Làng nuôi gà sách đỏ độc nhất ở Việt Nam
Chỉ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của xã Tiên Phong ( Duy Tiên, Hà Nam) nên từ lâu giống gà Móng quý có tên trong sách Đỏ Việt Nam được nuôi độc nhất ở xã này.
Chân gà Móng rất to. Ảnh: Văn Định.
Cận Tết, thương lái khắp nơi đánh xe về xã Tiên Phong để đặt mua gà Móng. Dẫn khách tham quan loại gà quý được nuôi rộng rãi trong xã, ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong giải thích, gà Móng là giống gà cổ thuần chủng, chân to, thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên). Vì thế giá gà Móng luôn cao, hiện gà thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg, trong khi gà ta thường chỉ 120.000 đồng.
“Năm 2003 trong một lần khảo sát thực trạng nuôi gà ở xã Tiên Phong, một cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã vô tình phát hiện ra giống gà khác lạ và sau đó đưa lên Viện Chăn nuôi để xét nghiệm. Kết quả là gen của giống gà Móng thuộc loại quý hiếm. Ngay năm đó gà Móng được ghi vào sách Đỏ”, ông Thắng kể và giải thích sở dĩ gọi là gà Móng vì gắn với địa danh trước kia của xã.
Được liệt vào sách Đỏ nhưng loại gà này được người dân Tiên Phong nuôi phổ biến và là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn. Theo Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong, đến nay Tiên Phong có hơn 95% số hộ nuôi gà, với khoảng 18.000 con mái đẻ. Hộ ít thì vài chục con, hộ nhiều hàng nghìn.
Ông Trần Xuân Xưởng (66 tuổi, thôn An Mông 1) chọn những con gà ngoại hình đẹp, to để làm giống. Ảnh: Văn Định.
“Giống gà Móng duy nhất xã Tiên Phong nuôi tốt. Rất nhiều nơi đến mua gà giống về nuôi thử nhưng sau đó hai ba lứa thì bị chết nên Viện chăn nuôi giám định địa phương chính là nơi lưu giữ nguồn gen tốt nhất”, ông Phó chủ tịch xã tự hào nói.
Video đang HOT
Có kinh nghiệm nuôi gà Móng lâu năm, ông Trần Xuân Xưởng cho biết, giống gà này có từ thời xưa, dân làng nuôi rồi nhân giống hết đời này qua đời khác. Nó rất dễ nuôi, chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền, vì thế chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, không mỡ. Sau 7 tháng, gà trống đạt 3,5-4 kg, gà mái 2,5-3 kg. Loài này có đặc điểm con trống màu đỏ tía, chân to bằng tay trẻ em, vảy thẳng hàng không xù xì như gà Đông Cảo (Hưng Yên), gà mái lông trắng nhạt.
Sau 7-8 tháng gà Móng bắt đầu đẻ, trung bình gà mái đẻ 200-230 trứng một năm.”Gà con khi mới nở bao giờ màu lông cũng trắng, chân vàng. Kẽ chân có đường viền đỏ, vảy thẳng hàng. Đặc biệt, tiếng gáy của gà Móng trầm mà không bổng như loài gà khác”, anh Nguyễn Văn Thắm, người dành tới 3 ha đất vườn để nuôi gà Móng, cho biết.
Gà Móng mới ấp nở. Ảnh: Văn Định.
Năm 2009, trang trại của anh Thắm được chọn triển khai dự án bảo tồn gene gà Móng do tỉnh Hà Nam hỗ trợ, thực hiện trong 50 năm với tổng số tiền dự án 7 tỷ đồng. Ông chủ này cho hay, gần đây rất có nhiều khách và chủ nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng và cả TP HCM đến đặt mua gà Móng cho Tết, nhưng anh không đáp ứng được. Tết này trang trại của anh chỉ phục vụ được trên 4 tấn gà thương phẩm.
Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – thủy sản tỉnh Hà Nam, khẳng định gà Móng từ xưa đã gắn bó với người dân xã Tiên Phong nên thích nghi với địa chất, khí hậu nơi đây. “Loại này duy nhất xã Tiên Phong nuôi được. Chúng chống dịch bệnh tốt, năm 2003 nhiều địa phương lân cận gà bị cúm H5N1 nhưng chỉ gà Móng không bị sao. Chúng tôi đã nuôi thí điểm nhiều nơi nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Diện nói thêm.
Theo VNE
Chồng động kinh dắt vợ mù đi mò ốc
Nhiều hôm đang mò ốc, nghe tiếng tay buông thõng xuống nước, bà Nguyễn Thị Suốt vội lần mò về chỗ nào sủi bọt để tìm chồng. Gần 30 năm qua, đôi vợ chồng già bệnh tật sống nhờ vào những con ốc.
Mùa đông, dòng nước lạnh ngắt, vợ chồng bà Suốt ở thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) vẫn dầm mình dưới nước mò ốc. Một tay giữ thau, tay kia mò mẫm, khuôn mặt người chồng lo âu nhìn vợ. Người phụ nữ đứng cạnh ông có đôi mắt mờ đục cùng bám vào chậu để chắc chắn chồng còn ở đó.
Khi chiếc thau đã đầy ốc, ông bà mới nghỉ tay. Bà Suốt khoe mới mò 2 tiếng đã được cả chậu ốc đầy. Sợ vợ lạnh, hai thân già dắt díu nhau về nhà. Chồng bà, ông Nguyễn Kiệm, 58 tuổi, lập cập vừa dắt vợ vừa cắp thau ốc.
