Lắng nghe những lời nói thật của dân
Là một người đã sống và lớn lên ở Thủ đô, từng nhiều năm là Đại biểu HĐND TP Hà Nội sát dân, gần dân, biết lắng nghe những lời nói thật của dân, bà tường tận đời sống ngóc ngách của Hà Nội.
Chỉ cần nói đến khu dân cư nào là bà đã biết những vấn đề “nổi cộm” của khu dân cư đó. Nam Trung Yên ư? Khu tái định cư đó, dạo này thang máy còn hỏng không, nước có hay mất nữa không? Khu phố cổ ư, thành phố đang có kế hoạch di dân sang Việt Hưng rồi. Hà Nội ngập ư, tiền đầu tư cho dự án thoát nước nhiều đấy mà sao “tiêu” hết còn nước thì lại chưa “thoát”? Trên nghị trường, bà luôn được biết đến là một trong những vị đại biểu “chịu khó” chất vấn, chất vấn thẳng thắn, quyết liệt mọi vấn đề từ những bức xúc trong đời sống dân sinh đến việc chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm… Trong công việc, bà là một nhà khoa học với học hàm PGS, và TS chuyên ngành Hóa lý – Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường & Phát triển cộng đồng;Tổng Biên tập Tạp chí Mẹ và Bé. Giữa đời thường, bà là một người phụ nữ sống giản dị nhưng sôi nổi, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 70 của mình. Bà là đại biểu Quốc hội Hà Nội – Bùi Thị An – một người yêu Hà Nội da diết, trăn trở với những khó khăn của Hà Nội và luôn mong muốn làm được những gì tốt nhất cho Hà Nội. An ninh Thủ đô cuối tuần có một cuộc trò chuyện với vị đại biểu của dân này.
Thưa bà, tôi thấy bà luôn bận rộn, tham gia nhiều tổ chức xã hội, điều hành công việc của Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, lại còn kiêm nhiệm làm đại biểu Quốc hội, công việc của một đại biểu Quốc hội có “ngốn” mất nhiều thời gian của bà?
- Là một đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm tôi vừa phải hoàn thành công việc chuyên môn của mình ở cơ quan, lại vừa phải làm tròn trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội. Tất nhiên để đánh giá trách nhiệm là có tròn hay không thì là rất khó và rất trừu tượng nhưng tôi luôn nghĩ rằng phải làm hết khả năng và thực hiện lời hứa mà mình đã hứa với dân. Đúng là công việc của một đại biểu Quốc hội cũng mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người đại biểu phải thật sự tâm huyết và sắp xếp thời gian khoa học thì mới làm tròn trách nhiệm của mình.
- Có một đại biểu Quốc hội đã từng nói rằng: “Đại biểu Quốc hội chỉ là “ông bưu điện”, chỉ nhận đơn khiếu kiện của người dân rồi chuyển đến các cơ quan Nhà nước yêu cầu trả lời… bà cũng là một đại biểu Quốc hội, bà thấy nhận xét này thế nào?
- Vừa qua, sau giám sát Quốc hội cũng có nhận định trong giải quyết khiếu nại tố cáo mà dân gửi đến thì cũng có hiện tượng nhận đơn rồi chỉ “kính chuyển” đến các cơ quan, các cơ quan lại “kính chuyển” lẫn nhau và không giải quyết cho dân. Nhưng nhìn chung đại biểu Quốc hội gần đây đã thể hiện trách nhiệm của mình với dân nhiều hơn. Tuy nhiên để chuyện “ông bưu điện” chấm dứt có hiệu quả là rất không đơn giản, không thể trong “ngày một ngày hai”.
- Với tư cách là một công dân, theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội, trên nghị trường, tôi thấy bà rất “chịu khó” chất vấn, chất vấn rất quyết liệt và đi đến tận cùng của vấn đề, bà không ngại “đụng chạm” sao?
- Cảm ơn bạn đã động viên tôi. Tôi thấy, trong Quốc hội rất nhiều vị “chịu khó” chất vấn hơn tôi nhiều . Vấn đề “đụng chạm” không phải chúng tôi không nghĩ đến. Song lương tâm, trách nhiệm, lời hứa danh dự với cử tri khi tranh cử đã thắng tất cả. Do vậy, vì quyền lợi của người dân nên tôi có thể làm đến cùng cho người dân, làm với tâm thế rất thoải mái bằng hết khả năng của mình. Cũng phải nói thêm là một khi không có “lợi ích nhóm” thì chẳng ngại “đụng chạm”, chẳng sợ ai hiểu lầm.
