Làng nuôi loài thú biết bay-”ngồi mát ăn bát vàng” ở An Giang
Một xóm nhỏ ven sông Hậu thuộc xã Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) từ lâu nổi tiếng với nghề dụ dơi về lấy phân bán. Những vị cao niên ở đây cũng không nhớ họ làm nghề này bao lâu, nhưng nhờ nó mà gần chục gia đình có cuộc sống đủ đầy. Và cái tên “ Xóm dơi” cũng bắt nguồn từ đó.
Mót của trời
Nhiều năm qua, những ai đi qua Quốc lộ 91 (đoạn xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thường thấy nhiều bảng treo “bán phân dơi” nhưng không biết nguồn phân từ đâu, bởi ven đoạn quốc lộ này không thấy có chuồng nuôi dơi nào. Còn với những cư dân ở “Xóm dơi”, có lẽ khí hậu ven sông mát mẻ khiến dơi về nhiều để rồi giúp họ có cái nghề hết sức độc đáo: dụ dơi lấy phân.
Ông Huỳnh Ngọc Bá – 89 tuổi- người có thâm niên nhất trong xóm làm nghề dụ dơi lấy phân, kể: “Hơn 70 năm trước, tại cây cầu đầu kênh trong xóm, dơi về bám dưới gầm cầu rất nhiều. Trong khi đó, hầu hết bà con xung quanh làm nghề nông, rất cần phân dơi bón cho cây trồng nên một người trong xóm nảy ra ý định lên Tịnh Biên (An Giang) mua lá thốt nốt về treo thử phía sau nhà dụ dơi….”.
Gia đình ông Bá có cuộc sống đủ đầy nhờ nghề dụ dơi về nuôi lấy phân bán. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Theo ông Bá, việc treo lá thốt nốt không ngờ khiến dơi chuyển từ dưới gầm cầu vào trốn trong các lá thốt nốt đông dần. Cứ thế chúng cho phân để lấy bón cho cây. Thời gian sau, một số hộ khác trong xóm cũng làm theo nên lượng phân lấy được quá nhiều, bà con bán lại cho những người xung quanh, dần dà hình thành nên nghề dụ dơi lấy phân tại cái xóm nhỏ này lúc nào không hay”.
Video đang HOT
Ông Bá cho hay, một chuồng dơi thường cao khoảng 6m, rộng 4m. Người thì tận dụng cây cao phía sau nhà che mái, gác cây treo lá thốt nốt để làm chuồng; một số hộ thì chọn cây gỗ loại tốt hoặc làm cột bê tông để dựng khung làm chuồng.
Do đặc tính của dơi thích sống tự do, nhạy cảm với người lạ, loài vật, côn trùng nên nơi làm chuồng phải thoáng mát, yên tĩnh. “Có lẽ vậy nên khi tôi và bà con trong xóm làm chuồng cạnh bờ sông mát mẻ, dơi về trú ngụ rất đông”- ông Bá nói.
Theo bà con tại “Xóm dơi”, để loài dơi chịu ở trong “nhà” do con người dựng lên, người làm nghề cần có những bí quyết riêng. Chẳng hạn, lá thốt nốt dùng để buộc trên trần của chuồng làm chỗ trú ngụ cho dơi, khi chặt về phải ngâm qua nước trước khi phơi nhằm diệt sạch ấu trùng kiến – “kẻ thù” của loài dơi.
Theo ông Bá, chi phí đầu tư một chuồng khoảng vài triệu đồng gồm cây, lá và tôn lợp phía trên. Lá thốt nốt thì treo 1 năm phải bỏ, tìm lá mới về thay.
Nói về kinh nghiệm nuôi dơi lấy phân, ông Bá cho biết, chuồng phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ, thường xuyên dọn chuồng, thay lá và giũ phân dơi còn sót lại. Để dơi không bị động ổ, phải sử dụng xen kẽ lá cũ và lá mới để dơi không cảm thấy lạ chỗ.
Đủ đầy nhờ nuôi dơi
Không tốn nhiều công sức, chi phí ban đầu bỏ ra ít nên dụ dơi về lấy phân bán được xem là nghề “ngồi mát ăn bát vàng”. Hiện nay, nguồn phân dơi trên thị trường khá khan hiếm, đặc biệt nhiều nhà vườn hay trại cây giống rất ưa dùng phân bón hữu cơ vì tính an toàn cao, lại giàu dinh dưỡng, có thể giúp cây trồng phát triển mạnh, có sức sống tốt thì phân dơi là lựa chọn hàng đầu. Chính những yếu tố đó đã giúp gần chục hộ tại “Xóm dơi” có cuộc sống đủ đầy như hôm nay.