Rời quân ngũ, ông Kiệm trở về quê với di chứng chiến tranh là bệnh động kinh. Không ai muốn lấy hay thuê ông làm việc. Còn bà Suốt (kém ông 6 tuổi) ngay khi sinh ra đã bị mù do chất độc da cam di truyền từ bố mẹ. Bà tưởng ở vậy hết đời vì chẳng ai dám hỏi người con gái mù làm vợ.
Hàng ngày, ông Kiệm và vợ dầm mình dưới nước mò ốc. Ảnh: Tiểu Nguyễn.
"Thôi thì nồi méo úp vung méo. Đã là vợ chồng thì phải ăn ở trọn tình trọn nghĩa với nhau, đến chết mới thôi", bà Suốt cười hiền từ khi nói về duyên phận của ông bà. Vậy là từ ngày đó đến nay, họ dắt nhau đi hết cánh đồng này bờ bãi nọ kiếm con ốc, con trai bán nuôi thân cùng ba đứa con.
Mùa hè cũng như mùa đông, trừ những ngày mưa gió quá to, ông bà đều đưa nhau đi bắt ốc. "Không làm việc hôm nào thì hôm đó nhịn đói", bà Suốt thở dài.
Do sức khỏe ông Kiệm không ổn định nên công việc bắt ốc phần lớn do bà Suốt làm. Bà kể, có hôm nghe tiếng tay chồng buông thõng xuống nước, biết bị ngã sặc nước, bà hốt hoảng tìm ông. Nghe tiếng sủi bọt nước ở chỗ nào, bà lần mò về chỗ ấy. Vực chồng lên bờ, bà chỉ biết nghẹn ngào, chua xót cho số phận.
Có ngày trời quá lạnh, ông không thể xuống nước đành ngồi trên bờ chỉ dẫn cho vợ. Ngâm nước nhiều giờ tay bà bị tê, mất cảm giác, ông lại lụi cụi xin nắm rơm và lửa ở nhà dân quanh đó ra đốt cho vợ đỡ lạnh. Nhiều hôm gặp hàng xóm hỏi thăm, nhưng họ không trả lời được vì quá rét, hai hàm cứng đơ. Ai không biết lại tưởng họ khinh người.
Mò ốc đến tối, ông Kiệm đem đi bán. Trung bình mỗi ngày ông bà mò được 4 kg ốc, bán 8.000 đồng/kg. Nhiều hôm không bán được ở chợ, ông phải dắt xe đi bán rong. Những hôm để chồng một mình đi bán, bà Suốt ở nhà nơm nớp lo chồng đổ bệnh bất chợt.
Vợ chồng ông Kiệm bên ngôi nhà được hợp tác xã xây giúp. Ảnh: Tiểu Nguyễn.
Bà Suốt tâm sự, nhiều hôm chỉ bắt được vài con ốc, ông bà đành mua sắn chịu để ăn và phần lại bát cơm trắng cho các con. Những ngày chẳng có sắn, ông bà an ủi nhau ăn rau cúc tần luộc cho đỡ đói. Thương hoàn cảnh vợ chồng nghèo, hàng xóm thỉnh thoảng cho họ quần áo, đồ ăn.
Ngày còn nhỏ, mấy đứa con của ông bà hay thắc mắc vì sao con chỉ có mấy quyển sách phải viết chung lẫn lộn trong khi bạn bè mỗi môn đều có vở viết riêng. Mỗi lần nghe con hỏi như vậy, bà Suốt lại thấy đắng lòng. 3 đứa con trai của ông bà cũng đi bắt ốc mò cua và bán hàng giúp bố mẹ.
Giờ hai anh lớn có gia đình riêng và ở bên nhà vợ nơi đất khách nên không đỡ đần được gì cho bố mẹ. Con út muốn thoát ly nhưng không được ăn học đến nơi nên thất nghiệp. "Chúng nó còn vợ, còn con phải lo, nuôi sao được bố mẹ. Thành ra gần 60 tuổi đầu vợ chồng tôi vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", giọng bà Suốt chua chát.
Hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không thể tự lợp được nhà để ở. Suốt nhiều thập kỷ qua, vợ chồng bà Suốt ở trong căn nhà hết lợp giấy dầu, lá dong đến lá chuối. Mới đây hợp tác xã chung tay dựng giúp ông bà Kiệm căn nhà ngói.
Bà Đỗ Thị Thêm, Đội trưởng đội 2, thôn Đồng Văn cho biết, gia cảnh của vợ chồng ông Kiệm rất khó khăn. Cả hai đều yếu, muốn đi làm thuê cũng chẳng ai thuê. "Số tiền trợ cấp ít ỏi hàng không thể trang trải đủ cho 3 miệng ăn nên ông bà Kiệm đành phải đi mò cua bắt ốc", bà Thêm cho biết.
Theo VNE
Ông lão 4 lần khoác long bào đi cày Từng bước chậm rãi, song dứt khoát, ông Đinh Trọng Tế (84 tuổi) bắt đầu tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày những thửa ruộng đầu tiên trong năm mới ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đã 84 tuổi nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Ảnh: Văn Định. Nhiều năm nay người dân trong vùng...