Làng hoa Vĩnh Liêm rộn rịp vào vụ Tết
Đến hẹn lại lên, làng hoa cúc Vĩnh Liêm ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn (Bình Định) bắt đầu tất bật chuẩn bị hoa Tết.
Khác với người trồng mai ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn đang đứng trước nguy cơ thất thu, những người trồng cúc ở khôi Vĩnh Liêm lại đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Về làng cúc Vĩnh Liêm những ngày này, người dân ai cũng bận rộn với việc chăm sóc hoa để kịp phục vụ vào dịp Tết sắp tới. Dạo một vòng làng hoa thấy ai cũng bận rộn, mỗi người mỗi việc, người tưới hoa, người bơm thuốc, người lại đang tỉ mỉ ngồi cắm từng que tre nhỏ để giữ cho từng cây cúc trong chậu đứng thẳng.
Anh Tư tỉ mỉ cắm từng que tre nhỏ giữ cho cây hoa cúc đứng thẳng
Video đang HOT
Giữa trưa nắng chang chang bà Hồ Thị Khải (61 tuổi, ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn) vẫn cặm cụi kéo vòi nước nặng trĩu tưới cho hơn 1 ngàn chậu cúc xanh mơn mơn.
Bà Khải vui vẻ chia sẻ: “Do năm nay ít mưa, tuy cây phát triển bình thường nhưng cây ít cao nên phải tưới nước nhiều hơn, thường ngày phải tưới 2 lần, buổi tối thắp điện để cây vươn cao và để hoa không nở sớm. Năm nay, gia đình tôi trồng 1.200 chậu hoa cúc các loại gồm cúc đại đóa, pha lê, cúc mâm xôi. Nếu giá hoa cúc Tết này giữ ổn định ở mức từ 100.000-150.0000 đồng/chậu như năm ngoái thì gia đình cũng thu được trên dưới 100 triệu đồng”.
Theo kinh nghiệm để xử lý cho hoa cúc phát triển tốt và không nở sớm là dùng đèn điện sưởi ấm vào ban đêm khi hoa vào chậu từ 30 đến 45 ngày và dùng các loại phân vi sinh để tưới.
Những ngày này người dân làng cúc Vĩnh Liêm tất bật chăm sóc hoa chuẩn bị đón Tết
Tỉ mỉ chăm chút từng chậu cúc anh Lê Văn Tư (39 tuổi, khối Vĩnh Liêm) phấn khởi nói: “Năm nay vợ chồng tôi trồng 400 chậu cúc, nhờ năm nay trời nắng ấm nên cây cúc phát triển tốt. Nếu giá cả giữ như năm ngoái thì người dân trồng hoa chúng tôi cũng được nhờ”.
Ngày nay, cúc Vĩnh Liêm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ với người chơi hoa trong tỉnh mà còn đi khắp các tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Để đáp ứng nhu cầu của người chơi hoa, hầu hết người trồng cúc ở Vĩnh Liêm đã tìm hiểu kỹ thuật trồng và du nhập các giống cúc mới như giống cúc đại đóa (Hà Nội), cúc pha lê, cúc mâm xôi (Đà Lạt) về trồng để cung cấp hoa vào dịp Tết Nguyên đán.
Xanh mơn mởn làng cúc Vĩnh Liêm
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Bình Định, cho biết: “Mùa hoa tết năm nay, toàn phường có 45 hộ trồng hoa cúc với số lượng 26.000 chậu, tập trung tại khu vực Vĩnh Liêm, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Thị Minh Khai, Kim Châu… Riêng khu vực Vĩnh Liêm có số hộ trồng hoa cúc đông nhất với khoảng 30 hộ, số lượng trồng hơn 10.000 chậu, mỗi hộ trồng trung bình từ 350 – 400 chậu. Nếu so với trồng cây lúa thì năng suất trồng hoa cao hơn nhiều lần”.
Theo Dantri
Quản lý lòng đường, vỉa hè tại HN: Thất thu hàng chục tỉ đồng
Theo Thanh tra Bộ GTVT, hiện có nhiều tồn tại trong việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội. Trong đó, việc áp dụng không thống nhất mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè đã dẫn đến thiếu công bằng và thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Tình trạng chiếm vỉa hè để kinh doanh là thực trạng phổ biến ở nhiều nơi trong thành phố.
