Lăng mộ trăm tuổi của nhà bác học Trương Vĩnh Ký
Lăng mộ Trương Vĩnh Ký (quận 5) mang nét kiến trúc Đông Tây kết hợp, do chính nhà bác học tự thiết kế cho mình khi còn sống.
Lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng, trong khu đất rộng khoảng 2.000 m2. Đích thân ông tự thiết kế khu mộ và coi sóc xây dựng cho đến khi mất.
Trương Vĩnh Ký là nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học xã hội của Việt Nam trong thế kỷ 19. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ, được được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái thế giới. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.
Cổng chính vào lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký hướng ra đường Trần Hưng Đạo. Là người theo Thiên chúa giáo nhưng khi tạ thế, cổng lăng của ông lại có kiến trúc theo kiểu tam quan của các ngôi chùa Phật giáo.
Cổng được xây dựng có ba tầng mái, lợp ngói ống, những góc mái cong lên giống như những đầu đao của các đình, chùa .
Ngay sau cổng tam quan là nhà mồ xây dựng theo hình bát giác, với diện tích khoảng 50 m2. Căn nhà xây theo kiểu Pháp, được trang trí với các họa tiết Đông Tây kết hợp, hài hòa và mỹ thuật.
Ngói vảy cá được lợp trên tám cạnh mái của căn nhà. Trên những đường viền nối các mái đều trang trí đắp nổi hình rồng kèm với biểu tượng thánh giá.
Video đang HOT
Cửa nhà mồ quay ra đường Trần Bình Trọng có ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó), nói lên đam mê khám phá tri thức lúc sinh thời của nhà bác học họ Trương.
Trong tám cạnh của căn nhà, có ba cạnh là cửa vào còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió. Cửa vào qua bậc tam cấp, có chạm trổ phù điêu nổi kết hợp nét kiến trúc của cả phương Đông và Tây.
Trong nhà mồ có 3 mộ phần, gồm 3 bia đá khác màu, chiều rộng khoảng 1 m, dài gần 2 m, được lát bằng phẳng. Mộ Trương Vĩnh Ký nằm ở giữa, hai bên là người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế.
Bia mộ khắc tên J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký (chữ Pháp đầu dòng là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Bến Tre) cùng năm mất và vài dòng thân thế. Trang trí mộ bia khá giản dị với hình cành lá bao quanh.
Chính giữa nhà mồ là tượng bán thân nhà bác học và phía sau là đài thờ bên trong nhà mồ.
Trên trần vẽ trang trí hình tượng long mã ở giữa, xung quanh là mây gió.
Trong khuôn viên nhà mồ còn một nhà ngói cổ do ông Trương Vĩnh Ký xây dựng năm 1886. Căn nhà như hiện nay được trùng tu lại từ năm 1937, nhân dịp lễ giỗ của ông, chỉ xây lại tường bao quanh thay cho vách ván trước đây. Hiện căn nhà là nơi sinh sống của hậu duệ họ Trương.
Ấn tượng vồ Ông Tà
Thoạt nghe đến vồ Ông Tà, tôi có chút bất ngờ bởi cái tên này còn khá xa lạ dù lắm lần đã dọc ngang vùng Bảy Núi.
Theo sự chỉ dẫn của người quen, tôi đến khu vực này trong một ngày nắng hạ để tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của vồ Ông Tà ẩn mình dưới chân núi Kéc thuộc xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang).
Con đường cát lún chạy ngoằn ngoèo qua những vườn cây xanh mát dẫn tôi đến với vồ Ông Tà. Giữa khung cảnh thiên nhiên trầm mặc, tiếng xe máy của tôi là thứ duy nhất "đánh động" không gian yên tĩnh này. Thi thoảng, vẫn có những căn nhà nằm lẫn khuất dưới màu xanh của lá. Tìm mãi mới có người hỏi thăm để biết còn bao lâu nữa mới đến được vồ Ông Tà.
Theo hướng dẫn của một cụ ông ngoài 70 tuổi, tôi quẹo sang con đường tráng xi-măng bằng phẳng dẫn lên vồ Ông Tà. Giữa màu xanh của cây cỏ, con đường màu trắng nổi bật lên như một dải lụa giữa thiên nhiên. Nếu anh bạn nào có flycam, hẳn sẽ rất thích với việc chụp ảnh từ trên cao để thấy rõ sự tương phản màu sắc ở khu vực này. Tiếng máy xe ngưng hẳn. Không gian trở về im lặng. Trước mặt tôi là con dốc khá cao, cũng được tráng xi-măng bằng phẳng.
