Làng “nước ngoài” dưới núi Ngàn Nưa
Nếu nghe một đoạn đối thoại ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa bạn sẽ nghĩ rằng chuyện xảy ra ở một xứ nước ngoài nào đó.
Nhưng đây là một làng quê tuổi ngoài ngàn năm, nằm dưới chân núi Nưa – nơi nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) phất cờ khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô vào năm 248.
“Tún tùn tun mới viền…”
Về đến đầu làng Cổ Định, nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về tiếng nói lạ của làng, một cụ già hơn 70 tuổi liền hào hứng giới thiệu: “Vào nhà ông giáo Cương ở xóm Mậu, ông ấy biết nhiều lắm đấy”. Theo lời chỉ dẫn của cụ, tôi đến nhà ông giáo Lê Bật Cương. Ông giáo Cương năm nay 87 tuổi, dạy học từ năm 1953, đến năm 1980 nghỉ hưu tại quê. Sức khỏe của ông giáo còn tốt và trí nhớ minh mẫn lắm. Sau chén trà mời khách, ông giáo Cương say sưa nói về tiếng của người quê mình:
- Tiếng nói của làng Cổ Định là tiếng cổ, có tự lúc nào tôi cũng không biết nữa. Người làng Cổ Định bắt đầu biết nói là đã nói tiếng quê mình. Cho đến tận bây giờ người Cổ Định dù đi làm ăn, sinh sống ở nơi xa, khi về quê vẫn dùng tiếng của làng. Dân của 13 xóm đều có tiếng nói như nhau. Nhưng các làng bên cạnh giáp với làng Cổ Định nói tiếng khác hẳn. Tiếng nói làng tôi nghe lần đầu thấy nặng, nghĩa của từ ngữ đôi lúc người nghe là khách dễ hiểu nhầm”.
“Lạy cấy chuộc rửa cấy chò, lênh trên chằng ngơi”. Từ người già đến trẻ em ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đều nói “tiếng Kênh Thủy”
Ngồi lật từng trang vở cũ kỹ ghi chép lại những từ vựng, ngữ nghĩa trong tiếng cổ của làng Cổ Định nghe rất lạ, ông Cương mỉm cười, tâm sự: “Người làng tôi gọi con gà là con kha, bả vai gọi là cầu ban, đầu gối thì gọi là trốc cún, máy bay gọi là tàu băn, lúa gọi là lọ, gạo gọi là cấu, dọn dẹp gọi là đọn đẹp, trời tối gọi là trời tún, về là viền…
Đặc biệt, tiếng cổ làng Cổ Định không phân biệt được từ sân và từ vườn, nên từ vườn cũng là sân. Vì vậy mới có chuyện có người con gái ở làng khác về làm dâu ở làng Cổ Định, đến bữa cơm chiều ông bố chồng bảo con dâu: “Trời sắp tún rồi, con đọn cơm ra vườn ăn”. Cô con dâu loay hoay mãi không biết trải chiếu, bê mâm cơm ra chỗ nào vì thấy ngoài vườn đã trồng cây, rau kín hết chỗ. Đang lúc lúng túng, may có anh chồng hiểu ý liền ghé vào tai vợ nói “Ở quê anh vườn cũng là sân đấy”. Cô con dâu thở phào…”.
Chúng tôi đang trò chuyện cùng ông giáo Cương thì người con trai ông Cương đi làm về góp chuyện: “Mỗi khi có khách đến làng chơi, người dân Cổ Định chuyển sang tiếng phổ thông với khách cho dễ hiểu. Nhưng trong câu chuyện, nếu có hai người làng là họ vẫn nói với nhau bằng tiếng Cổ Định. Ai về làm dâu rể Cổ Định cũng phải tự giác học tiếng Cổ Định. Nếu không, khi nghe mẹ chồng hỏi: “Răng con du đi cằn đến tún tùn tun mới viền?” ( Sao con dâu đi cày đến tối thui thui mới về?) thì biết thế nào mà trả lời.
Giữ tiếng nói xưa cho đời sau
Video đang HOT
Hiện nay, thế hệ người già (từ 60 tuổi trở lên) ở làng Cổ Định hằng ngày vẫn dùng tiếng cổ để nói chuyện với nhau. Còn lớp người trung niên, thanh niên và các cháu thiếu niên, nhi đồng đều dùng tiếng phổ thông như mọi địa phương khác để giao tiếp hằng ngày tại công sở, trường học, nơi công cộng. Còn khi ở nhà, các cụ già vẫn thường xuyên truyền dạy tiếng Cổ Định cổ cho con cháu.
