giáo viên vốn đã nghèo nay phải bỏ ra số tiền 2-3 triệu đồng để đi học một loại chứng chỉ nghề nghiệp mà không giúp nâng cao chuyên môn là điều bất cập.
Bản thân giáo viên muốn đứng lớp phải trải qua 4 năm học đại học. Hàng năm họ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Sở, Bộ thì không có lý do gì không đủ điều kiện để đi dạy học.
"Tại sao lại bắt giáo viên phải đi học loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong khi họ đang là giáo viên? Như vậy có phải quá hình thức và thừa thãi hay không?" , GS Dong đặt câu hỏi.
Theo nhiều chuyên gia khác, giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm, được đào tạo bài bản, toàn diện, đủ điều kiện để đi dạy, một số người có kinh nghiệp 20 năm, 30 năm đứng lớp thì không cần thêm chứng chỉ nghề nghiệp nào nữa.
Đến ngày 20/3, trùm thông tư 01, 02 và 03 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, trong đó quy định rõ về tiêu chuẩn giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nếu không có loại chứng chỉ này giáo viên sẽ không giữ được hạng, thăng hạng đồng nghĩa họ sẽ không được tăng lương. Vì thế từ nay đến cột mốc đó, giáo viên nhiều địa phương bắt đầu đổ xô đi học loại chứng chỉ nêu trên dù biết rằng việc học này chỉ là hình thức, học cho có.
Quảng Bình: Xã nghèo xây trường tiền tỷ rồi bỏ hoang Một địa phương còn nhiều khó khăn như xã Hồng Hóa, việc đề xuất xin xây dựng điểm trường không phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng khi xây dựng xong lại không sử dụng làm lãng phí ngân sách của địa phương, gây bức xúc cho người dân. Điểm trường mầm non Cầu Ròong, Trường Mầm non xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa...