Làng lồng đèn nức tiếng TP.HCM dịp Trung thu: Có hộ ‘trúng lớn’, bán 10.000 cái
Dịp Tết Trung thu năm nay, nhiều hộ làm lồng đèn ở làng nghề truyền thống Phú Bình (Q.11, TP.HCM) cười tít mắt vì “trúng lớn”, hồi sinh mạnh mẽ sau gần 3 năm đìu hiu vì dịch Covid-19.
Có hộ đã bán hơn 10.000 cái, đơn hàng làm “không kịp thở”.
Chúng tôi ghé thăm làng lồng đèn truyền thống Phú Bình, nơi hàng chục hộ vẫn ngày đêm, tất bật làm việc phục vụ cho nhu cầu tăng cao mùa Tết Trung thu. Ai ai cũng phấn khởi, bởi làng hồi sinh mạnh mẽ sau nhiều năm ảm đạm.
Cháy hàng…
Đã gần 12 giờ trưa, con hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân (Q.11, gần giáo xứ Phú Bình) oi ả vì nắng. Gia đình bà Nguyễn Kim Thu (43 tuổi) vẫn tất bật làm những chiếc lồng đèn ông sao cỡ nhỏ để giao theo đơn đặt hàng của một trường học ở TP.HCM.
Khác với thời điểm dịch Covid-19 những năm trước, mùa Trung thu năm nay, bà Thu cùng chồng và 3 con hết sức phấn khởi, bởi cả nhà đã bán sỉ được hơn 10.000 cái lồng đèn, chủ yếu là đèn ông sao. Không chỉ so với thời điểm dịch bệnh, mà ngay cả trước dịch, thì đây vẫn là một con số “khủng”.
Làng lồng đèn Phú Bình rực rỡ sắc màu dịp Trung thu. Ảnh CAO AN BIÊN
“Mừng vô cùng! Hiếm có năm nào bán được như năm nay đó. Bình thường năm ngoái, mình bán nhiều lắm cũng chừng 2.000 cái. Năm nay bán được tới bất ngờ luôn. Điều này chứng tỏ làng làm lồng đèn Trung thu Phú Bình hồi sinh mạnh mẽ sau dịch”, bà Thu cười tít mắt.
Tay thoăn thoắt tạo hình cho chiếc đèn ông sao xinh xắn, bà cho biết từ sau Tết âm lịch, bà cùng chồng đã bắt tay vào việc tạo khung cho những chiếc lồng đèn, với đủ các kích cỡ từ nhỏ tới lớn. Đến tháng 5, khi đơn đặt hàng tăng liên tục thì gọi thêm người thân ở quê lên phụ, tổng cộng 6 người.
Mỗi chiếc lồng đèn bán ra, giá dao động từ 12.000 đồng đến 70.000 đồng tùy kích cỡ. Thời điểm này, có tăng một chút, tầm 1.000 đồng, chủ yếu giao sỉ cho các đơn vị, doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Video đang HOT
Bà Thu phấn khởi vì năm nay lồng đèn “cháy hàng”. Ảnh CAO AN BIÊN
Người thợ tỉ mỉ trong từng công đoạn để cho ra chiếc lồng đèn ông sao hoàn chỉnh. Ảnh CAO AN BIÊN
Chỉ vào số lồng đèn đang làm và được xếp ngay ngắn, bà nói những ngày qua vẫn làm “không kịp thở”. Nhiều đêm, gia đình bà phải thức tới khuya để hoàn thành những đơn hàng. Không chỉ bán các sản phẩm được tạo thành thành phẩm hoàn chỉnh, cửa hàng của bà còn giao khung lồng đèn cho một số trường học, để các em thiếu nhi tự trang trí theo sở thích.
Theo bà chủ cơ sở, gia đình mình có truyền thống làm lồng đèn hơn 50 năm nay, từ những ngày đầu tiên làng được hình thành. Chị từ ngày về làm dâu, cũng đã nối nghiệp gia đình chồng làm nghề này, ngót nghét cũng hơn 20 năm.
Đơn hàng liên tục khiến bà Thu “mệt nhưng phấn khởi”. Ảnh CAO AN BIÊN
Bà Ánh Loan vẫn ráo riết hoàn tất đơn hàng cận Trung thu. Ảnh CAO AN BIÊN
“Nhờ nghề này mà mình nuôi các con ăn học, cũng có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống. Phải chi năm nào cũng bán được như năm nay thì chắc mình sống khỏe luôn”, bà Thu cười nói.
“Hạnh phúc với cái nghề, cũng là cái nghiệp…”
Cạnh cửa hàng của bà Thu, là gia đình bà Ánh Loan (50 tuổi), cũng đang tất bật hoàn thành những chiếc lồng đèn hình con bướm bắt mắt. Chỉ lên trần nhà treo đầy những chiếc lồng đèn thành phẩm đủ các kích cỡ, hình dáng bắt mắt, bà nói đó là những đơn hàng sắp được mang đi giao.
