Làng hoa cúc Ninh Giang tất bật chuẩn bị vào vụ Tết
Còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng làng hoa Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã rộn ràng, tất bật không khí chăm sóc những chậu hoa cúc chuẩn bị phục vụ Tết.
Chăm sóc hoa cúc chuẩn bị cho vụ Tết.
Làng hoa truyền thống Ninh Giang, thuộc phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang 40km về phía Bắc được xem là thủ phủ hoa cúc của vùng Nam Trung Bộ. Từ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã bắt tay vào vụ hoa năm sau với việc chuẩn bị cây (que) cắm. Cây cắm được làm bằng tre để cắm giữ thân, hoa thẳng đứng và dễ vận chuyển. Đến đầu tháng Tư âm lịch bắt đầu ươm cây giống. Sau một thời gian, cây giống “mẹ” phát triển, sẽ tiến hành hái ngọn, nhúng thuốc kích rễ để tiếp tục nhân giống. Trước đây, người trồng hoa phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống từ các nhà vườn ươm của Đà Lạt. Hiện nay, một số nhà vườn đã tự ươm cây con phục vụ trồng vụ Tết.
Một trong những kỹ thuật quan trọng là phải sử dụng đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cho cây non, phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Chăm sóc cho đến tháng 11 âm lịch, các nhà vườn bắt đầu ngắt điện để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ; mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ 20 tháng Chạp để cùng khoe sắc với các loài hoa khác trong dịp Tết. Hoa cúc Ninh Giang được thị trường ưa chuộng bởi nét đặc thù riêng mà vùng khác không có: như màu hoa tươi, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh; chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê, tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết.
Vườn hoa cúc của Ông Trần Minh Tự, Tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang.
Video đang HOT
Ông Trần Minh Tự, Tổ trưởng Tổ hợp tác – liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang cho biết, đến thời điểm này một số diện tích hoa cúc bị bệnh vàng lá do ảnh hưởng của mưa nhiều. Khi cây bị vàng lá phải chăm sóc kỹ, phun thuốc nên giá đầu tư cao hơn năm trước. Ngoài ra, chi phí tăng cao do giá phân bón, thuốc tăng cao khiến người dân lo lắng. Một số nhà vườn cho biết, khi vào đầu vụ một số chậu hoa ở trong làng Ninh Giang đã được thương lái đặt hàng. Tuy không thông qua “hợp đồng” nhưng đơn hàng đặt trước cũng giúp người nông dân yên tâm chăm sóc.
Trong không khí lao động tất bật, “dồn lực” vào cánh đồng mùa Xuân, cả gia đình ông Huỳnh Tiền (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) đã huy động thêm 3 người tích cực chăm sóc cây. Ông Huỳnh Tiền cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 500 chậu, trong đó 250 chậu hoa cúc Đại đóa, còn lại là giống hoa cúc Pha lê, tất cả đều màu vàng. So với năm trước, năm nay, gia đình đầu tư nhiều hơn 200 chậu để cung cấp cho thị trường Tết. “Dù thời tiết có nhiều biến động nhưng chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc hoa, người dân làng hoa Ninh Giang vẫn cho ra thị trường nhưng chậu hoa tươi đẹp, nở đúng dịp Tết đến Xuân về”, ông Huỳnh Tiền tin tưởng.
Vườn hoa cúc ở phường Ninh Giang chuẩn bị cho vụ Tết.
Theo ông Phan Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, năm nay, số lượng hoa cúc chậu và người trồng nhiều hơn so với năm 2021, 2022. Nếu như năm trước chỉ có 90 hộ trồng, năm nay tăng lên 120 hộ trồng với số lượng trên 45 nghìn chậu. Hy vọng năm nay, thị trường hoa cúc sẽ sôi động vì tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, sức mua của người dân sẽ tăng lên.
Hiện nay chưa có giá bán cụ thể nhưng giá các năm trước trung bình khoảng 1-1,5 triệu đồng/chậu tùy vào kích thước. Hoa cúc chậu của phường Ninh Giang được tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Trị, Gia Lai và xuất sang Campuchia.
Làng hoa Ninh Giang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016. Làng có 147 hộ trồng hoa với 250 lao động và một Tổ hợp tác – liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho “Hoa cúc Ninh Giang”.
Làng hoa Sa Đéc chuẩn bị cho mùa du lịch 'bội thu'
Đến làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) những ngày tháng 10, người dân đang háo hức chuẩn bị đón dịp cao điểm cuối năm với niềm tin lượng khách sẽ trở lại như trước dịch Covid-19.
Làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Trừ những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, làng hoa này luôn đông đúc, nhộn nhịp dịp cuối năm và giáp Tết. Du khách từ TP.HCM, các tỉnh lân cận và cả khu vực phía Bắc đến đây mua hoa, chụp ảnh hoặc đơn giản là ngắm nhìn và cảm nhận không khí những ngày cuối năm.
Làng hoa Sa Đéc nổi tiếng cả nước với nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch đã phục hồi nhanh chóng tại làng hoa Sa Đéc. Chủ cơ sở Happy Land Hùng Thy (phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc) cho biết ngay khi du lịch mở cửa, du khách từ các địa phương lân cận đã trở lại làng hoa Sa Đéc rất nhanh. Dịp hè vừa qua, lượng khách bùng nổ tại đây, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Với không gian rộng rãi, cảnh quan đa dạng và nhiều trải nghiệm độc đáo, cơ sở này tự tin sẽ đón lượng khách lớn trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Tài - chủ vườn và đài ngắm hoa ở Sa Đéc dự báo mùa cao điểm du lịch tại đây sẽ bắt đầu vào đầu tháng 12 tới và kéo dài đến dịp rằm tháng Giêng năm sau: "Sắp tới Đồng Tháp sẽ tổ chức các sự kiện lớn, trùng với dịp cao điểm hàng năm của làng hoa Sa Đéc. Tôi hi vọng dịp Tết năm nay lượng khách sẽ trở lại như mức trước đại dịch Covid-19, tức là khoảng 1.000 khách mỗi ngày. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm hoa, chụp ảnh mà còn học cách chăm cây cảnh, hoặc chiêm ngưỡng toàn cảnh làng hoa Sa Đéc từ trên cao".
Ông Trần Hữu Tài (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với du khách về các loại cây cảnh tại vườn.
Đang có chuyến khảo sát dịch vụ du lịch tại Đồng Tháp để xây dựng sản phẩm mới, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành và dịch vụ quốc tế Ánh Dương (Hà Nội) tin rằng Đồng Tháp sẽ là điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới, vì địa phương này đang đi đúng hướng trong phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.
"Có thể thấy nhu cầu tham quan, du lịch trong nước vẫn rất cao, dự báo Tết năm nay lượng người đi du lịch sẽ tiếp tục bùng nổ. Với Sa Đéc nói riêng thì sắp tới sẽ có một mùa bội thu, vì làng hoa lâu nay đã là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra các khu, điểm khác của Đồng Tháp cũng đang đi đúng hướng khi phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; đáp ứng đúng nhu cầu chung của du khách sau dịch Covid-19 là hướng về thiên nhiên, sinh thái".
Đồng Tháp đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đồng Tháp, làng hoa Sa Đéc là điểm đến quan trọng của địa phương nên thời gian qua đã nhận được nhiều hỗ trợ, cũng như được quảng bá mạnh mẽ để thu hút khách du lịch. Các cơ sở đón khách tại Sa Đéc cũng được định hướng để phát triển các sản phẩm du lịch khác nhau, tránh trùng lặp.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho biết dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023, du lịch Đồng Tháp và Sa Đéc nói riêng sẽ có cơ hội thu hút lượng lớn du khách nhờ các sự kiện như Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Giải marathon Đất sen hồng với 3.000 vận động viên; xây dựng bộ sưu tập Sen tại khu di tích Gò Tháp; Festival hoa Sa Đéc 2023...
"Với các điểm nhấn đó, chúng tôi tạo sự đồng thuận trong nhân dân, kết nối các cơ quan quản lý và mời gọi doanh nghiệp du lịch xây dựng nhiều tour tuyến hấp dẫn nhằm đưa du khách cả nước về thăm Đồng Tháp" - bà Huỳnh Thị Hoài Thu nói./.
Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) Hà Nội Hồ Hoàn Kiếm là một trong những thắng cảnh của Thủ Đô Hà Nội, đây là một di tích có lịch sử ngàn năm văn hiến. Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi với cái tên là Hồ Gươm, được du khách nước ngoài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố". Đây không chỉ là nơi hóng gió, dạo mát với xung quanh...