Lặng lẽ mưu sinh trong đêm Hà Nội mưa rét kỷ lục
Nhiệt độ dưới 10 độ C cùng những cơn mưa dầm khiến cái rét buốt như lặn sâu vào da thịt. Đêm đông Hà Nội, khi người người đang co mình ngon giấc trong chăn ấm thì đâu đó vẫn còn những lao động nghèo lặng lẽ mưu sinh.
Đêm 3/1/2011, toàn miền Bắc chìm sâu trong giá rét dưới 10 độ C. Hà Nội bước vào đợt rét đậm, rét hại kỷ lục trong năm. Mưa cũng nặng hạt hơn khiến đường phố thưa vắng lạ thường. Mới hơn 10 đêm mà tại các điểm dừng đèn đỏ ngã tư chỉ lác đác vài phương tiện. Nếu không có việc gì quá cần kíp phải ra đường, ai cũng chậc lưỡi chui vào chăn bông ấm áp, mặc kệ mưa gió ngoài trời.
Ai cũng vội vã về nhà trong buổi tối mùa đông rét mướt kỷ lục.
Nhưng trong cái rét mướt kỷ lục của đêm đông Hà Nội, những người lao động vẫn lặng lẽ mưu sinh với mong muốn gom góp thêm “chút ấm áp” cho những ngày tết đã cận kề. Đêm mưa rét, mỗi người một nỗi niềm riêng. Đường phố vắng tanh, bác xe ôm gật gù ngủ quên mà không thấy khách nào gọi. Gánh ngô luộc nghi ngút khói từ chập tối đã ế ẩm, cứ bỏ đó đốt một đống lửa sưởi mà không thấy các anh trật tự phường “hỏi thăm” như mọi hôm…
Một gánh hàng rong trơ trọi bên đường.
Sau một ngày len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm để thu gom đồng nát, mãi đến khuya, chị Nguyễn Thị Nhạ (Liên Trung – Đan Phượng – Hà Nội) mới có thời gian thảnh thơi chọn một góc phố yên tĩnh để phân loại chúng. Những nilon, nhôm sắt vụn, bìa cứng cát tông… bày túa ra khiến đôi bàn tay trần thâm tím vì rét nhưng trán chị vẫn lấm tấm mồ hôi.
Tranh thủ phân loại đồng nát sau một ngày mệt nhoài len lỏi khắp các ngõ phố thu mua.
Ngọn lửa ấm áp giúp những người lao động xua bớt cái giá lạnh đêm đông.
“Em có hai cháu đang đi học. Bố nó ở nhà sức khỏe yếu. Nếu cứ ở quê thì chắc cả nhà chết đói với mấy sào ruộng mất. Đi thu gom đồng nát trên này mỗi ngày được dăm ba chục nghìn cuối tháng gửi về cho các cháu. Ban ngày, em cứ đi khắp mọi nơi không cần chỗ nghỉ. Chỗ nghỉ đêm, em thuê theo tối. Mùa này rét cần chăn bông thì mất 7 nghìn một tối. Mùa hè thì chỉ 5 nghìn thôi. Đêm thì rét thật. Chăn không đủ ấm thì rủ mấy đứa cùng làng nằm co lại ôm nhau ngủ. Ban ngày, đạp xe mướt mồ hôi cũng chả thấy rét mướt gì nữa”, chị Nhạ vừa làm vừa tâm sự.
Video đang HOT
Trong những đêm đông, những người bán hàng rong sợ đói hơn sợ rét…
Đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân về khuya đã vắng tanh người qua lại, dưới ánh đèn vàng cũng nhạt nhòa vì rét, tiếng chổi tre của chị lao công vẫn văng vẳng vọng lại. Cạnh đó, một dãy xe ngô luộc, khoai lang nướng đậu sát vỉa hè đợi khách. Chị Nguyễn Thị Tình, Thạch Xá – Thạch Thất (Hà Nội) đứng co ro chia sẻ: “Cứ rét thế này dăm hôm thì chúng em chết. Không chết rét mà chết đói. Ngô luộc rồi, khoai lang nướng rồi mà ế hai hôm thì vứt đi còn bán cho ai. Mưa gió rét mướt thế này, họa hoằn mới có người ra đường, ai cũng ngại chẳng muốn dừng xe mua bán gì cả”.
Lặng lẽ mưu sinh trong đêm rét.
Đi dọc những con phố, thỉnh thoảng lại bắt gặp cảnh dăm ba người tập trung bên một đống lửa ấm áp. Trong giây phút huơ huơ đôi bàn tay trên ngọn lửa bập bùng, cảm giác cái buốt giá, mỏi mệt suốt một ngày đêm lao động cật lực cũng vơi bớt phần nào.
