Làng mới ven biển Hoài Nhơn
Những ngày tháng 4-2019, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) nhận tin vui khi toàn bộ 15 xã trên địa bàn hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), trở thành huyện đầu tiên của Bình Định có 100% số xã về đích NTM.
Chặng đường xây dựng NTM của Hoài Nhơn đang tiếp tục được triển khai với nhiều mục tiêu mới như phấn đấu trở thành huyện NTM, xây dựng xã NTM nâng cao…
Nông dân xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) sử dụng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng mẫu lớn.
Trọng tâm là phát triển sản xuất
Chúng tôi về thăm Hoài Mỹ – xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM của huyện Hoài Nhơn đúng kỳ thu hoạch lúa. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho biết, để xây dựng NTM, một trong những nội dung quan trọng là thúc đẩy chuyển dịch sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân. Vụ lúa này, toàn xã triển khai sáu cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 490 ha. Nhằm chủ động nguồn lúa giống chất lượng cao, xã tổ chức sản xuất 400 ha lúa giống, cung ứng hơn 120 tấn lúa giống các loại/vụ với giá cao hơn 30% so lúa thường, tăng nguồn thu chênh lệch hơn 2,5 tỷ đồng cho nông dân.
Từ năm 2014, Hoài Mỹ bắt tay xây dựng NTM. Đến năm 2017, qua rà soát các tiêu chí, xã còn tiêu chí chưa đạt là môi trường do đặc thù người dân nông thôn vẫn còn xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm trầm trọng. UBND xã đã quyết định triển khai dịch vụ xử lý rác thải tập trung. Các hộ dân tham gia đăng ký cam kết xử lý tại gia đình. Các điểm sản xuất nông nghiệp như khu nuôi tôm, nuôi gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Ngoài ra, xã xây dựng các bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế ảnh hưởng môi trường sản xuất.
Video đang HOT
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Hoài Mỹ đạt 42,8 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,89%. Nhờ vậy, từ một xã thuộc diện khó khăn, tháng 3 vừa qua, Hoài Mỹ đã hoàn thành xây dựng NTM.
Năm 2015, Tam Quan Bắc là xã đầu tiên ở Hoài Nhơn hoàn thành xây dựng NTM. Đồng chí Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do hầu hết người dân địa phương là ngư dân, nên Đảng bộ, chính quyền xã xác định để xây dựng NTM, khai thác hải sản phải là khâu đột phá trong phát triển kinh tế với nghề chính là khai thác cá ngừ đại dương trên ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa.
UBND xã đã tạo điều kiện giúp bà con vay thêm vốn, đầu tư đóng mới tàu công suất lớn. Đến nay, toàn xã có hơn 1.100 tàu thuyền các loại. Số dân đông (5.100 hộ dân), lượng tàu cá lớn cho nên trên địa bàn xã thường tập trung thu hút nhiều lao động từ nơi khác đến tham gia dịch vụ nghề cá, vì vậy lượng rác thải từ sinh hoạt và sản xuất của Tam Quan Bắc rất lớn. Do đó chính quyền xã triển khai sớm dịch vụ thu gom và đầu tư xây dựng khu xử lý chôn lấp rác thải. Đến nay, sau gần 5 năm hoàn thành xây dựng NTM, Tam Quan Bắc là xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, đạt 63,4 triệu đồng/ người/năm.
Được chọn là một trong hai xã của huyện triển khai chương trình xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, Tam Quan Bắc đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí mới. Tuy vậy, đồng chí Trương Quang Minh trăn trở: Do lượng tàu thuyền của xã quá lớn, trong khi khu neo đậu và cảng cá Tam Quan hiện quá tải, luồng lạch bị bồi lấp, cho nên tàu thuyền ra vào rất khó khăn và nguy hiểm. Để góp phần giúp nghề khai thác thủy sản ở Tam Quan Bắc phát triển bền vững, xã mong các cơ quan chức năng có giải pháp khơi thông luồng lạch, mở rộng khu neo đậu để tàu thuyền ra vào thuận lợi, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Mục tiêu trở thành huyện NTM
Ngày 28-3, tại thị trấn Bồng Sơn, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Hoài Nhơn tổ chức lễ phát động cao điểm phong trào thi đua toàn dân chung sức, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào tháng 9-2019. Nhìn lại chặng đường đã qua, đồng chí Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn cho biết, được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất thực hiện xây dựng NTM theo các nguyên tắc: Các tiêu chí dễ thì làm trước, khó thì làm sau; ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân thì làm trước, chưa đồng thuận thì làm sau; không đầu tư dàn trải, triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp quy hoạch,…
Ngoài thực hiện các cơ chế, chính sách của T.Ư và tỉnh Bình Định, Huyện ủy Hoài Nhơn ban hành nhiều cơ chế như hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học. Giai đoạn 2016 – 2018, toàn huyện huy động hơn 150 tỷ đồng để cứng hóa hơn 209 km đường giao thông, bảo đảm cho nhân dân đi lại và sản xuất thuận tiện. Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, huyện tập trung vốn xây dựng, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, bảo đảm tưới chủ động cho 93% diện tích sản xuất. Chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng bằng hàng loạt chương trình như đầu tư 270 triệu đồng/năm để khuyến nông – lâm – ngư; đầu tư 1,5 tỷ đồng cho khoa học – công nghệ và gần 1,8 tỷ đồng để nông dân chuyển đổi cây trồng cạn. Các chính sách hỗ trợ đã giúp bà con chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở một số vùng đất trước đây hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, dược liệu, nhất là mở rộng diện tích cây đặc sản địa phương là dừa sáp, dừa xiêm. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã tăng đáng kể. Năm 2017 đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng năm triệu đồng so năm 2016; năm 2018 đạt 45,3 triệu đồng/người/năm.