“Hiện, gia đình tôi có 2 chuồng, mỗi ngày lấy 5 – 6kg phân bán với giá 60.000 đồng/kg. Tới đây, đến mùa mưa, muỗi nhiều thì lượng phân lấy được hằng ngày sẽ tiếp tục tăng lên. Trong xóm này, nhiều hộ vẫn canh tác ruộng, vườn nhưng nghề dụ dơi để lấy phân thì không thể bỏ được, bởi nhờ nó mà gia đình tôi và bà con sống khỏe. Như gia đình tôi, nguồn thu từ 2,5ha lúa mỗi vụ xem như để tích lũy” – ông Bá chia sẻ.
Còn ông Đinh Quang Trường, ở cạnh nhà ông Bá, cho biết gia đình ông cũng làm nghề dụ dơi về lấy phân đã lâu. Việc lấy phân và tiêu thụ được bà con tính toán kỹ, nhất là những tháng vào mùa rẫy do nhu cầu phân dơi nhiều trong khi đó lượng phân thu được của các hộ dân vào mùa nắng ít nên hầu hết bà con đều phơi khô, dự trữ chờ thương lái các tỉnh đến thu gom.
“Nhờ thế, giá bán phân dơi thường cao hơn, thu nhập cũng tăng lên. “Mỗi gia đình chỉ cần 1 – 2 chuồng là có thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. Như vậy, nguồn thu từ phân dơi bảo đảm đủ chi xài hằng ngày trong gia đình, còn nguồn thu khác từ lúa, vườn cây ăn trái thì dành dụm” – ông Trường nói.
Ông Bá cho biết để dơi về trú bền lâu, người nuôi cần có kinh nghiệm trong làm chuồng cũng như quá trình theo dõi đàn dơi. Nhà nào cũng nên mua dư lá thốt nốt phơi khô để sẵn, nếu lá nào hơi mục là thay liền, vì lá cũ bị hôi, dơi sẽ bỏ đi.
“Đặc biệt phải có cách để phòng rắn lục. “Thời gian qua, rắn lục sinh sôi nhiều làm bà con lo lắng, do đó cần phải thường xuyên theo dõi xử lý khi có rắn. Những cây gần chuồng cần được dọn dẹp, không để chúng chạm vào chuồng dơi. Chú ý có rắn là xử lý ngay, không để chúng làm kinh động đàn dơi” – ông Bá nói.
Theo Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
Lạ: Dụ dỗ dơi về ở để lấy phân, thu gần nửa triệu đồng/ngày
Hiện nay, nhiều người dân ở huyện Châu Phú - An Giang đã xây chuồng để dẫn dụ dơi muỗi về ở, lấy phân bán cho thương lái với giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg (loại phân được phơi khô).
Mô hình nuôi dơi lấy phân đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở An Giang
Mức giá này tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với một tháng trước đó.
Ông Huỳnh Ngọc Hóa ở ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú xây 2 chuồng nuôi dơi để lấy phân bán cho biết, mô hình xây chuồng nuôi dơi lấy phân rất đơn giản, ít chi phí mà mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày.
Thường chuồng nuôi dơi có chiều cao 6m, rộng 4m đặt nơi thoáng mát, yên tỉnh. Trong chuồng treo các lá thốt nốt làm nơi chú ngụ của dơi. Bình quân gia đình ông Hóa nuôi 2 chuồng dơi, mỗi ngày thu hoạch từ 6 - 8kg phân dơi đã được phơi khô có nguồn thu nhập từ 300.000 - 450.000 đồng/ngày.
Nhờ nuôi dơi lấy phân, nhiều gia đình ở An Giang có nguồn thu nhập khá mỗi ngày.
Theo ông Hóa, giá phân dơi hiện nay tăng là do đang mùa nắng, nguồn thức ăn của dơi không nhiều chính vì vậy dơi cho phân giảm hơn 60 - 70% so với mùa mưa nên sản lượng không đủ đáp ứng cho thị trường nhất là những người trồng hoa kiểng, rau màu, cây ăn trái... đang cần số lượng lớn loại phân này dẫn đến hút hàng.
Theo Lê Hoàng Vũ (Nông nghiêp Viêt Nam)
Nghề "làm bạn với hà bá": Rành chuyện "thủy phủ" hơn cảnh dương gian Trong "bách nghệ" có lẽ nghề thợ lặn được xem là bước đường cùng của dân sông nước. Với họ, cuộc mưu sinh là những tháng ngày ngụp lặn chốn sông sâu tăm tối, đối diện với nguy hiểm khôn lường với mong muốn sẽ có ngày thoát khỏi cái "nghiệp" của mình. Thư thả nhấp chén trà trưa, chậm rãi mở đầu...