- Bà thường lắng nghe dân bằng những “kênh” nào? Nếu chỉ thông qua những buổi tiếp xúc cử tri có lẽ là chưa hết và chưa đủ?
- Trách nhiệm đầu tiên của một đại biểu Quốc hội là phải lắng nghe dân. Tôi lắng nghe dân ở tất cả mọi nơi, tất cả mọi kênh chứ không phải chỉ có thông qua tiếp xúc cử tri. Tôi tham gia nhiều tổ chức xã hội nên những lúc hội họp với các tổ chức đó, tôi cũng lắng nghe được rất nhiều thông tin. Ngay cả khi tôi đi ra ngoài phố, thậm chí là lúc đi chợ, lúc ngồi trên xe buýt, khi chờ ra máy bay, lúc về với bà con nông dân tôi cũng có thể lắng nghe người dân nói gì, nghĩa là lúc đó mình không đóng vai là một đại biểu Quốc hội để nghe những lời nói thật từ cuộc sống và cũng để hiểu hơn được cuộc sống thật của người dân.
-Bà có bao giờ bị cử tri điện thoại, nhắn tin cho bà ngoài giờ làm việc không?
- Có chứ. Tất nhiên về nguyên tắc thì chỉ làm việc ở cơ quan nhưng cũng có khi dân yêu cầu thì mình cũng phải hẹn dân, sắp xếp công việc hợp lý, hoặc cũng có những vấn đề cấp bách, tôi đi cùng với dân luôn. Dân cần thì mình không thể từ chối được. Rồi cũng có rất nhiều cử tri nhắn tin, điện thoại. Thậm chí có cử tri theo dõi tôi xem có phát biểu tại Quốc hội không và “chất vấn” tôi xem tại sao lại phát biểu thế này, thế kia. Tóm lại là tôi thường xuyên nhận được ý kiến góp ý từ các cử tri. Có hôm vừa họp Quốc hội xong, còn đang trên đường về đã thấy tin nhắn hỏi: Sao hôm nay không thấy chị phát biểu trước Quốc hội ?… Các cuộc điện thoại không chỉ của cử tri Hà Nội mà có khi từ một số tỉnh và TP khác gọi đến. Rồi email nữa, tôi cũng thường xuyên nhận thông tin của cử tri qua con đường này.
- Như thế chứng tỏ là cử tri cũng “chất vấn” và “giám sát” lại Đại biểu Quốc hội, những lúc như thế bà có cảm thấy phiền không?
Video đang HOT
- Tôi không cảm thấy phiền, mà tôi thấy vui vì dù ít dù nhiều mọi người còn quan tâm đến mình, còn có sự chia sẻ, gửi gắm, tin tưởng… Tôi luôn tâm niệm rằng mình là một trong những đại biểu của dân mà người dân muốn đề đạt nguyện vọng trước hết là với những người đại diện cho họ.
- Cử tri Hà Nội thường kiến nghị với bà những vấn đề gì?
- Kiến nghị của cử tri Hà Nội rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực nhưng tập trung chủ yếu là vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chất lượng môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.. Đơn khiếu nại tổ cáo thì đến 80-90% là liên quan đến đất đai, đến tiến độ chậm, đến sự thiếu công khai minh bạch ở một số dự án, một số địa phương… về sự lỏng lẻo trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến người dân…
- Hà Nội gần đây dường như không còn đẹp trong mắt mọi người, những giá trị truyền thống của Hà Nội đang bị “đánh cắp”. Đã có những tiếng than phiền rằng Hà Nội xô bồ, văn hóa suy thoái, là đại biểu Quốc hội Hà Nội, chính kiến của bà thế nào?
Hà Nội trong mắt mọi người từ xưa đến giờ vẫn là Hà Nội cổ kính, Hà Nội thanh lịch. Hà Nội đẹp nhưng gần đây nhiều người cảm thấy chưa bằng lòng với Hà Nội. Sự không bằng không phải Hà Nội xấu đi, mà vì sự thiếu đồng bộ trong các lĩnh vực, trong đời sống, đặc biệt là đời sống tinh thần của người dân. Không nên cho rằng giá trị truyền thống của Hà Nội bị “đánh cắp” mà do chúng ta tự làm mất đi là chủ yếu. Cái chính là quá trình phát triển Hà Nội chúng ta chưa coi trọng đúng mức, chưa có biện pháp hữu hiệu duy trì phát huy giá trị truyền thống của Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô, Hà Nội là của cả nước, chứ Hà Nội không phải là của riêng ai. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đành rằng giai đoạn vừa rồi, lãnh đạo Hà Nội cũng rất quyết liệt, cố gắng giải quyết, khắc phục từng bước, từng phần những bức bối của Thủ đô nhưng cũng phải nói rằng những yêu cầu của người dân, những mong muốn cho Hà Nội bao giờ cũng rất cao nên Hà Nội hiện nay cũng phải cố gắng rất nhiều mới đáp ứng được sự mong mỏi, sự tin cậy của cử tri cả nước cũng như của chính người dân Hà Nội.
