Làng nghề nướng cá nơi cửa biển Ngư Lộc (Thanh Hóa) tất bật vào vụ Tết
Những ngày này, người dân làm nghề nướng cá nơi cửa biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc ( Thanh Hóa) lại tất bật bên những lò than hồng để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ nhu cầu tăng cao mỗi độ Tết đến Xuân về.
Cá sau khi rã đông tự nhiên sẽ rửa sạch và xẻ thành lát để chuẩn bị đưa lên giàn nướng. Ảnh: TTXVN phát
Nghề này không chỉ tạo nên nét đẹp truyền thống đặc trưng của làng biển mà còn mang lại thu nhập chính cho bà con nơi đây.
Theo thống kê trên địa bàn xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) có hàng chục gia đình làm nghề nướng cá biển. Nghề này được duy trì quanh năm, tuy nhiên dịp giáp Tết, sản lượng tiêu thụ thường tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên các gia đình đều phải thuê thêm lao động nướng cá để kịp phục vụ các đơn hàng.
Cá sau khi được rã đông tự nhiên sẽ được xẻ thành lát, phơi ra ánh nắng cho ráo nước, sau đó được xếp lên các giàn và đưa lên lò nướng dưới than hoa. Ảnh: TTXVN phát
Những ngày này, cơ sở nướng cá biển của gia đình bà Trần Thị Hóa (sinh năm 1960, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) luôn tất bật, nhộn nhịp bởi chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022, các đơn hàng đặt cá nướng làm quà biếu tăng cao. Thời điểm này, ngoài 4 lao động chính, gia đình bà phải thuê thêm 3 lao động thời vụ để tăng sản lượng.
Video đang HOT
Thoăn thoắt xếp từng lát cá tươi ngon lên giàn chuẩn bị nướng, bà Trần Thị Hóa cho biết, gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề nướng cá biển. Nghề này tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói nhưng mang lại nguồn thu ổn định. Những ngày giáp Tết, ngoài 4 lao động chính, gia đình phải thuê thêm 3 lao động thời vụ để kịp phục vụ nhu cầu của người dân. Theo tính toán, bình thường hàng tháng gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn cá các loại, thì tháng giáp Tết sản lượng tăng gấp đôi, doanh thu cao điểm đạt khoảng 2 tỷ đồng/tháng.
Đưa cá lên giàn nướng than. Ảnh: TTXVN phát
Theo bà Hóa, yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng của cá nướng là phải chọn được con cá tươi ngon. Cá không tươi, bảo quản không tốt thì nướng không thể ngon được. Do vậy, để có đủ số cá tươi, được tuyển chọn kỹ, thu hoạch đúng mùa, gia đình bà đã đầu tư kho lạnh với trữ lượng vài chục tấn cá.
Hàng năm từ tháng 11 đến khoảng tháng 2 âm lịch – thời điểm con cá béo nhất, nhiều thịt nhất, gia đình bắt đầu thu mua và cấp đông trong kho lạnh để xẻ thịt nướng và bán quanh năm. Sở dĩ gia đình không thu mua cá vào mùa hè vì mùa này là mua sinh sản của cá nên con cá thường gầy, ít thịt, đánh bắt lên bờ gặp thời tiết nắng nóng cũng không giữ được độ tươi ngon.
Cá sau khi được rã đông tự nhiên sẽ được xẻ thành lát, phơi ra ánh nắng tự nhiên cho ráo nước, sau đó được xếp ngay ngắn lên các giàn và đưa lên lò nướng dưới than hoa. Ban đầu sẽ cho cá tiếp xúc gần với than, sau đó đưa lên các giàn cao hơn để cá chín dần dần, không bị cướp lửa, chín ép. Trong quá trình nướng, phải trở, lật thường xuyên, không chú ý cá sẽ bị cháy, mất đi vị thơm ngon đặc trưng của cá biển…
Nhờ kinh nghiệm làm nghề mấy chục năm, cá nướng của gia đình bà Hoá luôn được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày và làm quà biếu gia đình, bạn bè, người thân mỗi dịp Tết đến. Chị Nguyễn Thị Liên ở thành phố Thanh Hoá, khách hàng lâu năm của gia đình bà Hoá cho biết: “Tôi lấy cá của gia đình bà Hóa về bán ở thành phố Thanh Hóa từ nhiều năm nay, cá của gia đình bà được tuyển chọn tươi ngon trước khi cấp đông nên sau khi nướng rất đều, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày thường, tôi lấy hàng chủ yếu bán ở chợ, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân với nhiều loại cá nhưng tháng giáp Tết, khách hàng chủ yếu đặt cá thu nướng nguyên con khoảng từ 5 đến 6kg/con, sau đó hút chân không làm quà biếu nên hôm nay tôi đến cơ sở để đặt hàng cho kịp”.