Những quán nhậu đêm là tấp nập nhất.
Nhộn nhịp nhất trong đêm rét là những dãy đồ nhậu đêm. Các cửa hàng chuyên vịt nướng, vịt luộc bên đường Trần Quang Diệu, sát Gò Đống Đa đến quá nửa đêm vẫn ồn ã sáng đèn. Chủ quán là những người ngoại tỉnh thuê nhà mở quán. Khách hàng cũng là những lao động ngoại tỉnh. Đồ ăn cũng giản đơn, tiếng băm chặt, tiếng cụng ly cười nói oang oang cả dãy phố. “Toàn anh em lao động ngoại tỉnh. Có khi phần nhiều là người cùng làng cùng xã. Ban ngày túa đi làm đâu không biết, tối về lại gặp nhau ở đây. Cũng vì thế mà ở quê có thông tin gì là chúng tôi biết hết”, anh Trần Văn Hữu, chủ một quán ăn đêm chia sẻ.
Một công trường xây dựng vẫn hối hả làm việc quyết tâm đạt đúng tiến độ công trình.
Những ngày tết đã đến cận kề, trên nhiều công trường xây dựng, công nhân vẫn thi công bất kể mưa gió rét mướt. Khẩu hiệu “An toàn là trên hết”; “Quyết tâm thi công công trình đúng tiến độ”… được giăng lên làm động lực cho từng tổ thợ. Chỉ còn ít ngày nữa là Tết Nguyên đán nhưng mưa rét vẫn đang nối dài khiến mong muốn “một cái Tết no ấm” của nhiều lao động nghèo càng xa vời hơn.
Theo Dân Trí
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại
Từ nay người lao động nghèo ở Bình Minh (Vĩnh Long) qua Cần Thơ mưu sinh không còn cảnh hồi hộp lo sợ mỗi khi qua sông Hậu bằng những chiếc "đò chui" không phép, không an toàn nữa.
Gian nan những ngày đi "đò chui"
Ngồi trên chiếc đò có tải trọng 120 tấn của ông Huỳnh Quang Thoại (bến Cần Thơ) để qua sông Hậu, nhiều chị em phụ nữ đi bán dạo (rau, trái cây, vé số, ..) vui mừng thi nhau kể lại những tháng ngày vất vả và nguy hiểm mỗi khi qua sông Hậu bằng "đò chui" nhỏ xíu.
Chị Thanh Tiền - ở khu vực 1, Cái Vồn, Bình Minh kể: "Tui đã qua chợ Cần Thơ bán rau gần cả chục năm nay rồi. Mối mang nhiều lắm nên làm sao bỏ được. Bởi vậy khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, muốn qua Cần Thơ phải đi đường vòng hơn 20 km, nhưng xe cộ đâu mà đi. Còn đi xe ôm thì tốn mất 40.000 đồng/lượt. Với sạp rau nhỏ của tui thì bán cả ngày trời chỉ đủ tiền trả xe ôm. Nên để đảm bảo chút tiền lời đong gạo ăn tui phải chọn đò dọc để qua sông."
Buổi sáng chen chân xuống đò dọc để qua sông Hậu
Nhiều chị em trên phà cho biết: đa số những người đi đò dọc (bằng vỏ lãi) qua sông Hậu là chị em phụ nữ, ít ai biết bơi. Nên mỗi lần ra giữa sông là bắt đầu lo sợ. Nhất là những hôm gặp gió lớn, sóng to, chị em cứ nháo nhào lên càng làm chiếc đò lắc lư. Những lúc như vậy chỉ biết cầu trời khấn phật cho đò cập bến an toàn.
Bác Đỗ Thanh Tâm (60 tuổi) - ở thị trấn Bình Minh, huyện Bình Minh qua Cần Thơ bán vé số dạo kể: "Tui già rồi nên làm sao đạp xe lên cầu Cần Thơ nổi. Lúc đó cũng nằm không xơi nước cả tháng trời. Vừa nghe có tuyến xe buýt đi Bình Minh - Vĩnh Long, tui mừng lắm. Nhưng mấy ngày đầu không biết giờ xe chạy, tui ra trễ. Xe chạy mất tiêu, đành đợi xe khác. Qua đến Cần Thơ thì nửa trưa rồi, buôn bán gì được nữa! Cuối cùng thấy có đò dọc qua sông Hậu, vừa rẻ, lại nhanh, làm liều đi đại chứ nói thật cũng sợ lắm!".
Bến đò - chiếc phao cho người lao động nghèo
Trước nhu cầu qua lại sông Hậu quá lớn của bà con hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long, lãnh đạo hai tỉnh đã có công văn xin Bộ Giao thông vận tải cho phép 1, 2 chiếc phà tại bến phà Hậu Giang hoạt động trở lại nhưng không được chấp thuận.