Đền thờ danh nhân Lê Bật Tứ (1562-1627) ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh
Ông Cương cho biết thêm: “Tiếng nói của tổ tiên, cha ông mình truyền lại, mọi thế hệ ở làng Cổ Định chúng tôi luôn phải biết gìn giữ, phát huy. Có rất nhiều người làng Cổ Định được học hành, đỗ đạt cao có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, dù xa quê hương hàng chục năm nhưng vẫn giữ được tiếng cổ của quê nhà. Đó là điều rất đáng quý mà chúng tôi đang truyền dạy lại cho lớp con cháu hôm nay và mai sau…”.
Ông Lê Thanh Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh, cho biết đang tích cực sưu tầm các tài liệu, thư tịch cổ viết về lịch sử, tiếng nói cổ của làng Cổ Định, để ghi lại phục vụ nghiên cứu, giới thiệu với du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương. Trong đó, việc giữ gìn tiếng nói cổ rất được quan tâm.
Ở Thanh Hóa còn có một “đảo thổ ngữ” khác nữa, đó là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Người dân cả xã này đều là người Kinh nhưng nói bằng một thứ tiếng Việt riêng của mình và người Thanh Hóa gọi là “tiếng Kênh Thủy”. Chẳng hạn, trước khi đi ngủ bố mẹ nhắc: “Lạy cấy chuộc rửa cấy chò, lênh trên chằng ngơi” (lấy cái gáo rửa chân, lên giường đi ngủ). Củ gừng “tiếng Kênh Thủy” gọi là củ câng, cái nhãn vở gọi là cái két, máng nước để hứng nước mưa gọi là cái xốn, đầu gối gọi là trốc cún, cái chân gọi là cái trò, răng gọi là cái nanh, cái lưỡi gọi là cái lãn, tóc gọi là tắc… Vốn từ riêng của xã này có thể lập thành một cuốn từ điển.
Bà Nguyễn Thị Truật (81 tuổi), ở làng Trung, xã Vĩnh Thịnh, tự hào cho biết có người sang Pháp sống lúc mới 10 tuổi, sau 60 năm trở về thăm quê vẫn nói được tiếng Kênh Thủy. Cô Nguyễn Thị Nhân, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Thịnh, cho biết học sinh đến trường thì nói tiếng phổ thông, nhưng ra khỏi cổng trường là nói “tiếng Kênh Thủy”. Người cùng xã Vĩnh Thịnh mà nói chuyện với nhau bằng tiếng phổ thông là không thích.
Buổi sáng, bà mẹ nói với đứa con: “Giẩu tru đếch xoong, bốc chi đớp?”. Chiều về bà lại quát con: “Kêu mi vô rú, răng tru viền đướn ăn lọ?”. Thằng con khóc rấm rứt: “Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở ruộng cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưa chậy bới cấy chi”. Bà mẹ liền buông một câu: “Hoọc không hoọc, giẩu tru không xoong, ăn cho tốn cấu”.
Đoạn đối thoại của hai mẹ con được “dịch” lại như sau:
Bà mẹ: – Giữ trâu không xong, lấy cái gì mà ăn?
- Bảo mày vô rừng, sao trâu lại về dưới ăn lúa?
Đứa con: – Ai biết gì đâu. Trâu mình động đực, lè lưỡi liếm trâu cái, lồng lên chạy đứt dây thừng. Con chạy theo mỏi cả chân, ngã ở ruộng, ruột bắn lên cổ, rách hết bụng, vỡ cả đầu gối. Giờ mẹ chửi cái gì”.
Bà mẹ: “Học không học, chăn trâu không xong, ăn cho tốn gạo”…
Lê Hải (Có một làng “nước ngoài” tại xã Tân Ninh)
Theo 24h
Ở đây nói tiếng như... chim
Thuở còn học phổ thông, lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi hay đi qua cầu Cống Mười ngay bên làng Diêm Điền. Ở đó các bà người Diêm Điền thường ra mò cua, bắt cá. Chúng tôi đứng trên đường cái, giả giọng trêu chọc, để được nghe các bà... chửi bằng giọng Diêm Điền. Một bà già nổi giận, liền mắng: "Chúng may bà tợn, ba nên ba bồ đao nên tôốc cho ma chết! (Chúng mày ba trợn, bà lên bà bổ dao lên đầu cho mà chết)".