Cụ thể, việc áp dụng mức thu phí theo Quyết định 23/2009/QĐ-UBND ngày 9.1.2009 đã được sửa đổi bổ sung tại Quyết định 07/2010/QĐ-UBND ngày 25.1.2010 của UBND TP.Hà Nội đối với Cty khai thác điểm đỗ xe được tính bằng 2% doanh thu hằng năm, trong khi các đơn vị còn lại nộp từ 10.000 đồng - 45.000 đồng/m2/tháng. Với cách tính trên, theo Thanh tra Bộ GTVT, mức phí đã nộp năm 2011 bình quân của Cty khai thác điểm đỗ xe chỉ khoảng 1.000 đồng/m2/tháng, còn các đơn vị khác là trên 30.000 đồng/m2/tháng. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng về nghĩa vụ nộp phí giữa các đơn vị, tỉ lệ lợi nhuận trước thuế trên chi phí của khoản phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của Cty khai thác điểm đỗ xe đạt 50,2% trong khi các đơn vị còn lại chỉ khoảng 10%.
Đồng thời, quy định cho phép nộp theo 2% doanh thu, ước tính đã gây thất thu cho NSNN hằng năm ở Cty khai thác điểm đỗ xe ít nhất từ 20 tỉ đồng/năm trở lên. Theo mức tạm tính của thanh tra bộ, kể từ mức thu thấp nhất tại Quyết định 07 và 23 của UBND TP là 10.000 đồng/m2/tháng có thể tính rằng: 204.448m2 x 10.000 đồng/m2/tháng x 12 tháng = 24,5 tỉ đồng.
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT - cho rằng: "TP.Hà Nội quyết định mức thu là đúng luật, đúng quy định, nhưng không tạo được sự công bằng giữa các đơn vị nộp phí; hơn nữa còn thất thu cho NSNN nếu tính theo mức chung so với việc phải nộp 2% doanh thu hằng năm. Chúng tôi kiến nghị không nên thu như vậy, mà cần quy định một mức thu chung cho các đơn vị".
Cũng theo Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội còn cấp giấy phép trông giữ xe thuộc danh mục tuyến đường, phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên hè phố, lòng đường theo quy định của UBND TP tại lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Hai Bà Trưng. Một số tuyến phố không đủ chiều rộng lòng đường cũng được cấp phép trông giữ ôtô như Sở GTVT đã cấp giấy phép cho Cty CP Đồng Xuân trông giữ ôtô dưới lòng đường trên các phố Ngõ Gạch, Hàng Bún, Gia Ngư khi lòng đường chỉ rộng từ 5,7 - 5,8m; cấp giấy phép cho Cty CP Mặt Trời Mọc; Cty Anh Du; Đệ Nhất; Cty khai thác điểm đỗ được phép trông giữ, dừng, đỗ xe ôtô dưới lòng đường phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường tối thiểu cũng không đủ 10,5m.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông diễn ra nhiều (4.861 trường hợp) nhưng số vụ được TP.Hà Nội xử lý quá ít (657 vụ chiếm 13,5%). Thanh tra Bộ GTVT kết luận, các lực lượng chỉ tập trung vào vi phạm dễ xử lý như: Dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm ngược chiều.
Bộ GTVT đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng sớm thu hồi các giấy phép đã cấp không đúng quy định và báo cáo Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội trước ngày 15.8.2012.
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội sửa đổi, bổ sung quyết định để áp dụng thống nhất mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè với các Cty trên địa bàn thành phố nhằm phù hợp với chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ, trong đó có dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô.
Theo Lao Động
Kỳ thú chơi ngược (2): Chơi chim kiểu độc nhất vô nhị Thú vui chơi chim giờ không còn định ở lứa tuổi nào, vùng miền nào mà nó ùa vào mọi giới già, trẻ, gái, trai, miền xuôi, miền ngược. "Chim vào lồng biết thuở nào ra" Trước đây, ở những phiên chợ nơi cửa rừng họa hoằn mới có một người xách lồng chim ra ven đường bán thì bây giờ hoàn toàn...