Trong quá trình nướng cá, phải trở, lật thường xuyên để cá không bị cháy. Ảnh: TTXVN phát
Cũng như gia đình bà Hóa, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc cũng đang tất bật với công việc nướng cá. Người rửa cá, phơi, xếp lên giàn; người nướng cá, đóng gói… ai cũng miệt mài với công việc của mình với mong muốn sẽ có một cái Tết ấm no, sum vầy. Tỉ mẩn rửa sạch từng khúc cá để chuẩn bị cho mẻ nướng mới, chị Thủy cho biết, chị bắt đầu làm nghề nướng cá biển từ năm 16 tuổi, đến nay sau gần 20 năm gắn bó, nướng cá đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình.
Những tháng bình thường, thị trường tiêu thụ chính của gia đình chị Thủy là một số thương lái ở thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận; các nhà hàng, khách sạn lớn… nên sản lượng tiêu thụ duy trì ổn định. Tuy nhiên, vào dịp Tết, nhu cầu mua cá nướng làm quà biếu tăng cao nên sản lượng tiêu thụ cũng tăng gấp 2 – 3. Gia đình phải thêm lao động, thêm lò nướng để kịp đơn hàng. Ngoài khách trong huyện, trong tỉnh, thời điểm này có rất nhiều khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đặt hàng, nên gia đình đã đầu tư thêm máy hút chân không để bảo quản cá được lâu hơn.
Mẻ cá nướng vàng óng. Ảnh: TTXVN phát
Theo chị Thủy, một mẻ cá nướng từ lúc đưa lên lò đến lúc chín mất khoảng 25 – 30 phút đối với cá to và từ 10 – 15 phút đối với cá loại nhỏ. Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay thì cá càng thơm ngon. Cá được nướng hoàn toàn bằng than hoa và không tẩm bất cứ gia vị hay chất phụ gia nào nên giữ được độ thơm ngon từ những thớ cá, vị béo từ lớp da vàng óng bên ngoài…. Với giá bán 300 nghìn đồng/kg thành phẩm, mỗi năm gia đình chị Thủy thu nhập cả tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có 323 phương tiện khai thác, với tổng công suất 70.671 CV; lao động nghề cá có 2.526 lao động. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 13.880 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 355 tỷ đồng. Phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua xã Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản và nghề nướng cá biển được xem là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Bà con làng nghề đang mong chờ thị trường Tết khởi sắc, tiêu thụ lượng được hàng lớn để bù lại những thiệt hại trong năm do dịch bệnh gây ra…
Miền Trung tiếp tục mưa to, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối nay đến sáng mai (28/12), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 26/12 đến nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có mưa rào và có nơi có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Một số nơi có lượng mưa lớn (lượng mưa tính từ 13h ngày 26/12 đến 13h ngày 27/12) như: Hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 337 mm, hồ Truồi (Thừa Thiên Huế) 288.4 mm, Dung Quất (Quảng Ngãi) 307.4 mm, Bình Tân (Quảng Ngãi) 275.2 mm...
Lũ kèm đất đá cuồn cuộn chảy từ đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế về ngày 26/12 (Ảnh: Trần Minh).
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối nay đến sáng mai (28/12), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 70 mm, riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 150 mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa có mưa, mưa rào và có nơi có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 70 mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.
Mưa tuyết trên đỉnh Fansipan, cảnh báo ngập lụt ở Trung bộ Chiều 26.12 khu vực đỉnh núi Fansipan (TX.Sa Pa, Lào Cai) ghi nhận lần đầu xảy ra mưa tuyết trong mùa đông năm nay. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết trong chiều 26.12 khu vực đỉnh núi Fansipan (TX.Sa Pa, Lào Cai) ghi nhận lần đầu xảy ra...