Lang tùi noi tiếng chìm!
Giọng nói của người Diêm Điền (nay thuộc phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, Quảng Bình) quả thật nghe như tiếng chim hót. Ngay người làng này cũng "tự hào" xác nhận: lang tùi nói tiếng chìm! (làng tui nói tiếng chim). Họ nói rất nhanh, lên bổng xuống trầm, lúc nhấn mạnh, lúc kéo dài.
Ông Hoàng Mạnh Châm - bí thư Đảng ủy phường Đức Ninh Đông, người làng Diêm Điền - cho biết các âm đầu như s, tr, d được người dân làng phát âm thành âm th, t, r (&'trăng sao" thành "tăng thao"). Âm l chuyển sang n, ngược lại n thành l ("Nam Lý" thành "Lam Ní"). Thanh ngang nhiều lúc họ phát âm như thanh huyền (ba thành bà). Ngược lại, trong một số trường hợp, đôi khi những chữ có thanh huyền họ phát âm ra thành thanh ngang (ngày lại nói thành ngay). Cụ Bùi Văn Uy, bô lão của làng, cho biết chữ có dấu hỏi, dấu ngã là khó nói nhất, nên người dân thường phát âm chữ hỏi thành ra lơ lớ giữa hoi, hói, hòi, hoặc chữ ngủ nghe giông giống chữ ngù, ngũ, ngụ... như đang luyến láy một nốt nhạc.
Cách nhau một con hẻm, nhưng người bên phải thuộc làng Diêm Điền lại nói một thứ tiếng khác hẳn người ở phía bên trái (làng Nam Lý)
Dân Đồng Hới truyền nhau câu chuyện một ông chồng đưa cô vợ người Diêm Điền đi khám bệnh. Ra khỏi phòng khám, nước mắt cô rơi lã chã. Tưởng mắc bệnh gì nặng lắm, anh chồng hỏi mãi cô mới nói: "Họ hoi lúc tháng đã ằn uống nhi chừa, đê nam xét nghiệm máu. Èm lói nà có uống nhiêu nần nước tong rôi. Rứa ma họ cứ bóp bụng lói nà đã bị tiêu chảy. Èm lói nà khồng phải, họ mắng đã đì rà nước tong tong rôi ma con khồng phải na tiều chảy!". Nếu không có người phiên dịch, tôi đoan chắc không một ai hiểu nổi cô gái đang nói gì. Cô nói thế này: "Họ hỏi lúc sáng đã ăn uống gì chưa để làm xét nghiệm máu. Em nói là có uống nhiều lần nước trong rồi. Rứa mà họ cứ bóp bụng em nói là đã bị tiêu chảy. Em nói không phải, họ mắng đã đi ra nước tong tong rồi mà còn không phải là tiêu chảy".
Ông Phạm Phước, một người Diêm Điền, kể rằng có cô gái người làng Diêm Điền đi chơi với người yêu ở làng khác, nói chuyện với bạn trai bằng giọng Bắc. Trò chuyện một lúc, anh chàng đưa tay ôm cô gái. Cô gái hốt hoảng bèn xổ luôn một tràng "tiếng Diêm Điền": "Khồng được khồng được. Thả tớ rà kẻo vê nha mạ tớ mắng, đánh tớ ù tôốc thì nàm thao" (không được không được, thả tớ ra kẻo về nhà mẹ tớ mắng, đánh tớ u đầu thì làm sao)". Anh chàng không hiểu cô gái nói điều gì. Cô bảo "má la", thế mà tưởng là đang chửi mình. Lại có chàng trai người Diêm Điền hẹn hò với cô gái khác làng dưới ánh trăng, anh chàng nói với cô gái: "Hồm này tơi thào thừa, tằng tháng thủa, èm he". Cô gái không hiểu, tưởng anh chàng muốn chọc ghẹo mình nên giận dỗi bỏ về, khiến anh chàng phải dịch lại câu nói để "minh oan" cho chính mình. Rằng điều anh muốn nói là: "Hôm nay trời sao sưa, trăng sáng sủa, em nhỉ"...
Bà Hoàng Thị Hường, năm nay 81 tuổi, cho biết đi ra khỏi làng thì bà nói giọng phổ thông, nhưng về đến làng là tự dưng nói bằng giọng Diêm Điền. Nhà bà Hường và nhà hàng xóm Nam Lý chỉ cách nhau một ngõ nhỏ. "Vầy nhừng quê ài lói giọng quê lấy, khồng có chuyện tháo tộn qua nại chi hết"- bà Hường nói. Ông Hoàng Mạnh Châm cũng khẳng định: "Làng vẫn giữ được giọng nói chân chất, lạ lùng của mình, như một nét riêng của người Diêm Điền vậy".