Trung thu này, gia đình bà bội thu, làm ăn được. Nhiều quá, bà không thể nhớ hết số lồng đèn đã hoàn thành. Cũng giống như bà Thu, gia đình bà Loan cũng tăng tốc làm lồng đèn từ hồi tháng 5, khi đơn đặt hàng cứ tăng liên tục.
Những chiếc lồng đèn được trang trí bắt mắt. Ảnh CAO AN BIÊN
“Hàng chục năm làm cái nghề truyền thống của gia đình, tôi thấy hạnh phúc. Đây không chỉ là cái nghề, mà còn là cái nghiệp gắn với cuộc đời mình. Mỗi chiếc lồng đèn tôi làm ra, là tâm huyết, tình cảm mà mình dồn vào nó. Năm nay, quá vui và phấn khởi vì bán được hàng vượt cả sự tưởng tượng của mình”, bà tâm sự.
Cách đó không xa, cửa hàng của chị Mỹ Hiếu (40 tuổi) cũng ngập tràn màu sắc rực rỡ của những chiếc lồng đèn Trung thu đủ các thể loại, màu sắc. Chị Hiếu cho biết có xưởng riêng của gia đình ở quê. Sau khi hoàn tất thành phẩm, chị vận chuyển lên TP.HCM để giao cho khách.
Cừa hàng của bà Mỹ Hiếu rực rỡ sắc màu. Ảnh CAO AN BIÊN
Nhiều phụ huynh cho con ăn Trung thu sớm. Ảnh CAO AN BIÊN
Tại cửa hàng, giá mỗi chiếc lồng đèn cũng dao động từ vài chục cho đến vài trăm tùy loại. Nhiều lồng đèn có kích cỡ lớn, dài từ 1 – 2m, được chị bán với giá vài triệu đồng.
“Nói chung năm nay mừng lắm, vì mình buôn bán được như dự tính. Hy vọng là năm nào cũng như năm nay, để mình khỏe, với lại có động lực để gắn bó với cái nghề đã theo mình hơn 30 năm nay”, chị hy vọng.
Ấm áp 'Đêm hội Trăng rằm' tại huyện biên giới Buôn Đôn, Đắk Lắk
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nghèo vùng biên giới được đón Trung Thu vui tươi, ý nghĩa, tối 9/9, tại Quảng trường trung tâm huyện Buôn Đôn, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND huyện Buôn Đôn tổ chức Đêm hội Trăng rằm năm 2022.
Hoạt cảnh và hát phụ họa Cuội ơi tại Đêm hội. Ảnh: TTXVN phát.
Tại chương trình, hơn 1.000 thiếu nhi các dân tộc huyện Buôn Đôn đã được nghe Thư chúc Tết Trung Thu thiếu niên, nhi đồng của Chủ tịch nước. Các em được hòa mình vào không khí Tết Trung Thu sôi nổi với các tiết mục múa lân - sư - rồng, thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Dịp này, Ban Tổ chức tặng 64 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất cho thiếu nhi nghèo vượt khó, 30 xe đạp dành cho thiếu nhi chưa có phương tiện đến trường, trao một nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn và tặng hơn 1.000 phần quà cho thiếu nhi tham dự chương trình.
Em Lê Thị Kim Ngân, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Gia đình em Ngân thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ không có việc làm ổn định và đang nuôi hai con trong độ tuổi đi học. Tham dự chương trình, vừa đón Trung Thu, vừa được nhận xe đạp và các phần quà, em Ngân cho biết sẽ luôn cố gắng học thật giỏi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Biểu diễn nghệ thuật Lân, Sư, Rồng tại Đêm hội. Ảnh: TTXVN phát.
Cùng tâm trạng vui tươi, xúc động như em Ngân, em Mai Thùy Linh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trường Tộ, huyện Buôn Đôn chia sẻ, gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, được tham gia chương trình và nhận học bổng, em như được tiếp thêm động lực để phấn đấu luôn là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Sau hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đêm hội Trăng rằm năm 2022 đến với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã cho Linh và các bạn một Tết Trung Thu ý nghĩa, ấm áp, ngập tràn niềm vui.
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk Lâm Đình Nhiên cho biết, nhân dịp Tết Trung Thu 2022 và đầu năm học mới 2022 - 2023, đơn vị đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để tặng học bổng, các phần quà, sân chơi cho trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa tổ chức Trung Thu. Các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đón Tết Trung Thu lành mạnh, an toàn và bắt đầu năm học mới đầy niềm vui, nghị lực; qua đó tạo những sân chơi bổ ích cho thiếu nhi và động viên, khuyến khích các em nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Trước đó, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Buôn Đôn tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian, hội thi lồng đèn đẹp, rước đèn, khám bệnh cấp phát thuốc và tặng 200 bánh Trung Thu cho thiếu nhi buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na. Từ ngày 3 - 8/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình vui Tết Trung Thu 2022 cho trẻ em các xã biên giới thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp.
Mang Tết Trung thu đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Ngày 8/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tỉnh Đoàn Long An tổ chức Hội trại Trung thu năm 2022 cho 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An trao giải nhất và nhì toàn đoàn cho các...