Làng những ngày chuyển phố
Phố thị đã tràn về cái xóm nhỏ này tự bao giờ. Con đường đất cũ mất dấu tự bao giờ, chỉ còn đó là những mảng nhựa cứng khô khốc in hằn lên tâm trí những con người cũ.
***
Mẹ gọi điện ra, giọng buồn buồn:
“Làng ta giờ đây nhận được dự án khu công nghiệp, sắp hết nghèo rồi con ạ. Mấy xe ô tô tải chạy ù ù trên con đường nhựa ấy.”
Tôi cười hỏi:
“Làng sắp giàu mà sao giọng mẹ buồn thế?”
“Ừ thì cũng chẳng có gì. Chỉ là nhìn con đường nhựa cứng ngắc, mẹ thấy nhớ nhớ…”
Rồi giọng mẹ nghẹn lại, không khí bỗng chốc lặng im. Mẹ nói bâng quơ vài câu rồi tắt máy. Lòng tôi bỗng chênh chao, thở dài đánh thượt một cái. Dù không ở bên cạnh nhưng tôi biết mẹ đang ngồi trên phản, hướng mắt ra con đường cái mà đăm chiêu. Mặc cho chị em tôi đã khuyên bảo bao nhiêu lần rằng giờ đô thị hóa công nghiệp hóa, người ta đang giúp dân thoát nghèo, thoát đói, mẹ vẫn lâu lâu thở dài mỗi lần nghe tiếng xe tải chạy ầm ầm bấm còi inh tai nhức óc ngoài kia hay nhìn thấy đám thanh niên choai choai trong làng tóc xanh tóc đỏ đi ra từ khu công nghiệp.
Video đang HOT
Mẹ bảo từ ngày dựng khu công nghiệp, người ta bỗng chốc dường như thay đổi hẳn. Mấy cô gái trẻ gửi hồ sơ đi làm hết ở các nhà máy, thành thử mỗi vụ mùa về chỉ còn mấy ông bà già ra đồng. Kể cũng vất vả, tuổi già sức yếu, thế nhưng làm ra đấy mà không thu hoạch thì biết làm sao. Nói đến đám con cháu, bọn nó chỉ trỏ bảo giờ đã là công nhân nhà máy, đã làm ra tiền chẳng cần đến việc làm nông, ai trồng thì người ấy đi thu hoạch chứ nó chẳng cần. Nghe thế, mấy ông bà nén tiếng thở dài, đành chống lưng ra đồng mà làm chứ biết kêu ai.
Ngày xưa chỉ biết bám vào đất mà mưu sinh thì nâng niu, chăm chăm chút chút. Thế mà giờ không cần nữa là phủi tay chối thẳng như chẳng có chút can hệ gì. Bao đời ông cha làm ruộng mà nuôi nấng con cháu, thế mà giờ đây người ta chối bỏ cái mùi bùn nồng nồng tanh tanh ấy, chối bỏ từng thửa lúa, vườn rau.
Đám thanh niên choai choai trong làng cũng đi hết vào nhà máy, ngày đi làm, tối về tụ tập hò hét, chơi bời. Từ ngày có chút đồng ra đồng vào dấm lưng là cũng có thêm bao nhiêu thứ phát sinh. Quán café, quán nhậu, quán hát hò… rầm rộ mọc lên. Rồi chẳng thấy café đâu, đi ngang chỉ nghe tiếng nhạc xập xình đập như muốn phá tai người ta. Tối muộn cũng chẳng tắt cho bọn trẻ con học hay người già đi ngủ. Mỗi tối mấy cái loa lại mở hết công suất, thành ra làng lúc nào cũng ồn ào như cái chợ vỡ.
Mấy dì trung niên trong làng ở cái tuổi “hồi xuân” từ ngày đi làm nhà máy, nắng chẳng đến mặt mưa chẳng đến đầu, lại trắng trẻo, xinh ra, người cứ phơi phới. Rồi lại học đòi thói sống thành phố, quần đùi áo bó người, da thịt cứ lồ lộ đập vào mắt người nhìn. Chỉ có mấy ông bà già không thuận mắt nhìn, đành im lặng nén tiếng thở dài.
“Cái đô thị hóa, nó làm người mình biến chất hết rồi con ạ!”
Giọng mẹ lạc hẳn đi.
Phố thị đã tràn về cái xóm nhỏ này tự bao giờ. Con đường đất cũ mất dấu tự bao giờ, chỉ còn đó là những mảng nhựa cứng khô khốc in hằn lên tâm trí những con người cũ.
Mẹ lặng im. Chiều hoang hoải ngả xuống xóm nhỏ, phủ trùm lên tất cả một màu ký ức. Bữa cơm chiều cũng lặng lẽ hẳn đi. Vang đâu có bắt đầu rộn lên tiếng nhạc xập xình.
Có lẽ mùi tanh nồng của bùn đất chỉ vương vấn trong những giấc mơ.