Miếu Ông Tà được người dân tới lui hương khói
Vừa bước chân lên dốc chừng 10m, tôi giật mình vì một nhóm 5-7 chú chó từ trên đỉnh dốc tràn xuống sủa... "nhiệt tình"! Cứ ngỡ nơi này sẽ không có người định cư, nhưng trên góc vồ Ông Tà vẫn có một mái nhà nhỏ đơn sơ. Hỏi ra mới biết gia chủ là anh Huỳnh Lê Giang (người dân ở xã Thới Sơn) đã lên đây "tạm trú" từ năm 2014.
Anh Giang cho biết, bởi thích sự yên tĩnh và sống chan hòa với thiên nhiên nên đến đây cư ngụ, dọn dẹp nơi này cho quang đãng. Con đường tráng xi-măng dẫn lên vồ Ông Tà là do anh "làm lần lần" qua nhiều năm mới được như hôm nay.
Anh Giang chia sẻ, vồ Ông Tà có từ rất lâu nhưng địa điểm này không được nhiều người biết đến. Chủ yếu là dân địa phương thỉnh thoảng có việc đi ngang qua đây rồi cầu khẩn Ông Tà, thắp vài nén nhang thành kính. Vốn yêu thích sự bình yên, anh Giang đến đây để được chan hòa với thiên nhiên và bạn đồng hành là 5-7 chú chó sủa inh ỏi khi nãy. Nói đoạn, anh Giang dẫn tôi đến miếu Ông Tà. "Miếu" là một kẹt đá trên cao, bên trong có 1 hòn đá to, tròn, được quấn 1 đoạn vải dài trông giống biểu tượng của 1 đầu người. Đó là Ông Tà!
Một góc vồ Ông Tà
Giữa cái tĩnh lặng của đất trời, mấy cơn gió ùa ngang làm mát dịu lòng người. Thắp mấy nén nhang thành kính, anh Giang cầu nguyện Ông Tà phù hộ mình và những người dân đến định cư dưới chân núi Kéc có cuộc sống an bình, sung túc. Vì đã quá trưa, anh Giang tạm biệt tôi để lo công việc. Anh bảo cứ thoải mái khám phá cảnh vật và chỉ thêm cho tôi mấy điểm đến đặc biệt của vồ Ông Tà.
Về tổng thể, khu vực vồ Ông Tà có mấy đồi đá nhỏ nằm riêng biệt như những hòn non bộ khổng lồ. Hình dạng các đồi đá sắp xếp rất kỳ lạ, tạo cảm giác mạnh cho những ai lần đầu chứng kiến. Trên đỉnh vồ Ông Tà có mấy cây đa với bộ rễ "bò" trên đá trông rất lý thú.
Ngoài ra, còn có hang Ông Rùa được hình thành do một tảng đá lớn nằm che phía trên một hẻm đá. Tảng đá ấy theo sự tưởng tượng của người dân lại khá giống với đầu của một con rùa. Vì thế, họ gọi đó là hang Ông Rùa. Trên các đồi đá, anh Giang có dựng điểm nghỉ tạm cho du khách để vọng cảnh núi rừng.
Dù chỉ cao chừng 20-30m nhưng khi đứng trên đỉnh của những đồi đá ấy khiến người ta cảm thấy "tê chân", bởi vách đá dựng đứng hùng vĩ. Giữa mênh mông của lá, của cây là cái cảm giác thư thái, nhẹ nhàng của một kẻ từng xuống phố, lên rừng.
Những người bạn từng "check-in" ở vồ Ông Tà cũng nói rằng, khung cảnh nơi đây sẽ khiến người ta cảm thấy yêu thiên nhiên hơn bởi vẻ hùng vĩ và thanh bình của nó. Có lẽ, vồ Ông Tà đẹp nhất là buổi sáng bình minh cũng như lúc hoàng hôn, khi ánh nắng nghiêng mình qua những tán cây và lẫn trong ấy là tiếng chim ríu rít.
Điểm đặc biệt ở vồ Ông Tà là đá ở khu vực này có màu trắng đặc trưng. Nó tương phản với phần còn lại xung quanh nên tạo ấn tượng mạnh với những ai từng đặt chân đến đây. Ấn tượng đó vẫn lưu lại trong lòng tôi khi rời khỏi mảnh rừng dưới chân núi Kéc này.
Với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, vồ Ông Tà xứng đáng là điểm "check-in" mới cho những ai đam mê "xê dịch". Trong tương lai, khu vực này cần được phát triển thành điểm đến tâm linh, đồng thời có biện pháp bảo vệ vẻ hoang sơ, kỳ bí vốn đã tạo thành nét hấp dẫn đặc trưng của vồ Ông Tà.
Huyền bí mộc thần Yang Bay Vừa vào đến khuôn viên của Công viên Du lịch Yang Bay, phía bên trái đầu dốc là đồi Phượng Hoàng, có một cổ thụ sum sê. Những già làng ở đây cũng không biết cổ thụ có từ khi nào, chỉ ước chừng đã tồn tại hơn 500 năm, qua bao thế hệ, dân làng vẫn gọi với cái tên tôn kính...