Mới đây, nhằm chấm dứt tình trạng "đò chui", đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho người dân qua sông Hậu nên lãnh đạo Sở GTVT Vĩnh Long, Cần Thơ đã đồng ý cho thành lập bến đò Bình Minh, Cần Thơ và chiều ngược lại. Sự ra đời của bến đò được đông đảo người dân hai tỉnh vui mừng và hoan nghênh.
Người dân rất vui mừng khi có đò qua sông Hậu an toàn như thế này
Ghi nhận niềm vui của người dân, mới 6 giờ sáng, PV Dân trí đã có mặt tại bến đò (bến Cần Thơ), chứng kiến hàng trăm lượt khách qua lại trên chiếc phà mới có tải trọng 120 tấn, đảm bảo an toàn. Đa số người đi trên phà là công nhân, tiểu thương, sinh viên và nhiều nhất là bà con lao động nghèo từ huyện Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) qua Cần Thơ mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Mai - Bình Minh, Vĩnh Long mang hai bao ấu qua Cần Thơ bán - hồ hởi nói: "Có bến phà này tui mừng lắm! Mỗi ngày tiết kiệm được 50.000 đồng. Đi phà vừa an toàn, vừa mất ít thời gian và công sức, bà con tui mừng lắm!".
Theo chị Mai, trước kia "đi tắt" bằng vỏ lãi qua sông Hậu mỗi bận tốn ít nhất là 10.000 đồng. Tốn tiền là một chuyện nhưng quan trọng nhất là nhiều rủi ro. Hôm nào sóng to không có đò thì đi xe ôm, mỗi bận cũng tốn hết 30.000 đồng.
Những người đi bán dạo như anh Nghĩa, chị Mai rất vui mừng khi bến phà hoạt động trở lại
Anh Nghĩa bán vé số dạo phấn khởi: "Có bến đò này, những người lao động nghèo như chúng tôi như gặp được chiếc phao. Lúc trước không có phà, mỗi ngày tui phải còng lưng đạp xe đạp đi về trên 40km (từ Bình Minh qua Cần Thơ), mất gần cả giờ đồng hồ mới qua tới Cần Thơ. Hôm nào bán hết vé số thì về đạp xe lên Cầu Cần Thơ nhẹ tênh. Còn hôm nào tui bán ế thì đi bộ dắt xe thấy cũng mệt!".
Riêng em Nguyễn Hoàng Trọng Nhân - sinh viên trường ĐH Tây Đô - cho biết: "Cha mẹ thấy em đạp xe cực nhọc đến trường, mỗi ngày đi về gần 40 km nên định vay ngân hàng mua cho em chiếc xe gắn máy. Rất may có bến phà này nên em chỉ cần qua sông rồi đạp khoảng 6 km nữa là tới trường".
Được biết, tại bến đò ngang Cần Thơ, chiếc đò sắt 120 tấn của ông Huỳnh Quang Thoại đóng theo hình thức phà nhỏ, mỗi chuyến chở được 40 xe gắn máy và khoảng 100 hành khách. Tại bến đò Bình Minh, HTX đò ngang Bình Minh có một chiếc đò ngang trọng tải 80 tấn mỗi chuyến qua sông chở được 50 khách và 20 xe gắn máy. Cứ 30 phút sẽ có một chuyến phà sang sông; hoạt động từ 4 giờ sáng đến 20 giờ tối mỗi ngày.
Công tác kiểm tra áo pháo, phao cứu hộ luôn được các chủ phà đặt lên hàng đầu
Giá qua phà mỗi chuyến đối với người đi bộ là 3.000đ; người đi xe đạp 5.000đ; người đi xe gắn máy 7.000đ. Miễn giảm 50% tiền vé cho học sinh, sinh viên; miễn giảm 100% cho bộ đội, công an và cán bộ đi công tác. Riêng người nghèo chủ đò không lấy tiền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Thoại cho biết: "Bến đò này đã hoạt động được gần ba tháng nay. Ngoài việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi xuất bến thì việc kiểm tra áo phao, phao cứu hộ cho khách chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Dịp Tết nguyên đán này chúng tôi xin phép cho thêm 1, 2 chiếc phà nữa hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhân dân".
Theo Dân Trí
Thân phận những "cái bang" nhỏ bé Nó sinh ra ở 1 vùng quê nghèo ở Vĩnh Phúc. Nó bảo "quê em là đất chó ăn đá, gà ăn sỏi. Nó nói: "Ra Hà Nội em mới biết cuộc sống của người thành phố sung sướng thế nào chứ như ở quê em, chỉ cần có đủ gạo ăn là may lắm rồi". Tết là dịp để người lớn lo...