Đoàn Hòa
Theo blogradio.vn
Để con ở nhà đi chơi riêng với má
Tôi ủng hộ những đứa con biết "bỏ bê" gia đình đúng dịp, để đi đâu đó riêng tư với ba mẹ, càng nhiều càng quý!
Hôm ấy tôi đọc được bài viết rất hay của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác nói rằng, điều gì thấy làm được cho ba má thì tranh thủ đi. Tôi nghĩ ngợi xem mình muốn làm điều gì nhất cho má. Rồi tôi liệt kê ra hai điều phải làm ngay: 1 - đi du lịch riêng với má, không mang theo con cái, hệt như hồi nhỏ má dắt tôi đi; 2 - chép nhạc xưa cho má theo danh sách mà má rị mọ ghi lại ở mặt sau tờ lịch.
Việc thứ hai có vẻ không khó như việc đầu. Tôi trao đổi với hai con gái về ý định để chúng ở nhà, mẹ sẽ đưa bà ngoại đi chơi riêng. Thật ngạc nhiên là chúng ủng hộ hết mình. Tụi nhỏ hào hứng hứa mai này chúng cũng dẫn mẹ đi chơi riêng y mẹ với ngoại vậy.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như và mẹ trong một chuyến du lịch "riêng tư".
Tôi thủ thỉ kể với con về chuyến đi chơi của tôi với má ngày xưa, lúc cuộc sống còn khó khăn và chuyến đi chơi là dịp rất hiếm hoi. Lần tôi và má được đi nghỉ mát chung với trường má dạy học, ba thức đêm làm gà rô-ti, má làm cơm vắt, để má con tôi mang ra Vũng Tàu ăn, thay vì ăn hàng quán tốn tiền.
Hai má con đã ngồi chung cái ghế trên xe đò đi chuyến du lịch đầu tiên trong đời với bao háo hức. Tôi nói con nghe: "Mẹ và ngoại sống cùng nhau chỉ đến năm mẹ học lớp Chín, mẹ lại học sớm một tuổi, như vậy là thời gian bên nhau thực sự ít lắm, cỡ như con vài tuổi nữa là đi học xa mẹ vậy đó".
Hai con gái ngồi im lắng nghe, rồi thấy tội nghiệp mẹ hay sao mà không hề mè nheo đòi đi theo. Đứa lo cái này, đứa sắp cái nọ để mẹ và ngoại có một chuyến đi chơi riêng hoàn hảo. Lúc lên đường, má thổ lộ: "Tánh mẹ cũng ham đi chơi lắm, giờ còn đi được nên con dẫn là mẹ đi liền, chứ mai mốt già đi hết nổi".
Tự dưng tôi thấy mừng, vì so với mấy đứa bạn, tôi may mắn có "bà má chịu chơi", còn thấy vui vẻ hào hứng khi đi, còn muốn tô son đẹp khi chụp hình với con gái. Để mẹ con còn mặc áo cặp với nhau cho những bức hình "tình tứ". Có bao nhiêu người muốn được dẫn má đi chơi mà thời gian không cho phép, vì sự "quyết liệt" chưa đủ nhiều để tới khi tuổi già sức yếu, các bà mẹ không thể đi du lịch cùng con cháu nữa.
Lúc đó, những đứa con chắc tiếc lắm cơ hội được cùng má rong ruổi với nhau ở những vùng đất lạ, ở những nơi yên bình, hay thèm hùi hụi cảm giác được nắm tay, tạo dáng cùng mẹ.
Trong album gia đình tôi vẫn còn ghi lại rất nhiều bức hình tôi đi cùng với má, lúc thì má mặc đồ bơi ngồi bên hồ bơi (má hay nói "nhìn má xương không con hén". Con gái thì ghẹo "thì già rồi chớ thịt đâu ra"), lúc thì rong ruổi ăn hàng, lúc thì lang thang Hà Nội ngắm cúc họa mi.
Năm nay, tôi cũng đang liên hệ, nghiên cứu tour cho má đi chơi tết. Phải tranh thủ kéo má ra khỏi căn nhà, chái bếp, để má có thời gian riêng tư với con gái, được tận hưởng tuổi già với nhiều màu sắc và cảm xúc hơn. Tôi ủng hộ những đứa con biết "bỏ bê" gia đình đúng dịp, để đi đâu đó riêng tư với ba mẹ, càng nhiều càng quý!
Quỳnh Như
Theo phunuonline.com.vn
Một ngày cúp điện Đã lâu rồi Huế mới có một ngày cúp điện. Trưa nóng như đổ lửa chợt cúp điện. Con hẻm nhỏ vang lên tiếng trẻ em cùng tiếng viên bi va vào nhau. Lâu lâu lại nghe thấy vài tiếng cãi cọ tranh giành. Tiếng cô Oanh nhà bên hát thật to múa may đủ trò chỉ để đứa con nhỏ chừng 2,...