Nơi có những bàn tay tài hoa
Người Diêm Điền ngoài giọng nói lạ còn sinh ra nhiều người tài hoa. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là người làng Diêm Điền, tác giả của các bài hát nổi tiếng Tình ta biển mặn đồng xanh, Thành Huế chúng mình thương, Nhật Lệ trăng huyền thoại... Ông cho biết đã chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa của làng. Nhưng theo ông, cái mà người Diêm Điền giữ được đến bây giờ và làm cho đời sống người làng phát triển là nghề truyền thống. Đó là nghề xây và nghề mộc. Ông nội của ông được vua ban là cửu phẩm nhờ có tay nghề mộc.
Thợ nề Diêm Điền đắp nổi hình rồng bằng ximăng và khảm đá men trên trụ
Theo các cụ cao tuổi ở làng Diêm Điền, hằng năm làng vẫn mổ bò cúng ông tổ nghề mộc vào ngày 19-12 âm lịch. Thợ mộc Diêm Điền từng được vua nhà Nguyễn trưng tập vào Huế làm một số công trình đền, chùa, lăng tẩm và có người được phong đến cửu phẩm. Nhờ khéo tay, chịu khó nên đến bây giờ người làng Diêm Điền vẫn theo nghề để tung hoành khắp thiên hạ, với các sản phẩm tinh xảo như tủ thờ, sạp gụ, nhà rường, đồ chạm, khảm...
Bên cạnh nghề mộc là nghề nề. Chưa có địa phương nào ở Quảng Bình có tiếng về nghề này như Diêm Điền. Ông Hoàng Sông Hương nói nhờ thợ nề làng Diêm Điền mà đô thị Đồng Hới phát triển như ngày nay. Bàn tay nghề nề của người Diêm Điền quả thật rất khéo, nhất là công việc chạm khắc lăng, bia, nhà thờ, miếu mạo... Ở làng cũng có ngôi miếu gọi là miếu Hội thợ nề, hằng năm đều có thờ cúng nghề nề vào ngày 24-11 âm lịch. Thời Pháp thuộc, ông Bùi Tường làm nhà mát cho một sân vận động với các kiểu kiến trúc Pháp, sau đó được Pháp tặng mề đay vì tay nghề điêu luyện. Hiện nay Diêm Điền có đến 70% trong số 1.114 hộ (5.097 người) có người làm nghề nề, và họ đi làm khắp nơi trong tỉnh.
Người làng Diêm Điền có gốc gác từ Thanh Hóa, Thái Bình... di cư vào Đồng Hới từ hơn 400 năm trước. Sơ khai họ có nghề làm muối nên mới có tên gọi là Diêm Điền (ruộng muối). Làng nằm trên một doi đất dài, địa hình như ngón chân một con chim khổng lồ duỗi ra. Nhiều người nói vui là có lẽ do vậy nên người Diêm Điền mới có tiếng nói tựa như... chim hót.
Gia phả của các dòng họ làng Diêm Điền cho thấy người dân ở đây di cư từ phía Bắc vào, mang theo thổ ngữ của vùng đất mà họ đã sống. Nhưng đã bao đời họ sống giữa lòng thành phố Đồng Hới mà vẫn giữ được tiếng nói gốc của mình. Khi đi làm ăn xa (như di cư), họ có ý thức giữ được tiếng nói riêng của mình, nếu không là mất gốc. Ở làng Diêm Điền còn có yếu tố quan trọng để họ có tiếng nói khác lạ với xung quanh chính là sự gắn kết cộng đồng rất chặt chẽ.
(Ông Nguyễn Văn Tăng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Bình)
Theo 24h
Làng nói "ngoại ngữ" ở Nghệ An Nặng hơn cả tiếng Nghệ, đó là "tiếng Nghi" - tiếng Nghệ An ở vùng Nghi Lộc. Có 20/30 xã thượng và hạ huyện Nghi Lộc thuộc vùng "Nghi Lộc ngữ", là những làng có tiếng nói khó nghe, khó hiểu. Đã nhiều đời, những câu nói dạng này truyền đi trong dân gian với những câu chuyện vừa thật vừa hài khiến...