- Vậy theo bà lãnh đạo thành phố Hà Nội và người dân Hà Nội phải làm gì để Hà Nội đẹp lên?
Về phía chính quyền cần phải có chế tài “thép” để đưa vào kỷ cương. Song song đó cần phải giáo dục để người dân có ý thức hơn, yêu Hà Nội nhiều hơn. Phải để cho người dân có cái “cảm” với Hà Nội, chứ đừng “vô cảm” với Hà Nội.
- Môi trường của Hà Nội, Hà Nội ngập, Hà Nội lội cũng là câu chuyện buồn của Thủ đô?
Rất buồn là trận mưa vừa rồi thì Hà Nội lại bị ngập và hình ảnh Hà Nội lội đã được truyền đi khắp nơi. Tôi nghĩ chủ trương thì đúng nhưng việc thực hiện có lẽ giám sát chưa được sát, cho nên để xảy ra việc tiền cho thoát nước thì vẫn được “tiêu” mà nước thì vẫn không “thoát” được. Đề nghị kiểm tra đến cùng xem nguyên nhân tại sao lại để Hà Nội ngập như thế bởi dự án thoát nước cũng không phải ít tiền đâu. Trên mạng đưa lên những hình ảnh người Hà Nội câu cá, người Hà Nội đi thuyền, thậm chí cả những hình ảnh hài hước của người dân Hà Nội trong những ngày mưa bão, nhưng tôi cảm thấy đau lòng. Thật là xót xa cho Hà nội. Ai mà đã ở Hà Nội lâu thì càng thấy xót xa hơn.
- Nhưng câu chuyện thoát nước cho Hà Nội cũng là câu chuyện không hề đơn giản. Có lẽ không phải chỉ có tiền mà đã giải quyết được ngay?
- Nhiều vấn đề với Hà Nội đều là không hề đơn giản. Nhưng bây giờ, trong từng ngành, trong từng lĩnh vực, người đứng đầu phải vắt óc ra mà suy nghĩ phải làm thế nào để không có sự chắp vá tiếp tục nữa, không còn có chuyện chi ra mà không hiệu quả nữa.
- Thế còn an ninh trật tự của Hà Nội thì sao, bà đánh giá thế nào?
- Tôi biết Công an Hà Nội đang làm tất cả để xây dựng hình ảnh công an đẹp trong mắt người dân. Điều đó là rất tốt. Công an cần cố gắng gần gũi với dân hơn để dân bớt sợ. Cố gắng làm, làm rất sâu để từng đồng chí công an phải tự thay đổi dần, phải gắn bó thật sự với người dân, là người bảo vệ dân. Nếu như vậy, tôi tin chắc công an Hà Nội sẽ lấy lại được hình ảnh đẹp trong mắt người dân . Gần đây bản thân tôi khi đi ra đường luôn thấy có bóng dáng công an, các đồng chí công an xuất hiện trước dân làm người dân tự giác hơn và cũng làm người dân cảm thấy yên tâm hơn. Đêm đêm, có bóng công an đi tuần dân ngủ cũng yên hơn. Những hình ảnh đẹp như các đồng chí công an ân cần dắt các cụ già, em bé qua đường, giúp đỡ dân trong bão lụt, giúp dân bắt cướp… là những hình ảnh cần nhân rộng. Làm sao để khi người dân đến với công an luôn nhận được sự ân cần, tôn trọng và để dân gửi gắm niềm tin ở những chiến sĩ công an.
- Bà đã sống ở Hà Nội lâu chưa?
- Sau Hòa bình vài năm, tôi đã ra Thủ đô sống, học tập, công tác và trưởng thành tại đây, nên tôi rất yêu và gắn bó với thành phố này..
- Bà đã đi qua một Hà Nội văn hiến xưa và chứng kiến một Hà Nội hiện đại ngày nay, bà thấy có sự khác nhau như thế nào và có điều gì làm bà “nuối tiếc” giữa Hà Nội xưa và Hà Nội nay không?
