Lặng lẽ đông về
Khi những chiếc lá vàng của mùa thu rời cành rụng xuống, cũng là lúc báo hiệu đông đã sang.
Tháng Mười một đem theo những cơn gió mùa Đông Bắc chầm chậm kéo về, nhẹ nhàng vuốt ve khóe môi xinh làm khô nẻ da thịt. Giọt sương đêm chậm rãi lắng đọng những nỗi buồn của đêm ủ ê vương lại trên phiến lá mềm và nhẹ. Ấy là khi lòng người bồi hồi đến lạ, nhớ nhung và nuối tiếc mùa thu đã trôi qua.
Mùa đông ở vùng cao.
Chớm đông, bầu trời âm u, xám xịt một màu tro bếp. Từng áng mây nặng nề chuyển mình trên cao rồi bất chợt đem mưa phùn lây rây tràn xuống phố. Giữa những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, đất nứt nẻ, bung bở ra tạo thành muôn vàn hình thù khác lạ, những cơn gió mùa cũng hòa chung vũ khúc chào mùa đông về, len lỏi, vuốt ve da thịt làm cho ai cũng rùng mình, bước vội.
Vào thời điểm giao mùa giữa thu sang đông, những thói quen cũ cùng ùa về trong se lạnh. Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 11, bà và mẹ tôi lại tất bật chuẩn bị bao nhiêu là thứ. Những chiếc chăn hè mỏng được đem giặt sạch, cất lên gác. Từng món đồ mùa đông đã cất kĩ từ mùa hè năm trước nay lại lấy ra, nào khăn, mũ, áo, tất làm từ các loại vải bông, vải len… chỉ mới liếc nhìn đã thấy sực ấm ở trong lòng.
Mùa đông về, chẳng phải chỉ có mưa và buốt giá. Trong se lạnh của gió mùa Đông Bắc vẫn len lỏi những ngày nắng vàng hanh hao. Những hạt nắng cuối thu đầu đông, chẳng vàng ngọt ươm chín hạt lúa tháng Chín, tháng Mười. Tháng Mười một, nắng hanh hao và nhàn nhạt. Hạt nắng như tơ, trải chiếc thảm của mình xuống hong khô cỏ cây, hoa lá, như một vận động viên chạy nước rút trước khi bắt đầu vội vã bước vào mùa đông. Hanh hao, lạnh lẽo là thế nhưng chẳng hiểu vì sao những cánh hoa dã quỳ vẫn bung xòe vàng óng, như đem hết hương trời rực rỡ tỏa ra. Những triền núi xanh nâu lốm đốm bởi lá cây chuyển mùa cũng vì thế mà vàng rực một sắc. Nhưng dã quỳ cũng chẳng sưởi ấm nổi mùa đông, khi chừng độ chục ngày, những bông hoa cũng lụi tàn, nhường chỗ cho sắc xám nhàn nhạt, u buồn của cảnh vật khi đông về.
Mùa đông ở vùng sơn cước bao giờ cũng khắc nghiệt và về sớm hơn vùng đồng bằng. Tôi còn nhớ rất rõ, chớm đông thầm thì gõ cửa, anh em chúng tôi mỗi lần đi học về lại vội vã sà vào bếp, ngồi bên bếp lửa bập bùng dưới căn bếp nhỏ của bà. Đôi bàn tay xoa xoa vào nhau rồi lại xòe ra hơ lửa. Bếp lửa là nơi nấu ăn hằng ngày của gia đình, gió lạnh về bỗng trở thành nơi đoàn tụ mỗi khi chúng tôi trở về nhà. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào và ấm áp, là những hồi ức chỉ có thể nhớ lại khi đông về.
Một mùa đông nữa đang chầm chậm kéo về đem theo những hạt mưa lây rây từ nhà ra phố. Giữa phố thị ồn ã, tấp nập, hạt mưa vẫn kéo trời xuống thì thầm với đất, thì thầm cả với tâm hồn của những người đang hoài niệm. Bếp lửa ở căn bếp xưa đã không còn, bà cũng chẳng còn ở bên cạnh tôi nữa. Nhưng dù cho vạn vật đều thay đổi, vẫn đúng hẹn hằng nằm, tháng Mười một tới đem theo hơi thở của mùa đông lặng lẽ ùa về.
Video đang HOT
Nguồn: Báo Cao Bằng
Theo vanhien.vn
Mùa dã quỳ nở rộ từ Ba Vì hùng vĩ đến Đà Lạt mộng mơ
Dã quỳ nở rộ từ vườn quốc gia Ba Vì rộng lớn đến xứ Đà Lạt mộng mơ, đem đến cảnh sắc rực rỡ và thu hút sự chú ý của khách du lịch.
Thời điểm cuối thu, khi miền Bắc sắp chào tạm biệt mùa đẹp nhất trong năm, cũng là lúc hoa dã quỳ nở rộ khắp các triền núi ở vườn quốc gia Ba Vì.
Những bụi hoa dã quỳ khoe sắc rực rỡ, thu hút lượng lớn khách du lịch đổ về tham quan và chụp ảnh. (Ảnh: thuyvivuu)
Tại vườn quốc gia Ba Vì, loài hoa này vốn được người Pháp mang về đây trồng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Suốt từ đó, hoa dã quỳ được coi là loài hoa dại, nhiều lần bị chặt bỏ để phát quang các khu rừng. Vài năm trở lại đây, ban quản lý vườn quốc gia nhận thấy hoa dã quỳ được đặc biệt yêu thích nên đã chủ đích trồng nhiều hơn loài hoa này.
Con đường từ cổng dẫn tới rừng thông, hai bên được tô điểm với những bụi hoa dã quỳ rực rỡ. Nhiều bạn trẻ dừng lại đây chụp ảnh vì khó có thể cưỡng lại khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Trước đây hoa dã quỳ chỉ phổ biến ở Gia Lai, Đà Lạt. Nhưng giờ thì du khách miền Bắc hoàn toàn có thể sở hữu những bức ảnh lung linh bên hoa dã quỳ mà không phải di chuyển quá xa. Có lẽ vì vậy mà vườn quốc gia Ba Vì vào những ngày này luôn là điểm đến đông đúc khách tham quan.
Vào dịp cao điểm như ngày cuối tuần, lượng người đổ về vườn quốc gia Ba Vì ngắm hoa dã quỳ lên tới hàng nghìn lượt.
Trong khi đó, các bạn trẻ ở Đà Lạt cũng đang hào hứng lên ý tưởng cho những bức ảnh chụp cùng hoa dã quỳ.
Hoa dã quỳ thường mọc thành bụi cao từ 2-3m, khi bung nở tạo thành một một chiếc thảm hoa khổng lồ. Vì vốn dĩ đã mang vẻ đẹp đầy sức sống, nên bạn chỉ cần đứng vào là sẽ có một bức ảnh như ý.
Ở Đà Lạt, mùa hoa dã quỳ đến cũng là báo hiệu mùa khô sắp về. Tại đây, thời điểm ngắm hoa dã quỳ đẹp nhất là vào 9-10h sáng hoặc từ 3-5h chiều.
Để ngắm trọn sắc vàng của những "thảm" hoa dã quỳ, khách tham quan thường di chuyển bằng xe máy, thong dong chậm rãi tìm những góc đẹp để chụp ảnh cùng hoa.
Để "săn" hoa đẹp, bạn có thể tham khảo những cung đường sau: Đà Lạt - Làng hoa Vạn Thành - Tà Nung - Thác Voi - Langbiang; Cung đường Trại Mát - Cầu Đất (xã Xuân Trường), cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30km; Cung đường Dinh 3 - Hồ Tuyền Lâm - Đường hầm Đất Sét; Cung đường đèo Prenn - Liên Khương (theo QL20) - Nam Ban - Tà Nung - Đà Lạt.
(Ảnh: svietnammm)
Theo thoidai.com.vn
Cúc họa mi đầu mùa Khi những cơn gió lạnh đầu mùa xuất hiện tại Hà Nội, cũng là thời điểm hoa cúc họa mi nở rộ, đánh dấu một mùa đông nữa lại về. Theo VTV