Cũng không thể không nhắc đến sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng và tích cực đóng góp xây dựng NTM. Giai đoạn 2016 – 2020, nhân dân trong huyện hiến hơn 107.000 m2 đất, gần 3.500 cây dừa và hàng nghìn cây trồng khác, đóng góp tiền mặt gần 33,55 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công làm đường bê-tông hoặc xây dựng các công trình công ích.
Đến nay, huyện Hoài Nhơn cơ bản hoàn thành 5 trong 9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg (ngày 5-4-2018) của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt chuẩn huyện NTM, Hoài Nhơn cần phải hoàn thành bốn tiêu chí: Quy hoạch, môi trường, giao thông, văn hóa giáo dục và y tế. Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Trương, chặng đường xây dựng NTM của huyện còn rất dài với những mục tiêu xa hơn, nhưng trên chặng đường dài ấy lại có những vạch đích cụ thể để chính quyền và nhân dân toàn huyện phấn đấu. Quá trình xây dựng NTM của huyện từ giai đoạn này trở đi sẽ tập trung vào việc thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với mục tiêu cao nhất: Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
BÀI VÀ ẢNH: PHƯƠNG MAI
Theo NDĐT
Truy tặng Huân chương Dũng cảm cho dân quân giúp dân trong lũ dữ
Trong lúc giúp người dân vớt lục bình cứu cầu, anh Phạm Duy Quang - dân quân cơ động của xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chẳng may tử vong trong lũ dữ.
Ngày 17.4, lãnh đạo UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, vừa tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước cho dân quân cơ động Phạm Duy Quang (27 tuổi, ở xã Hoài Thanh) đã hy sinh khi tham gia làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả lũ lụt.
Truy tặng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước cho dân quân cơ động Phạm Duy Quang.
"Lâu nay, với công việc giúp người dân anh Quang luôn hăng say, trách nhiệm và nhiệt tình", Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - Cao Thanh Thương nói.
Vào thời điểm cuối năm 2018, Ban Chỉ huy quân sự xã Hoài Thanh huy động 9 cán bộ, chiến sĩ dân quân cơ động của xã tham gia làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau lũ tại cầu Máng (ở thôn Trường An 1, xã Hoài Thanh).
Đối với người dân ở xã Hoài Thanh, cây cầu Máng này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là với đời sống của nông dân. Bởi vậy, bảo vệ cây cầu dẫn nước là điều khẩn cấp, hơn nữa việc đẩy lục bình cũng giúp ruộng của dân sạch trong việc làm đất khi lũ rút đi.
Trong lúc đang giúp dân trong vùng kê đồ đạc tránh lũ, nhận được tin cầu có nguy cơ bị lũ giật sập do lục bình dồn về quá nhiều, chặn dòng chảy, anh Quang đã cùng đồng đội đi ngay.
Không may khi vớt lục bình bám vào thành cầu để khơi thông dòng chảy, anh trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi rất nhanh. Những người làm nhiệm vụ cùng anh đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm nhưng phải 30 phút sau, thi thể anh Quang mới được tìm thấy.
Lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự xã Hoài Thanh cho biết, anh Quang là người nhiệt huyết, sống giản dị, chân thành với mọi người xung quanh. Mặc dù làm nghề thợ hồ, mỗi ngày thu nhập chỉ vài trăm ngàn nhưng khi có việc, Quang luôn có mặt đúng giờ.
Hôm xảy ra vụ việc, lẽ ra là đến lượt anh Quang được nghỉ ở nhà nhưng khi nghe Ban chỉ huy gọi đi, anh chẳng chần chừ và quyết định lên đường giúp dân.
Theo Danviet
Sai phạm 'be bét' vụ kè 80 tỷ hư hỏng: Chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!) Dù UBND tỉnh Bình Định đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm vụ kè 80 tỷ đồng vừa làm xong đã tan nát với lỗi thuộc về rất nhiều cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp. Thế nhưng, điều bất ngờ tất cả các cơ quan để xảy ra sai phạm đều chỉ bị UBND huyện Hoài Nhơn...