Tôi đã đi qua Hà Nội xưa – một Hà Nội rất là êm đềm, trong lành, bình yên. Tôi đã đi qua thời không chiến, thời mà Hà Nội phải oằn mình chịu đựng bom đạn khốc liệt của chiến tranh, âm thầm chịu đựng đau thương nhưng rất kiên cường luôn hướng và đón chờ tin vui từ tiền tuyến .Tôi cũng đi qua Hà Nội những năm tháng mà: “thu đất nước giang sơn về một mối”, khi đó Hà Nội vẫn còn nhiều gian khó nhưng con người biết chia sẻ cho nhau. Hà Nội ngày nay hiện đại hơn nhiều, đã thay da đổi thịt, các nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, sự hiện đại thì thấy rõ, đời sống nhân dân được nâng lên nhiều. Chỉ có điều vì sự phát triển đấy làm cho Hà Nội mất cân đối và vấn đề môi trường không bền vững. Tôi không “nuối tiếc” mà chỉ không hài lòng.
- Có một nhà văn nổi tiếng, ông cũng không phải người Hà Nội gốc nhưng rất gắn bó với Hà Nội. Tình yêu Hà Nội với ông rất đặc biệt, rất khó cắt nghĩa. Ông nói rằng nếu đi xa Hà Nội thấy nhớ đến cả mùi cống rãnh của Hà Nội . Có cảm giác như nhà văn đó yêu cả cái xấu của Hà Nội. Bà là một người sinh ra ở Nam Định nhưng đã rất gắn bó với Hà Nội và đã đi qua những năm tháng của Hà Nội, nỗi nhớ Hà Nội với bà như thế nào?
Chắc là tôi không thể cảm xúc bằng nhà văn, song ở tôi thì hình ảnh Hà Nội từ hồi bé đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, Hà Nội thế nào, phố Bà Triệu thế nào, những đàn cò phố Lò Đúc thế nào, những hàng cây sấu như thế nào, tiếng leng keng của tầu điện hoặc tiến rao của người bán hàng đêm Hà Nội mong manh văng vẳng thế nào bây giờ chỉ cần nhắm mắt là có thể tưởng tượng ra. Ở trong nước hay ngoài nước dù đi xa Hà Nội chỉ cần nghe những bài hát về Hà Nội là đã xốn xang, nao nao, muốn rơi nước mắt. Còn nhớ trước đây đi sơ tán về gần đến cầu Long Biên nhìn thấy ánh đèn trong thành phố là đã thấy thổn thức, bồi hồi. Rồi Hà Nội những ngày Tết Độc lập, người đổ về Hà Nội rất đông. Chỉ cần gần đến ngày 2-9 là đã thấy rạo rực lắm rồi. Mọi người các nơi nô nức kéo về Hà Nội mong đến Quảng trường Ba Đình, chen chúc nhau ra Thủ đô để hưởng không khí của ngày vui độc lập. Háo hức thật sự ở trong lòng, tất cả các ngả đường của Hà Nội đến năm cửa ô đều chất kín người. Nhưng bây giờ hình như những háo hức đó đã bị mai một đi, không biết có phải họ đã được chứng kiến những hình ảnh của Hà Nội qua phương tiện truyền thông hay Hà Nội đã không còn sức hút với họ nữa.
- Yêu Hà Nội như thế, chắc bà cũng còn nhiều trăn trở với Hà Nội?
Tôi luôn tâm niệm là phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cho Hà Nội. Cần phải xác định là trong phạm vi chức trách của mình, hãy làm gì đấy góp phần cho Hà Nội đẹp lên chút ít, đừng để Hà Nội xấu hơn. Chỗ nào có thể làm được cho Hà Nội là cố gằng làm.
- Vâng xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Xin chúc cho Thủ đô Hà Nội của chúng ta sẽ ngày càng đẹp lên trong mắt mọi người.
Theo khampha
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Tôi mới hứa một lần"
"Báo cáo với Quốc hội là tiến độ cấp Giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất tôi mới hứa một lần thôi, còn người tiền nhiệm đã hứa một số lần rồi. Hiện chúng tôi đang phấn đấu quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói tại phiên chất vấn chiều 20/8.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trong phiên chất vấn chiều 20/8
Sai phạm trong cấp giấy phép đều do địa phương
Tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chiều 20/8, nhiều đại biểu đã lên tiếng về tình trạng sai phạm tràn lan trong việc cấp phép khai thác khoáng sản dẫn đến tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại biểu Danh Út, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đánh giá việc quản lý đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường là có tiến bộ, nhưng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản có quá nhiều vi phạm Luật Khoáng .
Theo đó, trong 957 giấy phép có từ 50% trở lên vi phạm luật khoáng sản như: Cấp phép thăm dò khoáng sản trong khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thông qua hình thức lựa chọn các tổ chức, cá nhân, vi phạm điểm 3, điều 36 và khoản 2, điều có 128/163 giấy phép, chiếm 78,57%;cấp phép khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm khoản 1 điều 59, có 345/682 giấy phép,chiếm 50,59% hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền, cấp phép nhưng không có đánh giá tác động môi trường...
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, cấp phép khai thác, thăm dò khoáng sản sau khi luật đất đai có hiệu lực từ 1/7/2011 đến nay, mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng tình hình còn rất phức tạp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2013 cho thấy, trong tổng số hơn 700 giấy phép vi phạm thì có 113 giấy phép không đúng thẩm quyền; 37 giấy phép được cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt; số cấp giấy phép không đúng ngành nghề kinh doanh khai thác khoáng sản là 52; Cấp phép thăm dò khoáng sản trong khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 128; cấp phép khi không có dự án đầu tư được phê duyệt là 196; cấp phép khi không có giấy chứng nhận đầu tư dự án là 345; cấp phép chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là 29 và cấp phép khi chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản là 196.
"Nguyên nhân dẫn đến sai phạm có nhiều, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý. Chính phủ đã đề nghị 9 tỉnh thu hồi giấy phép cấp không đúng quy định; 10 tỉnh bổ sung điều chỉnh quy hoạch trong khu vực hoạt động khoáng sản được cấp phép; đề nghị 11 tỉnh tạm đình chỉ khai thác, cấp giấy phép tại những khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Thủ tướng yêu cũng cầu Chủ tịch UBND các tỉnh đến 30/11/2013, các tỉnh có những vi phạm nói trên phải có báo cáo kết quả xử lý sai phạm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ được giao nhiệm vụ giám sát vụ này" - Bộ trưởng báo cáo.
Về trách nhiệm đối với các sai phạm nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: "Sai phạm chủ yếu là ở địa phương, trong đó có những địa phương đã cố tình làm trái. Còn ở trên này ( Bộ Tài nguyen và Môi trường - PV) số giấy phép cấp rất ít và theo đúng quy định của pháp luật".
Đồng ý với Bộ trưởng về việc cấp giấy phép sai chủ yếu là trách nhiệm của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng cung cấp danh sách các địa phương cấp giấy phép sai để đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát. Phó Chủ tịch cũng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thấy được trách nhiệm quản lý nhà nước của mình là đã không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm đó.
Cấp giấy chứng nhận: "tôi mới hứa một lần"
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn về tiến độ cấp giấy phép quyền sử dụng đất còn chậm và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm điều hành của mình.Trả lời về vấn đề nóng bỏng này, Bộ trưởng cho biết đang "hết sức lo lắng".
"Vấn đề này chúng tôi đã quán triệt, Chính phủ cũng hết sức quan tâm chỉ đạo. Chúng tôi cũng đang hết sức lo lắng nếu cuối năm mà không đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho thì tình hình rất gay go. Nhưng báo cáo với Quốc hội là tình hình cấp giấy phép này tôi mới hứa một lần thôi, còn người tiền nhiệm đã hứa một số lần rồi." - Bộ trưởng phân bua và cho biết "đang phấn đấu quyết tâm hoàn thành cơ bản cấp giấy chứng nhận lần đầu đạt 80%".
Tham gia giải trình thêm các nội dung liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, hiện còn 63 vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài liên quan đến đất đai đang tiếp tục được giải quyết. Song song với giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai, chính quyền địa phương cũng đã xem xét khôi phục quyền lợi cho dân, dùng ngân sách hỗ trợ cho các hộ khó khăn và sửa sai đối với những trường hợp giải quyết không đúng. Các địa phương đã khôi phục quyền công dân với số tiền 1.388 tỷ đồng, 34ha đất, 24 nền nhà tái định cư.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Quốc hội và các cấp, các ngành ngoài chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai cần điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan, vì đây chính là nguyên nhân dân dẫn đến khiếu nại đông người.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Chính sách "trên trời": Trách nhiệm Bộ trưởng Tư pháp? Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trước những chính sách xa rời thực tế cuộc sống được ban hành trong thời gian gần đây. Sáng nay (20/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về các nội dung: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong...